Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay

Hạ Mây - Ngày 15/07/2022 19:46 PM (GMT+7)

Những câu chuyện cổ tích sau đây với nội dung hay và ý nghĩa nhưng ít được biết đến, mẹ hãy kể cho bé nghe.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 1

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 2

Tạo Hôm và Nàng Hai

Ngày xửa ngày xưa có hai chị em gái nhà nọ đều rất xinh đẹp, tính tình nết na thuỳ mị. Thường thường, tối nào hai chị em cũng ngồi ở đầu sàn cùng nhau quay xa kéo sợi cho đến tận khuya mới đi ngủ.

Vào một đêm trăng, sau khi ngửa mặt lên nhìn các vì sao trên bầu trời mọc chi chít sáng lấp lánh, người chị chỉ vào một ngôi sao to và sáng nhất và nói với em gái:

– Nếu cho chị ước lấy ngôi sao trên bầu trời làm chồng thì chị sẽ ước là được lấy ngôi sao to nhất kia làm chồng.

Còn cô em gái thì chỉ vào một ngôi sao nhỏ và nói:

– Còn em thì chỉ xin được lấy ngôi sao nhỏ đang nhấp nháy đằng kia làm chồng thôi!

Chuyện hai chị em nói với nhau ban đầu chỉ là đùa. Nhưng, có ai nào ngờ, vào một đêm khuya, ngôi sao lớn bỗng dưng sà xuống và rơi đúng vào trong lòng người chị. Đầu tiên, ngôi sao hoá thành một nắm đất to. Người chị vừa cầm nắm đất lên tay thì nắm đất đó tiếp tục hoá thành một chàng trai tuấn tú vạm vỡ.

Hai người nói chuyện với nhau thâu đêm. Sau đó người chị vui mừng bèn dẫn chàng trai đến ra mắt bố mẹ và xin cho chàng được ở lại làm con rể. Bố mẹ đồng ý cho hai người kết nghĩa thành vợ thành chồng, ngày ngày vui vẻ bên nhau chăm lo công việc ruộng nương.

Rồi lại vào một đêm khác, khi cô em gái đang ngồi một mình quay xa quấn búp thì ngôi sao nhỏ lấp lánh đột nhiên rụng xuống, hoá thành một quả cau nhỏ tươi roi rói rơi đúng vào lòng. Cô em gái vô cùng thích thú đem quả cau cất giấu kỹ vào trong chiếc bem đựng quần áo.

Đến gần sáng, quả cau bỗng biến hoá thành một tạo trẻ đến bên trò chuyện với cô em. Tạo trẻ nói cho cô em biết tên của mình là Tạo Hôm và hỏi tên của cô. Cô em thưa lại rằng tên mình là Nàng Hai.

Hai người chuyện trò vô cùng tâm đầu ý hợp. Họ quấn quít lấy nhau chẳng muốn rời. Bắt đầu từ đây, cứ ban ngày thì ngôi sao nhỏ hoá thành quả cau được cất giấu ở trong bem, còn khi đêm tối buông xuống ngôi sao nhỏ lại hoá thành tạo trẻ, sống ân ái như vợ chồng cùng với cô em gái.

Sợ mọi người trong gia đình biết chuyện cho nên mỗi khi có việc đi đâu rời khỏi nhà thì Nàng Hai lại dặn mẹ:

– Mẹ à mẹ ơi! Con đi vắng không ở nhà, mẹ đừng có cho ai lục bem của con mẹ nhé!

Nhiều lần như vậy khiến cho bà mẹ sinh nghi, không biết ở trong bem có thứ gì mà con gái của bà lại không muốn để cho mọi người biết? Thế là một hôm, nhân lúc Nàng Hai đang làm ở ngoài ruộng chưa về bà bèn lén mở bem của cô ra và lục lọi xem ở trong có thứ gì.

Lục đi lục lại mãi bà mẹ chỉ tìm thấy có mỗi quả cau nhỏ tươi roi rói. Đúng phải dịp đang thiếu cau ăn trầu, bà mẹ liền đem quả cau ra bổ. Nào ngờ, chỉ vừa mới khẽ cứa lưỡi dao vào cau thôi thì bà mẹ đã thấy những giọt máu tươi ứa ra rớt xuống đất. Quá hốt hoảng bà vội vứt quả cau ra ngoài vườn.

Nàng Hai đi làm ruộng về mở bem ra xem thì thấy mất quả cau. Cô bèn hỏi mẹ:

– Mẹ ơi! Mẹ có biết ai lấy quả cau của con không?

Bà mẹ đáp:

– Mẹ định bổ ra để ăn trầu nhưng nhìn thấy cau đỏ như máu, sợ quá nên mẹ đã đem vứt ra ngoài vườn rồi.

Nàng Hai chạy ra chỗ mẹ vứt quả cau thì chẳng còn thấy cau đâu mà chỉ thấy ở chỗ đó tự nhiên mọc lên một cây rau dền đỏ tốt tươi. Biết là quả cau đã hoá thành cây rau dền đỏ nên ngày nào Nàng Hai cũng tưới tắm chăm sóc cho cây rau dền cẩn thận. Cô còn dặn mẹ:

– Mẹ đừng có để cho ai vặt cây rau dền của con mẹ nhé!

Nhưng rồi một hôm nhà hết sạch rau ăn. Quên mất lời Nàng Hai dặn, bà mẹ đã ra vườn vặt cây rau dền đem bỏ vào chõ xôi rồi đồ lên. Bà đun to lửa đồ mãi mà vẫn không thấy rau chín. Đúng lúc đó Nàng Hai đi làm về. Cô lấy nước đi tưới cây rau dền như mọi khi thì thấy cây rau đã bị vặt trụi. Nàng Hai hớt hải chạy lên nhà hỏi mẹ. Mẹ cô chỉ vào chõ xôi đang đặt trên bếp bảo:

– Nhà không có rau ăn nên mẹ đã hái lấy nó đem về đồ rồi!

Nàng Hai vội vàng mở vung chõ đồ ra xem. Một làn hơi từ trong chõ bốc lên. Giữa làn hơi mỏng, Nàng Hai nhìn thấy Tạo Hôm đang cưỡi trên lưng một con ngựa có cánh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước khi cùng ngựa cất cánh bay lên trời, Tạo Hôm dặn lại:

– Nếu em vẫn còn thương anh thì hãy đi tìm!

Không muốn mất người mình thương yêu, Nàng Hai nhằm theo hướng ngựa cánh bay vào không trung mà đuổi theo. Trên đường đi nàng gặp một cái cây to đổ chặn ngang đường. Nàng định trèo qua thì thân cây cao lên. Nàng định chui qua thì thân cây lại hạ thấp xuống, bởi khi cưỡi ngựa bay qua đây, để thử thách xem Nàng Hai có thật sự yêu thương mình hay không Tạo Hôm đã chặt đổ cây và dặn:

– Nếu Nàng Hai đi đến đây thì “Nàng muốn chui qua thì hạ thấp. Nàng muốn vòng qua thì dài ra!”.

Không còn cách nào khác, nàng đành lần theo chiều dài đi về phía ngọn cây để tìm cách vượt qua. Nàng đi tới đâu thì thân cây lại cứ kéo dài ra đến đấy khiến cho Nàng Hai cứ phải đi mãi, đi mãi mà vẫn không qua được.

Đang mệt nhọc thì nàng nhìn thấy một vườn mía. Vừa đói vừa khát, nàng liền bẻ mía ăn mà không biết đó là vườn mía của mụ yêu tinh Dá Cói. Dá Cói đang nằm ngủ nghe thấy có tiếng bẻ mía thì thức dậy. Tưởng là con lợn của mình nuôi ra phá mía nên mụ ta vẫn nằm tại chỗ và quát vọng ra:

– Chúi con lợn đen thả trong chuồng của bà đừng ăn mía của bà. Chúi con lợn khoang thả trong chuồng của ta đừng ăn mía của ta!

Nhưng yêu tinh Dá Cói quát đến mấy lần như vậy mà vẫn nghe thấy tiếng bẻ mía rào rào. Vậy là mụ bèn dậy để đi ra xem có kẻ nào cả gan dám phá mía của mụ.

