Những câu chuyện cổ tích thế giới hay và đặc sắc, giáo dục bé những đức tính tốt.
Hoàng tử và nàng Ếch - Truyện cổ tích Pháp
Ngày xửa ngày xưa, ở một đất nước xa xôi nọ, có một cặp vợ chồng già có tới bảy người con. Các cô con gái đều xinh đẹp, duy chỉ có cô thứ bảy lại là một con ếch. Cha mẹ cho cô út ở một gian phòng nhỏ và chăm sóc như những người con khác. Nàng Ếch cũng nói được tiếng người, và cùng lớn lên với các chị của mình.
Một hôm, trong hoàng cung nhà vua mở hội kén vợ cho hoàng tử. Theo phong tục từ xưa để lại, tất cả những cô gái chưa có chồng tại xứ sở này đều được mời đến hoàng cung hai ngày để dự tiệc.
Cô nào lọt vào mắt xanh của hoàng tử thì sẽ được chọn làm vợ. Trên cả đất nước, các cô gái nô nức chuẩn bị đi dự tiệc tại triều đình. Sáu cô con gái của vợ chồng già nọ cũng sắm sửa bộ hành đi dự hội. Nàng Ếch cũng muốn đi nên thẽ thọt hỏi các chị mình:
– Các chị có thể cho em theo cùng được không?
Nhưng các cô chị đã không đồng ý. Họ nói với nhau:
– Nếu để con ếch đi theo thì thật là xấu mặt! Thiên hạ sẽ cười vào mặt chúng ta mất.
Thế rồi họ diện những bộ quần áo đẹp nhất và lên đường. Nàng Ếch nghe các chị nói vậy cũng không lấy làm buồn phiền. Chờ các chị đi khỏi, Ếch lặng lẽ đi theo. Dọc đường, nàng chui vào một bụi rậm, trút bỏ bộ da ếch, lập tức biến thành một cô gái đẹp tuyệt vời. Rồi nàng vội vã đến hoàng cung.
Hoàng cung được trang hoàng lộng lẫy, mọi người vui vẻ dự tiệc nhưng ai cũng rất chú ý đến vị hoàng tử đẹp trai ngồi phía trên. Còn hoàng tử lại chẳng để ý đến ai. Nhưng khi nhìn thấy nàng Ếch bước vào chàng thấy đây là cô gái xinh đẹp nhất và chàng đem lòng thương nhớ, quyết định chọn nàng là vợ mà không cần biết gốc gác của nàng ra sao và từ đâu đến.
Ngày đầu tiên của lễ hội kén vợ qua đi, hoàng tử vẫn chưa công khai tuyên bố sự lựa chọn của mình. Chàng vẫn niềm nở tiếp đón các cô gái và các vị khách quí.
Ảnh minh họa.
Nàng Ếch, sau bữa tiệc lại bí mật trở về theo con đường rừng. Đến chỗ bụi rậm, nàng lấy bộ da ếch khoác lên người và lại biến thành con ếch. Nàng trở về nhà trước khi sáu cô chị về nhà.
Hôm sau, sáu cô chị lại lên đường, nàng Ếch lại đòi đi theo nhưng các cô chị vẫn từ chối. Chờ cho các chị đi khỏi, nàng Ếch lại đi theo. Nàng lột bộ da ếch giấu trong bụi rậm và lại biến thành cô gái xinh đẹp bước vào hoàng cung.
Lúc này, hoàng tử đã nhìn thấy nàng Ếch xinh đẹp và vẫn quyết định lấy nàng làm vợ. Tuy nhiên, ngày thứ hai của lễ hội kén vợ qua đi mà hoàng tử vẫn chưa công khai lấy ai làm vợ mình.
Các cô gái lần lượt ra về và vẫn nuôi niềm hy vọng. Nàng Ếch vội vã theo con đường rừng trở lại chỗ bụi rậm, lấy bộ da ếch khoác lên người và kịp về nhà trước các cô chị của mình.
Nàng yên tâm đi ngủ vì nghĩ rằng không ai biết những gì nàng đã làm. Xong có một người đã biết rõ tất cả. Người đó chính là hoàng tử. Chàng đã bí mật đi theo nàng kể từ khi nàng rời khỏi hoàng cung và đã chứng kiến tất cả.
Một thời gian ngắn sau, người ta thấy văn võ bá quan triều đình cùng binh lính rầm rập kéo đến nhà của cặp vợ chồng già nọ. Sáu cô chị vui mừng khấp khởi, ai cũng hy vọng hoàng tử sẽ chọn mình.
