Cha mẹ thường lo lắng việc trẻ bị ho và sốt nhẹ là dấu hiệu của một điều gì đó đáng ngại. Hơn nữa, trẻ bị ho sốt kéo dài thường khiến cả phụ huynh và trẻ mệt mỏi, ăn ngủ kém. Để điều trị dứt điểm ho sốt cho trẻ mẹ có thể tham khảo các thông tin sau đây.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, trẻ bị ho vốn là cơ chế hoàn toàn tự nhiên để cơ thể trẻ đối phó với các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, dị vật đường hô hấp. Thông qua đường hô hấp, cơ thể trẻ sẽ đào thải những tác nhân này. Tuy nhiên, nếu như trẻ bị ho và sốt nhẹ cùng lúc thì đây là thời điểm cảnh báo sức đề kháng của trẻ bị yếu, dễ bị nhiễm khuẩn nhiễm trùng.
Mặc dù sốt là cách để cơ thể phản ứng khi gặp phải tình trạng bị viêm nhiễm, nhiễm khuẩn nhưng đồng thời, đây cũng là dấu hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động đúng cách. Phản ứng sốt là cách để hệ miễn dịch làm chậm quá trình phát triển của virus, vi khuẩn, nhiễm trùng.
Trẻ bị ho và sốt nhẹ thường rất hay quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn. Ảnh minh họa
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho và sốt nhẹ
- Do cảm lạnh: Một đứa trẻ bị ho, sốt nhẹ và sổ mũi có thể bị cảm lạnh thông thường. Nhưng ho với sốt 102°F (39°C) hoặc cao hơn đôi khi có thể là do viêm phổi, đặc biệt là nếu trẻ yếu và thở nhanh. Trong trường hợp này, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
- Do viêm phế quản cấp: Thường xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh tại đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức độ ho sốt nhẹ thì đấy là triệu chứng cấp tính ở niêm mạc phế quản nên cha mẹ rất dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.
- Do viêm họng cấp: Nguyên nhân chủ yếu là do virus cúm, sởi… hay vi khuẩn phế cầu, liên cầu gây ra. Bên trong họng có dấu hiệu sưng niêm mạc họng, đỏ một cách đột ngột. Lúc mới đầu, trẻ ho sốt nhẹ, về sau bé sốt cao hơn, khoảng 39-40 độ.
- Do viêm phổi: Nguyên nhân là nhiễm trùng bên trong phổi do vi khuẩn, virus sinh sôi, nảy nở bên trong. Bệnh có thể xuất hiện khi có một đợt trẻ ho sổ mũi kéo dài hoặc cảm cúm. Ngoài biểu hiện ho sốt nhẹ, trẻ còn chan ăn, bỏ bú, thở khò khè…
- Do môi trường và thời tiết: Nếu trẻ thường xuyên bị tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, không khí ô nhiễm, thời tiết xấu, chuyển mùa, chênh lệch giữa nhiệt độ trong ngày lớn… có thể sẽ khiến trẻ bị ho sốt về đêm.
Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sẽ giúp mẹ có phương pháp điều trị kịp thời. Ảnh minh họa
Cách điều trị trẻ bị ho và sốt nhẹ
- Cho trẻ uống nhiều nước: Cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước hơn bình thường để bù nước do sốt và loại bỏ các loại độc tố dễ dàng hơn. Đồng thời, nước cũng sẽ giúp giảm triệu chứng đau họng, ngứa rát cổ và làm dịu các cơn ho. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ còn bú mẹ, mẹ nên cho bé bú nhiều lần, chia làm nhiều cữ hơn.
- Chườm khăn ấm để giúp bé hạ sốt: Dù bé sốt nhẹ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn cao hơn bình thường, chườm khăn hạ sốt bằng loại khăn mát (không dùng khăn lạnh cho trẻ), chườm tại vị trí có mạch máu đi qua như 2 nách, 2 bẹn, 2 bên cổ.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ bị ho sổ mũi kéo dài kèm theo sốt thường rất dễ mất sức. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ sẽ giúp nâng cao sức đề kháng. Nên cho bé ăn ở dạng loãng như súp, cháo và nước ép hoa quả cho bé dễ nuốt.
- Điều trị bằng thuốc: Việc sử dụng thuốc nên theo chỉ định của dược sĩ, bác sĩ bởi tùy từng độ tuổi của trẻ mà sẽ có loại thuốc, liều dùng thuốc khác nhau. Đối với một số bé bị ho sổ mũi mắt đổ ghèn có thể là dấu hiệu của viêm kết mạc có thể phải cần dùng đến thuốc kháng sinh, tuy nhiên, cũng cần phải được chỉ định.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu thấy trẻ bị ho và sốt nhẹ liên tục không giảm, cha mẹ không nên chủ quan mà cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tránh để tình trạng bệnh nặng hơn.