Rau hẹ chứa nhiều kháng sinh tự nhiên và có rất nhiều công dụng, đặc biệt là việc trị ho, cắt sốt, trị cảm cúm cho trẻ, tuy nhiên người Việt lại rất sử dụng.
Hẹ là một loại rau quen thuộc, nhất là ở vùng nông thôn Việt Nam. Cây hẹ có hình dạng và hương vị gần giống như hành lá, tuy nhiên việc sử dụng lại không được phổ biến so với hành.
Theo các chuyên gia, xét về công dụng với sức khỏe, hẹ có tác dụng không thua kém gì hành, thậm chí là trội hơn về một số điểm như chữa được nhiễm trùng ngoài da, tẩy giun hoặc trị ho, sốt ở trẻ.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, trong sách xưa có ghi chép rất rõ về công dụng của cây hẹ và khuyên: "Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên". Đặc biệt, rau hẹ có chất kháng sinh tự nhiên rất tốt với trẻ nhỏ, có thể chữa được ho, sốt, cảm cúm… rất hữu hiệu.
Rau hẹ được ghi trong sách xưa là rất tốt và các chuyên gia đông y khuyên mọi người nên ăn nhiều. Ảnh minh họa.
Nhà nghiên cứu, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết thêm, hẹ trong đông y có vị ngọt cay, tính ấm, hơi chua, hạt ngọt, tác dụng thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh.
Ông Sáng cho biết, có thể dùng hẹ bằng nhiều cách khác nhau như vò lấy nước, kết hợp với các loại thực phẩm khác để chế biến thành món ăn, thậm chí có thể ăn sống.
Đối với công dụng giúp chữa ho của lá hẹ, lương y Bùi Đắc Sáng hướng dẫn như sau: Dùng một nắm lá hẹ, thái nhỏ chưng với đường phèn để ăn.
Ngoài ra, có thể dùng lá hẹ (100gam) để hấp cùng với mật ong nguyên chất cũng rất tốt cho việc trị ho, giải cảm. Nguyên nhân là trong lá hẹ có tính kháng sinh tự nhiên rất mạnh, kết hợp với mật ong có tính kháng viêm, sát trùng, diệt khuẩn rất tốt với trường hợp trẻ bị ho hay cảm cúm.
Tuy nhiên, bài thuốc kết hợp hẹ với mật ong không dùng cho trẻ nhũ nhi, trẻ dưới 1 tuổi. Với trẻ ở độ tuổi này hãy dùng bài thuốc lá hẹ + đường phèn như đã nói trên.
Hẹ kết hợp với mật ong là vị thuốc quý, tuy nhiên không nên dùng cho trẻ nhũ nhi, dưới 1 tuổi. Ảnh minh họa.
Lá hẹ cũng có công dụng trong việc chữa tiêu chảy, lạnh bụng bằng cách: Lấy một nắm lá hẹ, nửa nắm hành trắng, một nắm gạo nấu với hai chén nước, sau đó thêm một ít vỏ quýt, hạt tiêu, gừng và muối, ăn lúc đói. Người bị ngộ độc thức ăn cũng có thể dùng lá hẹ một nắm, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt để uống.
Đặc biệt, người tinh yếu do hư lao có thể dùng hạt hẹ, kết hợp với một số vị thuốc khác để điều trị. Cụ thể: Dùng16g hạt hẹ, 24g phúc bồn tử, 6g xà sàng tử, 24g thỏ tỵ tử, 6g phá cố tử, 16g kim anh tử, 16g thạch liên tử, 24g cây kỷ tử, 6g ngũ vị tử, 24g dâm dương hoắc, 48g hoài sơn, 48g thục địa.
Tất cả cho vào sắc một thang mỗi ngày, chia 3 lần, uống liên tiếp 5 ngày, nghỉ 3 ngày, sau đó uống lặp lại hai liệu trình nữa sẽ có tác dụng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, dù lá hẹ tốt có nhiều tác dụng nhưng trước khi sử dụng tốt nhất vẫn nên hỏi ý kiến của người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể. Bởi mỗi người có một thể trạng, cơ địa khác nhau nên việc sử dụng cũng khác nhau.
Tin liên quan
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Tin bài cùng chủ đề Bệnh ho
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ghi nhận số ca mắc ho gà đang tăng đột biến ở nước này.