Vực dậy sau nỗi đau, người mẹ bị cắt cụt tứ chi ngày nào giờ hạnh phúc vì được ở bên chồng, con mỗi ngày. Đối với chị, ngày nào của mình giờ đây cũng là Ngày gia đình Việt Nam.
Câu chuyện của chị Dương Thị Thắm (29 tuổi, Bình Dương) sinh con 15 ngày bị áp xe ngực dẫn đến nhiễm trùng máu, suy tim, suy thận, rồi hoại tử tứ chi phải cắt bỏ vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 khiến cho ai cũng xót xa.
Đến nay đã hơn một năm kể từ khi chấp nhận cắt cụt tứ chi để được ở bên con, giờ đây chị Dương Thị Thắm đã có một cuộc sống mới. Dù không còn đôi tay đôi chân như trước nhưng chị hạnh phúc vì vẫn còn được nhìn thấy nụ cười của con, được ở bên gia đình của mình và chị trân trọng từng khoảnh khắc ấy mỗi ngày trôi qua.
Tổ ấm nhỏ của chị Thắm và anh Tài.
Đầu tháng 12/2018, tai nạn bị áp xe ngực phải cắt cụt tứ chi bất ngờ ập đến sau 15 ngày sinh con những tưởng đã quật ngã chị Dương Thị Thắm. Nhưng không, chị đã nuốt nước mắt chấp nhận từ bỏ đôi tay, đôi chân của mình để được ở bên con, bên gia đình. Đến giờ sau hơn một năm gặp lại chị Thắm, ai cũng bất ngờ bởi không còn đôi mắt buồn, ngấn nước mắt ngày nào, giờ chị Thắm luôn lạc quan, vui vẻ và cười tươi. Chị không ngại về những khiếm khuyết cơ thể của mình mà lấy đó làm niềm tự hào về những hy sinh của mình dành cho con, dùng đôi tay khiếm khuyết kẹp hộp sản phẩm trước ngực, tươi tỉnh livestream bán hàng như thể mình vẫn còn đủ cả tay chân.
“Thời gian đầu khi phải quyết định cắt bỏ đôi tay, đôi chân mình buồn, khóc rất nhiều. Mỗi lần như vậy chồng lại gọi video về nhà để mình được nhìn thấy con rồi động viên thủ thỉ: "Vợ phải cố lên. Con còn nhỏ, đừng để con mất mẹ".
Mình xuất viện khi con trai được hơn 2 tháng tuổi. Những ngày đầu mới về suy sụp nhiều lắm bởi muốn ăn, uống, đi vệ sinh... đều phải nhờ cậy người thân. Đêm nào mình cũng khóc vì cảm thấy tủi thân, vô dụng vì chỉ nằm yên một chỗ.
Mọi sinh hoạt mình đều nhờ vào chồng, mẹ chồng và mẹ đẻ giúp. Ngày nào ông xã cũng thức dậy sớm để lo vệ sinh, ăn sáng cho vợ rồi chở mình đến nhà chị gái hoặc nhà ngoại chơi cho khuây khỏa. Tối đi làm về, anh lại đón mình, lo tắm rửa cho vợ đến 11-12h đêm mới kết thúc một ngày”, chị Thắm kể lại khoảng thời gian đầu làm quen với diện mạo mới.
Hình ảnh chị Thắm khi bị nạn.
Nhìn thấy sự yêu thương, chăm sóc của mọi người trong gia đình, đặc biệt nhìn thấy con trai còn nhỏ, chị Thắm quyết không mặc kệ, buông xuôi số phận. Chị nhanh chóng lấy cánh tay khiếm khuyết của mình gạt đi những giọt nước mắt mà bắt đầu lại từ đầu. Chị tập lật người, tập ngồi dậy và tập lết từng bước như một đứa trẻ.
3-4 tháng sau, khi có thể lết bằng đùi, đi được đoạn ngắn trong nhà, tự bê được ca nước uống, sử dụng được điện thoại, chị bắt đầu tập tành kinh doanh qua mạng để cho đỡ buồn và để đỡ đần chồng phần nào kinh tế. Hồi đấy nhìn hình ảnh chị lấy 2 tay kẹp những lọ thuốc, hộp ngũ cốc trước ngực không e ngại với bộ dạng mới, miệng cười tươi trò chuyện với mọi người khiến nhiều người bất ngờ, không tin nổi bởi chỉ vài tháng trước chị vẫn còn trên giường bệnh thập tử nhất sinh.
