Những câu chuyện cổ tích chọn lọc dạy trẻ bài học cuộc sống thú vị.
Làm ơn hóa hại
Xưa có Trần Công là người có lòng sốt sắng. Ai có việc gì nhờ vả, ông đều sẵn sàng. Trong đời ông, ông đã từng đi lại nhiều nơi, đến đâu cũng hết lòng giúp đỡ người nguy kẻ khó mà không quản ngại.
Một hôm Trần Công vai đeo đãy, tay chống gậy tới vùng Hạ Hòa. Ở đây đang có nạn hạn hán. Trời nắng chang chang như thiêu như đốt, ruộng nứt nẻ hết.
Trải qua một đoạn đường dài, ông thấy khát khô cổ nhưng đi mãi vẫn không gặp một hàng quán nào cả. Ông ghé vào một nhà nọ ở bên đường. Cả nhà đều đi vắng. Nhìn vào chum vại, ông thấy khô kiệt. Vào nhà thứ hai cũng vậy. Ông vội đi tìm giếng nhưng không thấy đâu cả.
Ông bèn trèo lên một hòn đá đứng để tìm ao hồ, nhưng bao nhiêu ao hồ đều khô rông rốc. Mãi sau mới thấy một đám đông đang lúi húi chắt mạch ở một vũng nọ, ông vội tìm đến nơi. Gặp một người cầm bình nước, ông gọi xin uống. Uống xong, Trần Công tỉnh ra liền hỏi;
– May quá, nếu không gặp ông, có lẽ tôi chết mất. Không ngờ ở đây hột nước lại hiếm đến như vậy.
Người kia đáp:
– Vâng, chúng tôi đều nguy mất. Đã hai năm nay cái bà thần Mưa ác nghiệt đã quên mất vùng này. Giá có ai lên đó nhắc bà ấy hộ nhỉ.
Trần Công khảng khái nói ngay:
– Vậy thì tôi xin đi tìm thần Mưa giục phải làm mưa sớm cho bà con ta!
Từ giã ra đi, Trần Công quyết tìm đến xứ sở của thần Mưa. Ông trèo lên nhiều núi, lội rất nhiều khe, qua rất nhiều ngày mà vẫn chưa đến. Một hôm, Trần Công trèo lên một quả đồi. Một con vượn già bị mắc bẫy, thấy có người đến thì kêu lên:
– Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Ông vội chạy lại tháo bẫy cho nó. Được tự do, vượn hết lời cảm ơn ông. Nó hỏi:
– Ông đi đâu bây giờ?
– Ta đi tìm xứ sở của thần Mưa.
– Xứ sở của thần Mưa còn xa đây lắm, ông già rồi làm sao có thể tới nổi?
Ảnh minh họa.
– Dù xa bao nhiêu ta cũng quyết đi để giục thần Mưa phải mau mau cứu vùng Hạ Hòa đang bị hạn.
– Thế thì để tôi biếu ông một vật.
Vượn bèn bảo ông ngồi chờ, rồi chạy vội vào rừng, chốc sau nó trở lại với một cái gậy con. Đưa cho Trần Công, vượn nói:
– Cái gậy có phép rút đất, ông có thể đi bất cứ nơi nào cũng được, chỉ cần nói chỗ mình đến là đủ.
Trần Công vui vẻ nhận món tặng vật, cảm ơn vượn rồi bảo gậy:
– Hỡi thần gậy, hãy đưa ta đến xứ sở của thần Mưa.
Tự nhiên ông thấy mắt hoa lên, cây cối núi non hai bên như chạy rạt rất nhanh về phía sau, chỉ độ nửa buổi là đứng lại. Ông nhận thấy mình đứng giữa một nơi quang cảnh lạ lùng. Nhưng ở cũng có người và vật như ở trần gian. Ông hỏi nhà thần Mưa, người ta chỉ cho ông. Ông gọi đến cổng. Có tiếng nói vọng ra:
– Ai đó? Mời vào.
