Suốt 32 năm tìm kiếm mỏi mòn, câu nói của người mẹ khi gặp lại đứa con trai bị bắt cóc khiến ai nấy đều xúc động.
Hai vợ chồng ông Lý (Lý Đức Quân) mãi mãi không bao giờ quên được ngày 20/3/1989 - ngày mà cậu con trai 6 tuổi bị bắt cóc trên đường đi học về. Khi đó, cậu bé mới 6 tuổi tên Lý Hưng Dũng và vừa vào lớp 1, buổi sáng còn đi học trong tâm trạng vui vẻ, thế nhưng đến chiều muộn mà con vẫn chưa về nhà. Nghĩ con trai ham chơi, lúc đầu ông bà Lý không quá lo lắng.
Hình ảnh hiếm hoi về Lý Hưng Dũng khi bé.
Nhưng quá trễ vẫn không thấy con, ông bà Lý vội chạy xung quanh hỏi đôn hỏi đáo hàng xóm. Cô bé hàng xóm 8 tuổi nói rằng, Lý Hưng Dũng trước đó đã ăn kẹo mút và rời đi cùng một người chị lớn hơn. Linh cảm chẳng lành, ông bà Lý vội vàng đi báo cảnh sát nghi ngờ con trai đã bị bắt cóc và đã bị đưa đi từ rất lâu rồi. Thời điểm đó xung quanh làng không có camera theo dõi, việc tìm được một đứa bé bị bắt cóc chẳng khác nào mò kim đáy bể. Sau nhiều ngày tìm kiếm, thông tin của con trai vẫn bặt vô âm tín.
Suốt 32 năm kể từ khi không còn một tin tức gì của con trai, hai vợ chồng ông bà vẫn chưa một ngày ngừng tìm kiếm cậu bé. Để tìm kiếm con trai mất tích, gia đình đã huy động người thân, bạn bè đi rất nhiều nơi, "Thành Đô, Miên Dương, Quảng Nguyên, Trùng Khánh đều có cả. Chỉ cần có tin tức, chúng tôi sẽ tìm" - ông bà Lý cho biết.
Suốt bao nhiêu năm trời, ông bà Lý chưa bao giờ rời khỏi căn nhà nhỏ ở quận Gung Rang, thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, thậm chí căn nhà cũng không sửa sang bất kỳ một chi tiết nào. Ông bà Lý ôm niềm hy vọng một ngày nào đó, con trai có thể sẽ không thể tìm được hình bóng ngôi nhà quen thuộc khi trở về.
Năm 1991, 2 năm sau khi con trai mất tích, vợ chồng ông Lý chào đón cô con gái chào đời, đặt tên là Roland. Sự xuất hiện của đứa trẻ mang lại cảm giác ấm áp, tiếp thêm sinh khí cho căn nhà vốn luôn chìm trong sự u ám đau khổ. Thế nhưng vợ chồng ông Lý vẫn luôn đau đáu về sự mất tích của con trai, cả hai tự an ủi nhau rằng, dù con bị bắt cóc nhưng nhất định vẫn còn sống.
Chỉ cần con trai còn sống thì họ vẫn còn hy vọng có ngày sẽ được đoàn tụ cùng nhau. Cô con gái Roland cũng không ngừng đăng tải thông tin của người anh trai chưa bao giờ biết mặt của mình lên các trang mạng xã hội nhờ tìm kiếm.
Kỳ tích thật sự đã xảy ra với vợ chồng ông Lý sau 32 năm miệt mài tìm kiếm con trai. Năm 2021, cảnh sát Đức Dương phát động chiến dịch đoàn tụ, tìm kiếm nạn nhân bị bắt cóc và giúp đỡ các gia đình có con bị bắt cóc. Thời điểm này, ông Lý Đại Toàn đã cùng vợ đến đăng ký thông tin cá nhân cũng như tiến hành thu thập mẫu ADN đưa vào hệ thống dữ liệu.
Anh Lý Hưng Dũng cùng vợ con đến nhận bố mẹ ruột.
Thông qua việc đối chiếu và so sánh, giữa tháng 8/2021, cảnh sát vui mừng báo tin cho đôi vợ chồng họ Lý rằng họ đã tìm được mẫu ADN trùng khớp từ một người đàn ông tên Đỗ Trình, hiện đang sống tại quận Bảo An, Thâm Quyến. Sau một vài thủ tục xác nhận, Đỗ Trình đã tìm được thân phận thật của anh - Lý Hưng Dũng.
Theo lời kể của Lý Hưng Dũng, sau khi bị bắt cóc và mang bán cho những kẻ buôn người, anh được cha mẹ nuôi chuộc về và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, cách căn nhà của bố mẹ ruột hàng nghìn dặm. Rất may mắn, bố mẹ nuôi rất tốt với Lý Hưng Dũng, đặt tên cho anh là Đỗ Trình và nuôi dưỡng anh thành người.
Kỳ tích xảy ra khi anh có thể đoàn tụ bên bố mẹ ruột sau 32 năm xa cách.
Trong ký ức của một đứa trẻ hoảng loạn và sợ hãi khi đó, Lý Hưng Dũng gần như không còn nhớ được thông tin gì về mình, kể cả họ tên, quê quán… Nhưng anh cho biết có một thông tin anh chưa bao giờ quên: Mình bị bắt cóc và tên bố của là Lý Đức Quân. Sau khi được nhận nuôi, cậu bé 6 tuổi khi ấy đã âm thầm tìm một tờ giấy nhỏ, nắn nót viết tên bố rồi giấu dưới gối, với hy vọng rằng sẽ có ngày tìm được đường về nhà.
Mãi cho đến khi trưởng thành, anh mới có cơ hội để tìm kiếm bố mẹ ruột. Nhưng vì chỉ nhớ tên bố khiến công tác tìm kiếm gần như rơi vào bế tắc. Sau đó Lý Hưng Dũng kết hôn và sinh con, việc trở thành một người cha khiến anh càng nhận thức rõ ràng hơn về nỗi đau nếu như con bị mất đi, càng thôi thúc anh tìm lại bố mẹ ruột.
Lý Hưng Dũng trong buổi trao nhận lại thân phận thật của mình.
Sau khi trình diện với cơ quan chức năng để thu thập ADN đưa vào hệ thống dữ liệu, không lâu sau đó, anh được thông báo đã tìm thấy bố mẹ của mình. Con đường tìm về máu mủ ruột thịt của Lý Hưng Dũng lại kéo dài đến hơn 32 năm sau.
Vào ngày 1 tháng 9, mong ước được đoàn tụ từ hàng thập kỷ cuối cùng đã trở thành hiện thực. “Con trai, cuối cùng con cũng về rồi!” - bà Lý lúc này đầu tóc đã bạc phơ, bật khóc tại tiền sảnh của Sở Công an quận Cảnh Dương, thành phố Đức Dương. Cả nhà ôm chặt lấy nhau khóc nức nở khiến ai chứng kiến đều xúc động rơi nước mắt.
Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt.
Để mừng con trai trở về nhà, ông bà Lý đã tổ chức tiệc mừng mời tất cả bà con, làng xóm cùng tới chia vui. Trong suốt quãng đường trở về nhà, Lý Hưng Dũng cho biết tất cả mọi khung cảnh xung quanh vốn xa lạ bỗng trở nên quen thuộc lạ thường, đặc biệt là căn nhà của bố mẹ anh suốt 32 năm chưa một lần sơn sửa. Anh bày tỏ nguyện vọng đưa vợ và hai con trai 9 tuổi và 3 tuổi về quê sinh sống, bù đắp lại những tháng ngày xa cách, nhớ nhung kéo dài 3 thập kỷ của anh và bố mẹ.
Anh Lý muốn cùng vợ con quay trở về quê hương để sinh sống.
Câu chuyện của gia đình ông bà Lý và con trai khiến người ta trăn trở về tình trạng trẻ em thất lạc ở Trung Quốc. Năm 2009, Bộ Công an của nước này đã thành lập kho dữ liệu ADN để chống nạn buôn người. Theo giới chức, đã có hơn 6.300 đứa trẻ được tìm thấy nhờ vào kho dữ liệu nói trên. Năm 2016, Bộ Công an tiếp tục thành lập hệ thống theo dõi "Reunion" (Đoàn tụ). Nền tảng này đã giúp phát hiện 4.385 trong số 4.467 đứa trẻ được các gia đình báo mất tích.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo vì nhận thức còn ít, hiểu biết ngây thơ, non nớt. Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ suốt ngày giữ con ở trong "lồng kính", tránh tuyệt đối cho bé tiếp xúc, khám phá thế giới bên ngoài được. Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị bắt cóc, tấn công khi không có người lớn bên cạnh, cha mẹ cần trang bị cho con một số kĩ năng cần thiết dưới đây: 1. Không theo người lạ Không leo lên xe, đi nhờ xe bất cứ ai trừ khi bố mẹ đã dặn trước là con phải làm thế. Ngoài ra, cần tránh xa những kẻ có dấu hiệu “bám đuôi” con, dù kẻ đó đang đi bộ hay đi xe máy/ô tô... Con không cần và không nên đến gần bất cứ chiếc xe lạ nào để nói chuyện với những người không quen biết. 2. Cảnh giác với những lời nhờ giúp đỡ Dạy con biết rằng, chẳng có người lớn nào nhờ trẻ con giúp đỡ làm việc này việc kia. Nếu người ta có việc cần tìm người giúp đỡ, người ta sẽ hỏi những người lớn tuổi. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như: - Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/... đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay. Hãy dạy con đối đáp với người lạ: “Cháu không quen cô/chú. Mẹ/bố cháu ở kia, để cháu hỏi ý mẹ/bố đã”. 3. Những "người lạ an toàn" Mẹ cần mô tả chi tiết cho con về những “người lạ an toàn” như cảnh sát giao thông, bảo vệ, nhân viên bán hàng trong siêu thị… những người bé có thể nhờ giúp đỡ khi bị lạc, có người theo dõi. 4. Tránh xa những người cố tình đưa bé đi đâu đó Trong lúc này, bé cần hét lên thật to “Người này không phải bố/mẹ cháu” để người xung quanh có thể đến cứu. 5. Tạo thói quen "đi thưa về gửi" Tạo cho con thói quen phải xin phép bố mẹ trước khi ra khỏi nhà và khi đến nhà một ai đó, tuyệt đối không tự tiện đi mà chưa thông báo với bố mẹ. 6. Không nhận "hối lộ" từ người lạ Dạy bé không được nhận thức ăn, thức uống, quà cáp từ người lạ ở bất cứ nơi đâu. Những thứ này thường chứa thuốc mê nhằm làm bé mất ý thức để dễ thực hiện hành vi bắt cóc. 7. Chuyện "bí mật" thường là chuyện mờ ám Dạy cho con biết việc một người yêu cầu con phải giữ một bí mật nào đó là điều không nên. Nếu người ta bảo con không được nói cho ai biết một điều gì đó, con nên báo lại cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo biết. Ngoài ra, nếu có bất cứ người lạ nào muốn chụp một bức ảnh của con, con phải biết nói”Không” và nhanh chóng nói cho bố mẹ hoặc thầy cô biết. 8. Quyền riêng tư Nhắc nhở con không ai được phép chạm vào “vùng kín” của con, và con cũng không được phép chạm vào “vùng kín” của bất cứ ai. Cơ thể của mỗi người là đặc biệt và riêng tư, bất khả xâm phạm. 9. Quyền được từ chối Con có quyền được phép cương quyết và được phép nói “Không” với bất cứ ai, bao gồm cả người lớn, thậm chí cả với họ hàng và bạn bè khi những người đó cố gắng đưa con đi đâu đó, bất chấp ý muốn của con, khi họ cố tình chạm vào cơ thể con và khiến con cảm thấy khó chịu theo bất cứ cách nào. 10. Thực hành tiếng hét Hãy dạy con thực hành “hét”. Đó phải là tiếng hét thật to, vang và kéo dài để cho kẻ đang cố tình hại trẻ biết được, trẻ đang biết mình phải làm gì và trẻ không phải là một nạn nhân yếu đuối dễ đầu hàng. Tiếng hét cũng sẽ giúp trẻ tìm kiếm sự trợ giúp của những người khác và tiếp thêm sức mạnh cho trẻ, giúp trẻ lấy thêm hơi và có đủ can đảm chạy trốn. 11. Xử lí khi bé bị tấn công Nếu tên cướp dùng dao hay vũ khí khác để khống chế, đòi tài sản, bé hãy làm theo yêu cầu. Điều quan trọng lúc này là bảo đảm an toàn tính mạng, việc kêu cứu hoặc giằng co có thể khiến tên cướp ra tay làm hại đến tính mạng bé. Hãy cố gắng quan sát để tìm ra đặc điểm nhận dạng của tên cướp như màu da, cao hay thấp, gầy hay béo… hoặc nhớ biển số xe để báo công an sau này. Nếu thấy tên cướp không có hung khí, lại có người gần đó, bé hãy chạy đến nhà xung quanh nhờ người lớn ở gần đó giúp và hô hét: “Cướp, cướp”, không la hét chung chung như “cứu, cứu với” khiến người đi đường nghĩ trẻ đang đùa giỡn. |