Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh tương đối dễ dàng. Vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn sơ sinh, các bé có thể sẽ bị cảm lạnh hoặc bị nghẹt mũi. Lúc này, việc hút mũi cho trẻ là hoàn toàn cần thiết.
Kỹ thuật hút mũi cho trẻ sơ sinh thường được thực hiện trực tiếp tại nhà hoặc bệnh viện. Nếu như làm tại bệnh viện, thông thường là được thực hiện bởi các nhân viên y tế có chuyên môn và kinh nghiệm với những trường hợp như viêm phế quản, viêm mũi xoang, viêm phổi hoặc các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản nặng.
Hút mũi cho trẻ sơ sinh là cách được nhiều mẹ áp dụng tại nhà. (Ảnh minh họa)
Nếu trẻ sơ sinh được hút mũi và bác sĩ chỉ định chăm sóc tại nhà thì cần phải hút chất nhầy ở mũi hàng ngày, cha mẹ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cách hút mũi cho bé bằng các dụng cụ chuyên dụng. Những dụng cụ được sử dụng nhiều nhất cho việc hút mũi của trẻ sơ sinh là ống bơm, máy hút mũi hoặc dụng cụ hình chữ U.
Hướng dẫn 3 cách hút mũi cho trẻ sơ sinh
1. Hút mũi cho bé bằng ống bơm
- Bước 1: Mẹ hãy thực hiện đặt bé nằm thoải mái trên một chiếc gối với độ cao vừa phải, bé phải nằm hơi nghiêng đầu một chút.
- Bước 2: Mẹ từ từ nhỏ khoảng 2-3 giọt nước muối sinh lý (loại nước muối dành cho trẻ em) để giúp làm ẩm mũi bé, đồng thời cũng khiến những chất dịch nhầy loãng hơn một chút để việc hút trở nên dễ dàng hơn, tránh niêm mạc mũi bị tổn thương.
- Bước 3: Đợi trong khoảng từ 2-3 phút để những chất này được hòa loãng ra, sau đó, mẹ hãy cố giữ đầu của bé thấp hơn chân một chút để dung dịch nước muối có thể đi sâu vào mũi hơn. Lúc này bé sẽ đỡ bị ngạt mũi và thở cũng dễ dàng hơn. Chú ý, nếu như thấy bé vẫn còn thở khò khè thì mẹ cần phải nhỏ thêm vài giọt nước muối sinh lý.
Hướng dẫn cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống bơm. (Ảnh minh họa)
- Bước 4: Ống bơm hút mũi, trước khi hút cho bé thì cần phải được đẩy hết không khí ra ngoài. Khi đặt đầu ống bơm vào mũi thì bên mũi đó phải bịt kín rồi nhẹ nhàng hút chất nhầy ra bằng cách dùng ngón cái ấn bóp từ trong ra ngoài giúp tạo môi trường chân không. Mẹ phải chú ý vẫn giữ nguyên tay như đặt ngón tay cái ở dưới đáy, ngón trỏ, ngón giữa được giữ ở trên đầu.
- Bước 5: Mẹ cố gắng giữ đầu bé nằm yên rồi đặt ống hút vào bên mũi rồi thực hiện nhả ngón cái ra để giúp tạo lực hút dịch nhầy. Chú ý, nếu bé cố gắng phản kháng thì dừng việc hút lại để tránh làm tổn thương mũi bé.
- Bước 6: Bỏ ống hút ra ngoài rồi bóp thật mạnh để dịch nhầy được tống ra khỏi ống. Tiếp đó thì rửa sạch ống hút.
- Bước 7: Tiếp tục lặp lại với bên mũi kia.
2. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng dụng cụ chữ U
Thực hiện biện pháp hút mũi cho các bé sơ sinh bằng dụng cụ chữ U như sau:
- Bước 1: Cũng làm nhỏ mũi tương tự như cách hút mũi bằng ống bơm. Lưu ý, với cách này thì cần phải có một người lớn giữ chặt đầu của bé để bé không cử động được.