Bước vào nhà, ông thấy một bà già hom hem đang nằm trên giường. Ông hỏi:
– Bà có phải là thần Mưa không?
– Phải.
– Tại sao bà để cho trần gian có những vùng hạn hán đến nỗi không đủ nước mà uống. Sao bà ác thế? Bà không biết ở hạ giới người ta rủa bà hàng ngày hàng giờ đấy ư?
Bà già không nói gì, mời ông ở lại khoản đãi cơm nước tử tế. Ở được vài ngày vẫn không thấy bà làm gì cả, suốt ngày chỉ nằm rên khừ khừ, Trần Công lại tới nhắc. Bà già nói:
– Ta vốn có phận sự làm mưa ở trần gian. Nhưng mấy lúc này ta bị một ác chứng không thể đi đâu được. Ta có ý chờ con gái ta về, nhưng không hiểu sao nó đi chơi lâu quá! Nay trời cũng có lệnh truyền bảo làm mưa, ta muốn cậy ông làm hộ.
– Tôi thì biết gì mà làm.
– Công việc kể ra không có gì khó lắm, chỉ cần làm theo lời dặn là đủ. Ông nhìn trên vách kia có một cái bầu, nếu ông bằng lòng đi, tôi sẽ múc nước đầy bầu cho ông. Bên cạnh bầu có một nhành lá. Chỉ cần trèo lên lưng con sư tử mà ngồi cho vững. Nó sẽ đưa ông đi tới những miền đã định sẵn. Thế rồi ông cứ nhúng những nhành lá vào bầu mà vẩy xuống, nhưng phải vẩy từ từ mới được.
– Thế thì tôi sẵn lòng làm giúp. Bà cứ sắm sửa mọi thứ ngay đi!
Bà già ngồi dậy ra bể múc đầy bầu nước và gọi một con sư tử đến dặn dò mọi việc, Trần Công trèo lên lưng sư tử, một tay cầm bầu, một tay cầm nhành lá. Sư tử liệng một vòng trên không rồi bay xuống hạ giới lần lượt đến những chỗ làm mưa.
Trần Công nhìn xuống thấy mọi vật đều nhỏ li ti như hạt bụi. Nhưng ông lo lắng đến công việc đã hứa. Ông bèn cầm nhành lá nhúng vào bình rồi vẩy lia lịa. Nhìn xuống đã thấy một phía trời mịt mù. Ông đoán chắc là mưa to, trong lòng lấy làm thích thú.
Ông cứ lần lượt vẩy mãi, vẩy mãi, mỗi lần đến một chỗ mới. Khi đi đến vùng trời Hạ Hòa, ông sực nhớ tới những lời than phiền hạn hán của những người dân nơi đây, bụng bảo dạ: “Ta phải cho họ thêm một ít nước để bù vào những cơn nắng hạn dữ dội, chứ mưa như thế chắc không thấm tháp gì.
Vả lại để đền ơn cho họ đã cứu ta khỏi chết khát”. Bèn không vẩy nữa mà cầm cả bầu dốc ngược. Thấy thế sư tử tỏ vẻ hoảng sợ ngoái lại bảo ông dừng tay, rồi quay trở về. Chỉ một lát sau nó đã về đến nhà. Bà già ra đón hỏi. Ông thực thà kể lại đầu đuôi. Nghe đoạn, bà già chép miệng:
– Thôi, thế là ông đã làm hại người ta rồi. Ở chốn ấy bây giờ chắc chẳng còn một mống nào sống sót.
Trần Công nghe nói giật mình, nhưng vẫn không tin lời bà già lắm. Hôm sau ông từ giã thần Mưa ra về. Chiếc gậy rút đất lại đưa ông xuống cõi trần một cách chóng vánh.
Đường đi qua vùng Hạ Hòa, ông dừng lại để xem thử thế nào. Thì ra ở nơi này nhà cửa, cây cối, người và vật đều chẳng còn một tí gì. Cả cái mô đất cao cũng bị hóa bằng, nếu không có hòn đá lớn mà ông nằm nghỉ hôm nọ còn lại, thì cơ hồ ông cứ tưởng là cõi hoang vu nào thưở trước. Ông tặc lưỡi hối hận:
– Thật có ai ngờ làm ơn hoá hại.
