Vì chuyện này mà hai bên xích mích thì thực sự không đáng.
Nuôi dạy con đến khi chúng trưởng thành quả thực là hành trình rất vất vả với bố mẹ, và cả những người hỗ trợ như ông bà, người thân trong gia đình. Chính vì thế cho nên, trước khi đứa trẻ có thể tự lo cho mình thì sự chăm sóc, bảo vệ kỹ càng của bố mẹ, người thân là điều đương nhiên.
Tôi năm nay 26 tuổi, mới chỉ làm dâu được 1 năm và hiện tại đang mang thai ở tháng thứ 3. Chồng tôi là em út trong nhà, trước anh còn có 1 chị gái và 1 anh thứ, họ đều đã có gia đình riêng. Chị đầu đang làm mẹ 2 con, còn anh sau thì con gái mới hơn 1 tuổi.
Ảnh minh hoạ
Trong 3 anh chị em thì chỉ có chị lớn là đã an cư, còn gia đình anh thứ và gia đình tôi sống chung với ông bà nội của các cháu, tức bố mẹ chồng tôi. Cuối tuần vừa rồi bố mẹ ruột của chị dâu ghé lên nhà chơi, thăm thông gia và cháu gái. Lúc lên, họ có mang theo một chiếc túi khá lớn và bảo đây là chút quà quê do nhà trồng, muốn tặng cho thông gia, và quan trọng là bồi bổ cho cháu gái.
Cứ tưởng là gì, hoá ra khi mẹ chồng mở túi ra xem thì đó là một túi nhãn lồng. Ngay khi nhìn thấy thứ trái cây này, mẹ chồng đã không thích ra mặt và thẳng thắn từ chối nhận. Phản ứng của mẹ chồng tôi khiến thông gia cứng người vì bất ngờ.
Sống cùng mẹ chồng, tôi biết bà là người có gì nói nấy và không giỏi ăn nói nên khi mẹ chồng bảo “tôi không thể để cháu gái ăn cái này, lợi đâu chưa thấy mà thấy đã hại rồi”, câu nói thực sự khiến thông gia tức giận, có lẽ vì cảm thấy không được tôn trọng nên họ liền dằn mặt mang nó đem vứt thùng rác.
Thấy tình hình khá căng thẳng, may là tôi có mặt tại thời điểm đó và hiểu rõ nguyên nhân vì sao dẫn đến hành động này của mẹ chồng nên đã vội vàng lên tiếng. Tôi đã kể lại sự việc xảy ra cách đây 1 tháng trước, rằng cô cháu gái 1 tuổi đã suýt mất mạng vì bị hóc đồ ăn, mà cụ thể là quả chôm chôm. Thời điểm đó, cũng có một họ hàng đã mang giỏ trái cây tặng cho gia đình tôi, và trong một lần sơ sẩy, cháu gái đã bỏ quả này vào miệng nuốt khiến đứa trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Rất may là chuyện còn cứu được kịp thời, thậm chí bác sĩ còn nói chỉ chậm vài phút nữa thì gia đình đã phải ân hận cả đời. Qua sự số này, mẹ chồng là người rất cưng chiều và yêu thương cháu gái nên luôn trong tâm lý bao bọc, bảo vệ cháu một cách cẩn thận, bà quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Ảnh minh hoạ
Đó là lý do mẹ chồng có phản ứng khá mạnh ngay khi nhìn thấy món quà của thông gia tặng cháu. Nghe tôi nói rõ sự tình, bố mẹ của chị dâu mới nguôi giận và thâm chí còn gửi lời cảm ơn dành cho mẹ chồng tôi.
