Những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn dạy các bé bài học giá trị và hữu ích trong cuộc sống, không nên có tính kiêu ngạo, chủ quan, coi thường người khác.
Rùa và Thỏ chạy đua - Bài học về tính kiêu ngạo
Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông có một con Rùa đang cố sức tập chạy. Một con Thỏ trông thấy, mỉa mai nói đùa với Rùa:
– Chậm như cậu mà cũng đòi tập chạy à?
Rùa đáp:
– Anh đừng giễu tôi. Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn?
Thỏ vểnh tai lên tự đắc:
Ảnh minh họa.
– Được, được! Cậu dám thi chạy với tôi sao? Tôi chấp cậu một nửa đường đó!
Rùa không nói gì. Nó biết mình chậm chạp, nên cố sức chạy thật nhanh. Thỏ nhìn theo mỉm cười. Nó nghĩ:
– Ta chưa cần phải chạy vội, đợi Rùa gần tới đích, ta phóng cũng vừa.
Thỏ nhởn nhơ trên đường, nhìn trời, nhìn mây. Thỉnh thoảng, nó lại nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.
Bỗng Thỏ nghĩ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên thì thấy Rùa đã gần tới đích. Thỏ cắm cổ chạy miết nhưng không kịp nữa. Rùa đã tới đích trước nó.
Quạ và Công - Bài học của sự kiên nhẫn
Ngày xửa ngày xưa, Quạ và Công lông đều trắng cả. Một hôm hai bạn gặp nhau, Công bảo Quạ: “Bạn Quạ ạ, họ nhà chim chúng ta, nhiều người có áo đẹp. Chị Vàng Anh có chiếc áo vàng rực rỡ. Chú Vẹt có chiếc áo màu xanh tươi mát.
Chú Trả có chiếc áo xanh lam. Có áo đẹp mà múa thì thích lắm. Chúng mình chỉ có chiếc áo trắng thành ra múa không hay. Tôi và bạn đi tìm thuốc vẽ đi”. Quạ bằng lòng.
Hôm sau hai bạn lại gặp nhau. Chúng tìm được đủ màu: son đỏ, nghệ vàng, chàm xanh, phẩm lam tím.
Quạ bảo Công: “Bạn ngồi xuống đây, tôi vẽ cho bạn trước”. Quạ vẽ khéo lắm. Mỗi chiếc lông của Công, Quạ đều vẽ một cái mặt trăng có tia sáng vàng.
Trên mình, trên cổ Công, Qua tô màu xanh óng ánh. Bộ áo của Công tuyệt đẹp. chú chim nào trông thấy cũng phải khen: “Chao ôi! Công có chiếc áo đẹp tuyệt vời!”. Công thích lắm, chú xòe đôi cánh ra như để khoe với các bạn bộ áo xinh đẹp của mình.
Ảnh minh họa.
Đến lượt Công vẽ cho Quạ. Công định vẽ cổ Quạ màu đen có khoang trắng, hai cánh màu vàng, mình và lưng màu tía và thanh thiên. Công mới vẽ cái cổ đen có khoang trắng thì nghe thấy có tiếng lợn kêu eng éc. Quạ nghĩ bụng: “ Chắc có đình đám[3] chi đây, mau mau ta sang kiếm khúc ruột lợn”. Nó bèn bảo Công: “ Thôi bạn vẽ mau lên, không cần cầu kì lắm đâu!”.
Công vẫn bình tĩnh vẽ. Tiếng lợn kêu lại càng to. Quạ càng sốt ruột bảo Công: “ Mau lên! Mau lên! Bạn đổ tất cả các màu lên mình tôi cũng được!”.
Công nói: “ Bạn chịu khó đứng im, chiều nay tôi vẽ xong. Ngày mai chúng ta cùng có những chiếc áo hoa rực rỡ, cùng nhau dạo chơi múa mừng đêm trăng đẹp”.
“Nhanh lên, nhanh lên”, Quạ vừa nói vừa nhảy vào chậu phẩm đen. Thế là từ đó trở đi Quạ đành khoác trên mình bộ áo đen thui.
Một trí khôn hơn trăm trí khôn - Bài học về trí thông minh
Anh bạn ba hoa
Một con chồn chạy rông trên đồng cỏ, gặp một con cò.
– Chào anh Cò!
– Không dám! Chào anh Chồn!