Tam và Tứ
Ngày xưa có một người làm nghề bưng trống tên là Tam. Mỗi lần làm xong một số hàng có đủ trống con trống lớn, ông thường mang đi các vùng lân cận để bán. Bán hết, ông lại trở về làm chuyến khác. Một hôm ông gánh hàng đi bán ở một vùng khá xa. Vừa trèo lên một ngọn đèo, ông bỗng thấy một người ngồi ẩn dưới bóng một cây đa.
Thấy mệt và nóng bức nên ông cũng dừng lại ở đây nghỉ chân. Trong khi trò chuyện, hai người hỏi tên tuổi và nghề nghiệp của nhau. Người hàng trống biết khách tên là Tứ làm nghề buôn vặt nhưng hết vốn, đang định tìm chỗ làm thuê để nuôi miệng.
Tam thương cảnh ngộ của Tứ, bèn giở gói cơm ra mời ngồi lại cùng ăn, đoạn bảo Tứ:
– Bây giờ anh hãy gánh giúp cho tôi một đoạn đường từ đây tới khi anh rẽ lối khác. Tôi sẽ trả anh một số tiền.
Hai người bắt đầu xuống núi. Đi một thôi đường, họ thấy khát nước, và sau đó, cả hai đều dừng lại bên một cái giếng thơi ở vệ đường. Nhìn thấy giếng sâu, thành đứng lại đầy rêu, không biết làm sao mà múc, Tứ bảo Tam:
– Bây giờ ta làm cách này thì uống được. Tôi buộc sợi dây lưng vào người, ông nắm chặt lấy một đầu dây, để tôi bám vào thành giếng trèo xuống. Uống xong ông kéo lên cho. Sau đó đến lượt ông lại làm như tôi để xuống.
Họ làm như lời đã bàn. Nhưng đến lượt Tam xuống thì Tứ để mặc Tam dưới đáy giếng rồi quảy gánh trống đi luôn một mạch. Tam gọi mãi không thấy Tứ, biết là bị lừa, bèn đứng dưới giếng kêu cứu ầm ĩ.
Không may cho Tam là đoạn đường ấy rất vắng nên kêu khản cả cổ mà chả có một tiếng trả lời. Mãi đến chiều tối mới gặp được mấy người khách bộ hành đi qua, nhờ đó được họ kéo lên khỏi giếng.
Ảnh minh họa.
Tam vừa xót của vừa giận phường bội nghĩa, đi thất thểu mãi đến chiều rồi lạc vào một ngôi chùa. Ông gọi người thủ hộ, nài nỉ xin cho mình được vào nghỉ nhờ một đêm. Thủ hộ bảo:
– Ở đây có bốn con quỷ “quàn tài” dữ lắm. Thường đến canh ba thì chúng hiện ra. Người quen thì chớ, còn người lạ thì chúng nó bóp cổ. Thôi, ông đi chỗ khác mà trú, đừng lân la nơi đây mà thác uổng mạng!
Tam bấy giờ đầu gối đã mỏi, mắt đã ríu, nên đáp liều:
– Bạch thầy, thầy cứ làm ơn cho tôi ẩn nấp một chỗ nào đó kín đáo, để tôi ngủ nhờ một tối, kẻo tôi bây giờ không thể lê bước đi đâu được nữa.
Thủ hộ chỉ vào một cửa hang và bảo:
– Đó là cái hang mà bốn con quỷ hay ra vào, bên cạnh cửa hang có một chỗ kín có thể nấp được, ông vào đó mà ngủ may ra thì thoát. Ngoài đó ra chả có nơi nào kín kết!