Thực tế trong tình huống kể trên, tôi nghĩ túi trái cây không có “tội tình” gì cả, mà chính bố mẹ và những người thân trong gia đình mới cần phải xem xét lại quá trình chăm sóc, nuôi dạy con cháu của mình. Rõ ràng là do người lớn lơ là, không chú ý sát sao nên mới để tai nạn xảy đến với trẻ, lỗi là do chúng ta nên không thể đổ thừa hay trách cứ bất kỳ ai. Các bà mẹ nghĩ tôi nói đúng chứ… Vậy nên hãy bắt đầu từ bản thân, làm tốt thì con trẻ chắc chắn sẽ trưởng thành khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tâm sự từ độc giả dungnguyen…@gmail.com
1. Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Không chỉ các loại hạt mà tất cả các vật dụng, đồ chơi trong nhà nhỏ xíu đều rất thu hút trẻ nhỏ và các bé không thể lường trước được nguy hiểm của chúng, dễ dẫn đến việc cho vào miệng không ý thức. Từ đó dẫn đến việc gây hóc nghẹn. Theo Ths.BS Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi TU) cho biết, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật là vô cùng quan trọng và cần thiết. Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa về cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu trẻ tỉnh, nhưng ho không hiệu quả, thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Nếu trẻ nhỏ thì cho trẻ ngồi trên ghế, đặt bệnh nhân lên cánh tay, cho đầu chúi xuống, nghiêng 1 bên, sau đó vỗ lưng 5 lần.
Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật ra không, nếu dị vật không ra được thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ấn ngực trẻ. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ đến trực tiếp.
Ảnh minh hoạ
2. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý:
- Nhắc nhở con về cách ăn uống an toàn.
- Nếu trẻ nhỏ, cha mẹ nên bóc hạt trước rồi mới cho bé ăn. Các bé đã lớn hơn, cha mẹ phải thật để ý khi bé ăn một thứ gì đó.
- Các vật dụng đồ chơi trong nhà phải được kiểm soát, tránh để trẻ cho vào miệng gây hóc nghẹn.
- Cuối cùng là mỗi cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức xử lý tình huống hóc nghẹn để dùng khi cần thiết.
3. Những món đồ ăn nên tránh với trẻ nhỏ vì dễ có nguy cơ gây hóc:
- Bánh mì, xúc xích
Bánh mì xúc xích có cùng độ lớn với đường ống thở của bé nên rất dễ gây nên hóc nghẹn. Kể cả khi bạn cắt nhỏ chiếc xúc xích thì nó vẫn có cùng hình dáng với cổ họng của bé. Tốt nhất cha mẹ nên cắt đôi, rồi cắt nhỏ nữa theo chiều dọc trước khi cho bé ăn.
- Các loại bánh quy, bánh gạo,...
1 hoặc 2 miếng bánh quy thì hoàn toàn bình thường nhưng nếu cha mẹ cho trẻ ăn một nắm hoặc một vốc thì sẽ rất dễ vón cục, tắc nghẹn và gây nên nguy hiểm.
- Bim bim hoặc bỏng ngô
Đây là những loại thức ăn cứng, khô nên trẻ rất khó để có thể cần và nhai kĩ. Những miếng bim bim hoặc bỏng ngô không được nhai kĩ sẽ rất dễ bị mắc ở trong cổ họng trẻ.
- Các loại hạt
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em thường rất hay ăn một nắm to hạt và đôi khi còn cho nhiều hơn so với những gì chúng có thể kiểm soát vì vậy cha mẹ nên trông chừng cần thận khi cho trẻ ăn loại thực phẩm này.
- Sữa
Trẻ sơ sinh là những đối tượng rất dễ bị nghẹn khi uống sữa do bị sặc, vì vậy cha mẹ nên để ý và quan tâm khi cho trẻ uống sữa.
- Rau quả
Cũng giống như xúc xích, hoa quả và rau là đồ ăn được coi là khó nhai đối với trẻ. Cha mẹ nên cắt nhỏ các loại rau củ quả trước khi cho trẻ ăn.
- Xương
Xương cá và xương gà được coi là những đối tượng nguy hiểm gây nên tai nạn hóc nghẹn ở trẻ. Cha mẹ nên đảm bảo là đã kiểm tra và lọc sạch xương một cách kĩ càng trước khi cho trẻ ăn.
- Thịt
Thịt cũng là một loại thức ăn mà trẻ có thể cần miếng to nên rất dễ bị tắc nghẽn ở họng. Vì vậy, cha mẹ nên cắt nhỏ thịt và khuyến khích các con nên ăn từ từ.
- Kẹo cao su
Cha mẹ nên rất thận trọng khi cho trẻ ăn kẹo cao su do trẻ vẫn chưa có đủ khả năng để có thể nhai và kiểm soát những thứ dai và dính. Tốt nhất không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn kẹo cao su.
- Các loại kẹo cứng
Do trẻ vẫn chưa thể tự chủ được nên khi ăn các loại kẹo cứng, trẻ thường rất dễ bị tuột và trôi vào họng.