Yêu tinh Dá Cói chạy ra ngoài vườn thì nhìn thấy Nàng Hai đang ăn mía. Mụ ngửa cổ lên trời vừa cười sằng sặc vừa nói:

– Cũng tốt cũng tốt. Thịt bỗng dưng tự đến, cá bỗng dưng tự tới. Cũng tốt cũng tốt!

Lúc này Nàng Hai đã có mang trong người được 8 tháng. Nghe Dá Cói nói như thế nàng sợ đến mức cảm thấy như rụng rời hết chân tay.

Nàng khóc lóc van xin với mụ yêu tinh:

– Xin bà đừng có vội ăn thịt cháu mà hãy tạm để cháu hầu hạ bà. Nay cháu đang có mang. Nếu cháu đẻ ra con trai thì sẽ cho làm chồng nhỏ của bà. Nếu đẻ con gái thì bà ăn thịt cả hai mẹ con cũng chưa muộn!

Dá Cói nghe thấy vậy thì bùi tai nên chưa vội ăn thịt Nàng Hai. Không những thế mà hàng ngày mụ còn đi tìm kiếm thức ăn về nuôi nàng, mong nàng sinh ra được một đứa con trai để cho mụ lấy làm chồng.

Đủ chín tháng mười ngày, Nàng Hai sinh hạ được một đứa con trai. Yêu tinh Dá Cói vô cùng mừng rỡ, lại càng chịu khó đi vào rừng kiếm thịt hươu nai về để nuôi hai mẹ con Nàng Hai.

Ngày nối ngày, tháng tiếp tháng trôi đi, đứa con trai của Nàng Hai dần cứng cáp. Sống bên cạnh Dá Cói, Nàng Hai để ý thấy rằng mụ rất thường hay nói ngược.

Nếu mụ như dặn:

– Chồng bé chồng nhỏ của taTa chỉ đi chốc lát sẽ trở vềTa chỉ đi một lúc sẽ quay lại.Chồng bé chồng nhỏ của ta ơiNgoan ở nhà đợi ta nhé!

thì chắc chắn là mụ sẽ đi rất lâu.

Còn nếu như mụ dặn:

– Chồng bé chồng nhỏ của taỞ nhà đợi ta nhéTa phải đi thật lấu thật lâu mới về.

thì là mụ chỉ đi đâu đó, một thoáng một chốc thôi là sẽ quay lại ngay.

Ngoài điều đó ra, mụ yêu tinh Dá Cói còn có một cây gậy sinh tử có thể làm người ta chết đi sống lại, một chiếc quạt thần có khả năng quạt ra nước ra lửa. Nắm biết vậy nên Nàng Hai nghĩ ra kế để bỏ trốn. Nàng tính toán trong bụng: muốn trốn thì trước tiên phải lấy cho bằng được chiếc quạt thần và chiếc gậy sinh tử.

Vậy là đợi vào đúng lúc nửa đêm nàng mới cấu cho con khóc. Dá Cói nghe thấy tiếng khóc nên cất tiếng hỏi:

– Tại sao chồng nhỏ của ta khóc vậy hả?

Nàng đáp:

– Chồng nhỏ của bà đòi lấy cây gậy để chơi!

Mụ Dá Cói tưởng thật liền đưa chiếc gậy sinh tử cho Nàng Hai. Một lát sau Nàng Hai lại cấu cho con khóc.

Dá Cói lại hỏi:

– Tại sao chồng nhỏ của ta vẫn khóc vậy hả?

Lần này Nàng Hai đáp:

– Chồng nhỏ của bà muốn đòi lấy chiếc quạt để chơi!

Cứ ngỡ là thật Dá Cói lại đưa tiếp chiếc quạt thần cho Nàng Hai.

Có được gậy sinh tử và quạt thần rồi nhưng chưa biết cách sử dụng nên Nàng Hai lại sử dụng mẹo cũ để hỏi Dá Cói. Không chút nghi ngờ, Dá Cói nói cho nàng biết: Đối với cây gậy sinh tử thì “chỉ bằng đằng gốc thì chết, chỉ bằng đằng ngọn thì sống”. Còn với chiếc quạt thần thì “quạt xuống phía cuối dòng thì suối lũ, quạt lên phía trên dòng thì suối cạn”.

Đã biết được hết bí mật cách sử dụng gậy sinh tử và quạt thần, Nàng Hai chỉ còn đợi thời cơ để đưa con đi trốn.

Nàng chẳng phải đợi lâu. Ngay sáng hôm sau, Yêu tinh Dá Cói đã lại đi ra ngoài săn thú. Trước khi đi, mụ ta dặn là chỉ đi một lát là về ngay, có nghĩa là mụ sẽ đi rất lâu. Lợi dụng nhân dịp này, Nàng Hai quyết định đem con bỏ trốn.

Trước khi bỏ trốn, nàng ra dặn vườn mía, con lợn, cái cối, phên gianh,… là khi mụ Dá Cói trở về có hỏi thì hãy đáp rằng không biết mẹ con nàng đi đâu. Cẩn thận đến vậy, nhưng nàng vẫn quên mất không dặn con gà mái đang bận ấp trứng ở trên ổ. Không những thế, nàng còn lấy của gà mái một quả trứng để mang theo. Cho nên con gà mái hận nàng lắm.

Lúc Dá Cói trở về không nhìn thấy mẹ con Nàng Hai đâu cả nên hỏi khắp mọi thứ mọi vật. Chúng đều trả lời là không biết. Nhưng khi Dá Cói hỏi đến gà mái đang ấp, vì tức giận Nàng Hai nên nó mách ngay là “đi đường suối, đi đường suối”. Yêu tinh Dá Cói liền cưỡi lợn, tức tốc đuổi theo.

Hai mẹ con Nàng Hai vừa kịp lội qua khỏi bờ bên kia suối thì Dá Cói đã cưỡi lợn đuổi đến bờ bên này. Mụ gọi với theo sau lưng:

– Chồng nhỏ, chồng bé của ta ơi, đợi ta với!

Nàng Hai quay lại bảo:

– Bà ơi! Giặc đang đến đằng dưới, hổ đang tới đằng trên. Chồng nhỏ của bà chạy vội quá quên cả đem theo cái chum con lợn cái và mái gà đang ấp. Vì thế, bà hãy quay về để lấy đem theo!

Dá Cói tưởng là thật nên quay trở về để lấy những thứ mà Nàng Hai đã dặn. Khi mụ đem những thứ đó đến bờ suối thì Nàng Hai lại tiếp tục nói:

– Bà hãy lấy chum buộc vào cổ, lấy ổ gà buộc vào ngực, còn con lợn nái thì buộc vào chân. Bà buộc xong thì chồng nhỏ sẽ quạt khiến cho nước suối cạn để bà lội sang.

Mụ Dá Cói lập tức làm theo lời của Nàng Hai. Nàng quạt về phía đầu nguồn khiến cho nước suối cạn để Dá Cói lội sang. Nhưng khi mụ vừa đi ra đến giữa dòng thì nàng lại quạt về phía cuối nguồn khiến cho lũ ầm ầm kéo về nước chảy cuồn cuộn cuốn trôi chìm nghỉm mụ yêu tinh Dá Cói.

Thoát được khỏi Dá Cói, hai mẹ con Nàng Hai đi mãi, đi mãi thì tới một nơi rất nghèo. Người dân ở đây khi nấu nướng toàn phải dùng nồi vỡ và chảo vỡ nên gọi là mường Mỏ Té. Mệt quá, hai mẹ con nàng nghỉ lại ở Mỏ Té một đêm. Sáng hôm sau, hai mẹ con lại lên đường đi tiếp, tới một nơi nom xơ xác đìu hiu nên gọi là mường Moong Quạnh.

Ở nơi này hai mẹ con nàng chẳng nhìn thấy bóng dáng một ai cả mà chỉ toàn nhìn thấy xương người phơi đầy khắp mọi chỗ. Đi đến cuối mường thì mẹ con Nàng Hai bắt gặp một chiếc loỏng nằm úp xuống đất, bên trong phát ra tiếng động.