Nói đến đây chị Thắm bộc bạch, con chính là nguồn động lực lớn nhất của chị vượt qua tất cả. Mỗi lần khó khăn, mỗi lần trái gió trở trời đau nhức khắp người nhìn thấy nụ cười con trai, nhìn thấy sự vất vả của chồng mà chị cố gắng hơn để sống vui như người bình thường. Chính vì vậy đến giờ sau hơn 1 năm kể từ ngày giông bão ấy, chị đã có thể tự chủ ăn uống, đi lại. Không những vậy, chị còn kiếm được khoảng 1 triệu một tháng nhờ bán hàng online mua quà bánh cho con. Cuộc sống của gia đình chị cũng ổn định hơn, dù thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19 vừa qua việc kinh doanh phải đóng cửa, chồng nghỉ làm, cửa hàng buôn bán ế ẩm nhưng bây giờ cuộc sống của gia đình chị cũng đã ổn định trở lại.
Con trai là động lực lớn nhất của chị.
Yên tâm hơn về vợ nên anh Tài tập trung vào công việc. Anh mở thêm 2 cửa hàng điện thoại, đồng thời làm đại lý cung cấp cho nhiều cửa hàng khác ở xa nhà nên 10 ngày mới về một lần. Tuy nhiên lúc nào về nhà anh cũng làm hết mọi công việc cho chị như lo cho chị tắm rửa, ăn uống, đi vệ sinh. Còn khi không có chồng ở nhà, chị lại nhờ mẹ chồng giúp hoặc mẹ đẻ chăm khi về nhà ngoại. “Giờ mình cũng quen rồi nên không khó khăn mấy, chỉ bất tiện lúc đi vệ sinh và đi tắm là phải bế thôi”, chị Thắm chia sẻ.
Chị Thắm có thể làm được nhiều việc cho bản thân không còn khó khăn phải nằm một chỗ như những ngày đầu.
Mặc dù có thể tự lập được nhiều việc cá nhân nhưng việc chăm con chị Thắm vẫn phải nhờ cả vào bố mẹ chồng đỡ đần. Được biết, bé nhà chị Thắm đã được 19 tháng nặng 12kg. Bé đã biết đi thạo. Dẫu còn chậm nói chưa biết gọi bố mẹ nhưng bé đã biết gọi “bà” và nói ê a được một vài từ dễ. Mỗi lần nghe con bi ba bi bô gọi chị cũng thấy vui và hạnh phúc.
Hiện tại, bé chủ yếu chơi với ông nhưng cứ buổi sáng và buổi chiều lại theo chị một lúc. Nói đến đây chị Thắm cho biết, chị thích nhất mỗi buổi sáng, buổi chiều mẹ ngồi trên xe lăn điện con trai lon ton đi lại gần, leo lên xe mẹ đứng sau lưng mẹ để được đi chơi hay những lúc con xà vào lòng mẹ xem điện thoại cùng.
“Mình không bế được bé nên bé không theo mấy. Hơn nữa bé đang tuổi chạy nhảy ham chơi nên cũng ít theo lắm nhưng bé dạo này biết thơm mẹ, đôi lúc cũng hay giỡn, ôm cổ mẹ. Bố đi làm về thì bám bố lắm. Những lúc như vậy, nhìn con nhìn chồng mình vui lắm”, chị Thắm cho hay.
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi chị Thắm.
Chị Thắm thổ lộ, sau những giông bão, những mất mát và những hy sinh, chị trân trọng những khoảnh khắc gia đình mỗi ngày trôi qua như vậy. Chị cảm thấy mọi hy sinh của mình đều xứng đáng để được nhìn thấy con lớn khôn phát triển từng ngày, thấy gia đình nhỏ và gia đình lớn của mình quây quần bên nhau.
“Hôm nay ngày Gia đình Việt Nam, mình không biết nói gì hơn là cảm ơn chồng đã luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình để vượt qua khó khăn. Cảm ơn con trai đã đến bên mẹ. Mẹ yêu con nhiều”, chị Thắm rưng rưng giọt nước mắt hạnh phúc.