Một số câu chuyện cổ tích có người gốc từ Trung Quốc với nội dung đơn giản, phong phú, giúp bé khám phá thêm thế giới cổ tích đầy màu sắc.
Cùng với Việt Nam, Trung Quốc cũng là một quốc gia nổi tiếng với kho tàng truyện cổ tích đồ sộ, phong phú. Mỗi câu chuyện đền mang đến những bài học hay, đáng để các bé thiếu nhi tham khảo, thư giãn và làm giàu thêm kho kiến thức cho riêng mình.
Nói đến Trung Quốc, chúng ta thường quá quen thuộc với các câu chuyện điển cố điển tích, sự ra đời của các ngày lễ như: Tết Nguyên Tiêu, sự tích Ngưu Lang Chức Nữ, Nữ Oa vá trời... Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh khác, Trung Quốc cũng có nhiều câu chuyện phản ánh đời sống chân thật của con người, những câu chuyện dưới đây mang lại một góc nhìn mới, nội dung mới và những bài học thú vị.
Sự tích con gà trống có mào đỏ
Ngày xửa ngày xưa, cách đây lâu lắm rồi, khi trời đất vừa hình thành, thay vì có một mặt trời tỏa ánh nắng ấm áp xuống trần gian như bây giờ thì có tới sáu mặt trời cùng chiếu sáng trên bầu trời.
Vào một ngày mùa xuân nọ, khi những người nông dân mất bao nhiêu thời gian vất vả cho việc gieo hạt giống cho vụ mùa thì trời không có lấy một giọt mưa. Sáu mặt trời cùng nhau chiếu những ánh sáng chói chang xuống mặt đất làm cho cây cối khô héo, đất đai nứt nẻ.
Lúc bấy giờ, hoàng đế Trung Hoa nhìn thấy cảnh tượng đó thì vô cùng đau lòng. Ông nói với các triều thần:
– Nếu mặt trời cứ tiếp tục chiếu sáng như thế này thì thần dân của ta sẽ chết hết thôi.
Nhà vua cho mời mười vị thông thái nhất đất nước đến hoàng cung cùng bàn bạc phương thức giải quyết cứu lấy vụ mùa của người dân. Bàn bạc rất lâu mà không ai đưa ra được một phương án khả thi nào. Bỗng một vị trưởng lão nói:
– Cách duy nhất là bắn mặt trời.
Những nhà thông thái khác đều đồng ý. Nhà vua rất mừng vì sau cùng đã có cách cứu mùa màng. Người cho các cận thần đi khắp nơi để tìm kiếm những tay cung thiện xạ và triệu họ về cung. Những người bắn cung thiện xạ đều rất khoẻ mạnh, người nào cũng mang theo một cây cung thật lớn trên vai, hãnh diện đến phụng sự đức vua vĩ đại.
Thế nhưng dù những tay cung này có khỏe đến mấy, giỏi đến mấy thì những mũi tên bắn ra chỉ đi được nửa đoạn đường đến chỗ mặt trời chiếu sáng. Những mặt trời tiếp tục chiếu xuống mặt đất nóng bỏng.
Sau đó, có những người ở phương xa đến mách rằng:
– Hoàng tử Hậu Nghệ ở vương quốc láng giềng là một tay cung thiện xạ. Hãy mời anh ta đến.
Nhà vua sai các sứ giả sang nước láng giềng mời hoàng tử Hậu Nghệ đến hoàng cung. Hậu Nghệ vui vẻ nhận lời.
Dân chúng tụ họp thật đông dưới bầu trời để xem những mũi tên của Hậu Nghệ có bay đến mặt trời được không. Khi mọi người tụ họp lại vua ra lệnh:
– Hãy bắn rơi sáu mặt trời và cứu lấy thần dân của ta.
Hậu Nghệ nhìn sáu mặt trời rồi nâng cung lên, nhưng chàng buồn bã lắc đầu, hạ cung xuống, tâu với nhà vua:
– Sáu mặt trời ở xa quá, những mũi tên yếu ớt của thần không thể bay đến được.
Thế rồi Hậu Nghệ nhìn thấy sáu mặt trời chói chang phản chiếu trong hồ nước và chàng nghĩ: “Bắn chúng ở đó thì cũng vậy thôi”.