Tam đành chui liều vào chỗ thủ hộ chỉ, rồi đặt mình xuống một giấc. Đến canh ba, tỉnh dậy, thấy bốn con quỷ vừa đi đâu mới về. Chúng nó đứng lại ở cửa hang trò chuyện với nhau. Con quỷ thứ nhất nói:
– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về phía bên trái có chôn sáu chĩnh bạc.
Con quỷ thứ hai nói:
– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về bên phải cũng có chôn sáu chĩnh vàng.
Con quỷ thứ ba nói:
– Còn tôi, tôi có biết một chỗ giấu một viên ngọc quý, ai mà bắt được thì có thể làm chúng ta chết ngay lập tức!
Con quỷ thứ tư nói:
– Ngọc ở đâu?
– Ở bên cạnh cửa hang này.
Nghe nói thế, Tam nhớ lại lúc đi ngủ quả có thấy một viên gì tròn tròn và sáng ở ngay cạnh chỗ nằm; lập tức chàng với tay chộp lấy ngọc. Giữa lúc mấy con quỷ chưa kịp bỏ đi, Tam đã vung tay ném hòn ngọc vào giữa chúng, làm cho cả bốn đều chết thẳng cẳng.
Sáng dậy, Tam bước ra khỏi chỗ nằm đi tìm thủ hộ để cảm ơn. Sau đó ông trở về gọi người nhà tìm đến chùa, đào lấy mấy chĩnh vàng và bạc. Từ đó, Tam trở nên giàu có sung sướng.
Còn Tứ sau khi cướp được gánh trống của Tam, bèn tìm đi một nơi xa để bán. Chiều tối hắn ghé lại một cái quán xin nghỉ trọ. Chủ quán bảo:
– Ở đây khuya lại có quỷ hiện ra làm hai khách lạ. Vậy ông hãy gắng đi thật xa mới khỏi làm mồi cho chúng.
Nghe nói Tứ hoảng sợ, nhưng bấy giờ tìm đến làng xóm thì đã quá muộn, hắn đành phải xin chủ quán chỉ cho một chỗ kín đáo để nấp tránh lũ quỷ. Chủ quán chỉ cho Tứ một cái hang kín. Tứ đặt gánh trống ở ngoài cửa hang, chui vào nằm ngủ.
Khuya lại, quả có một lũ quỷ kéo đến cửa hang. Chúng vô tình giẫm lên mặt trống, trống phát tiếng “thùng thùng”. Giật mình kinh sợ, mỗi con quỷ chạy trốn vào một xó. Một con quỷ chui nhào vào hang Tứ nằm giữa lúc hắn đang ngủ mê. Thế là tiện tay quỷ bóp cổ, hắn chết.
Thầy cứu trò
Ngày xưa có một anh học trò côi cút hiền lành. Nghe tin ở một tỉnh Đàng ngoài có một ông thầy nổi tiếng tài cao học rộng, ngoài “bách gia chư tử”, các môn “nhâm, cầm, độn, toán” hết thảy đều tinh thông, anh học trò liền để người vợ trẻ ở nhà, cố lặn ngòi noi nước tìm đến tận nơi theo học. Học được ba năm, một hôm anh bỗng nhớ tới vợ bèn xin phép thầy trở về thăm quê. Thầy bảo trò ngửa bàn tay cho xem, xem xong, thầy bảo:
– Con về lần này lành ít dữ nhiều, không nên con ạ!
Tuy người học trò vâng lời, nhưng thầy thấy vẻ mặt anh ta không được vui, việc học có phần trễ nải, nên sau đó ít lâu, thầy lại bảo:
– Như chí con đã quyết thì con cứ về. Con sẽ gặp một số tai nạn, để ta đọc cho nghe mấy câu này, con nhớ kỹ lấy và theo đúng thì mới tránh được:
Gặp đình chớ tới,
Gặp thơm chớ gội,
Gặp gà chớ đuổi,
Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi.
Anh học trò nhẩm lấy thuộc lòng và từ giã thầy ra về. Đi luôn mấy ngày đường, một hôm anh bỗng gặp một trận mưa lớn, lúc ấy anh đang đi giữa một cái đồi vắng, anh vội vã bước mau để tìm chỗ nấp.