Nàng Hai lật loỏng lên thì thấy có một cô gái trẻ đang nấp ở trong đó. Nàng Hai đỡ cô gái chui ra rồi hỏi chuyện. Cô gái trẻ kể cho nàng hay: Mường Moong Quạnh nay đang gặp phải tai hoạ “quạ đen ăn thịt trẻ con, còn quạ trắng ăn thịt người già”.

Sẵn cây gậy sinh tử ở trong tay, Nàng Hai quyết định sẽ giết lũ quạ để trừ hoạ giúp dân mường Moong Quạnh. Trước khi lũ quạ kéo đến, nàng bảo cô gái trẻ còn sống sót hãy cùng nàng đi gom tất cả xương những người đã bị chết đem về xếp tập trung vào một chỗ. Sau đấy nàng dùng đằng ngọn của cây gậy sinh tử để cứu mọi người sống lại.

Cứu được mọi người rồi, Nàng Hai mới hỏi khi nào thì bầy quạ đen quạ trắng tìm đến. Mọi người nói cứ nhìn thấy khói bếp là chúng sẽ lập tức bay tới.

Vậy là nàng bảo mọi người hãy đi đốt một đống lửa. Khói lửa vừa mới bốc lên thì bầy quạ đã kéo nhau tới. Chúng đông đến nỗi tiếng vỗ cánh ầm ầm tạo nên một cơn lốc lớn. Nàng Hai liền lấy cây gậy sinh tử chỉ đằng gốc vào lũ quạ khiến chúng chết hết không còn sót mống nào.

Dân mường Moong Quạnh vô cùng biết ơn cứu mạng của Nàng Hai nên đã đồng lòng tôn nàng lên làm người đứng đầu và cùng nhau dựng một ngôi nhà lớn cao hai mươi tầng lầu để cho hai mẹ con nàng ở.

Tháng trôi và năm qua, đứa con trai của Nàng Hai đã lớn đến tuổi biết ôm gà đi chọi. Con gà con được nở ra từ quả trứng gà mà nàng đã mang theo nay cũng đã trở thành một con gà chọi dũng mãnh. Đứa con trai của Nàng Hai đem đi chọi đâu là thắng đấy.

Mặc dù cuộc sống hiện đang rất sung sướng nhưng trong lòng của Nàng Hai vẫn không nguôi nỗi niềm nhớ tới Tạo Hôm. Cho nên nàng dạy con hàng ngày bế gà ra bờ suối uống nước thì vừa xui gà bới đất, vừa hát rằng:

– Gà ơi hãy bươiGà ơi hãy bớiNước đục chảy sang bờ bên kia để Tạo Hôm uốngNước sạch chảy ở bờ bên này để mẹ ta dùng!

Tình cờ trùng hợp mường do Tạo Hôm cai quản và mường Moong Quạnh cùng đều ăn chung nước của cùng một con suối. Vì thế khi con gà chọi bươi đất đã làm bẩn đục nước suối chảy qua mường của Tạo Hôm.

Thấy đang yên đang lành bỗng dưng nước suối chảy qua mường mình bị bẩn đục Tạo Hôm bèn sai người nhà đi tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao. Người nhà đi rồi về kể lại chuyện đứa bé và con gà chọi cho Tạo Hôm nghe. Tạo bán tín bán nghi trong lòng, đoán rằng biết đâu đấy lại là đứa con trai của mình.

Vậy là tạo đem theo quân lính đi tới bên suối của mường Moong Quạnh mong tìm được Nàng Hai cùng đứa con trai. Nhưng khi tạo đem quân lính tới đó thì chẳng thấy đứa bé và con gà chọi đâu mà chỉ thấy người trong bản ra suối tắm giặt và lấy nước.

Tạo bèn bảo quân lính tạm lánh đi, còn mình thì cởi quần áo đắp bỏ thành đống, giấu thanh kiếm vào trong đó, rồi xuống suối tắm.

Trong lúc Tạo Hôm đang bơi đang tắm thì đứa bé lại ôm gà ra và hát. Tạo Hôm vội chạy tới gần và giữ đứa bé lại. Tạo giơ ngửa lưỡi thanh kiếm lên và nói:

– Nếu đúng là con của Tạo Hôm thì hãy đứng lên trên lưỡi kiếm này. Còn nếu không phải là con của Tạo Hôm thì từ nay không được cho gà bới làm đục nước ở bến dưới.

Đứa bé không hề sợ sệt mà rất dạn dĩ. Nó lập tức đứng ngay lên trên lưỡi kiếm, rồi vòng cánh tay ôm chặt lấy cổ tạo. Biết chắc chắn đấy là con của mình, tạo dặn đứa trẻ trở về nhà với mẹ, còn tạo thì đem quân lính quay trở về mường nhà để còn sai người cùng mình đem lễ sang đón mẹ con Nàng Hai một cách đường hoàng.

Nào ngờ, khi tạo đến rước vợ và con thì Nàng Hai đã dặn dân mường Moong Quạnh không được nói cho tạo biết mẹ con nàng đang ở đâu. Dân mường Moong Quạnh cũng không muốn để cho nàng đi nên nghe theo lời dặn của nàng.  Khi tạo hỏi thăm đến ai, ai cũng đều lắc đầu nói rằng không biết.

Nhưng có một bà cụ sống gần ngôi nhà lớn cao 20 tầng lầu mà mẹ con Nàng Hai đang ở sau khi vô tình biết mọi chuyện đã quyết định giúp cho cả nhà Tạo Hôm và Nàng Hai gặp nhau. Bà đi ra ruộng nhặt rau phắc vén rồi làm cơm mời Tạo Hôm đến ăn.

Bà xếp đặt cho Tạo Hôm ngồi xoay mặt về phía ngôi nhà lớn 20 tầng lầu. Bà dặn tạo khi ăn rau phắc vén thì không được cuộn lại, sợi dài thế nào thì phải để nguyên như thế. Sợi rau phắc vén quá dài khiến cho Tạo Hôm khi ăn cứ phải ngửa cổ lên. Vậy là tạo nhìn thấy mẹ con Nàng Hai đang đứng ở tận tít trên tầng lầu thứ 20.

Tạo Hôm mừng rỡ khôn xiết bèn xin dân mường Moong Quạnh cho phép được chính thức cưới Nàng Hai. Tạo hứa vẫn sẽ để nàng ở lại làm người đứng đầu mường Moong Quạnh. Còn chàng thì sẽ đứng ra làm tạo chăm lo cho dân, cai quản chung công việc của cả hai mường.

Và bắt đầu từ đấy, vợ chồng Tạo Hôm Nàng Hai đã được sum họp. Họ cùng con trai sống một cuộc đời hạnh phúc bên nhau.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 4

Tạo Thi Thốn và công chúa Út

Ngày ấy, trên thiên đình xảy ra một chuyện nhỏ, nhưng đã gây ra tai họa khủng khiếp cho người trần gian. Đó là chuyện nàng Then Út đánh vỡ chén ngọc lưu ly của cha. Cha Then tức giận đã bắt nàng Út phải đội lốt hổ xuống trần gian, để trị tội nghịch ngợm của nàng.

Ở vùng Mường Thái kia, tự dưng sinh họa hổ dữ: Hổ hoành hành khá lâu khắp vùng này, nó đã bắt biết bao nhiêu trâu, bò, ngựa, nhiều khi chẳng phải để ăn. Nó bắt sang cả người, đã khối người chết. Dân Mường lo lắng, hoảng sợ.

Chẩu Mường (như ông vua của vùng) đã sai bao trai tráng tướng lĩnh đi diệt mà chẳng được. Chẩu Mường cũng lo, sai dân rào giậu nhà mình cho chắc, mà cũng đã bị hổ bắt đi khá nhiều trâu ngựa. Con nhà quyền quý đủ tiếng tài ba và giàu có, sẵn đủ vũ khí đã run sợ tìm cách thoái thác trách nhiệm giết hổ.

Chẩu Mường ra lệnh cho thần dân, nhất là trai tráng dân thường:

Giặc đến, phải lên giữ cửa trênHổ đến, phải xuống canh của dưới!

Tình hình khẩn cấp, đòi mọi trai tráng trong mường phải bảo vệ lấy bản mường. Trai tráng quyền quý đã lảng tránh, đến lượt dân đen phải ra tay.