(Ảnh minh họa)
Chàng giương cung lên và mũi tên của chàng xuyên thủng mặt trời thứ nhất, nó biến mất trong đáy hồ. Chàng bắn tiếp mặt trời thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm.
Mặt trời thứ sáu nhìn thấy những gì đang xảy ra, nó hoảng sợ đến nỗi biến mất sau quả đồi. Mười vị trưởng lão rất hài lòng vì cả sáu mặt trời đều đã bị tống khứ đi.
Ngày hôm sau, khi mọi người thức dậy sau giấc ngủ dài thì không thấy ngày mới nữa, vì mặt trời thứ sáu không chịu ra khỏi chỗ nấp để chiếu sáng trở lại. Tất cả đều chìm trong bóng tối. Mười vị trưởng lão lại họp với nhau trong bóng tối, bàn bạc xem có thể làm gì. Họ quyết định tìm một người nào đó gọi mặt trời thứ sáu ra để có ngày mới.
Đầu tiên họ mang đến một con cọp, nó gầm rống để cho mặt trời thứ sáu ra ngoài, nhưng mặt trời thứ sáu chỉ thêm sợ hãi vì tiếng gầm của nó và nói:
– Ta sẽ không ra đâu.
Sau đó họ mang đến một con bò, nghĩ rằng với tiếng rống êm ái của bò chắc sẽ dụ được mặt trời thứ sáu ra. Nhưng mặt trời vẫn còn giận lắm, nó hờn dỗi nói:
– Ta sẽ không ra đâu, thế đó!
Cuối cùng, họ mang đến một con gà trống to khỏe đến gáy thì mặt trời thứ sáu lắng nghe và nói:
– Âm thanh này mới hay làm sao.
Nó lén nhìn qua chân trời để xem cái gì tạo ra âm thanh đó. Khi nó nhìn xuống thì mọi người hô vang những tiếng reo mừng, chào đón. Mặt trời thứ sáu thấy vui quá, nó bước hẳn ra ngoài và rồi tạo một cái mào màu đỏ, nhỏ nhỏ trên đầu chú gà trống to khỏe.
Từ đó trở đi vào mỗi buổi sáng, chú gà trống đều mang cái mào đỏ của mình đi gáy gọi mặt trời thức dậy.
Con chó có nghĩa
Câu chuyện này xảy ra dưới triều đình nhà Thanh, tại một huyện lị có tên là Trung Mâu. Ngày hôm đó, quan huyện đang thăng đường làm việc, đột nhiên một con chó từ bên ngoài xông thẳng vào nằm phục dưới đất và cất tiếng sủa váng lên, như đang muốn tố giác một điều oan khuất nào đó.
Con chó chui hắn xuống gầm bàn của quan huyện, mặc cho mọi người đâm chọc, lùa gạt thế nào cũng không chịu ra, chỉ cất lên tiếng tru tréo nghe như tiếng khóc thảm thiết.
Quan huyện cảm thấy trong sự việc này có cái gì hơi kì quái liền ngăn bọn công sai lại và cúi xuống gầm bàn nói với con chó, cứ như là nó hiểu tiếng người vậy :
– Mày có việc gì oan ức phải không? Có phải mày đến đây kêu kiện không? Vậy thì mày hãy ra đây để tao xem mày kiện về việc gì nào.
Kể cũng lạ, nghe câu đó, con chó từ trong gầm bàn chui ra, vẫn nằm phục trên sàn nhà và tiếp tục sủa.
Quan huyện nhíu đôi lông mày lẩm bẩm:
– Việc này biết làm sao đây? Mày lại không biết nói !
Con chó hình như nghe được tiếng người, liền đứng dậy cắn vào chiếc áo dài của quan huyện và lôi ra ngoài. Quan huyện liền nói với nó :
– Được rồi! Được rồi! Tao sẽ phái công sai cùng đi với mày.
(Ảnh minh họa)
Con chó lập tức nhả chiếc áo quan huyện ra, quay đầu đi thẳng ra ngoài. Ra đến cửa huyện, nó lại quay đầu vào sủa ăng ắng, hình như muốn thúc giục công sai không nên chậm trễ. Các công sai không còn cách nào, đành vâng lệnh quan huyện đi theo con chó, nhưng trong lòng họ nửa tin nửa ngờ.