- Bước 2: Đặt bé nằm ngửa trên gối và đầu hơi nghiêng về 1 bên. Một người sẽ giữ chặt đầu của bé, người kia đặt vòi dụng cụ vào trước mũi của bé, phần đầu thon sẽ được nối với ống để đựng các chất nhầy.
Cách hút mũi cho bé sơ sinh bằng dụng cụ chữ U. (Ảnh minh họa)
- Bước 3: Phần đầu thon sẽ vào miệng của người hút và hút để tạo được lực đẩy của chất nhầy trong mũi bé ra ngoài. Nếu lực hút mũi càng mạnh thì càng lấy được nhiều chất nhầy. Mẹ cũng không cần quá lo lắng chất nhầy sẽ vào miệng bởi thiết kế của dụng cụ sẽ giúp đảm bảo được việc này.
- Bước 4: Thực hiện tiến hành tương tự với phần mũi bên. Sau khi đã hút xong thì loại bỏ những chất nhầy trong ống và làm sạch các dụng cụ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn.
3. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng máy hút mũi
- Bước 1: Thực hiện nhỏ nước muối sinh lý khoảng 2-3 giọt vào mũi bé. Trước khi nhỏ, mẹ hãy đặt bé nằm ngửa trên gối với chiều cao vừa phải.
- Bước 2: Dùng 1 đầu của ống hút mũi đặt vào một bên mũi của trẻ, bật công tắc của máy hút. Tiếp theo, làm tương tự với bên còn lại.
Cách hút mũi cho bé bằng máy hút mũi. (Ảnh minh họa)
- Bước 3: Sau khi hút xong, mẹ nên lưu ý cho bé nằm trên gối thêm một lúc nữa để tránh những chất nhầy còn sót lại có thể chảy trong cổ họng khiến cho bé bị ói hoặc sặc.
Tại sao nên hút mũi cho bé sơ sinh?
Nguyên nhân là trẻ sơ sinh khi mới ra đời thường rất dễ mắc phải một số bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như bị nghẹt mũi. Tình trạng này xuất hiện từ nguyên nhân các bé bị nhiễm virus hoặc không khí tại xung quanh khu vực sống có nhiều khói bụi. Nghẹt mũi có thể sẽ khiến cho trẻ bị thở khó, gây khó khăn khi bú. Vì thế, bố mẹ nên tìm những cách hút mũi cho trẻ sơ sinh phù hợp để bé bú tốt và dễ dàng hơn.
Lưu ý khi hút mũi cho trẻ sơ sinh
Do niêm mạc tại vùng mũi của trẻ thường rất mỏng và dễ bị tổn thương nên những thao tác hút cần phải được thực hiện thật nhẹ nhàng, tránh xây xát. Khi hút mũi cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần phải chú ý đến một số điểm sau:
- Những cụ dùng hút mũi cần được vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý trước khi hút.
- Những thao tác hút phải thật nhẹ nhàng, tránh không gây tổn thương, xây xát tại vùng niêm mạc của cánh mũi khiến bé bị chảy máu mũi.
- Sau khi hút đờm, chất nhầy xong cần phải vệ sinh mũi họng nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý.
- Không nên hút mũi cho bé quá 3 lần/ngày sẽ làm cho niêm mạc mũi bé mỏng đi, dễ bị tổn thương và vi khuẩn xâm nhập vào.
- Tuyệt đối người lớn không được dùng miệng để hút mũi dễ khiến cho vi khuẩn lây nhiễm hơn.
- Nếu bé được hút mũi, lấy đờm thường xuyên trong vòng 3 ngày mà tình trạng không đỡ, trẻ vẫn bị ngạt mũi, sổ mũi và khó thở thì cần phải đưa đến những cơ sở y tế kiểm tra.