Về đến nhà rồi, cô bé vẫn thì thầm rằng có người luôn đi theo khiến bà nôi lo lắng sợ hãi.
Trong mắt người lớn, trẻ em là “chúa tò mò”, không biết sợ hãi là gì. Các bé có thể lăn lê bò lết khắp nơi, con gì cũng bắt, chỗ nào cũng chui vào nghịch ngợm được. Thế nhưng, thực tế thì vẫn có một số thứ khiến trẻ phải sợ hãi, mà đôi khi nghe con thú nhận, các ông bố bà mẹ đều phải cười nghiêng ngả.
Phương Đình (sống ở Trung Quốc) có cô con gái 3 tuổi tên là Bối Bối. Vì công việc bận rộn mà trường mẫu giáo lại gần nhà, có thể đi bộ đến đó được nên vợ chồng cô nhờ ông bà nội đưa đón cháu đi học. Bốn ngày trước, vừa đến cửa lớp, mẹ chồng Phương Đình đã kinh ngạc khi thấy cháu gái chạy ào vào trong lòng với vẻ sợ sệt. Lo lắng cháu bị bắt nạt, bà vội hỏi: “Bối Bối, cháu làm sao thế? Có ai bắt nạt cháu à? Cháu nói cho bà nội nghe nào”. Thế nhưng, cô bé nhẹ nhàng lắc đầu rồi ngập ngừng nói: “Bà nội, có người luôn đi theo cháu”.
Thấy bà nội đến đón, Bối Bối đã lao vào lòng bà với vẻ sợ sệt, cô bé nói có người đi theo mình (Ảnh minh họa)
Nhìn ngó xung quanh cũng chỉ thấy cô giáo, học sinh và các phụ huynh đến đón con của họ, ngoài ra chẳng có ai lạ cả mà cháu gái lại bảo có người đi theo. Không còn cách nào khác, mẹ chồng Phương Đình đề nghị: “Bà cháu mình cứ đi bộ từ từ về nhà, để bà xem ai đang đi theo cháu nhé”.
Đi một đoạn, bà nội hỏi lại Bối Bối xem còn cảm giác có người đi theo hay không. Bé gái vẫn gật đầu khẳng định vẫn còn làm bà hoang mang tột độ vì rõ ràng không có đi theo hai bà cháu cả. Về đến nhà, Bối Bối vẫn thì thầm rằng có người luôn đi theo. Đến lúc này thì mẹ chồng Phương Đình có chút lo lắng sợ hãi. Vì bà cho rằng trẻ con có thể nhìn được những thứ mà người lớn không nhìn được.
Thế nên khi con dâu vừa bước vào nhà, bà đã vội vàng kéo Phương Đình vào bếp và kể hết cho cô nghe về sự việc này cũng như những suy nghĩ trong lòng. Sau đó, người mẹ này đã lên gặp con gái hỏi nhẹ nhàng: “Bối Bối, có người luôn đi theo con sao? Người ấy có đang ở đây không?”. Ban đầu, Bối Bối mím môi muốn khóc khi nghe mẹ hỏi, vài phút sau, cô bé mới chầm chậm gật đầu. “Người đó ở đâu, con có thể chỉ cho mẹ không? Đừng sợ, có mẹ ở đây!”, Phương Đình nói. Ngay lập tức, Bối Bối quay mặt ra phía sau chỉ vào cái bóng của mình, rồi chỉ vào cái bóng của mẹ la lớn: “Mẹ, mẹ cũng luôn bị theo dõi”.
Hóa ra, người luôn đi theo Bối Bối khiến cho cô bé sợ hãi lại chính là cái bóng của cô bé (Ảnh minh họa)
Đến đây thì cả Phương Đình và mẹ chồng đều bật cười vì họ đã nghĩ đến rất nhiều khả năng, nhưng lại không nghĩ đến trường hợp này. Ăn tối xong, Phương Đình tắt đèn và rủ con gái chơi trò chơi bóng tối với mình. Qua ngày hôm sau thì Bối Bối đã vui vẻ trở lại, không còn sợ hãi với cái bóng của chính mình.
Cha mẹ nên làm gì khi con sợ hãi?
Chúng ta đều biết mỗi người luôn có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thế nhưng, khi nghe trẻ nói về sự sợ hãi mà con đang trải qua thì có một vài ông bố bà mẹ lại cười phá lên, thậm chí trêu chọc hoặc gạt đi “Có gì mà phải sợ”. Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm sợ hãi vì không có ai ở bên cạnh ở bảo vệ, đồng thời cảm thấy bản thân thật tệ vì “có thế mà cũng sợ”. Sự tổn thương về tâm lý này sẽ khiến con ngày càng khép kín và xa cách với cha mẹ. Do đó, thay vì cười nhạo con, các cha mẹ nên:
1. Đồng cảm với nỗi sợ hãi của trẻ
Con người có cảm xúc sợ hãi là điều hết sức bình thường, bởi thực tế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra sợ sệt, muốn được cha mẹ bảo vệ thì bạn hãy kiên nhẫn xoa dịu cảm xúc của con, và từ từ hướng dẫn con nói về nguyên nhân gây nên nỗi sợ này.
Và cho dù nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, vớ vẩn, viễn vông thì bạn vẫn không nên chê bai con là đứa rụt rè, nhút nhát. Vì nếu bạn nói như thế, trẻ sẽ bất an hơn và sợ hãi hơn.
2. Không hù dọa trẻ
Hù dọa cho con sợ như “không ăn là sẽ gọi chú công an” hay “không ngủ là ông kẹ bắt”… là “đặc sản chung” của các cha mẹ. Song, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vẫn chưa phân biệt được đâu là thực tế, đâu là mộng ảo nên bé sẽ xem tất cả những lời nói đó là sự thật. Từ đó, trong tâm trí của con sẽ hình thành nên nỗi sợ hãi. Thế nên, cha mẹ tuyệt đối không nên hù dọa con.
3. Cha mẹ có thể cho con khám phá điều khiến con sợ hãi
Một số trẻ sợ côn trùng, một số trẻ sợ bóng tối, như Bối Bối lại sợ chính cái bóng của mình. Điều này chứng tỏ nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Và để có thể đánh tan được sự lo lắng sợ hãi này, cha mẹ có thể cùng con khám phá thứ làm con sợ.
Ví dụ như cả nhà đi ngắm đàn kiến tha mồi về tổ, ngắm ốc sên chậm rãi bò lên cây, chơi trò tắt đèn, hay chơi trò bóng tối để trẻ từng bước từng bước chế ngự được nỗi sợ của bản thân. Vì suy cho cùng, khi đi biết sự vật sự việc đó là gì, hay biết mình hoàn toàn có thể là chủ được nó thì trẻ không còn sợ hãi nữa.