Lúc đó, có một chàng trai mồ côi, vạm vỡ, thông minh, nhưng nghèo xác xơ, nhận lời đi tìm cách diệt hổ. Vốn có cái nỏ cánh cứng, cả làng chịu không tài nào giương nổi, chỉ mình chàng dùng được chiếc nỏ của mình, chàng ra đi tìm hang hổ.

Với kinh nghiệm săn bắn nhiều năm, chẳng mấy chốc chàng đã nắm chắc được quy luật đi về của hổ, và dò ra được cái hang hổ hay về trú đêm sau một ngày đi phá phách mệt nhọc.

Lừa lúc hổ ra đi kiếm ăn và phá phách, chàng trai tên là Thi Thốn đã lẩn vào hang hổ, thận trọng tìm kiếm có gì lạ trong đó, đồng thời tìm chỗ ẩn nấp theo dõi con hổ sống ra sao. Trước tiên, chàng tìm thấy một đôi cánh tiên xếp gọn ở một góc kín trong hang. Chàng giấu biệt rồi trốn trong một chỗ khuất để quan sát chỗ có vết nằm của hổ, bên cạnh nó mấy gốc củi còn than đỏ hồng.

Gần trọn ngày nín thở quan sát đã đến lúc chiều buông. Thị Thốn nghe tiếng hồ gầm một tiếng mạnh mẽ cuối cùng, rồi hổ loạng choạng vào hang, vẻ mệt nhọc ra mặt. Ý chừng đã no nê và quá mệt nên hổ không còn nhận ra những thay đổi trong hang, cũng như có mùi người đang ẩn trong đó.

Đến cạnh đống lửa, hổ vội lột xác hổ ra bằng một hàng khuy chạy suốt phía ngực và bụng hổ. Hóa ra một nàng tiên lộng lẫy mà chàng Thi Thốn nghèo hèn chưa từng trông thấy. Chàng lặng người, nín thở theo dõi xem sao.

Nàng tiên gấp gọn da hổ thành cái gối, đùm thêm gộc củi sát lại nhau, lửa bập bùng tỏa sáng, càng làm nàng rực rỡ thêm bội phần. Nàng rải tấm thảm đẹp ra nằm cạnh lửa, đầu gối lên tấm da hổ mà nằm ngủ. Có lẽ đã mệt, nàng ngủ được ngay, tiếng ngáy đã khò khè, đều đều.

Chừng thấy nàng tiên đã thật say giấc nồng, Thi Thốn rón rén bước ra, nhẹ nhàng lướt tới. Đống lửa vẫn bập bùng soi rõ mặt nàng tiên, lúc ngủ sao mà đẹp, mà hiền làm vậy. Thi Thốn cảm thấy rộn rã trong tim.

Đã đến lúc phải hành động kẻo nàng lại thức giấc, chàng nhẹ nhàng nâng đầu nàng tiên gác lên đùi mình, rồi lôi tấm da hổ ra, thuận tay ném vào đống lửa đang bập bùng cháy.

Lửa cháy càng to lên, phút chốc ngọn lửa đã phủ kín tấm da hổ và cháy nỏ như cháy rơm rạ. Mùi khét lạ và tiếng lửa cháy bùng bùng đã làm nàng tiên thức giấc. Nàng hoảng hốt nhìn xung quanh, quờ tay tìm tấm da hổ, chỗ dựa sức mạnh của nàng.

Nàng bắt gặp Thi Thốn – một chàng trai khỏe mạnh và thông minh đang đứng ngay trước mặt. Trong cái hang vắng lặng và tình huống bất lực này, nàng chỉ biết nhìn chằm chằm vào đống lửa đang cháy nốt đến phần cuối cùng của tấm da mà im lặng thẹn thùng. Trông nàng càng xinh đẹp muôn phần.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cuối cùng, nàng lên tiếng sau khi đã lục tìm nhưng chẳng thấy đôi cánh tiên của mình nữa:

– Đã đến nông nỗi này em phải theo chàng thôi!

Và hai người ôm lấy nhau. Nàng khóc lóc kể lễ nỗi niềm bị cha hành tội vì mỗi sơ suất đánh vỡ cái chén ngọc lưu ly nhỏ xíu.

– Âu cũng là duyên số để chúng mình gặp nhau, nên vợ nên chồng – Tạo Thi Thốn nói vậy, khi bắt đầu hửng sáng.

Hai vợ chồng dắt tay nhau ra khỏi hang, Thi Thốn còn nhớ mang theo mảnh hàm hổ có chiếc nanh dài bị cháy nham nhở để làm bằng chứng trước bản mường về công tích của mình. Chẩu Mường đành phải chấp nhận cho Tạo Thi Thốn chức thống lĩnh quân mã, vốn nằm trong tay một người trong họ nhà Tạo vô tích sự lâu nay.

Bản mường từ đó yên vui. Dân Mường tổ chức ngày hội lớn mừng chiến công Tạo Thi Thốn, mừng Tạo nhận chức to cũng như mừng Tạo lấy được vợ hiền, trước con mắt ganh ghét của trai tráng quý tộc.

Đã qua nhiều mùa lúa thanh bình, Mường Thái nọ đã trở nên phồn thịnh, làm cho mường lân cận thèm muốn, đã dấy binh xâm chiếm xứ này. Chẩu Mường lại gọi đến tướng tài Thi Thốn. Sứ mệnh giao phó, chàng chẳng thể từ chối, bèn chuẩn bị lên đường ra nơi biên ải, tạm biệt người vợ tiên và đứa con trai ba tuổi.

Trước lúc lên đường, người vợ tiên buộc vào cổ tay chồng một vòng hoa tươi đủ sắc màu, và cũng bảo chồng buộc vào cổ tay mình một vòng hoa y hệt như đã chia đôi đều đặn. Nàng nói:

– Xa nhau hãy luôn nhìn vòng hoa này. Thấy hoa còn tươi là hai bên khỏe mạnh bình yên. Thấy hoa héo thì phải tìm nhau, chàng ơi! Ắt có việc chẳng lành!

Chàng lên voi ra đi giữ yên bờ cõi đất mình. Công việc tiến triển thuận lợi. Vòng hoa trên cổ tay Tạo vẫn tươi tắn sắc màu làm chàng càng hăng hái.

Một hôm ở nhà, đứa bé đã bốn tuổi tự nhiên khóc quấy mẹ chẳng yên. Cứ đòi mẹ cõng dạo chơi. Mẹ tưởng con thích ra ngoài chơi cho mát, nhưng ra khỏi nhà đứa bé càng khóc thét lên. Mẹ cõng vào nhà, bé khóc nhỏ hơn nhưng vẫn chưa nín hẳn.

Mẹ cõng con còn khóc i ỉ trên lưng dạo khắp trong nhà. Lạ cái khi mẹ dạo gần cái bịch thóc thì con nín bặt và cười khanh khách. Mẹ ra xa bịch thóc thì nó lại khóc lên i ỉ, vào gần bịch thóc, lại nín. Cứ thế vài lần mẹ đã sinh nghi: “Có gì trong bịch thóc đây?”.

Mẹ đặt con xuống cạnh bịch thóc, nó chịu chơi. Mẹ vào bịch thóc, bé cười với theo. Nàng tiên bắt đầu đào bới bịch thóc. Chẳng thấy gì, nhưng nàng hy vọng tìm thấy gì đó để con chơi vui khỏi khóc. Đào bới mãi tận đáy bịch, nàng kéo lên một bọc vải buộc rất cẩn thận

Giở ra, hóa ra đôi cánh tiên của mình. Chắc là chàng Thi Thốn đã lừa lúc nàng vắng nhà vào hang mang về cất giấu ở đáy bịch. Thấy được cánh tiên của mình, nàng út vừa mừng vừa thương chồng thương con:

– Âu cũng là hạn hạ giới của mình đã hết rồi đây, mới xui khiến con mình ra quấy làm vậy, để mình tìm ra đôi cánh này, – nàng nghĩ vậy và ngậm ngùi chua xót, nhất là lúc chồng còn vắng xa.