– Anh có muốn kết bạn với tôi không?
– Ồ thế thì còn gì bằng!
Từ đấy đôi bạn không bao giờ rời nhau.
Nhưng mặc dầu chơi thân với nhau, Chồn vẫn thường hay khoe khoang và chê bai Cò đủ điều:
– Cò này, anh có bao nhiêu trí khôn?
– Một.
– Trời! Ít thế sao? Tôi ấy à, tôi có hàng trăm trí khôn!
Lúc hoạn nạn mới rõ ai nhanh trí, ai quý bạn
Một buổi sáng trời quang mây tạnh, đôi bạn dạo chơi trên đồng cỏ. Chúng đi sóng đôi với nhau, nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất. Ánh mặt trời chiếu trên thảm cỏ non làm cho những giọt sương long lanh như những hạt ngọc. Tiếng chim ríu rít trên cao. Cò và Chồn đang say sưa ngắm cảnh thì từ đằng xa, một người thợ săn đi tới, vai đeo khẩu súng.
Biết là gặp sự chẳng lành, cò vội bảo bạn:
– Chúng ta phải trốn ngay mới được. Nhưng trốn vào đâu?
Chúng nhìn quanh, thấy một cái hang bên gò đất. Chồn ta nhanh chân chui vào trước, Cò theo vào sau. Vừa mới ẩn kín, người thợ săn đã lại gần. Nhận thấy dấu chân của hai con vật, người thợ săn reo lên:
Ảnh minh họa.
– Thế này mới tuyệt chứ! Một chú chồn, một chú cò cùng vào một hang! Phải tóm cổ chúng nó ra mới được!
Người thợ săn bèn đặt súng xuống cỏ, lấy cành cây chọc vào hang.
Cò thấy nguy cơ, ghé tai giục Chồn:
– Chồn này, cậu có hàng trăm trí khôn. Cậu hãy nghĩ ra kế gì để cứu nhau chứ. Lão ta sắp tóm được chúng ta rồi kìa!
Chồn đau khổ thì thầm:
– Trời đất ơi! Lúc này không một trí khôn nào nảy ra trong óc mình cả. Thôi, một mình cậu cố gắng bình tĩnh nghĩ hộ vậy.
Sau giây phút suy nghĩ, Cò bảo:
– Thật ra mình chỉ có mỗi một mưu thôi. Nhưng mình cũng cứ nói nhé! Khi lão ta lôi mình ra khỏi hang, mình sẽ giả vờ chết. Tất nhiên, lão ta sẽ vứt mình ra một góc rồi tiếp tục đào hang để bắt cậu…
Chồn sợ quá, rên rỉ:
– Khổ thân tôi chưa! Cậu sẽ bay thoát thân cậu. Còn tôi nhất định sẽ bị lão giết chết tươi!
– Đời nào tôi lại tệ thế! Lúc ấy tôi sẽ kêu lên rồi vùng chạy. Thế nào người thợ săn cũng cố chộp bắt lại tôi. Lúc bấy giờ cậu lo mà chạy đi chứ!
Một trí khôn hơn trăm trí khôn – Bài học quý giá cho anh chàng Chồn ba hoa…
Khi người thợ săn lôi Cò ra khỏi hang. Cò đã cứng đờ không cựa quậy.
– Tiếc quá! Có lẽ nó bị chết ngạt. Người ấy nghĩ thế rồi ném Cò ra một góc, tiếp tục đào hang.
Thình lình Cò đưng lên, cất tiếng kêu vang rồi vụt chạy những bước dài, tránh xa cửa hang.
Người thợ săn vô cùng kinh ngạc, rồi tiếc rẻ con mồi xinh đẹp, vội vàng chạy đuổi theo để vồ lại. Chồn ta chỉ chờ đến lúc này vụt nhẩy ra khỏi hang, chạy biến. Thế là đôi bạn đều thoát nạn.
Ngày hôm sau chúng lại tìm gặp nhau trên đồng cỏ. Cò hỏi:
– Hàng trăm trí khôn của cậu, hôm qua cậu để đâu?
– Lúc ấy mình sợ quá, đánh rơi hết. Không có trí khôn của cậu thì cả hai chúng ta đều đi đứt hết. Chỉ có một trí khôn của cậu cũng đáng giá bằng trăm trí khôn khác!
Từ đó, Chồn rất khiêm tốn, không bao giờ huyênh hoang, khoác lác nữa.
Dê và chó sói - Bài học về kỹ năng sống
Phần 1: Dê Trắng và Chó Sói
Ngày xưa, trong một khu rừng nọ, có Dê Đen và Dê Trắng hay đi dạo cùng nhau. Tuy chơi cùng với nhau, nhưng tính tình thì hoàn toàn trái ngược. Dê Trắng nhút nhát, ít có trải nghiệm về cuộc sống, còn Dê Đen thì lại rất dũng cảm và mưu trí.
Một ngày kia, Dê Trắng đang mải mê gặm những chiếc lá cỏ xanh mơn mởn và thả hồn nghe những tiếng chim rừng thánh thót bên tai. Dê Trắng hoàn toàn lơ là trước những mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Bỗng từ đâu, có một con Sói nhảy xổ ra, lớn tiếng quát:
– Dê kia! Ai cho ngươi ăn cỏ ở đây!
Dê Trắng que tiếng quát của Sói, co rúm cả người lại, lắp bắp trả lời:
– Dạ, dạ. Xin lỗi ông Sói, tôi thấy có non quá, không biết nó là của ông ạ!
Sói làm ra vẻ gườm gườm nhìn Dê Trắng rất đáng sợ, nó cất tiếng nạt nộ tiếp:
– Dưới chân ngươi có gì?
– Dạ, chỉ là móng thôi ạ…
– Thế trên đầu ngươi đội cái gì thế kia?
– Dạ, nó là hai cái sừng đang nhú lên ạ…
Sói trợn trừng mắt, nhìn Dê quát càng lớn hơn:
– Trái tim ngươi như thế nào?
– Ôi, xin ông! Trái tim tôi nó đang run rẩy vị sợ hãi…
Nói rồi, Dê Trắng bủn rủn cả bốn chân, đứng không vững vì sợ uy của con Sói.
Sói cất tiếng cười vang. Nó lao tới, ăn thịt chú Dê Trắng nhút nhát.
Ảnh minh họa.
Phần 2: Chú Dê Đen
Vào một ngày khác, Dê Đen cũng đi kiếm ăn chỗ Dê Trắng hôm trước gặp nạn. Dê Đen cúi xuống uống dòng nước mát dịu bên bờ suối. Con Sói gian ác lại đi qua. Thấy Dê Đen, nó lại nhảy chồm ra dọa nạt:
– Dê kia! Ngươi đi đâu? Ai cho phép ngươi bén mảng đến vùng đất của ta!
Chú Dê Đen thấy nguy hiểm cận kề, nhưng vẫn bình tĩnh, nhanh trí, lớn tiếng nạt lại Sói:
– Ta đi tìm kẻ nào thích gây sự! Mấy hôm nay chưa được đấm đá kẻ nào nên đang buồn chân.
– Thế dưới chân nhà ngươi có gì?
– Chân ta á? Nó cứng như thép, với móng được bọc bằng đồng đen.
Con Sói nghe thế, bắt đầu dịu giọng:
– Thế… thế trên đầu ngươi có gì?
– Trên đầu của ta, có đôi sừng bằng kim cương! Đôi sừng này, ta đã đâm biết bao kẻ hay gây sự!
Sói bắt đầu thấy sợ, nhưng vẫn cố hỏi tiếp:
– Vậy… trái tim ngươi… trái tim ngươi như thế nào?
– Trái tim của ta bằng thép, nó đã được tôi luyện qua nhiều trận chiến với kẻ thù! Ngươi có muốn thấy nó không! Nào, hãy lại đây để ta cho xem!
Nghe đến đoạn này, tim Sói đập thình thịch. Nó cắm đầu chạy thục mạng vào rừng vì sợ hãi. Kể từ đó, không ai còn thấy con Sói gian ác lởn vởn quanh khu rừng nữa.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn
Những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn dạy các bé bài học giá trị và hữu ích trong cuộc sống, không nên có tính kiêu ngạo, chủ quan, coi thường người khác. Đồng thời, giáo dục đức tính kiên nhẫn, chịu khó, chế giễu những kẻ tham ăn, lười làm.
Ngoài ra, còn ca ngợi sự bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí khi phải đối mặt với những mối nguy hiểm, xấu xa trong cuộc sống.
Những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn dạy các bé bài học giá trị và hữu ích trong cuộc sống.