Nhưng không ai để mắt đến họ. Các quan đến phòng nàng Ếch và mời nàng lên kiệu. Trước sự lựa chọn đấy, ai cũng buồn cười và nhạo báng hoàng tử. Còn nhà vua thì nổi giận đuổi chàng ra khỏi hoàng cung và truất quyền thừa kế ngôi vị của hoàng tử.
Hoàng tử vâng lệnh vua cha rời khỏi hoàng cung và đưa nàng Ếch ra vùng ngoại thành sinh sống, chàng yêu thương nàng Ếch hết mực.
Nàng Ếch kể từ khi lấy hoàng tử thì chưa một lần nào hiện trở lại thành người. Đêm đêm khi hoàng tử ngủ say, nàng lại lột bỏ lớp vỏ ếch trở lại thành người đẹp và đến bên chồng âu yếm.
Thế là hoàng tử và nàng Ếch mỗi người một thế giới nhưng sống với nhau rất hạnh phúc, yêu thương và gắn bó với nhau.
Nhưng cứ phải sống mãi với cảnh người và ếch như thế này, hoàng tử không thể nào chịu nổi. Rồi một hôm, chàng giả vờ ngủ thật say. Nàng Ếch không nghi ngờ gì, trút bỏ bộ da ếch trở thành người đẹp và đến bên chồng.
Hoàng tử nhìn thấy tất cả cảnh đó, chợt chàng vùng dậy vồ lấy bộ da ếch và ném vào bếp lò. Vậy là nàng Ếch không làm sao trở lại lốt ếch được nữa. Từ đó hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc.
Chuyện lạ đến tai vua cha, người vui mừng khôn xiết cho gọi hai vợ chồng hoàng tử trở về cung và truyền lại ngôi báu cho chàng.
Người vợ ngốc nghếch - Truyện cổ tích Đức
Bác nông dân nọ lấy phải bà vợ không được tinh khôn như người thường, ai nói gì cũng tin, đến nỗi người ta lừa cho mà không biết. Bác buồn phiền lắm, than thở:
– Chẳng hay trên đời có người nào ngốc hơn vợ tôi không?
Bà vợ tuy bực mình nhưng cũng nhận thấy mình sai, đành nói liều:
– Thiếu gì, vẫn có người ngốc hơn tôi đấy!
Người chồng chỉ biết thở dài. Một hôm, bác có việc lên tỉnh, khi ra đi dặn vợ:
– Tôi lên tỉnh, ba ngày nữa mới về. Tôi đã nói với người lái bò đến, ông ta mua cả ba con bò nhà ta đấy! Bò nhà ta gầy quá, chăn cỏ mãi cũng không béo cho. Ông ta có trả rẻ một chút, bà cũng bán đi, kẻo không qua khỏi ngày đông tháng giá này đâu. Nhưng bà phải thật cẩn thận, đếm cho đủ tiền. Mấy ông lái bò thì nhiều mánh khóe lắm!
Bà vợ đáp:
– Ông cứ đi đi thôi. Tôi sẽ đòi mỗi con hai trăm đồng, thiếu một xu với tôi cũng không được. Còn tiền thì ai chả phải đếm, đợi ông dặn nữa hay sao?
Người chồng nghe vợ nói thì thấy vợ mình cũng chẳng đến nỗi nào. Ngốc là ngốc cái gì cơ, chứ tiền bạc thì bà ta chẳng ngốc đâu.
Và bác yên trí ra đi.
Hôm sau, người lái bò đến. Người vợ ngốc nghếch nhất định đòi mỗi con đúng hai trăm, ba con vị chi sáu trăm, kém một xu cũng không bán. Người lái bò không nhiều lời, nói sáu trăm thì xin trả đủ cả sáu trăm, không bớt đồng nào. Hắn xem bò xong rồi lùa bò ra khỏi chuồng. Bà kia ngăn lại, nói:
– Hẵng khoan. Đưa tiền ra đây tôi đếm đã. Trả đủ thì mới được dắt bò.
Hắn đáp:
– Được thôi.
Rồi lấy tiền ra trả. Bà kia đếm đi đếm lại chỉ có hai trăm đồng, liền nói:
– Không được, không đủ tiền thì lùa bò vào chuồng lại cho tôi. Tôi đã nói rồi, thiếu một xu cũng không bán.
Người lái bò thong thả nói:
– Thì tôi có bớt của nhà bà đồng nào đâu. Tôi mang đi có bấy nhiêu, như vậy còn thiếu bao nhiêu nữa nhỉ?