Thấy con đang vui, nàng đem đôi cánh ra thử bay lượn trong nhà cho con xem. Đứa bé cười vui khanh khách. Mẹ cũng vừa vui vừa thương con. Nàng lại khép cánh đi xuống với con. Cho con ăn no, mặc cho con đủ ấm. Rồi viết vội mấy dòng cho chồng:

“…Là tiên, em phải về trời. Anh mau về nuôi lấy con chúng ta. Khi nào con ốm đau, hay cần em giúp gì cho con thì anh khấn tới chòm sao Quạt (Đạo vĩ – Sao Quạt), đó là vì sao bảo hộ sức khỏe và trí tuệ. Còn đi tìm em ư? Không thể được đâu anh ơi! Chỉ có cánh mới bay tới được. Anh không thể qua được cái hang đá đang nhai, nó sẽ nghiền hết mọi thứ.

Anh cũng chẳng qua nổi sông “Nam công họn” ( sông lửa, kim loại nóng chảy). Dù có lên đến tận thiên đình mình cũng chẳng tìm ra em đâu… Con khóc, con hư anh chớ đánh con đấy. “Dạy con thì dùng mắt, đập chó hãy dùng gậy”, người ta nói thế, anh ạ…”.

Dường như nàng chỉ lo chồng đi lấy kẻ khác hành hạ con mình. Nàng lại dặn con:

– Bố sẽ về với con. Không có mẹ bố có thể hay đánh đấy, con phải ngoan đừng quấy nhé. Con nhớ: Lấy đũa cả đập còn ở được! Lấy đũa ăn đập, con đi, con ơi!

Rồi nàng ôm con vào lòng, hôn khắp mặt mũi nó. Nó cười sặc sụa. Buông con, nàng cất cánh bay lên… Con nàng cười như nắc nẻ.

Nàng lên cao dần, cao dần, rồi chui ra lỗ nóc trái nhà bay vút lên trời.

Vừa lúc ấy, ở nơi biên ải, Tạo Thi Thốn thấy vòng cổ tay mình héo dần, héo dần. Chàng lo lắng, giao vội công việc cho phó tướng của mình, rồi nhả lên ngựa thiên lý phóng về nhà. Ngay ngày đó chàng về tới nơi. Nhìn nhà cửa vắng lặng, mà vợ chẳng thấy đâu. Bế vội con lên, chàng sục tìm khắp nhà. Đứa be tỉnh dậy khóc nghẹn, giơ tay chỉ về phía bịch thóc, rồi lại chỉ lên nóc nhà, mồm ú ớ:

– Mẹ… mẹ!

Chàng hiểu ra, lao về bịch thóc. Ôi thôi, đôi cánh tiên mất rồi! Chàng lục tìm trên giường ngủ, thấy bức thư vợ để lại… Chàng biết đã muộn rồi.

Chuẩn bị mọi thứ cho con ăn đường, chàng ôm con nhảy phốc lên ngựa thiên lý đuổi theo.

“Lên trời ta cũng phải đi! Khó khăn sợ gì, thà chết còn hơn!” – Chàng nghĩ vậy và quyết chí tìm bằng được.

Không biết đã bao nhiêu ngày trên lưng ngựa thiên lý, chàng tới cửa hang đá Kẹo Ưởng (hầm đá đang nhai). Đường đi phải chui qua đó, mà hầm đá đang nhai nghiền nát mọi thứ, tiếng nhai nghe rầm rầm rung cả núi đá xung quanh.

Nhưng tình yêu vợ mãnh liệt và trí thông minh đã giúp chàng nhanh chóng tìm ra cách thoát khỏi cái cối xay đá khủng khiếp này. Liên hệ với người ăn nhiều của chua quá ghê răng, không muốn nhai nữa, chàng tìm hái khắp rừng xung quanh hàng trăm gánh quả chua: bưởi, chanh, mơ, mận, rừng sẵn có chất đống cạnh hang.

Thấy đã khá đủ, chàng dần dà ném từng sọt quả vào hang cối xay đá khổng lồ đó. Tiếng nghiến cót két rầm rầm, dữ dội… Đến gần hết đống lá, đống quả, chiếc cối khổng lồ đã có vẻ ngán, tiếng nhai uể oải dần, rồi như dừng hẳn, há hốc mồm, nhiều cái răng của nó như đã rụng bớt. Chờ đúng dịp ấy, chàng ôm con phóng ngựa lao qua một cách dễ dàng.

Lại mấy ngày ngựa thiên lý, chàng thấy lửa khói mịt mù. Ngọn lửa rừng rực, bao la không sao qua được. Lửa càng cháy to về phía đầu nguồn, phải chờ ba ngày mới có lối đi, nhưng lửa vẫn cháy rừng rực trên ngọn nguồn như muốn nung chảy đất đá, mọi vật xung quanh.

Một ngày ngựa thiên lý nữa, bố con đã đứng trước bờ sông kim loại nóng chảy đang sôi ùng ục. Đó chính là sông “Nậm công họn”, một vật nào đó rơi xuống sẽ cháy ra tro, rồi tro cũng phải chảy thành nước. Đến đây thì tài trí thông minh của Tạo cũng đành phó mặc số phận và trông chờ thần linh mà thôi.

Chàng cầu khẩn tha thiết thần sông thương đến bố con cô đơn này. Thuồng luồng thần sông Nặm công họn đã thấu tình cha con, hóa thành rồng lửa vắt qua sông như chiếc cầu vồng rực rỡ. Mặt cầu chỉ vừa vặn bàn chân người. Lỡ bước sảy chân sẽ bị thiêu trong lòng sông. Đó là một thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Nhưng tấm lòng son sắt tăng thêm lòng dũng cảm, chàng quyết vượt qua chiếc cầu sang sông.

Chỉ hiềm một niềm không thể dùng ngựa thiên lý nữa. Chàng bùi ngùi chia tay với con vật trung thành này, bảo nó quay lại, không quên đeo vào cổ nó chiếc giỏ thóc để nó ăn đường, dặn nó gặm cỏ ven đường mà ăn.

Rồi chàng địu con lên lưng, tự tin bước lên cầu. Qua được sông, đã đặt chân vào mường Trời của Then Phạ, chủ của vũ trụ nguy nga, ngựa voi rầm rập. Con người ở đây xinh đẹp, áo quần lộng lẫy, dáng đi thanh thoát, dập dìu thưởng thức hoa trái muôn loài nức mùi thơm dịu.

Thi Thốn choáng ngợp, rụt rè trước cảnh thiên đường. Chàng chỉ dám nấp ở khóm hoa hồng um tùm bên đường, ngắm nhìn ngựa xe qua lại tấp nập. Đến xế chiều, chàng thấy bảy cô gái xiêm áo lộng lẫy, cười nói vui vẻ, chàng đã tưởng là các cô tiên con gái Then trời như vợ từng kể cho nghe, trong đó thể nào chẳng có vợ của mình.

Thế nhưng khi các cô gái tới gần, chàng mới nhận ra, trên đầu mỗi cô gái có một vò nước bằng ngọc lấp lánh dưới ánh nắng chiều.

Qua câu chuyện giữa các cô gái, chàng biết họ là các hầu gái của bảy nàng tiên con gái Then trời, đang cùng nhau ra suối lấy nước tắm cho các nàng tiên. Nhưng hôm đó chàng chưa nhận ra được ai là hầu gái của nàng tiên Út – vợ mình. Chàng quyết tâm tìm ra điều ấy để tìm cách báo cho vợ mình biết mình đã tới đây.

Đêm đó, chàng ôm con ngủ dưới bụi hoa hồng. Tự nhiên, ở đâu rơi xuống một con đom đóm lập lòe ngay bên cạnh chàng trong khi những con đom đóm khác vẫn lập lòe vẫy vút trên không trung bao la.

Chàng nhặt con đom đóm lên tay, xem kỹ mới hay có một búi mạng nhện cuốn lấy chân lấy cánh của nó nên nó không bay được mới rớt xuống đây. Chàng cẩn thận, khẽ khàng gỡ búi mạng nhện ra cho đom đóm, rồi thả nó bay theo chúng bạn.

Ngày hôm sau, cũng giờ ấy, các cô gái lại đội vò ngọc ra bến tiên lấy nước. Chăm chú nghe ngóng và quan sát, chàng đã nhận đúng cô thứ bảy là nàng hầu tiên Út – vợ mình. Hóa ra, họ đi về đúng theo trật tự từ một đến bảy.

Chàng nhận ra được chính là nhờ qua câu chuyện cô gái thứ bảy kể về người chủ của mình, trong đó có chuyện về nàng Út mới ở trần gian về, còn mang trong mình nỗi ưu tư lo lắng, nhớ thương chồng con dưới đó.

Biết vợ còn thương nhớ mình, chàng sung sướng biết bao, nên có phần mạnh bạo thêm lên. Chờ cho các cô gái đội nước trở lại, khi cô gái thứ bảy tới ngang bụi hồng, Thi Thốn bước ra khẩn khoản xin cô một chút nước uống. Người thiên giới nhân hậu chẳng cần biết là ai, cô lấy bình nước xuống để chàng đổ lấy một bát uống.

Chàng Thị Thổn nhân lúc cô gái quay đi, liền bỏ vội vào bình nước chiếc vòng hoa đeo cổ tay vợ mình đã buộc cho hôm nào. Rồi đưa bình nước lên đỉnh đầu cô gái và cảm ơn hết lời. Cô gái vô tư bước nhanh đuổi kịp các chị em phía trước. Thi Thốn lại nằm bên bụi hoa hồng chờ đợi.

Đêm hôm đó, chàng thấy đom đóm đậu trên cành hoa hồng, thủ thi kể cho chàng nghe câu chuyện nàng Út đã nhận được tin chồng nhờ vòng hoa ngâm trong bình nước tắm. Nàng hỏi vặn kỹ cô gái hầu và biết rõ chồng mình đã đến được Mường Trời cao xa này nhờ tình chung thủy. Nàng hết sức vui mừng, thưởng cho cô gái rất hậu. Nàng đang tìm cách đưa tin cho chồng. Hiềm nỗi phép Then nghiêm khắc.

– Có gì khó khăn, chàng nhớ thầm gọi tôi. Được chàng cứu sống, tôi sẽ hết lòng giúp chàng. – Đóm đóm nói thế rồi cất cánh bay đi theo bạn. Thi Thốn vừa mừng lại vừa lo trước phép tắc nghiêm ngặt ở xứ nhà trời.

Sáng hôm sau, Thi Thốn giả làm người ăn mày dắt con đến trước của thiên đình xin ăn. Người canh cửa vào tâu. Hỏi ra, vua Then biết rõ người từ hạ giới mới lên. Chỉ riêng việc có người hạ giới tự lên được đến tận Mường trời đã là chuyện phi thường, gợi trí tò mò của vua Then.

Ngài bèn lệnh cho vào ra mắt. Thấy hai cha con dù ăn mặc xuềnh xoàng nhưng mặt mũi khôi ngô, thông minh sáng sủa hơn nhiều người ở đất Then, vua Then cất tiếng hỏi:

– Chẳng hay cha con làm cách nào lên được đến đây và để làm gì?

Được dịp, chàng Thi Thốn thuật lại tất cả đầu đuôi câu chuyện của chàng với nàng Then Út, rồi quỳ lạy vua cha thương tình. Vua Then đã nhớ lại tất cả từ câu chuyện cái chén ngọc lưu ly bé xíu.

Thấy Thi Thốn khôi ngô, chung tình và tài ba, Then nghĩ: “Ừ, nó cũng xứng với con gái út của ta đây. Các chị của Út đã có đôi, riêng nó mấy năm nay bị đày xuống hạ giới, nên còn phòng không đáng thương. Chi bằng ta chấp nhận cho mối tình này”.

Ngài bèn phán:

– Ta ưng thuận điều cầu xin của nhà ngươi nếu nhà người nhận đúng vợ mình trong số bảy chị em. Ngày mai, người hãy đến đây. Ta sẽ để cả bảy người con gái ta, mỗi người trong một buồng kín, chỉ có một cái lỗ nhỏ đủ thò ngón tay út của các công chúa ra ngoài.

Ngươi hãy đi lướt qua nhìn các ngón tay út ấy, nếu nhận ra đâu là ngón tay vợ mình thì hãy nắm lấy và báo cho ta. Nếu đúng ta sẽ cho hai vợ chồng sống với nhau trên thiên giới. Nếu sai ta sẽ buộc hai bố con ngươi phải trở về hạ giới!

Thi Thốn lạy tạ và lui ra. Lính hầu được lệnh cho bố con nghỉ tại quán khách của nhà trời ở ngoài thành chờ đợi. Đêm hôm đó, chàng thao thức lo lắng: hoặc may ra nhận đúng ngón tay của vợ, hoặc là hai bố con phải xa nàng Út mãi mãi.

Bỗng chàng nhớ đến lời con đom đóm, chàng thầm cầu cứu đến nó. Đom đóm bay đến ngay ngoài cửa sổ, hiểu rõ nỗi lo lắng của chàng, nó nói

– Chàng yên tâm. Ngày mai ta sẽ đến. Thấy ta bay đậu nơi nào, thì chàng cứ việc tóm lấy ngón tay út đó!

Đến giờ hẹn, bố con lại dắt nhau lên cung Thiên đình. Bảy cái buồng kín đã quây tròn hướng vào ngai vàng vua Then. Được lệnh, bố con dắt nhau dạo qua bảy buồng với bảy ngón tay út thò ra giống nhau như đúc và đều trắng nõn nà. Chàng đứng ra xa và ngắm mãi về phía các ngón tay, lo lắng hồi hộp.

Bỗng con đom đóm bé xíu bay qua tai chàng, chỉ có chàng biết, rồi bay thẳng về phía buồng số năm, đậu vào ngón tay út của nàng Út. Thi Thốn mạnh dạn bước thẳng đến đó, nắm lấy ngón tay nàng và hướng về phía vua Then:

– Thưa vua Then, đây chính là vợ con đấy ạ!

Vua Then cả mừng, khen cho sự tài tình của Thi Thốn. Then sai mở cửa buồng cho vợ chồng, con cái gặp nhau. Nàng Út sung sướng ôm chầm lấy chồng con. Vợ chồng con cái gặp lại nhau biết bao mừng tủi. Nàng Út bế con dắt chồng, đến lạy tạ vua cha và đưa chồng đến chào các chị, các anh và họ hàng khắp lượt trước sự khâm phục, vui mừng chen lẫn ái ngại: Không biết chàng rể trần gian tài ba đẹp trai có sống nổi trên thiên giới đầy huyền bí này không?

Nàng Út và chồng con cảm tạ mọi người, rồi cáo lui về ngôi nhà dành sẵn cho mình. Về đến nhà, nàng nói với chồng

– Chàng và con lên được đây đã chứng tỏ đầy đủ tấm tình chung thủy của chàng, cũng chứng tỏ tài năng và quyết tâm của chàng. Vợ chồng, con cái đoàn tụ thật là hạnh phúc cho đôi ta. Cuộc sống trên thượng giới này còn nhiều thử thách đối với chàng, nhưng chàng đừng ngại, từ đây đã có em bên chàng, sẽ cùng chàng vượt qua mọi thử thách, miễn là chàng kiên tâm!

Vua Then đã có vẻ hài lòng về chàng rể trần gian này. Những muốn truyền ngôi cho chàng, nhưng còn muốn thử thách thêm tài năng và đức độ của chàng nhiều nữa. Rồi cuộc thử thách mới đã đến. Vua sai chàng trong một ngày, ngả hết cây ba núi lớn, bạt ngàn cây cổ thụ kia để làm nương lấy lúa và hoa màu làm lễ mừng thọ vua Then.

Vốn có sức khỏe phi thường, mặc dù việc hơi quá sức, chàng ra sức phạt dọn cây trên đồi thứ nhất. Chàng lại ra tay đốn cây ở núi thứ hai. Vừa xong núi này, chàng tin rằng từ giờ đến tối sẽ phát xong cả ba ngọn núi. Nhưng lạ chưa, quay nhìn lại quả núi thứ nhất đã đổ hết cây rồi, nay các cây lại dựng đứng lên như cũ. Chàng lo lắng chạy về nhà hỏi vợ. Nàng nói:

– Chàng đừng sợ! Đó là âm mưu thâm độc của các lực lượng ganh tị trên nhà trời gây nên. Nhưng các cây chỉ dựng hờ đấy thôi. Em đã có cách. Chàng cứ tiếp tục công việc đi!