Ra khỏi huyện đường, con chó đi đến tận bên bờ một con sông, nhìn vào trong đám lau sậy rồi sủa váng lên. Đám công sai vạch bụi lau ra thì thấy một xác chết. Họ trở về bẩm báo với quan huyện.
Mọi người đều tấm tắc khen là con chó quá thông minh, đã làm một việc kỳ lạ, biết đến công đường để báo một vụ án giết người! Bây giờ chỉ còn có việc truy tìm hung thủ là ai. Đang lúc mọi người bàn luận thì con chó lại từ ngoài chạy vào, nằm phục xuống sàn sủa gâu gâu. Lúc này, quan huyện chẳng còn do dự nữa liền bảo ngay:
– Nếu ngươi biết được hung thủ, ta sẽ cử công sai đi cùng với ngươi!
Con chó nghe vậy liền quay đầu chạy ra ngoài, quan huyện chưa kịp dặn dò gì thì mấy công sai đi theo nó lúc nãy đã phải vội chạy đuổi theo nó ngay, cả huyện đường đều ngạc nhiên.
Đi được khoảng hơn hai mươi lăm dặm đường, chỉ thấy trước mặt có một ngôi nhà. Con chó liền xông vào nhà, ngoạm ngay vào một gã con trai và giữ chặt. Các công sai thấy vậy liền áp giải gã trai nọ về nha môn. Quan huyện lập tức thăng đường xét hỏi. Gã trai trẻ nọ chẳng phải là loại ngoan cố, vừa hỏi hai ba câu đã khai hết sự thật.
Con chó này nguyên là con chó anh ta mua trên phố về chuẩn bị giết thịt. Bởi vì con chó không chịu đi cho nên anh ta trói nó lại, buộc chặt mồm nó, rồi treo lên đầu gậy quẩy ngược về nhà. Trên đường đi, anh ta gặp một người khách buôn cưỡi lừa đang đứng nghỉ bên vệ đường, anh ta bèn dừng chân lại để nghỉ và lân la trò chuyện với nhà buôn.
Con chó nhìn người khách buôn, cất tiếng rên ư ử, người khách buôn thây thương hại bèn hỏi rõ chuyện và lấy ra một lạng bạc mua lại con chó. Người khách buôn mở trói cho nó, cho nó ăn mấy miếng thịt và vài chiếc bánh bao rồi xua tay bảo nó hãy đi đi, còn mình tiếp tục cưỡi lừa đi tiếp.
Gã trai trẻ nhìn thấy hành lí của nhà buôn nặng trịch bèn nảy lòng tham, len lén bám theo sau ông ta rất xa, đến đoạn đường nọ liền xông tới vung gậy đập tới tấp cho đến lúc nhà buôn gục chết. Nào ngờ con chó đi theo phía sau, nhìn thây cảnh tượng đó, liền xô tới cắn anh ta. Anh ta nóng mắt liền vung gậy đập, con chó không làm gì được nên chạy ra xa.
Gã trai lôi xác người khách buôn đến bờ sông, lấp cát lên rồi dắt con lừa mang cả hành trang của nhà buôn về nhà mình. Ngày hôm sau, gã dắt lừa lên phố bán, nhưng gã nào biết được mọi việc làm của gã đều bị con chó lặng lẽ theo dõi và chính vì thế mà nó biết được nhà ở của gã.
Quan huyện ra lệnh cho công sai đến xét nhà gã để tìm tang vật, quả nhiên tìm thấy 500 lạng bạc. Trong hành trang của nhà buôn nọ còn có một cuốn sổ ghi chép, từ đó đã tìm được địa chỉ và tên họ của người bị hại.
Gia đình người bị hại nhận được tin tức, hết sức cảm động. Họ đưa linh cữu của người khách buôn về quê mai táng và nuôi con chó có nghĩa cho đến khi nó già và chết. Sau khi chôn cất nó xong, họ xây phần mộ cho nó và dựng bia ghi lại câu chuyện này.
Tính nợ
Ngày xưa có một anh nông dân nghèo mua chịu một con gà luộc của một quán hàng.
Ít lâu sau, anh đến quán hàng trả nợ. Lão chỉ quán lấy bàn tính ra, loay hoay tính mãi. Cuối cùng lão chủ quán nói:
– Anh phải trả tôi ba trăm… phải, đúng ba trăm đồng.
Anh nhà nghèo không ngờ một con gà của lão lãi bằng một trăm con gà ở chợ. Anh ngạc nhiên hỏi lại lão chỉ quán. Lão ta nói:
– Lại không đến ngần ấy ư? Anh cứ tính mà xem, nếu anh không ăn con gà ấy của tôi, nó sẽ đẻ được bao nhiêu trứng? Những trứng ấy ấp nở được bao nhiêu con? Gà con ấy lớn lên, lại đẻ được bao nhiêu trứng!…
Lão chủ quán nói một thôi một hồi và bắt anh nông dân phải trả đủ số tiền ấy. Tất nhiên anh nông dân không chịu trả một cách vô lí như thế. Lão chủ quán liền ra tòa kiện.
Quan tòa xử cho lão chủ quán được kiện vì lão ta đút lót cho quan một số tiền. Anh nhà nghèo ra về, lòng buồn rười rượi.
Đi được một quãng, anh nhà nghèo gặp A-phan-ti, A-phan-ti là người hào hiệp hay cứu giúp kẻ nghèo, ai cũng biết tiếng. Anh nhà nghèo liền đem chuyện mình kể cho A-phan-ti, mong A-phan-ti giúp đỡ.
Nghĩ một lát, A-phan-ti nói:
– Anh hãy trở lại tòa án nói cho quan tòa biết xử như thế là bất công. Anh cứ đòi ngày mai tòa phải đem việc này xử trước công chúng. Tôi sẽ đến cãi giúp anh.
Anh nông dân trở lại tòa án. Quan tòa đành phải bằng lòng xử lại, nhưng với điều kiện: nếu anh vẫn thua thì sẽ phạt gấp đôi.
Hôm sau, dân chúng kéo đến dự phiên tòa rất đông. Quan tòa hỏi lão chủ quán. Lão ta đứng lên nói hết lí lẽ dài dòng của mình. Quan tòa hỏi đến anh nông dân. Anh đứng im không nói, viện lẽ còn đợi người cãi hộ.
Một lúc sau, A-phan-ti mới đến.
(Ảnh minh họa)
Quan tòa hỏi:
– Tại sao anh đến chậm? Có lẽ anh cho phiên tòa là không cần sao?
A-phan-ti nói:
– Tất nhiên là cũng cần. Nhưng xin quan hãy xét cho, mai tôi đã phải gieo mạ, thế mà hôm nay tôi vẫn chưa rang hết thóc giống. Đó mới thật là việc cần. Tôi phải rang nốt ba đấu thóc, nên mới đến chậm đấy ạ!
Nghe thấy thế, quan tòa mừng lắm, vội quát to:
– Anh điên đấy ạ? Thóc ra chính còn mọc sao được? Thế mà cũng đòi ra tòa cãi hộ ư?
Nói đoạn, quan tòa liền gạt A-phan-ti đi, không cho cãi giúp anh nông dân. Dân chúng hồi hộp lo cho A-phan-ti. Nhưng A-phan-ti vẫn ung dung nói:
– Ông nói đúng! Hạt giống đã rang chín thì không thể đem gieo mạ được. Còn con gà luộc mà anh bạn tôi đã ăn cũng không thể nào đẻ trứng được nữa. Có phải thế, thưa quan tòa và lão chủ quán?
Dân chúng sung sướng reo lên:
– Đúng rồi! Gà đã luộc thì không thể nào đẻ trứng được nữa!
Quan tòa và lão chủ quán trố mắt nhìn nhau. Cuối cùng, quan tòa phải để anh nông dân trả tiền gà cho lão chủ quán theo giá bán ở chợ.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Một số câu chuyện cổ tích có người gốc từ Trung Quốc với nội dung đơn giản, phong phú, giúp bé khám phá thêm thế giới cổ tích đầy màu sắc.
Mỗi câu chuyện đều mang đến ý nghĩa riêng như lý giải về chiếc mào đỏ của gà trống, sử dụng hình ảnh một chú chó thông minh, biết đi tố cáo kẻ giết người, trả ơn người khách buôn đã cư xử nhân hậu với nó. Hay ngụ ý phê phán những người giàu có nhưng tham lam chuyên đi ức hiếp, bóc lột người lao động nghèo khổ.
Mỗi câu chuyện cổ tích đều mang đến ý nghĩa riêng, đáng để tham khảo.