Bệnh ho nguy hiểm tái phát ở Trung Quốc

Ngày 02/05/2024 11:14 AM (GMT+7)

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ghi nhận số ca mắc ho gà đang tăng đột biến ở nước này.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả nước báo cáo hơn 32.000 ca nhiễm, 13 trường hợp tử vong, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (1.400 ca mắc). "Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại", đại diện CDC cho hay.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh truyền qua các giọt bắn hô hấp, gây ra mối đe dọa đáng kể cho trẻ sơ sinh, dẫn đến triệu chứng nặng và tử vong.

Bệnh nhân chờ điều trị tại khoa phổi ở một bệnh viện thành phố Vũ Hán, tháng 4. Ảnh: VCG

Bệnh nhân chờ điều trị tại khoa phổi ở một bệnh viện thành phố Vũ Hán, tháng 4. Ảnh: VCG

Các triệu chứng thường xuất hiện từ 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, sổ mũi và ho, tiến triển thành những cơn ho kéo dài và thỉnh thoảng có tiếng rít khi hít vào. Theo WHO, viêm phổi là một biến chứng phổ biến. Động kinh và bệnh não ít xảy ra hơn. Đỉnh điểm lây nhiễm trong vòng 3 tuần kể từ khi bắt đầu ho, với các đợt ho kéo dài từ 4 đến 8 tuần.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ho gà trông rất giống cảm lạnh thông thường (ngạt mũi, sốt nhẹ và ho). Điều đó gây khó khăn cho việc chẩn đoán trước khi các biểu hiện nghiêm trọng hơn xuất hiện.

Hiện thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho bệnh ho gà. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm chủng. Theo WHO, việc tiêm ba liều cơ bản vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Hướng dẫn của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc khuyến cáo nên bắt đầu tiêm chủng sớm khi trẻ được 6 tuần tuổi. Các liều tiếp theo cách nhau 4-8 tuần, ở độ tuổi 10-14 tuần và 14-18 tuần.

WHO cho biết tiêm chủng cho phụ nữ mang thai cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh. Các chương trình quốc gia có thể cân nhắc việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai bằng vaccine ho gà như một chiến lược bổ sung.

Chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch. Tỷ lệ trẻ em tiêm đủ ba liều bạch hầu, uốn ván và ho gà đã giảm xuống 81% vào năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2008, theo WHO. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, một số quốc gia đã ghi nhận số ca mắc bệnh ho gà gia tăng kể từ giữa năm 2023.

Các ca bệnh ho gà tăng mạnh ở nhiều nơi, cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ nhỏ?
Trẻ càng nhỏ càng dễ mắc ho gà và diễn tiến nặng. Trong bối cảnh số ca ho gà tăng trên cả nước, tiêm ngừa đủ liều - đúng lịch là cách phòng bệnh hiệu...

Thục Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ho