Những câu chuyện ngụ ngôn hay mẹ nên kể cho bé nghe.
Mèo dạy hổ
Ngày xưa, hổ không biết cách bắt mồi như mèo. Một hôm, hổ đến gần mèo dỗ dành:
– Bác mèo ơi, tôi là người cùng họ với bác. Tôi và bác giống nhau như hệt. Mình tôi cũng vằn vằn như mình bác. Tôi có râu, bác cũng có râu. Tôi có vuốt sắc, bác cũng có. Tôi có đuôi dài. đuôi bác cũng dài. Thế mà bác lại biết rình mồi, biết nhảy, biết trèo tài hơn tôi. Chỗ họ hàng với nhau, bác dạy cho tôi biết với.
Mèo nghe lời ngọt ngào, thương hổ là chỗ họ hàng, liền nói:
– Nhưng bác đừng ăn thịt tôi cơ.
Hổ vỗ về:
– Ai lại ăn thịt người cùng họ bao giờ? Bác nói dở quá, bác cứ tin ở tôi.
Ảnh minh họa.
Mèo yên tâm dạy hổ học cách ngồi thu hình rình mồi, cách nhảy bắt mồi, cách vờn, cách mài giữa vuốt.
Hổ học xong lấy làm đắc chí. Đương lúc đói bụng, hổ định vồ mèo ăn thịt. Hổ bảo:
– Mẻo mèo meo!Ta bắt được mèoTa nhai ngấu nghiến!
Mèo vội trèo tót lên cây, bảo hổ:
– Mẻo mèo meo!Ta có võ trèoTa chưa dạy hổ.
Hổ tức quá, gầm nhảy dưới đất, nhưng không làm gì được mèo. Vì thế, bây giờ hổ không biết trèo như mèo.
Hồ nước và mây
Vào một ngày cuối xuân, mặt hồ lấp lánh dưới nắng. Bỗng, một cơn gió đưa chị mây sà thấp xuống mặt hồ. Hồ nước cuộn sóng nói:
– Tôi đẹp lên dưới ánh nắng, thế mà chị lại che mất.
– Không có chị che nắng thì em gặp nguy đấy! – Chị mây đáp.
– Tôi cần gì chị!
Chị mấy giận hồ nước nên đã bay đi.
Mùa hè, dưới cái nắng gay gắt, hồ nước bị bốc hơi, cạn trơ tận đáy. Nó cầu cứu:
– Chị mây ơi, không có chị tôi chết mất.
Bầy tôm cá trong hồ cũng than:
– Chúng tôi cũng không sống được nếu hồ cạn thế này!
Ảnh minh họa.
Nghe tiếng kêu của hồ nước và bầy tôm cá, chị mây không giận hồ nước nữa, bay về và cho mưa xuống. Hồ nước đầy lên, tràn căng sức sống.
Qua mùa thu, sang mùa đông, chị mây ngày càng mảnh mai, hao gầy như dải lụa mỏng. Chị ghé xuống hồ và nói:
– Không có em, chị cũng yếu hẳn đi.
Thế là hồ nước lao xao gợn sóng:
– Để em tìm cách giúp chị!
Hồ nước gọi ông mặt trời rọi nắng xuống cho nước bốc hơi lên. Chị mây khỏe dần, nặng dần để chuẩn bị mưa xuống.
Em có xinh không?
Voi em thích mọc đẹp và thích được khen xinh. Ở nhà, voi em luôn hỏi anh: “Em có xinh không?”. Voi anh bao giờ cũng khen: “Em xinh lắm!”.
Một hôm, gặp hươu, voi em hỏi:
– Em có xinh không?
Hươu ngắm voi rồi lắc đầu:
– Chưa xinh lắm vì em không có đôi sừng giống anh.
Nghe vậy, voi nhặt vài cành cây khô, gài lên đầu rồi đi tiếp.
Gặp dê, voi hỏi:
– Em có xinh không?
– Không, vì cậu không có bộ râu giống tôi.
Voi liền nhổ một khóm cỏ dại bên đường, gán vào cằm rồi về nhà.
Ảnh minh họa.
Về nhà với đôi sưng và bộ râu giả, voi em hớn hở hỏi anh:
– Em có xinh hơn không?
Voi anh nói:
– Trời ơi, sao em lại thêm sừng và râu thế này? Xấu lắm!
Voi em ngắm mình trong gương và thấy xấu thật. Sau khi bỏ sừng và râu đi, voi em thấy mình xinh đẹp hẳn lên. Giờ đây, voi em hiểu rằng mình chỉ xinh đẹp khi đúng là voi.
Bài học đầu tiên của Thỏ con
Từ khi sinh ra, Thỏ con chỉ ở trong hang. Một hôm Thỏ con xin phép mẹ được ra ngoài. Thỏ mẹ dặn:
– Con chơi ngoan nhé. Nếu làm sai gì con phải xin lỗi. Được ai giúp đỡ thì con phải cảm ơn.
Thỏ con vâng vâng dạ dạ rồi tung tăng chạy vào rừng.
Mải lắng nghe chim Sơn Ca hót, Thỏ con va phải anh Sóc. Thỏ con vội vàng khoanh tay và lễ phép nói:
– Cảm ơn anh Sóc!
Sóc ngạc nhiên:
– Sao Thỏ con lại cảm ơn? Phải nói xin lỗi chứ!
Thỏ gãi đầu, chào anh Sóc rồi đi tiếp.
Mải nhìn Khỉ mẹ ngồi chải lông cho Khỉ con nên Thỏ con bị trượt chân, rơi xuống một cái hố sâu. Thỏ con sợ quá, kêu thất thanh:
– Cứu tôi với!
Ảnh minh họa.
Bác Voi từ đâu tới liền đưa vòi xuống hố và nhấc bổng Thỏ con lên. Thỏ con luôn miệng:
– Cháu xin lỗi bác Voi! Cháu xin lỗi bác Voi!
Bác Voi cũng rất ngạc nhiên:
– Sao Thỏ con lại nói xin lỗi? Phải nói cảm ơn chứ!
Về nhà, Thỏ con tíu tít kể lại những chuyện đã xảy ra và khoe với mẹ:
– Mẹ ơi, con hiểu rồi. Nếu làm sai điều gì, con phải xin lỗi. Được ai giúp đỡ thì phải cảm ơn.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Truyện cổ tích dạy trẻ tinh thần cảnh giác với người xấu, cũng như biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh.