Quá tức giận khi anh lại thất hứa với con trai, tôi quyết định mướn anh shipper thay anh "làm bố" một ngày để chơi cùng con.
Tôi và anh cưới nhau đến nay đã được gần 5 năm, có với nhau đứa con trai 4 tuổi. Ngày trước sống ở quê, hai vợ chồng gắng gượng làm lụm để kiếm được ít tiền tích góp, mong muốn xây được căn nhà riêng và lo cho con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuy vất vả nhưng gia đình 3 người sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc.
Chồng dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng vẫn dành thời gian cho vợ và con trai. Thời gian đó, tôi nghĩ bản thân quả thực là một người phụ nữ may mắn khi gả cho đúng người đàn ông, có chí làm ăn nhưng cũng không quên quan tâm, chăm sóc cho vợ con.
Nhưng rồi một năm trở lại đây, kể từ ngày vợ chồng tôi mua được căn nhà ở ngoại ô thành phố rồi chuyển về đây sống, tính cách của chồng dần thay đổi khác đi. Một người chồng, người bố vốn luôn đặt vợ con lên hàng đầu thì nay anh chỉ biết dành toàn tâm toàn lực vào công việc. Thời gian anh dành cho con và cho tôi chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay.
Làm nhân viên sale, ngoài 8 tiếng ở trên văn phòng thì thời gian còn lại anh sẽ bận "tối mặt tối mày" chỉ để điện thoại và nhắn tin với khách hàng, thậm chí trong tuần không ít hơn 3 lần anh nhậu nhẹt tiếp khách rồi trở về nhà với dáng vẻ say bí tỉ, không còn biết "trời trăng mây gió" gì nữa, chứ đừng nói đến việc có thời gian để quan tâm đến vợ con. Chưa kể đến là trong mỗi tháng, sẽ có những ngày anh liên tiếp vắng mặt ở nhà vì bận đi công tác với sếp ở các tỉnh, thành phố khác.
Tôi vừa buồn, vừa giận vì suốt gần một năm nay, cuộc sống hàng ngày của anh vẫn tiếp diễn như thế, mà không có sự hiện diện nhiều của tôi và con trai. Điều này không chỉ làm cho mối quan hệ vợ chồng xuất hiện khoảng cách, mà tôi cảm thấy thương hơn cho cậu con trai của mình. Đứa trẻ mới 4 tuổi nhưng lại không được gần gũi với bố thường xuyên, thậm chí còn bị bố nhiều lần thất hứa, "cho leo cây" rồi đứng đợi ở trường học suốt 2, 3 tiếng đồng hồ để được bố đến đón về nhà.
Tôi đã nhiều lần tâm sự, nhắc nhở anh về việc này, để anh cân bằng lại giữa công việc và thời gian cho gia đình, nhưng anh lúc nào cũng chỉ biết hứa suông mà không làm. Một lần vì giận anh, nên tôi đã quyết định làm ra một chuyện khiến anh phải thay đổi.
Anh có lời hứa với cậu con trai rằng, cuối tuần này sẽ dành toàn bộ quỹ thời gian một ngày để ở nhà chơi cùng con. Mặc dù trước đó việc bị bố thất hứa nhiều lần, khiến cậu con trai có phần hơi thất vọng về bố, nhưng thằng bé vẫn tỏ ra rất mong đợi sẽ được cùng bố chơi những trò chơi mà nó thích.
Tuy nhiên mới chỉ vài phút anh đang bày đồ chơi ra với con trai, thì tiếng chuông điện thoại trên bàn lúc này lại không ngừng reo lên. Anh nhìn con trai, rồi lén liếc nhìn tôi một cái, nhưng sau đó vẫn quyết định nhấc máy. Đầu dây bên kia có vẻ là sếp của anh, đang có việc gì rất gấp muốn anh đến công ty một chuyến dù hôm nay là ngày nghỉ.
Anh ấp a ấp úng, gương mặt vừa tỏ ra sự lo lắng, lại vừa như cảm thấy có lỗi và nói với con trai:
- Con trai à! Công ty bố đang có việc gấp rất cần bố đến xử lý, nếu bố không đến thì sẽ xảy ra chuyện lớn lắm! Bố xin lỗi, nhưng bố sẽ quay trở về nhanh để chơi cùng con nhé!
Cậu con trai lúc này buồn rầu, cúi gằm mặt xuống nhưng vẫn ngoan ngoãn đáp:
- Vâng ạ!
Vừa giận vừa bất lực, tôi chả thèm để lọt tai câu nói nào của anh. Sau đó thì anh liền vội vã đi ra ngoài, bỏ lại cậu con trai buồn tủi đang rơm rớm nước mắt, vì một lần nữa bố lại thất hứa. Để dỗ dành con trai, tôi liền đặt shipper giao hàng món ăn mà thằng bé thích nhất, để hai mẹ con cùng ăn, mong như vậy có thể an ủi và khiến con trai vui vẻ trở lại.
Nhưng đồ ăn đến nơi, thằng bé vẫn không đoái hoài đến, buồn rầu ngồi xó ró một góc nhà. Anh shipper lúc này mới lên tiếng:
- Cu Bon bị làm sao thế chị!
Nghe tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện, anh shipper vốn đã quen mặt với nhà tôi (vì thường xuyên giao hàng quanh khu vực gần nhà) cảm thấy tội cu Bon nên đã ngỏ ý có thể dành một chút thời gian để chơi cùng thằng bé.
Vì cu Bon cũng khá quý anh shipper thân thiện và vui tính này, nên thằng bé lập tức vui vẻ, muốn được cùng anh chơi đồ chơi cùng. Thế là tôi quyết định thoả thuận với anh shipper để mướn anh "làm bố" cu Bon 1 ngày, và sẽ trả tiền lương hậu hĩnh cho anh. Nhìn con trai chơi vui vẻ, dường như quên cả việc vừa bị bố "cho leo cây" lúc nãy, tôi cảm thấy vừa thương vừa giận.
Thế là tôi nghĩ phải để chồng biết điều này, nên đã chụp một tấm ảnh 2 người cùng chơi gửi cho chồng, kèm dòng tin nhắn: "Anh làm sao thì làm, không khéo lại bị xáng ngôi đó. Cu Bon hôm nay đã có ông "bố tạm thời" để chơi cùng rồi. Anh cứ lo công việc đi, không cần về nữa đâu". Chồng tôi nhận được tin nhắn, thì đến tận 1 tiếng sau mới trả lời lại: "Anh xin lỗi, con và em đừng giận, hãy thông cảm cho anh. Anh sẽ về ngay để chơi với con vào chiều nay".
Thế nhưng vẫn "chứng nào tật đấy", lời hứa của anh như gió thoảng mây bay, may là tôi không nói lại với cu Bon, nếu không thằng bé đang chơi vui vẻ với anh shipper lại tụt mất cả hứng vì bố hay hứa nhưng không làm. Cho đến tận chiều chập choạng tối, tôi vẫn không thấy bóng dáng chồng trở về. Lúc này vì quá giận nên tôi lập tức điện thoại cho anh để làm cho ra chuyện, nhưng lúc đầu dây bên kia bắt máy thì tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng mời uống hò hét đã khiến tôi đoán được ngay, anh lại phải đi tiếp bia khách. Tôi đã không còn lạ gì với việc này.
Cu Bon vì chơi vui với anh shipper nên đã rủ anh cùng ở lại ăn tối với nó. Tôi nghĩ cũng tốt, vì chỉ cần con trai vui vẻ là được, nếu để 2 mẹ con ở nhà một mình và cu Bon biết bố lại đi nhậu về khuya thì thằng bé chắc chắn sẽ rất buồn và thất vọng. Sau bữa cơm tối, con trai tiếp tục chơi cùng anh shipper được 1 lúc thì thằng bé vì mệt nên đã ngủ thiếp đi, và anh shipper cũng được tôi trả công rồi ra về.
Nửa tiếng sau, tôi thấy từ ngoài cổng dáng vẻ vội vã của chồng với bước đi xiêu vẹo lao vào nhà. Nhìn thấy anh, cơn nóng giận trong tôi trỗi dậy:
- Nếu anh cảm thấy không làm được thì đừng hứa làm gì? Anh làm bố mà tệ như thế thì làm sao dạy con hả? Tôi thật hết nói nổi và thất vọng về anh?
Cứ ngỡ chồng sẽ cảm thấy áy náy và xin lỗi tôi, nhưng lúc này anh bỗng quát lại:
- Cô nói thật đi, cô đã làm gì sau lưng tôi. Tại sao cô lại dẫn cả thằng shipper này vào phòng ngủ hả. Tôi đã nhìn thấy hết mọi "nhất cử nhất động" của các người qua camera rồi, đừng hòng qua mắt tôi.
Thì ra là vì điều này nên chồng tôi mới hớt hải lao ngay về nhà trong đêm, dù trước đó tôi gọi bao nhiêu cuộc để thúc anh về chơi với con thì anh đều không thèm bắt máy. Tôi bật lại anh:
- Anh còn không xem lại mình, mà dám nói tôi như thế! Cu Bon vì chờ anh đến mệt lả người mà ngủ thiếp đi, nên anh shipper đã có lòng tốt phụ tôi bế thằng bé vào phòng ngủ. Chuyện có vậy mà anh "ghen bóng ghen gió" thật vớ vẩn, còn không biết ăn năn về việc làm của mình với vợ và con.
Chồng tôi lúc này mới nhận ra bản thân đã hiểu lầm vợ, nên không ngừng có hành động vỗ về tôi:
- Anh xin lỗi vợ và cu Bon, anh sai rồi! Vợ và con tha lỗi cho anh nhé! Anh sẽ sắp xếp lại công việc để dành thời gian cho em và cu Bon nhiều hơn. Hết tháng này anh nhận thưởng, anh sẽ đưa gia đình mình đi du lịch nhé!
Dù rất giận, nhưng một phần cũng thông cảm cho chồng, vì dù gì anh cật lực làm việc như thế cũng chỉ để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Tôi lấy lại bình tĩnh rồi nhẹ nhàng khuyên anh:
- Em thì có thể hiểu cho anh, nhưng tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh. Nếu anh không dành nhiều thời gian cho con, sau này khi lớn lên con sẽ rất khó gần gũi với bố bởi vì tuổi thơ con không có sự đồng hành của bố thường xuyên.
Tôi hy vọng qua lần tâm sự này, anh sẽ thay đổi để có thể trở thành người bố tuyệt vời nhất trong lòng cu Bon và là người chồng mà tôi luôn tự hào...
Tâm sự của độc giả annhu..@gmail.com
Trong cuộc sống, nhiều bậc bố mẹ luôn bận rộn với công việc, kiếm tiền để cuộc sống gia đình tốt hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn mà quên mất điều quan trọng nhất chính là đồng hành cùng con cái. Quả thật, bố mẹ hiện đại ngày nay rất bận rộn, nhưng có thực sự bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con?
Một chuyên gia giáo dục đã từng nói: “Những đứa trẻ xuất sắc là kết quả của nền giáo dục chất lượng cao, còn những đứa trẻ có vấn đề phần lớn là sản phẩm của những gia đình có vấn đề”. Thực ra con cái không cần gì nhiều, chỉ cần mỗi ngày bố mẹ dành ra một chút thời gian, dù nửa tiếng để ở bên con một cách chất lượng nhất, con sẽ cảm nhận được sự quan tâm và cảm giác an toàn trọn vẹn từ bố mẹ.
Không có đứa trẻ nào tự nhiên ngoan, đây thực sự là kết quả của sự cố gắng, kiên trì hàng ngày của bố mẹ, sự đồng hành, nuôi dạy con cái bằng tất cả yêu thương của bố mẹ. Mỗi đứa trẻ ban đầu đều là một viên ngọc thô, bầu bạn đúng cách thì con sẽ trở thành một viên ngọc sáng trong tương lai, phát triển toàn diện theo hướng tích cực nhất. Nhưng nếu không dành thời gian để bầu bạn hoặc bầu bạn sai cách, con sẽ như hạt sạn, mang hình hài "gồ ghề" cứ thế trưởng thành và phát triển không toàn vẹn khi lớn lên, cả về nhân cách lẫn trí tuệ.
Vì vậy, rất quan trọng khi bố mẹ cần cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình, dành đủ thời gian cho con, gắn kết và tạo ra một môi trường an toàn, ủng hộ cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.