Vừa hay trong lùm cây trước mặt, anh thấy thấp thoáng có một ngôi đình cổ trong đó có mấy người đang ẩn mưa. Anh co cẳng chạy tới nhưng lúc sắp tới nơi bỗng sực nhớ tới lời dặn đầu tiên của thầy nên anh dừng lại. Những người nấp trong đình gọi rối rít:
– Anh kia chạy vào mau kẻo ướt!
Anh thủng thỉnh đáp:
– Thầy tôi đã dặn không được trú trong đình, bà con hãy ra đi kẻo nguy.
Mọi người đều cười khi thấy anh cứ đứng giữa mưa gió mà không
Ảnh minh họa.
chịu vào. Nhưng chỉ một chốc sau đình bỗng dưng đổ xuống rầm một cái, mấy người nấp trong đó đều thiệt mạng. Anh học trò chỉ còn biết nhỏ nước mắt khóc cho những người xấu số, rồi lại tiếp tục lên đường về nhà.
Lại nói chuyện người vợ của anh, sau khi chồng đi học vắng, ở nhà tằng tịu với một gã trai khác. Hai người say mê nhau và điều ước muốn của họ là làm sao lấy được nhau mới thỏa dạ. Cuối cùng họ trù tính chỉ có tìm cách khử anh chồng của ả kia đi thì mới có thể sum họp với nhau lâu dài.
Thấy chồng về, vợ làm bộ mừng rỡ rồi rít. Chuyện trò được một chốc, vợ đòi đi chợ để sắm cái ăn, kỳ thực là chạy đến nhà tình nhân báo tin cho y biết để y định liệu. Anh tình nhân bảo người đàn bà:
– Về nhớ nấu nước bồ kết trong đó bỏ vào một ít lá thơm cho nó gội. Đêm đến ta sẽ có cách.
Vợ trở về nhà nên cứ y kế nấu nước thơm cho chồng gội đầu rồi bảo với chồng:
– Mình yêu quý của tôi ơi! Hãy tắm gội thay áo quần đi kẻo đi đường bao nhiêu ngày bụi bặm. Tôi đã nấu sẵn bồ kết nước thơm cho mình đây!
Chồng nghe nói đến hai tiếng “nước thơm” thì giật mình, sực nhớ tới lời dặn thứ hai của thầy, bèn chối từ không gội. Vợ cố dỗ dành đôi ba lần. Thấy vợ nài mãi, chồng kiếm cách nói cho vợ khỏi phật lòng:
– Ngày hôm qua khi đi qua bến tôi đã tắm gội sạch sẽ, mình đừng có lo gì cho tôi cả.
Vợ thấy nói không được mà đổ đi thì tiếc của, sẵn đầu tóc lâu ngày chưa gội, cuối cùng đành dùng nước ấy gội đầu cho mình.
Đêm hôm ấy, khi hai vợ chồng đang ngủ say, thì người tình nhân lẻn đến bên giường tay cầm một con dao sắc. Tuy đêm hôm tối tăm hắn cũng tìm ra cái đầu thơm một cách dễ dàng và dùng dao cắt cổ êm thắm và mau lẹ.
Khi giết xong, hắn toan gọi tình nhân dậy để cùng mình khiêng xác vứt xuống sông, nhưng bỗng hắn nhận ra là mình đã giết nhầm người yêu. Sợ quá, hắn bèn nhanh chân thoát ra khỏi nhà, may làm sao không một ai biết cả.
Anh học trò ngủ một giấc mê man mãi đến sáng mới tỉnh dậy. Anh hết sức kinh ngạc khi thấy vợ mình đã đầu lìa khỏi cổ. Anh vội kêu cứu ầm lên. Làng xóm đổ tới rất đông. Anh kể hết mọi việc. Có mấy người đồ rằng anh này đã tự tay giết vợ rồi bày chuyện la làng để đánh lừa mọi người. Bọn hào lý không cần phân biệt phải trái, sai đóng gông anh lại và giải lên quan.