Thi Thốn lại ra sức phạt rừng cây ở quả núi thứ ba, mặc cho cây đã phạt ở cả hai quả núi trước lại dựng đứng lên hết. Lòng tin tưởng giúp thêm sức mạnh, chàng đã phạt xong quả núi thứ ba sau khi mặt trời còn cách chân trời hai đoạn con sào, dù sau đó, cây cả ba núi lại dựng đứng thẳng lại như cũ.

Bỗng một cơn gió mạnh đổ đến, các cây đổ ào ào và trượt xa gốc cũ hàng vài sải, chẳng thể nào dựng lại lên được nữa.

Trước lúc mặt trời lặn, vua Then đã đến ghi nhận công lao của chàng.

Vài hôm sau, vua Then lại sai chàng cho lửa dọn sạch nương, nhưng phải châm lửa từ phía đỉnh núi xuống, trong khi gió từ khe thổi ngược lên đỉnh núi.

Về bàn với nàng Út, chàng yên tâm thi hành lệnh cha. Khi chàng lên chính đỉnh núi giữa, sẵn sàng xòe lửa đốt nương thì gió đổi chiều thổi mạnh từ đỉnh xuống khe. Lửa cháy bừng bừng. Nhưng hai luồng gió – luồng gió nàng Út và luồng gió phản nghịch của những kẻ ganh tị gặp nhau, tạo nên cơn lốc xoay tròn bốc ngọn lửa đốt cháy hết đám cây cỏ này đến đám cây cỏ khác khắp cả ba quả núi, tạo nên cảnh rất đẹp mắt. Cuối cùng, cả cánh mương trải khắp ba ngọn núi to lớn đã được dọn sạch, sẵn sàng cho việc gieo trồng.

Vua Then lại sai lấy mười gánh lúa, mười gánh vừng, mười gánh đỗ giống, đem gieo trong một buổi, sao cho mỗi quả núi một thứ không được lẫn lộn. Nhờ mưu nàng Út, việc đó làm được dễ dàng qua ba trận gió nhẹ riêng cho ba nương lúa, vừng và đỗ khác nhau.

Đến nửa buổi đã xong trước cả sự ra tay của những kẻ ganh ghét. Nhưng chúng đã vội tâu vua Then về sự nhầm lẫn lúa giống bằng những lúa, vừng, đỗ đã hấp chín sấy khô để dành ăn lúc giáp hạt. Thế là có lệnh thu nhặt lại, hạn trong ngày ấy, không cho sót hột nào, không lẫn hột nào.

Tạo Thi Thốn và công chúa Út mượn gió từng nương một thổi gom chúng lại, xúc bỏ vào gánh, rồi sai chim rừng nhặt không sót một hạt nào, không lẫn hạt nào, đày mười gánh một loại, nhập kho trước cả thời hạn.

Hôm sau, lấy đúng hạt giống mới, hai vợ chồng lại làm xong nhiệm vụ gieo hạt dễ dàng. Do đã một lần nhầm lẫn nên phép bùa của những kẻ ganh ghét không còn thiêng nữa.

Từ đó, lúa màu, thuận mưa vừa nắng đã lên xanh tốt chưa từng có. Vụ đó bội thu, chứng tỏ hai vợ chồng hợp tính, hợp duyên, yêu thương nhau, cùng nhau làm ăn chân chính và hết sức đồng lòng, nên mới được như vậy – vua Then nghĩ thế. Nhưng ngài còn muốn xem đức độ của hai vợ chồng nữa, nên sai đem tất cả lúa màu xanh giã làm bánh vừng, bánh nếp nhân đỗ chia khắp người Mường Then, không sót một ai mỗi người một cặp, nhân mừng lễ thượng thọ vua cha.

Nhờ trí nhớ tài tình của nàng Út, không quên sót một ai trên Mường Then, nhờ tài năng chế biến của chàng Thi Thốn, nhờ lòng nhân hậu của cả hai vợ chồng vì mọi người, nhớ đủ mọi người, dù cho có cả những kẻ hiềm khích với mình, hai vợ chồng đã làm xong mọi công việc được giao.

Đúng hôm lễ thượng thọ của mình, trước bàn dân thiên hạ nô nức đến chúc mừng vua Then và nhận phần quà quý cho mọi người, vua Then dõng dạc tuyên bố:

– Cám ơn các ngươi đã hết lòng yêu quý ta, đã đến dự lễ đông đủ thế này. Ta đã già rồi. Nhưng hạnh phúc lớn nhất của một người cha già là đã nuôi dạy được các con khôn lớn, biết nối được ý chí của cha.

Ta  cũng thuộc số người hạnh phúc đó! Ta đã chọn được người xứng đáng kế tục được sự nghiệp của ta, để ta sớm lui vào hậu cung đúng tuổi sáu mươi của mình. (Sáu mươi năm trên trời lúc đó bằng sáu trăm năm ở mặt đất). Người kế tục ta là chàng rể Thi Thốn với nàng công chúa Út, tài ba đức độ, đồng sức đồng lòng với nhau sẽ làm nên sự nghiệp nhờ tài năng và lòng nhân hậu của mình.

Mọi thành viên của Mường Then chấp nhận sự kế vị đó của Tạo Thi Thốn, kể cả những kẻ hay ganh ghét trước đây.

Toàn Mường Then mở hội tưng bừng vui múa tiệc yến suốt mười hai ngày đêm. Từ đó thiên hạ thái bình dài lâu.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 6

Người làm vườn và công chúa

Vợ chồng một gia đình nông dận nọ sinh được hai người con trai. Trong lúc người anh suốt ngày say sưa với công việc ngoài đồng ruộng, thì người em là Va-nếch chỉ mơ ước trở thành người làm vườn.

Một hôm, người em ngồi thủ thỉ tâm sự với bố, ông bố rất thông cảm, lại thương con, nên đã đồng ý và sửa soạn tiền nong, quần áo để cho Va-nếch đi học nghề làm vườn ở một khu lâu đài của nhà vua.

Va-nếch rất chịu khó và say mê công việc. Chẳng bao lâu người thợ cả nói với chàng:

– Này Va-nếch, ta thấy cậu chịu khó và thông minh. Bây giờ cậu đã vững tay nghề, công việc này đúng là hợp với đôi bàn tay khéo léo của cậu. Nếu cậu ưng ở lại đây với ta thì ở, nếu không, cậu cứ đi ra thiên hạ tìm việc mà làm ăn sinh sống.

Va-nếch nửa muốn đi tìm thêm việc làm để kiếm tiền nuôi bố, nhưng lại rất mến người thợ cả cho nên anh chàng quyết định ở lại chăm sóc khu vườn cho nhà vua.

Với đôi bàn tay của Va-nếch, công việc của bác thợ cả nhẹ hẳn đi và khu vườn thượng uyển cũng đẹp hẳn lên. Từ luống hoa, hàng cây, cho đến lối đi đều được sửa sang hết sức chu đáo, khiến cho vua, hoàng hậu cùng công chúa chiều chiều lại thích ra dạo mát ngắm cảnh.

Được ít lâu, Va-nếch nghe nói vua rất buồn phiền vì từ lâu công chúa không nói một lời. Nhà vua đi loan tin khắp nơi, hễ ai làm cho công chúa nói trở lại, sẽ được vua gả công chúa cho và được nối ngôi vua.

Không biết bao nhiêu chàng trai và hoảng tử từ các nước láng giềng đã lui tới, tìm mọi cách làm vui lòng công chúa để mong công chúa nói trở lại, nhưng không một người nào thành công.

Biết tin ấy, một hôm Va-nếch nghĩ bụng: “Mình cứ thử liều xem, biết đâu may mắn sẽ đến?”. Ngay sau đó, chàng xin vào gặp công chúa. Va-nếch mang theo một bó hoa tươi lộng lẫy hái ở những luống hoa do chính tay chàng vun xới. Bước vào phòng, Va-nếch trông thấy công chúa đang ngồi im lặng và âu yếm vuốt ve một con mèo.

