Một tay tôi nuôi hai đứa con mà chồng không biết đấy là đâu, chiều nào tan làm cũng đi đánh tennis.
Với những gia đình thu nhập thấp như nhà tôi chắc chắn thời buổi khủng hoảng như thế này, kinh tế là một điều vô cùng đáng bàn. Thế nhưng trong khi bản thân thì tích góp, chắt bóp chi tiêu từng đồng, tôi quá bực vì chồng tiêu hoang.
Sau khi sinh con thứ 2 tôi nghỉ thai sản ở nhà 6 tháng nhưng sau đó công ty ít việc nên cũng bị cho nghỉ luôn từ đó. Tôi ở nhà vừa cơm nước cho chồng đi làm, con gái đang học cấp 3 lại còn dọn nhà cửa, bên cạnh đó kiếm thêm từ việc cộng tác viết bài. Thu nhập cũng chỉ đủ gọi là tiền bỉm, tiền sữa cho con.
Chồng tôi cũng làm nhân viên văn phòng bình thường, anh bị cắt lương, cắt thưởng, cắt chế độ dần cũng vì hậu dịch ít việc. Vì vậy mỗi tháng chồng chỉ đưa cho tôi được khoảng 5-7 triệu để chi tiêu trong nhà. Với những chị em nào chi tiêu trong nhà 4 người, lại còn có con nhỏ thì hẳn sẽ biết số tiền này không thấm tháp vào đâu cả. Thế nhưng ban đầu tôi cũng không cằn nhằn gì chồng cả vì biết thời buổi khó khăn, anh đi làm về có tiền đưa cho vợ cũng đã là tốt lắm rồi. Vậy nhưng dạo gần đây thì tôi bắt đầu bực mình hơn vì sở thích kiểu người giàu của anh trong lúc nhà thì đang nghèo.
Ảnh minh họa
Chả là sau mỗi giờ làm, anh liên tục báo bận về muộn.
- Mẹ con cứ ăn cơm trước, phần cơm cho anh. Anh đi chơi tennis với đồng nghiệp về ăn sau.
1,2 buổi đi chơi thì không nói làm gì đây đằng đẵng cả tháng liền anh liên tục đi chơi tennis, có hôm thì bảo đi đá bóng hay đi ăn với bạn bè tới 9-10h đêm mới về. Vì thế tôi càu nhàu suốt nhưng anh đều ừ à cho qua rồi bỏ ngoài tai. Một mình lo chuyện nhà cửa, con cái rồi lại còn kinh tế nữa khiến tôi bức bách. Thu nhập của gia đình đang thấp thì chớ, chồng lại suốt ngày đi chơi. Nói ra nhiều thì cũng chỉ cãi nhau không ích gì.
Tôi đem chuyện này nói với con gái cũng nhiều lần cho bớt căng thẳng và cũng mong rằng con gái có thể khuyên bố hơn là tôi. Nhiều lần bị tôi nhắc nhở, có lẽ cô con gái cũng không chịu được mà tiết lộ sự thật sau mỗi tối bố đi chơi thể thao.
- Mẹ ơi thực chất không phải là bố đi chơi tennis, đá bóng hay nhậu với bạn đâu mẹ ạ.
Tôi nghe thế mà hoảng hốt.
- Thế bố không đi chơi thì bố đi đâu, sao con biết?
- Bố đi chạy xe ôm mẹ ạ, bố nói với con thế và con cũng biết sự thật là thế.
- Bố đi chạy xe ôm sao phải nói dối mẹ?
- Bố đi chạy xe ôm để có lương về đưa cho mẹ và một phần lớn có lẽ là cũng do con.
Theo như con bé kể nó ao ước được bố mẹ cho tiền tiêu xài hàng tháng giống như các bạn để có thể thỏa thích, thích gì mua nấy. Thế nhưng dù con đã học cấp 3 nhưng tôi không đồng ý việc cho bé tiền tiêu vặt. Con chỉ biết cầu cạnh bố nhưng bố thì cũng không có nhiều tiền, lương đã đưa hết cho mẹ để chi trả cuộc sống nên thương con, chồng tôi đành quyết định tự đi làm thêm vài tiếng buổi tối để có tiền cho con gái tiêu cho bằng bạn bằng bè, bên cạnh đó cũng đưa lương cho vợ được nhiều hơn.
- Bố nai lưng đi làm kiếm tiền để cho con tiền tiêu vặt, con thấy thế có hợp lý không? Tại sao con có thể giấu mẹ chuyện này.