– Sáu trăm mà ở đây có hai trăm, còn thiếu bốn trăm nữa.
Người lái bò bàn:
– Thôi thì như thế này nhé! Tôi để hai trăm này lại, xem như tiền đặt cọc. Bây giờ tôi dắt hai con về, gửi bà một con. Ngày mai tôi đưa tiền đến trả đủ rồi sẽ dắt về.
Người vợ ngốc nghếch tính một hồi rồi bằng lòng. Người lái bò dắt hai con đi. Nhưng ngày mai không thấy hắn trở lại nữa. Hắn ở đâu, người xứ nào, chẳng ai biết.
Bác nông dân về nhà, hỏi bò đã bán chưa. Người vợ kể rõ ràng mọi việc:
– Bò ở nhà, tôi bán rồi. Mỗi con hai trăm, ba con sáu trăm không thiếu một đồng xu. Anh ta đưa hai trăm, tôi đếm đi đếm lại còn thiếu bốn trăm. Anh ta dắt hai con bò về, để lại một con và hai trăm đặt cọc. Tính lại thì đủ số tiền rồi. Ông nghe ra chưa?
Ảnh minh họa.
– Trời ơi! Bà mà tin miệng gã lái bò à? Chết tôi rồi. Như vậy là hai con bò kia bán cho gã có hai trăm thôi. Bà thấy không? Chết, chết! Mắc bợm rồi! Thật không ai ngốc hơn bà!
Người vợ tính đi tính lại, thấy mình hớ, nhưng vẫn nói liều:
– Thiếu gì, vẫn có người ngốc hơn tôi đấy!
Hôm ấy người chồng tức tối bỏ nhà đi, định bụng chỉ khi nào gặp được người ngốc hơn vợ mình mới trở về, còn không thì đi thẳng. Bác cú theo đường cái mà đi. Đi một chặng, bác ngồi xuống một hòn đá bên đường nghỉ chân, thì có một người đàn bà đi qua hỏi sao bác ngồi đấy và trông có vẻ buồn rầu như thế kia. Bác trả lời:
– Ở trên thiên đường xuống đây.
Tưởng là nói cho vui, ai ngờ người đàn bà kêu lên:
– Bác ở trên thiên đường xuống thật ư? Vậy có gặp nhà tôi trên ấy không? Nhà tôi ấy mà, mất năm ngoái. Nhà tôi chăn cừu.
Biết người này cũng ngốc như vợ mình, bác nói luôn:
– Có, có gặp. Tội nghiệp! Tôi thấy anh ta mặc rách rưới lắm. Hỏi thì nói, đàn cừu cứ lạc vào bụi rậm, phải chui vào bắt, mắc vào gai góc đến nối thế.
Người đàn bà khóc thảm thiết hỏi bác có cách nào gửi tiền lên cho chồng sắm sửa quần áo lành lặn hơn không. Nhà vừa bán lúa được một món tiền. Bác nông dân nghĩ bụng đây là dịp để mình lấy lại số tiền thua thiệt vì vợ mình mắc bợm gã lái bò, liền nói:
– Chị có gửi tiền lên cho anh ấy may áo thì đưa tôi, tôi sẽ chở kleen thiên đường đây.
Chị kia tất tả chạy về nhà, lấy tiền đưa cho bác thật, đúng năm trăm, lại còn cảm ơn rối rít. Bác cầm tiền bỏ vào túi, lẩm bẩm:
– Vợ mình chưa hẳn đã ngốc nhất đâu! Quả là không thiếu người ngốc hơn. Ai nói thế nào cũng tin được!
Một lát, lại thấy có một chàng trai cưỡi ngựa đuổi theo, vừa tới nơi, xuống ngựa hỏi ngay:
– Bác làm ơn cho biết có phải bác sẽ lên thiên đường không đấy?
Bác đoán chàng trai này chắc là con người đàn bà nọ biết mình bị kẻ bợm lừa, nên đuổi theo đòi tiền lại, bèn nói:
– Không phải tôi. Người lên thiên đường đi qua đây từ lúc nãy, bây giờ chắc đã tới núi đằng kia rồi!
– Chắc bác nhận ra ông ta. Nhờ bác làm ơn giúp chúng tôi. Mẹ tôi bảo tôi đưa con ngựa này lên cho bố tôi ở trên ấy để có ngựa mà đi tìm cừu khi cừu lạc!
