Nhiều đêm tôi sợ quá còn gọi cả chồng ra kiểm tra mà vẫn không thấy gì.
Nhà tôi có một cậu con trai nhỏ 6 tuổi và mới sinh bé thứ 2 được 10 tháng tuổi. Bình thường con trai sẽ ngủ riêng một phòng của bé còn vợ chồng tôi ngủ với con 10 tháng tuổi ở một phòng khác. Căn nhà này chúng tôi chuyển về sống từ khi sinh bé lớn, mọi chuyện vẫn bình thường cho tới mới đây liên tục lặp lại một chuyện khiến tôi hoảng sợ vô cùng.
Chẳng là vào buổi đêm hôm trước tôi dậy đi vệ sinh, vì hôm đó con 10 tháng quấy quá nên tôi không đi vệ sinh ở nhà vệ sinh trong phòng ngủ mà đi ra phòng khách để sử dụng nhà vệ sinh ngoài đó. Vừa mở cửa bước ra tôi thấy chiếc tivi ở phòng khách đang sáng bỗng tắt bụp đi, tôi giật mình. Thế nhưng lúc đó tôi đoán chắc bản thân mình mắt nhắm mắt mở nên chắc vẫn còn mơ màng, nhìn nhầm.
Vào đêm ngày hôm sau tôi có thói quen đi vệ sinh đêm, tiếp tục mở cửa phòng ngủ để ra phòng khách sử dụng nhà vệ sinh ở ngoài đó thì thấy quả thực đúng là tivi nhà tôi đang bật thật nhưng hôm nay nó lại không tắt nữa mà vẫn sáng. Tivi đang phát một chương trình quen thuộc mà nhà tôi hay bật. Lúc đó tôi không nghĩ nhiều, chỉ nghĩ rằng chắc lúc tối trước khi đi ngủ đã quên tắt tivi nên tôi lui tới bấm nút ở tivi để tắt cho nhanh rồi đi ngủ.
Ảnh minh họa
Sự việc ngày càng lạ lẫm hơn khi ngày hôm sau nữa vẫn vào khoảng khung giờ 12h đêm, tôi dậy đi vệ sinh, tivi vẫn đang bật. Lúc này tôi thực sự đã suy nghĩ nghiêm túc vấn đề, có chút hoảng sợ nên gọi chồng dậy để kiểm tra. Anh bật điện kiểm tra không phát hiện gì bất thường nên chúng tôi cùng tắt tivi để đi ngủ tiếp.
2-3 đêm sau vẫn lặp lại hành vi bất thường như vậy khiến vợ chồng tôi phải kiểm tra camera giám sát của phòng khách. Lạ thay hoàn toàn không có bóng dáng người nào đến bật tivi vào lúc đó cả. Tôi đã hỏi một người bạn làm trong ngành điện tử về chuyện liệu tivi có tự động bật lên được không, người bạn còn cười cho rằng tôi hỏi chuyện tầm phào vì làm gì có chuyện đó.
Suy nghĩ mãi tôi vẫn không có lời giải. Cuối cùng đáp án cũng được phơi bày khi trong một lần tình cờ vào dọn giường buổi sáng cho cậu con trai, tôi vô tình thấy được chiếc điều khiển tivi con giấu dưới gối. Nhìn từ phòng ngủ của con thẳng ra cửa, tôi đã hiểu mọi chuyện. Trong bữa cơm, tôi hỏi thẳng con trai:
- Gấu, có phải đêm nào con cũng lén lút xem tivi đúng không?
Ảnh minh họa
- Không, con có xem đâu ạ?
- Sáng nay mẹ tìm thấy chiếc điều khiển tivi dưới gối trong phòng con, tại sao nó lại ở đấy? Bình thường mẹ luôn yêu cầu con cất đồ đúng vị trí sau khi dùng cơ mà.
Đứa trẻ không nói gì, cúi đầu.
- Trả lời mẹ ngay, có đúng là con luôn trốn bố mẹ xem tivi đúng không. Và tối nào khi mẹ dậy đi vệ sinh đều nhìn thấy tivi đang được bật sáng, là do con bật đúng không?
- Dạ... con xin lỗi mẹ.
Sự thật là cậu con trai trước khi đi ngủ đã lén lút giấu chiếc điều khiển tivi dưới gối, đợi bố mẹ đã ngủ say thì dùng điều khiển ngồi từ trong phòng để bật tivi ở phòng khách. Bởi phòng ngủ của bé đối diện với tivi ở phòng khách nên chỉ cần mở cửa phòng ngủ là có thể ngồi trong giường và bật tivi.
Ảnh minh họa
Đó cũng là lý do vì sao mà vợ chồng tôi kiểm tra camera không thấy ai bật nhưng tivi vẫn tự sáng. Hôm đầu tiên nghe tiếng bước chân mẹ nên Gấu nhanh chóng tắt tivi nhưng những hôm sau cậu bé giả vờ nằm xuống ngủ và không tắt tivi nữa.
- Mẹ đã nói với con rồi, xem tivi phải được sự đồng ý, cho phép của bố mẹ. Điều đó còn chưa kể đến con xem tivi khi trời tối như thế rất hại mắt, con có biết không? Con không nghe lời bố mẹ sao?
- Con xin lỗi, từ sau con không vậy nữa ạ.
- Con quá nghiện xem tivi rồi đó, tới mức còn lên kế hoạch để xem tivi vào ban đêm khi bố mẹ đi ngủ nữa. Từ mai mẹ sẽ bán tivi đi để không còn phải xem gì nữa.