Qua khóe mắt, Va-nếch thấy công chúa có vẻ hài lòng với bó hoa, nhưng chàng không nói gì mà chỉ cắm bó hoa vào lọ, để lên bàn trước mặt công chúa và kể cho con mèo nghe một câu chuyện cổ tích về ba chàng trai.

Chuyện rằng, thời xưa có ba người bạn thân, người thứ nhất làm thợ mộc, người thứ hai làm thợ may và người thứ ba làm vườn. Ba người đi lang thang tìm kiếm việc làm. Một hôm họ lạc vào khu rừng cấm có nhiều chó sói.

Để đề phòng sói dữ, đêm đến họ bảo nhau đốt lửa và lần lượt thay phiên nhau thức canh cho đến sáng. Người canh gác đầu tiên là anh chàng thợ mộc. Ngồi buồn, anh lấy một mẩu cành cây đẽo gọt thành con búp bê.

Công việc vừa xong thì đến phiên gác người thợ may. Thấy con búp bê thật là dễ thương, nhưng chưa có quần áo, anh bèn lấy trong túi ra một ít vải và khâu cho con búp bê một bộ quần áo rất xinh đẹp. Người làm vườn tỉnh dậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi:

– Búp bê ở đâu ra mà xinh thế này?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người thợ may mỉm cười nói:

– Bác thợ mộc đã gọt đẽo nên con búp bê này. Quần áo thì do tôi may. Bây giờ đến phần bác, bác làm thế nào để con bịp bê biết nói thì làm.

Kể đến đây, Va-nếch nhìn âu yếm con mèo một lần nữa và hỏi:

– Mèo ơi, mèo đã nghe chuyện rồi đấy và giờ đây hãy đoán xem búp bê xinh đẹp sẽ thuộc về ai? Về bác thợ mộc? Người thợ may? Hay anh chàng làm vườn?

Con mèo vẫn ngồi lặng im vì nó không nói được tiếng người. Nhưng ngay lúc đó, công chúa mỉm cười và thốt lên:

– Chàng ơi, búp vê không thể thuộc về ai khác ngoài người làm vườn. Chàng làm cho búp bê biết nói, có khác nào đã làm cho ta sống lại cuộc đời.

Sau bao nhiêu ngày tháng chờ mong, hoàng hậu bỗng nhiên nghe được tiếng nói của con gái. Vua cha và cả triều đình lấy làm ngạc nhiên, sung sướng. Để tỏ lòng biết ơn Va-nếch, nhà vua đã gả công chúa cho chàng và tổ chức lễ cưới linh đình. Câu chuyện về người làm vườn và công chúa được người đời sau truyền tụng mãi mãi.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 8

Công chúa Thủy Tề và chàng đánh cá

Ngày xưa, có một chàng đánh cá trẻ tuổi có giọng hát trong trẻo du dương. Nhà chàng vốn nghèo, tài sản chỉ có một con thuyền nhỏ và một túp lều dựng ở ven sông.

Ngày ngày chàng chống thuyền ra giữa sông cùng với cha buông câu thả lưới làm kế sinh nhai. Trong khi làm việc, chàng thường cất cao giọng hát. Tiếng hát ấy vọng khắp xa gần làm cho mọi người ưa thích.

Tiếng hát ấy còn làm cho một nàng công chúa Thủy Tề say mê. Hàng ngày nàng vẫn đội lốt cá quanh quẩn bên thuyền để được nghe tiếng hát của chàng trai người trần.

Một hôm, giữa khi đang mê mải nghe hát bên cạnh thuyền, nàng công chúa Thủy tề không may sa vào lưới. Khi gỡ cá dính lưới, người cha chàng trẻ tuổi thấy có con cá lạ có vảy đỏ lóng lánh đẹp mắt thì ném vào lòng thuyền định để cho con nuôi chơi.

Nhưng rồi ông già lại quên đi không cho con biết. Cho nên, mấy ngày đầu sống dưới gầm thuyền chẳng có gì ăn, nàng công chúa thủy phủ sắp lả ra vì đói.

Nhưng may sao, buổi sáng hôm sau, chàng trẻ tuổi đang ăn bỗng đánh đổ cơm lọt xuống gầm thuyền, nhờ vậy cá ta mới được một bữa no nê. Thấy cá lội tới đớp những hạt cơm rơi, chàng trẻ tuổi vội bắt lấy, ngắm nghía mãi không chán. Từ đó chàng bỏ cá vào chậu hết sức chăm chút cá không khác gì bạn thân.

Một hôm, chàng trai bắt cá lên ngắm nghía, chẳng may tuột tay đánh rơi cá xuống sông. Vắng nhà lâu ngày mới được thả ra, nàng công chúa đội lốt cá lập tức quay trở về thủy phủ.

Cuộc chia ly gây nên niềm thương nỗi nhớ giữa hai bên. Chàng trẻ tuổi rất ân hận là đã đánh rơi cá đẹp xuống sông. Chàng rất nhớ cá, hàng ngày chàng cứ nhìn xuống mặt nước hy vọng tìm lại con cá quen thuộc.

Về phần cá thì không quên được sự ân cần chăm sóc của chàng trẻ tuổi cũng như giọng hát mê ly của chàng. Nhưng từ ngày bị sa lưới trở về, nàng công chúa bị cha mẹ canh giữ ráo riết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không được nghe tiếng hát quen thuộc, dần dần nàng nhuốm bệnh. Thấy bệnh con ngày một nặng, cha mẹ nàng tra hỏi. Nàng đành thú thật: không những mê tiếng hát của chàng trai trẻ trên trần mà còn ao ước được kết duyên với chàng.

Nghe nói thế: vua Thủy đùng đùng nổi giận. Vua hạ lệnh phải canh giữ con gái mình nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng sau đó, nhờ hoàng hậu thương con ôn tồn khuyên can nên cơn giận của vua cũng dần dần nguôi. Khi thấy công chúa ngày một héo hon, cuối cùng, vua cũng đành để cho nàng toại nguyện.

Ba năm trôi qua…

Lúc này chàng đánh cá trẻ tuổi vẫn làm nghề cũ, giọng hát của chàng văng vẳng trên sông vẫn trong trẻo du dương. Nhưng người cha của chàng thì đã vắng bóng. Bấy giờ chàng dựng một túp lều bên cạnh hòn Non Nước nổi lên giữa dòng sông mênh mông như một hòn đảo.

Một hôm ngồi trên thuyền câu, chàng đang cất cho giọng hát, thì bỗng một con cá vảy đỏ lóng lánh nhảy lên mạn thuyền. Bắt cá lên tay, chàng thấy cá nhìn mình đầy trìu mến. Bỗng chốc cá biến thành một cô gái xinh đẹp khiên cho chàng kinh ngạc.

– Nàng là ai? – Chàng đánh cá hỏi.

– Thiếp là con cá nhỏ năm xưa từng được chàng ân cần chăm sóc.

Nói rồi cô gái kể lại cho chàng trai biết mọi việc xảy ra sau khi trở về thủy phủ.

Đoạn nói tiếp:

– Thiếp muốn được sống bên cạnh chàng, để có thể ngày ngày nghe chàng ca hát.

Chàng đánh cá và công chúa Thủy Tề nên duyên chồng vợ. Chàng hát nhiều hơn trước. Hai vợ chồng sống với nhau êm đềm sung sướng.

Trong dân gian có câu hát:

“Xung quanh những chị em ngồi,Giữa hòn Non Nước mình tôi với chàng”. Là nói lên cuộc tình duyên êm đẹp đó.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích hay nhưng ít được biết đến, hãy kể cho bé nghe ngay - 10

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích

Những câu chuyện cổ tích trên với nội dung hay và ý nghĩa nhưng ít được biết đến, nói về những phẩm chất, những đức tính tốt của con người, ca ngợi tình yêu, lòng thủy chung. 

Những câu chuyện cổ tích với nội dung hay và ý nghĩa.

Những câu chuyện cổ tích với nội dung hay và ý nghĩa.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Grimm dạy bé bài học đạo đức bổ ích, nuôi dưỡng tính cách tốt
Khi đọc truyện cổ Grimm, trẻ sẽ được dung nạp thêm những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé