Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có nhiều ý nghĩa đối với não bộ và cơ thể của trẻ hơn bố mẹ tưởng đấy. Các phụ huynh cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
Giấc ngủ trưa đặc biệt cần thiết cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là khoảng thời gian cơ thể cảm thấy mệt mỏi sau một buổi sáng tiêu hao nhiều năng lượng. Chính vì thế, cơ thể cần một trạng thái nghỉ ngơi với khoảng thời gian hợp lý để có thể lấy lại tinh thần cho buổi chiều hoạt động. Chợp mắt một chút vào giờ nghỉ trưa vừa giúp cơ thể bổ sung năng lượng vừa để cả não và cơ thể được nghỉ ngơi.
Các chuyên gia về não bộ cho rằng chỉ số thông minh IQ là bẩm sinh và không thể thay đổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số IQ của mọi người là khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau. Sau một đêm ngủ dậy, não bộ được nghỉ ngơi hoàn toàn, vì thế thời điểm buổi sáng là lúc chỉ số IQ của con người cao nhất trong một ngày.
Nếu trẻ không ăn sáng, não của trẻ sẽ ở trong tình trạng “đói” và chỉ số IQ của sẽ rất thấp. Sau nhiều giờ lao động trí não, đến 12h trưa não rơi vào trạng thái mệt mỏi, lúc này tinh thần trẻ sẽ kém, chỉ số IQ tương đối thấp. Chính vì thế, việc ngủ trưa dù chỉ là nửa tiếng cũng giúp cho não bộ được nghỉ ngơi và buổi chiều chỉ số IQ sẽ cao hơn.
Bé ngủ trưa sẽ có chỉ số IQ cao hơn vào buổi chiều.
Cũng theo các nhà khoa học, những em bé có thói quen ngủ trưa và không ngủ trưa trước 3 tuổi sẽ hình thành nên tính cách và chỉ số IQ khác nhau khi lớn lên. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ nữa. Chắc chúng ta ai cũng đã từng trải qua cảm giác ngủ không ngon giấc, cơ thể mệt mỏi, không có sức lực. Trẻ em cũng vậy, giấc ngủ không đảm bảo sẽ khiến trẻ cảm thấy hết năng lượng, dễ bực tức, khó chịu, thậm chí không kiểm soát hành vi.
Chính vì thế, cha mẹ có con từ độ tuổi 1-6 tuổi nên rèn luyện cho con thói quen ngủ trưa vì đây là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ. Các bậc phụ huynh cũng có thể tham khảo thêm một số thông tin khoa học dưới đây để củng cố thêm quyết tâm rèn luyện thói quen tốt này cho con:
1. Trẻ có thói quen ngủ trưa thường phát triển tốt hơn những trẻ không ngủ trưa
Một điều rất dễ nhận ra ở những đứa trẻ có thói quen ngủ trưa, đó là chúng thường có nếp sinh hoạt và nghỉ ngơi đều đặn. Trong khi đó, đối với lứa tuổi này, việc hình thành nên lịch sinh hoạt khoa học và hợp lý là điều hết sức quan trọng. Khi trẻ có thể tuân thủ và thực hiện thói quen ngủ trưa một cách có ý thức thì cũng vô hình chung trẻ tự thiết lập tính tự giác của mình đối với những việc khác trong cuộc sống hàng ngày.
2. Trẻ có thói quen ngủ trưa thường có nhiều năng lượng hơn những trẻ không ngủ
Một thực tế không thể chối cãi là những đứa trẻ có thói quen ngủ trưa rõ ràng là sẽ có nhiều năng lượng hoạt động vào buổi chiều hơn so với những đứa trẻ không có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. Đây cũng là lý do vì sao trong chương trình học ở trường của trẻ luôn có khoảng thời gian phù hợp cho hoạt động nghỉ ngơi này.
Bởi việc không ngủ trưa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, khiến chúng dễ lơ là, kém tập trung vào bài giảng hoặc bị phân tâm vào những việc khác. Dần dà sẽ dẫn đến tình trạng trẻ kém tiếp thu, điểm số giảm mạnh và ảnh hưởng đến cả sự tập trung của trẻ nữa.
3. Trẻ không có thói quen ngủ trưa sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý
Khi trạng thái não bộ được nghỉ ngơi hợp lý, chúng ta thường cảm nhận cơ thể rơi vào trạng thái cảm xúc dễ chịu. Một số đứa trẻ thường có cảm xúc tiêu cực, chúng bướng bỉnh, hay cãi lại bố mẹ khi ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh do tiêu chuẩn về giấc ngủ không được đảm bảo. Chính vì vậy, việc duy trì thói quen ngủ trưa sẽ giúp trẻ có tâm lý và cảm xúc tích cực hơn.
Mách mẹ một số bí quyết “huấn luyện” con ngủ trưa Nhìn chung, đối với các bé dưới 3 tuổi, mẹ vẫn cần phải quan tâm và chăm sóc cho giấc ngủ của con nếu không muốn con rơi vào trạng thái thiếu ngủ hoặc ngủ vặt. Trước tiên, để rèn cho con có thói quen ngủ trưa thì mẹ cần phải cho con đi ngủ sớm hơn vào buổi tối. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng nếu con họ đi ngủ sớm, chúng sẽ thức dậy rất sớm vào sáng hôm sau hoặc thức dậy giữa đêm và khóc chẳng hạn. Do vậy, nhiều ông bố, bà mẹ cho con đi ngủ khá trễ vào giấc đêm. Điều này gây “loạn” giờ sinh hoạt và ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của con. Thứ hai, mẹ nên tránh cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính…trước giờ ngủ trưa vì nó có thể khiến trẻ khó vào giấc ngủ cũng như rút ngắn thời gian ngủ trưa của con. Thứ ba, mẹ có thể tạo một không gian phòng ngủ thích hợp cho trẻ như: giảm ánh sáng phòng về mức thấp, tạo một chút âm thanh vô hại như tiếng quạt máy hoặc tiếng ồn trắng để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. |