Tôi tức giận đứng dậy lấy điện thoại tìm số điện thoại nơi có thể mua lại tivi cũ nhưng bị chồng ngăn lại.
- Bán tivi cũng không được ích gì, quan trọng là phải làm sao cho con biết việc xem tivi nhiều là không hề có lợi.
Tôi thấy anh nói cũng đúng nên tức giận bỏ vào trong phòng. Hiện tại cũng không biết phải làm thế nào để giảm bớt việc xem tivi quá nhiều cho con trai.
Tâm sự từ độc giả vananh...
Những ảnh hưởng nếu trẻ thường xuyên xem TV cũng như các thiết bị công nghệ khác
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc trẻ nhỏ dành nhiều thời gian để xem TV hoặc sử dụng các thiết bị có thể tạo ra một số tác động xấu sau đây:
Ảnh hưởng thị giác
Một số trẻ ngửa cổ khi xem TV, điều này dễ gây ra hiện tượng lác mắt. Ánh sáng của TV và hình ảnh thay đổi quá nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.
Giảm khả năng tập trung
Những hình ảnh chuyển động quá nhanh và sự thay đổi âm thanh thường xuyên được cho là có hại cho trẻ nhỏ. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và khả năng tập trung kém.
Khi trẻ xem TV, trông trẻ có vẻ chăm chú, tập trung, nhưng trên thực tế lại không tích cực vận động các nhóm cơ kiểm soát sự tập trung. Đó đơn thuần là trạng thái kích thích quá mức, sẽ phá hủy sự hình thành khả năng tập trung.
Tăng nguy cơ béo phì
Trẻ ngồi yên khi xem TV vô tình sẽ giảm thời gian vận động rất nhiều. Nếu trẻ không chịu vận động trong một thời gian dài dẫn đến tiêu thụ ít calo, cơ thể ì trệ.
Bên cạnh đó, nhiều bé vừa xem TV vừa ăn, nên không để ý lượng thức ăn mà mình ăn vào và thường ăn nhiều hơn so với mức cần thiết nên rất dễ dẫn đến béo phì.
Ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ xem TV nhiều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Cụ thể là ánh sáng từTV sẽ kích thích não hoạt động và làm hạn chế quá trình sản xuất hormone melatonin - vốn có tác dụng giúp cơ thể ngủ ngon.
Nếu cho trẻ xem TV trước khi đi ngủ, trẻ sẽ trở nên vô cùng phấn khích, não bộ không kịp nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Từ đó, gây xáo trộn sự cân bằng giấc ngủ tự nhiên, dẫn đến hậu quả là trẻ bị mệt mỏi và ngủ không sâu giấc. Bên cạnh đó, nếu trẻ xem những phim hoạt hình hành động trước khi ngủ thường nằm mơ và thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, không tốt cho sức khỏe.
Ảnh minh họa
Cha mẹ nên để trẻ xem TV thế nào cho đúng cách?
Trẻ nhỏ luôn thích thú những điều mới mẻ, vậy nên một số chương trình có tính hấp dẫn cao đối với trẻ, nhưng nên có biện pháp kiểm soát thời lượng trẻ cần xem TV.
Giới hạn thời gian trẻ xem TV
Trên thực tế, cho dù là chơi điện thoại di động hay xem TV, trẻ em rất dễ bị nghiện, và khả năng tự kiểm soát của trẻ không tốt, vì vậy xem TV là rất dễ phá hủy khả năng tự kiểm soát của trẻ
Một khi trẻ đã nghiện sẽ rất khó bỏ xem TV, đồng thời dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt. Nếu một đứa trẻ thường xuyên xem TV, trẻ sẽ bỏ qua thực tế và thậm chí trở nên rất thu mình trong cuộc sống hàng ngày.
Tiến sĩ tâm lý học người Anh Siegman gợi ý rằng trẻ em từ 3 đến 7 tuổi nên xem TV mỗi ngày từ 30 phút đến một giờ. Trẻ em từ bảy đến mười hai tuổi xem một giờ mỗi ngày. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi xem mỗi ngày một giờ rưỡi, còn thanh thiếu niên trên 16 có thể xem hai giờ một ngày.
Kiểm soát nội dung trẻ xem TV
Cha mẹ nên giám sát quá trình trẻ xem TV và chọn lọc nội dung, chương trình phù hợp cho con. Bởi trẻ nhỏ là đối tượng thích bắt chước, nếu trẻ xem một số video tiêu cực, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hành vi của trẻ.
Tốt nhất là cho trẻ xem một số chương trình khoa học, một số chương trình tạp kỹ cho các hoạt động ngoài trời của trẻ, có thể nâng cao kiến thức cho trẻ. Trẻ cũng có thể xem phim hoạt hình, nhưng cha mẹ nên kiểm tra trước để biết nội dung có hợp không.
Đồng hành và chia sẻ cùng con nhiều hơn
Cha mẹ có thể ngồi cùng và giải thích nội dung trên TV cho trẻ em. Nhờ thế, trẻ có thể hiểu sâu hơn những nội dung mà trẻ chưa hiểu. Qua đó, trẻ mở rộng một số kiến thức từ cha và mẹ để phát triển về mặt tinh thần.
Cùng con xem TV cũng giúp cha mẹ điều chỉnh kênh kịp thời khi gặp chương trình không phù hợp cho con, nhằm tránh cho con học những thói hư tật xấu. Tuy nhiên, cần đảm bảo giải thích rõ ràng cho con bạn về việc tại sao bé không thể xem chương trình đó, để trẻ hiểu.