Sau những ngày tra khảo, anh học trò vẫn một mực khai rằng mình không can cớ gì làm hại vợ cả. Vả chăng, nếu đã định tâm giết vợ thì trốn đi, dại gì mà kêu làng tới. Nhưng anh cũng không có cách gì để chỉ ra thủ phạm, vì thế vẫn cứ phải giam vào ngục để còn cứu xét.
Một hôm ở nhà giam, người ta phơi thóc để bắt tù phạm xay giã. Anh học trò được bọn lính cắt cho công việc canh gà là việc nhẹ nhất. Anh ngồi ở một góc sân nhìn ra. Bầy gà trong trại thấy có thóc thì rủ nhau mò tới kiếm ăn. Nhưng anh học trò bỗng nhớ tới lời dặn thứ ba của thầy nên cứ để cho gà ăn mà không chịu xua. Bọn lính gác thấy vậy mắng anh:
– Sao bảo canh gà mà mày cứ ngồi trơ ra như phỗng thế?
Anh chỉ cười khì không đáp. Sau đó mấy lần bầy gà lại sà vào, anh vẫn ngồi nhìn và không nhúc nhích. Thấy vậy, bọn lính cho anh là một tên bướng bỉnh, sẵn roi quất cho một trận. Anh nhăn nhó kêu khóc rầm lên. Lúc bấy giờ quan đang ngồi ở công đường, nghe tiếng ồn ào, vội sai người đến xem chuyện gì. Khi biết đầu đuôi, quan bèn cho gọi anh tới và hỏi:
– Anh là học trò mà lại là kẻ có tội, vậy tại sao lại bướng thế? Người ta thương hại chỉ bắt xua gà là công việc nhẹ, sao anh nhất định không chịu làm?
Anh học trò đáp:
– Bẩm quan, trước khi ra về thầy học của tôi có cho tôi bốn câu thơ để phòng thân. Tôi đã theo hai câu đầu, nhờ đó thầy đã cứu trò tránh được tai nạn, nên câu thứ ba không thể không theo.
– Thơ như thế nào? Quan hỏi.
– Câu thứ nhất là “Gặp đình chớ tới”. Suýt nữa tôi đã tự chuốc lấy cái chết thê thảm vì trên đường về toan vào ẩn mưa trong một ngôi đình sắp đổ. Tránh được là nhờ nhớ đến câu ấy. Câu thứ hai là: “Gặp thơm chớ gội”. Chính vợ tôi đã gội nước thơm thay tôi nên bị một kẻ lạ mặt cắt cổ. Còn câu thứ ba thầy tôi dặn là “Gặp gà chớ đuổi”. Vì vậy mà tôi không dám đuổi gà, chứ không phải bướng đâu.
Quan vội hỏi tiếp:
– Vậy còn câu thơ thứ tư là gì?
– Bẩm quan, câu thứ tư là: “Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi”.
Đêm hôm đó quan nằm suy nghĩ mãi về câu thơ thứ tư. “Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi, vậy thì chỉ có thể là Năm. Phải chăng có một người nào đó tên là Năm đã hạ sát người đàn bà”. Nghĩ vậy, sáng dậy, quan lập tức thảo trát đòi lý hương của xã xảy ra án mạng phải khai ngay trong xã có người nào tên là Năm hay không. Nếu có ai đúng tên đó thì phải bắt giữ lại và giải lên quan.
Trong xã ấy quả có một người tên là Năm. Và chính hắn là tình nhân của người đàn bà. Khi thấy bỗng nhiên vô cớ có nha lại về bắt giải đi, hắn nghĩ rằng nếu không phải oan hồn của người nhân ngãi bị mình giết nhầm hiển hiện, thì làm sao quan lại bắt được đích danh như thế. Nghĩ vậy, hắn không đợi tra tấn, tự thú.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích chọn lọc dạy trẻ bài học giá trị trong cuộc sống, sống lương thiện.