- Con cũng nói với bố đừng đi làm nữa, con không tiêu tiền nữa cũng được nhưng bố bảo con gái từng tuổi này tiêu tiền được rồi nên nếu mẹ không cho thì bố sẽ tự kiếm tiền để cho con. Bố cũng dặn con là không được nói cho mẹ kẻo mẹ lo lắng.
Ảnh minh họa
- Mẹ chưa đồng ý việc con đang là lứa tuổi học sinh đã được quản lý tiền tiêu vặt hàng tháng, rất dễ sinh hư, cần gì thì bảo bố mẹ. Nhất là trong thời buổi gia đình rất khó khăn như thế này. Mẹ sẽ nói chuyện với bố con để chấm dứt việc này ngay lập tức.
Sau đó tôi có nói chuyện với chồng nhưng anh vẫn một mực quyết định đi chạy xe ôm mỗi tối và đồng ý cho con gái được phép có tiền tiêu vặt. Cũng chính vì quan điểm bất đồng này mà hai vợ chồng tôi vẫn còn giận nhau thêm.
Tâm sự từ độc giả anna...
Không chỉ ít mà rất nhiều bậc cha mẹ có quan niệm rằng trẻ con mà dính đến tiền là hỏng ngay, do đó quyết định giữ sự trong sáng của con bằng việc cách ly con hoàn toàn với tiền. Một phần nguyên nhân dẫn đến quan niệm đó của các mẹ là nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ cho tiền ăn sáng, nhưng con lại dùng nó vào các mục đích không được đúng đắn.
Tuy nhiên, các mẹ nên biết rằng để con có thể sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên dành thời gian để giảng giải cho con hiểu về giá trị của đồng tiền. Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ về tiền bạc, càng nhận biết sớm về đồng tiền, các con sẽ có nhận thức và biết cách đầu tư có lợi hơn.
Không bao giờ là quá sớm để nói với con về ý nghĩa của đồng tiền
Dara Duguya (tác giả cuốn sách Dạy con tiết kiệm) chia sẻ: "Càng dạy bé sớm về tiền bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bé sẽ xây dựng được thói quen tiết kiệm từ sớm, tạo nền tảng cho việc chi tiêu hợp lý về sau". Ở lứa tuổi từ 3 đến 5, cha mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ các vấn đề liên quan đến tiền. Vào độ tuổi này, trẻ đã biết đòi hỏi và muốn sở hữu những đồ vật xung quanh chúng.
Thông qua các cuộc trò chuyện đơn giản cùng gia đình, bố mẹ hãy từ từ hướng con đến những vấn đề liên quan đến tiền. Trẻ con nhỏ nên nhận thức còn chưa rõ ràng, do đó mẹ nên sử dụng các cách tiếp cận đơn giản, phong phú, sinh động và phù hợp với tuổi để con dễ tiếp thu.
Giúp con phân biệt giữa nhu cầu và ham muốn
Trẻ con luôn luôn dễ bị hấp dẫn bởi nhiều món đồ cơi hay những vật dụng là mắt. Trước những đòi hỏi của con, điều các mẹ thường làm vẫn là cứng rắn nói “không” với con. Tuy nhiên, khi mẹ từ chối yêu cầu này của con bằng cách này, trẻ sẽ không hiểu rõ được nguyên tại sao mình lại không được mua món đồ đó.
Do đó, thay vì chỉ nói một chữ “không” ngắn gọn, các mẹ nên giải thích cho con hiểu rõ để làm ra đồng tiền thì người lớn vất vả như thế nào, và số tiền con muốn dành để mua đồ chơi thì con có thể tiết kiệm để làm được nhiều việc có nghĩa hơn. Hãy dạy con chỉ khi thứ gì con thực sự thấy cần thiết thì mới nên đầu tư tiền, bởi tiền kiếm ra thì khó nhưng tiêu lại rất dễ, chính vậy, con cần biết chi tiêu mới có thể cân đối được mọi khoản.
“Kiềm soát ham muốn” rất quan trọng trong việc dạy trẻ về tiền bạc. Để giúp con biết chi tiêu tiền hợp lý, bố mẹ nên thường xuyên đặt ra các tình huống cụ thể để con xử lý. Thông qua các tình huống giả định đó, cha mẹ nên khẳng định rằng không được phép chi tiêu vượt quá số tiền mình.
Dạy con biết tiền có nhiều mục đích sử dụng khác nhau
Một điều quan trọng khi dạy con về tiền là bố mẹ cần chỉ cho con họ thấy rằng đồng tiền đóng nhiều vai trò trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cho dù chúng ta có sử dụng ngay hôm nay hay tích góp cho ngày mai. Để giúp con hiểu rõ giá trị và vai trò cửa từng đồng tiền trong cuộc sống, mẹ hãy giúp con phân loại các loại tiền với các mục đích sử dụng khác nhau: tiết kiệm, chi tiêu, làm từ thiện. Khi phân loại xong, mẹ hãy nhắc con để chúng vào các lọ khác nhau, sau đó hãy dán nhãn ben ngoài mỗi lọ.
Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều cơ hội bố mẹ có thể giúp con kiếm ra tiền. Thay vì phát cho con 1 khoản tiền tiêu vặt mỗi tuần, các mẹ hãy tìm cách cho con làm việc sau đó “trả lương” phù hợp với năng suất con bỏ ra. Có rất nhiều việc nhà đơn giản mà bé có thể phụ giúp mẹ làm như quét nhà, rửa bát, đổ rác…Và bất cứ khi nào trẻ kiếm được tiền, mẹ hãy nhắc trẻ chia nhỏ số tiền đó thành các phần bằng nhau và để vào trong lọ. Hành động này không có gì to tát nhưng đủ để trẻ hiểu rằng: khi cầm một món tiền trong tay, trẻ không nên tiêu hết một lúc mà cần phải biết tiết kiệm để dùng cho sau này.
Dạy con tiêu tiền khéo hơn từ những sai lầm
Khi trẻ có khoản tiền riêng nhất định, chúng sẽ bắt đầu biết tự chi tiêu và mua sẵm những gì mình muốn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không phải bé nào cũng biết dùng tiền vào mục đích chính xác. Do đó, các mẹ đừng quên chỉ bảo con từng chút một về cách tiêu tiền.
Bên cạnh đó, mẹ cần chỉ dạy con biết chịu trách nhiệm trước mỗi lựa chọn của mình. Qua thời gian, sau nhiều lần trải qua những hậu quả tiêu cực, chúng sẽ biết cách để đưa ra các quyết định tài chính thông minh hơn.
Cho trẻ tự trải nghiệm với đồng tiền
Cho phép trẻ sử dụng tiền mặt ở mức độ vừa đủ để chúng có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi trẻ tự tay kiếm ra tiền, con sẽ cảm thấy hào hứng, thích thú khi tự bỏ tiền mua món hàng chúng muốn; nhưng sau đó sẽ cảm giác tiếc nuối vì đã tiêu đi một số tiền. Từ những trạng thái cảm xúc này của con, mẹ hãy khuyến khích con tiếp tục tiết kiệm, đó mới là điều quan trọng nhất lúc này.
Một cách hiệu quả để dạy trẻ biết cách quản lý tiền bạc là thông qua những nhiệm vụ thường xuyên và các công việc nhà. Mẹ hãy thường xuyên cho trẻ đi mua sắm cùng để chỉ con biết cách lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và tìm kiếm món hàng mang lại giá trị lớn nhất. Hãy để con giữ tờ giấy ghi những thứ cần phải mua, đánh dấu vào mỗi sản phẩm sau khi mua được. Dạy con biết cách mua sắm ngay từ nhỏ, con sẽ thành thạo hơn trong khoản chi tiêu sau này.
Bố mẹ nên là tấm gương cho con
Đối với con cái, bố mẹ luôn là tấm gương để các con noi theo. Chúng sẽ có xu hướng bắt chước các hành động của người lớn mà không biết rằng việc đó là xấu hay tốt. Chuyện chi tiêu tiền nong cũng vậy, muốn con biết cách tiêu và kiểm soát tiền, chính bản thân bố mẹ phải là người sáng suốt trong chuyện tiền nong.
Cho con cái đi chợ mua sắm cùng cũng là một cách tốt để dạy trẻ về tiền bạc. Tuy nhiên, nếu ở trước mặt con, mẹ thoải mái "vung tiền" một cách "vô tội vạ" sẽ khiến con biết nhà mình lắm tiền nên có thể tiêu xài thoải mái. Đồng thời, việc bố mẹ mua sắm không có kế hoạch sẽ là tác động xấu tới hành động của trẻ sau này.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay vẫn có một phần ba số phụ huynh nói dối con cái về chuyện tiền bạc. Điều này khiến trẻ hiểu rằng nói dối là cách tốt nhất để che đậy các vấn đề về tài chính hay được phép nói dối về tiền bạc. Khi nói dối con cái về chuyện tiền bạc, nhiều trẻ sẽ nghĩ bố mẹ không kiểm soát được về chuyện tài chính. Nếu con hỏi những câu liên quan đến tiền, mà bố mẹ không muốn trả lời, hãy thành thật và nói một cách thẳng thắn rằng bố mẹ không muốn nói về chuyện đó.