Bác nghĩ bụng, lại một anh chàng ngốc nữa và nói:
– Để tôi giúp cậu.
Rồi bác nhảy lên ngựa, phi nước đại trở về nhà, nói với người vợ ngốc nghếch:
– Nhà nói không sai. Quả thật trên đời không thiếu người ngốc. Người này ngốc, có người kia lại ngốc hơn. Nhà chưa phải là người ngốc nhất! Có như thế, những kẻ bịp bợm mới có đất để sống.
Đêm nằm nghĩ lại, bác nhận thấy thì ra mình cũng là một kẻ bịp bợp, đã lợi dụng lòng tin của người khác. Thế rồi hôm sau, bác cưỡi ngựa, mang tiền đi tìm người đàn bà kia trả lại.
Sự tích con Thiên Nga - Truyện cổ tích Nanai (Nga)
Ngày xưa, có một cô bé người Nanai tên là Aioga. Cô bé rất xinh. Mọi người đều yêu cô. Thậm chí có người nói rằng không một làng nào trong vùng có người xinh hơn cô cả. Aioga kiêu hãnh lắm. Cô tự ngắm mình, lúc thì trong chậu đồng đánh bóng, lúc thì trên dòng nước trong, càng ngắm càng tự thấy hài lòng.
Aioga lười hết sức, lúc nào cũng chỉ tự ngắm nghía. Một hôm mẹ cô bảo:
– Aioga, con đi xách nước đi!
Cô gái đáp:
– Con ngã xuống nước mất!
Mẹ bảo:
– Con bám vào bụi cây ấy!
Aioga đáp:
– Cây bật gốc thì chết!
– Thì con phải bám vào bụi chắc ấy chứ!
– Tay con xước hết ra mất!
Mẹ cô lại bảo:
– Con đeo bao tay vào.
– Bao tay cũng đứt hết – Aioga đáp. Rồi cô lại lấy chậu đồng ra soi xem mình đẹp đến như thế nào.
– Con lấy kim khâu bao tay lại!
– Kim gãy mất!
– Lấy cái kim to ấy – Bố cô nói.
– Kim ấy sẽ làm thủng tay con!
– Lấy cái đê da cứng mà đeo!
Ảnh minh họa.
Vừa lúc ấy, một cô bé hàng xóm bảo mẹ Aioga:
– Để cháu đi lấy nước cho bác nhé!
Cô ra đi và xách nước về. Bà mẹ nhào bột, làm bánh, nướng bánh. Aioga nhìn những chiếc bánh, kêu lên:
– Mẹ cho con một cái!
– Bánh nóng cầm bỏng tay – Mẹ cô trả lời.
– Thì con đeo bao tay – Aioga nói.
– Bao tay ướt rồi.
– Con sẽ đem phơi.
– Phơi, nó sẽ cứng.
– Con sẽ bóp cho nó mềm.
– Thế thì đau tay – Mẹ cô đáp – Việc gì con phải làm việc cho phí hoài nhan sắc. Tốt hơn hết là để mẹ đem bánh cho cô bé lúc nãy không tiếc sức mình xách nước giúp mẹ.
Bà mẹ lấy bánh đem cho cô bé hàng xóm. Aioga giận lắm. Cô bỏ nhà ra sông soi bóng mình dưới nước. Cô bé hàng xóm thì ngồi ăn bánh. Aioga nhìn cô bé. Cổ Aioga dướn lên đâm ra dài ngoẵng. Cô bé bảo Aioga:
– Bạn lấy bánh này mà ăn!
Aioga càng tức. Cô xì lên một tiếng, rồi vung hay tay lên. Những ngón tay xoạc ra, toàn thân cô trắng toát vì giận. Cô vùng vẫy mãi đến nỗi hai tay biến thành đôi cánh.
– Ta không cần gì cả.a..a…!
Rồi không đứng vững trên bờ nữa, Aioga ngã nhào xuống nước và biến thành con Thiên Nga. Thiên Nga vừa bơi vừa kêu:
– Ái chà, ta đẹp làm sao! Ôi, đẹp nhất là ta.a..a…
Nó cứ bơi, bơi mãi cho đến lúc quên hẳn không nói được tiếng Nanai nữa.
Duy chỉ có tân mình là nó không quên, và hễ gặp ai nó cũng kêu lên để người ta biết xưa kia nó là cô gái đẹp:
– A.i..o…ga…, A.i..o…ga…!
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Nhiều câu chuyện cổ tích giáo dục các bé không nên lười biếng và hiểu được giá trị của lao động.