Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/04/2021 16:30 PM (GMT+7)

Khi trẻ ho đặc biệt ở thời điểm thời tiết giao mùa, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, cần chú ý trong việc sử dụng thuốc giảm ho cho trẻ.

Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa Nhi Trần Văn Đồng - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện - 2

Bác sĩ Trần Văn Đồng

Không nên quá lo lắng khi trẻ bị ho trong thời tiết giao mùa

Mỗi khi con bị ho, nhiều phụ huynh lại lo lắng và tìm mọi cách để làm con hết ho càng nhanh càng tốt. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng nếu để con ho lâu sẽ (xuống phổi) bị viêm phế quản hay viêm phổi.... Điều đó không đúng vì thực ra ho không phải là bệnh. 

Ho là biểu hiện của một bệnh nào đó thuộc đường hô hấp. Nhìn chung ho cũng giống sốt, là phản ứng tự vệ của cơ thể, để loại bỏ những đờm dãi hay dị vật khỏi đường hô hấp. Vì vậy, ho là phản xạ tốt để bảo vệ cơ thể. Thông thường một đợt ho cảm có thể kéo dài 10-14 ngày.

Ho chỉ thực sự cần thiết phải giảm ngay nếu ho nhiều đến mức ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của em bé như: ho liên tục, mệt mỏi vì ho, phải thức dậy vì ho, nôn trớ vì ho... Khi đó đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và có tư vấn kịp thời và hợp lý nhất.

Khi nào trẻ ho cần đi khám?

- Bất cứ khi nào phụ huynh thấy con mình không khỏe hoặc điều đó làm bạn lo lắng;

- Ho rất nhiều đờm đặc, xanh vàng;

- Ho kèm sốt trên 38.5 độ C;

- Ho kèm khò khè hoặc khó thở, tím tái;

- Ho ra máu hoặc đau ngực;

- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng;

- Ho nhiều, liên tục làm ảnh hưởng đến ăn ngủ của bé.

Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện - 3

Trẻ ho đôi khi là phản xạ tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Mật ong có thể có tác dụng giảm ho tốt hơn thuốc giảm ho

Với trẻ bị viêm đường hô hấp trên do virus, sử dụng mật ong giúp làm giảm đáng kể tần suất và mức độ của ho, đồng thời làm giảm sản xuất đờm. Mật ong là một chất ngọt tự nhiên có thể giúp làm dịu cơn đau họng, bên cạnh đó mật ong còn có đặc tính kháng khuẩn và có thể giúp chống nhiễm trùng.

Các nghiên cứu còn cho thấy tác dụng giảm ho của mật ong còn tốt hơn một chút so với diphenhydramine và hiệu quả tương đương với dextromethorphan (một thuốc giảm ho mạnh). 

Mật ong có ưu điểm hơn và không gây buồn ngủ như diphenhydramine cũng không gây mất ngủ như dextromethorphan. Các thuốc ho vừa kể thậm chí có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng đến em bé.

Sử dụng mật ong như thế nào cho trẻ?

- Uống nguyên chất 5ml - 10ml vào buổi tối. 

- Phụ huynh có thể tự trộn mật ong với chanh nóng tại nhà để cho bé uống mà vẫn đạt tác dụng rất tốt bằng cách như sau:

+ Vắt nửa quả chanh vào cốc nước đun sôi ấm;

+ Thêm 1 đến 2 muỗng cà phê mật ong;

+ Uống khi còn ấm (không cho trẻ uống nước nóng).

Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện - 4

Trẻ bị ho có thẻ dùng mật ong trộn với chanh để làm giảm ho cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi sử dụng mật ong cho trẻ

Nhìn chung, mật ong không tốn kém và mang đến sự an toàn tuyệt vời cho bé. Tuy nhiên, mật ong có thể chứa các bào tử không hoạt động của một loại vi khuẩn tên là Clostridium botulinum. Vì thế chúng có thể biến thành vi khuẩn sản sinh độc tố ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, dẫn đến ngộ độc ở trẻ sơ sinh. Do đó, mật ong tiệt trùng được sử dụng an toàn ở trẻ lớn hơn 1 tuổi. 

Lưu ý về thuốc ho cho trẻ

Thuốc ho phổ biến nhất với hầu hết phụ huynh. Hiện có một số loại thuốc ho phổ biến như thuốc ho thảo dược (làm từ các loại cây cỏ) và thuốc tây gồm thuốc long đờm như ambroxol (halixol, olesom..), acemuc, thuốc giảm ho như dextrometrophan, thuốc chống dị ứng để giảm ho do dị ứng như clophenylramin, theralen, rolatadin....

Đối với trẻ sơ sinh, không nên tự cho uống bất kì loại siro ho nào kể cả thảo dược vì lợi ích mang lại là không rõ ràng mà nguy cơ tác dụng phụ rất cao đặc biệt là các loại thuốc tây.

Đối với trẻ lớn hơn, thuốc ho nguồn gốc thảo dược được cho là an toàn hơn cả. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mật ong có tác dụng giảm ho khá tốt trong các nguyên nhân ho do cảm lạnh thông thường nhưng không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi. Các loại thuốc ho là thuốc tây, phụ huynh không nên tự ý cho con uống mà phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Biện pháp giảm ho an toàn cho trẻ

Bác sĩ chỉ cách giảm ho không cần dùng thuốc và 7 dấu hiệu khi trẻ ho cần đến viện - 5

Ăn đồ ăn lỏng và ấm cũng giúp làm giảm tình trạng ho của trẻ.

Ngoài dùng mật ong theo như hướng dẫn ở trên, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp như:

- Ngậm các kẹo thảo dược: Có thể giảm ho khan và làm dịu cổ họng bị kích thích. Tuy nhiên, thật cẩn thận với trẻ dưới 6 tuổi vì nguy cơ hóc nghẹn.

- Giữ ẩm không khí: Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát hoặc tắm nước ấm dưới vòi hoa sen.

- Ăn uống đồ ăn lỏng và ấm: Giúp làm loãng chất nhầy ở mũi họng và giảm kích thích ở họng, có thể dùng trà (hoa cúc, nhài…) ấm hoặc các món súp.

- Tránh khói thuốc lá: Hút thuốc hoặc hít khói thuốc lá có thể làm cho cơn ho của trẻ tồi tệ hơn.

Có nên kiêng tôm, thịt gà khi trẻ bị ho?
Khi bị ho, trong dân gian vẫn thường truyền tai nhau rằng nên kiêng ăn thịt gà hoặc tôm, đặc biệt là kiêng cho trẻ vì cho rằng sẽ làm cho tình trạng...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ CK Nhi Trần Văn Đồng