Trẻ táo bón nên ăn gì? Trẻ nhỏ vốn là đối tượng dễ bị mắc táo bón nhất do hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Những nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón ở trẻ chủ yếu là chế độ ăn nhiều chất béo và nghèo chất xơ.
Trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh, nhiều mẹ thường chủ yếu quan tâm đến chế độ dinh dưỡng có nhiều protein, đạm, cá trứng sữa mà vô tình quên mất không bổ sung chất xơ cho trẻ nhỏ.
Táo bón khiến trẻ rất khó chịu. (Ảnh minh họa)
Chất xơ là thành phần rất quan trọng đối với hoạt động trong hệ tiêu hóa cũng như toàn bộ cơ thể trẻ. Vì thế, việc thiếu chất xơ là nguyên nhân chính khiến trẻ táo bón. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, chất béo cũng gây nên sự khó khăn trong quá trình tiêu hóa, làm cho phân thải ra ngoài gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, không bổ sung đủ lượng nước cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Thiếu nước làm cho quá trình bài tiết ở ruột diễn ra chậm hơn, khiến phân cứng và khó tiêu hơn.
Một số trẻ nhỏ ít vận động cũng có thể bị táo bón, hệ tiêu hóa cũng như đường ruột cũng sẽ bị trì trệ, hoạt động kém hơn. Những nguyên nhân khác như nhịn đi vệ sinh, mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa cũng làm trẻ dễ bị táo bón.
Trẻ táo bón nên ăn gì?
Lựa chọn rau củ quả giàu chất xơ
Chất xơ hỗ trợ kết dính và đào thải các chất thải di chuyển ra khỏi ruột dễ dàng hơn. Những loại rau củ quả giàu chất xơ bao gồm:
- Rau đay, rau mồng tơi, khoai mỡ, đậu bắp (bắp còi): Các loại rau này có độ nhớt cao, tính mát, là chất bôi trơn tự nhiên, bé không cần rặn mà chỉ cần co bóp nhẹ cũng có thể đẩy được phân ra ngoài. Với những trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu, mẹ nên ưu tiên sử dụng loại rau này.
Bổ sung rau củ sẽ hạn chế tình trạng táo bón của trẻ. (Ảnh minh họa)
- Rau súp lơ, rau khoai lang, bắp cải, khoai tây, bí đỏ, giá đỗ...: Cũng được cho là rau củ tốt khi mẹ không biết nên cho trẻ táo bón ăn gì.
Với các loại rau củ, mẹ hãy chế biến thành canh, soup hoặc nấu cháo. Nếu bé đã ăn thô tốt, cho con ăn rau củ ở dáng rửa sạch, thái miếng nhỏ và cắt hạt lựu sẽ bổ sung được nhiều chất xơ hơn là được xay nhuyễn. Rau củ nên được nấu mềm nhừ sẽ giúp trẻ dễ dàng tiêu hóa hơn.
- Bột sắn dây: Nhờ có tính mát nên bột sắn dây thường được dùng để tăng cường tiêu hóa. Mẹ hãy cho một muỗng bột sắn dây vào trong cốc và từ từ đổ nước sôi vào khuấy đều, đến khi bột sánh lại và chuyển màu trong là được. Dùng bột sắn dây 1 lần/ngày cho trẻ bị táo bón sẽ là cách để trẻ đi ngoài dễ dàng và nhanh hơn bình thường.
- Các loại hạt đậu xanh, đậu đen, hạt lanh, hạt vừng...: Mẹ hãy nghiền thật nhỏ hạt và nấu chung cùng cháo, soup. Với trẻ trên 1 tuổi, có thể cho thêm chút mật ong để hệ tiêu hóa ổn định nhanh hơn.
Sữa chua
Trong thành phần của sữa chua có chứa probiotic - một trong những thành phần quan trọng trong việc hỗ trợ sản sinh các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Đây cũng là thành phần hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, tăng cảm giác ăn ngon miệng hơn, hấp thụ những thành phần dinh dưỡng và ngừa táo bón hiệu quả.
Sữa chua không chỉ kích thích vị giác mà còn giúp bé dễ tiêu hóa hơn. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ bị táo bón, mẹ hãy lựa chọn những loại sữa chua có chứa probiotic nhưng không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên bổ sung khoảng 1-2 hộp sữa chua. Nếu ăn sữa chua quá liều, có thể sẽ gây dị ứng, khó tiêu, thậm chí béo phì (nếu sữa chua có đường).
Các loại trái cây dành cho bé
Trái cây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Bé nên ăn trực tiếp trái cây sẽ giúp hấp thụ tốt hơn là uống nước ép trái cây. Để tiết kiệm chi phí và an toàn vệ sinh thực phẩm, mẹ nên áp dụng mua trái cây theo "mùa nào thức nấy".
- Quả bơ, xoài, mơ: Mang đến công dụng hỗ trợ trị táo bón lý tưởng. Những quả này thường theo mùa và giá thành khá cao. Mẹ nên mua đúng chính vụ để được giá rẻ hơn, quả lại thơm ngon, đậm đà.
Một số loại quả tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ bị táo bón. (Ảnh minh họa)
- Quả dưa hấu, nho: Nằm trong những loại quả mọng nước, có chứa nhiều vitamin A hỗ trợ cải thiện tốt các chứng táo bón. Vị ngọt của hai loại quả này cũng khiến các bé thích mê.
- Quả chuối táo: Là những quả hỗ trợ kích thích nhu động ruột hiệu quả. Do vậy, sau mỗi bữa ăn, mẹ hãy cho bé một trái chuối hoặc vài miếng táo nhé.
- Quả bưởi, cam, quýt: Chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, rất hiệu quả cho hệ tiêu hóa.
- Quả đu đủ, thanh long, mâm xôi...: Đặc biệt mang đến công hiệu với những trẻ đi ngoài ra máu.
Trẻ táo bón không nên ăn gì?
- Hẹ: Hẹ vốn được biết đến là vị thuốc giúp hỗ trợ chữa ho hiệu quả nhưng với trẻ táo bón, hẹ là thực phẩm không nên sử dụng bởi tính nóng.
- Tỏi: Tỏi là thực phẩm mang đến công dụng như một liều kháng sinh nhưng lại có tính nóng, những trẻ bị táo bón không nên sử dụng nhiều.
- Lạc: Khi ăn nhiều sẽ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu.
- Chuối xanh: Ăn chuối xanh sẽ làm cho chứng khó tiêu của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
- Các loại thịt đỏ (dê, bò, heo...): Là thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo làm cho hệ tiêu hóa phải hoạt động khó khăn hơn. Sắt và những sợi protein có trong thịt cũng khó tiêu hóa hơn.
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như giò, chả, thịt hộp, xúc xích, hamburger, pizza: Thường chứa rất nhiều chất béo, dầu mỡ, chất bảo quản, không đảm bảo vệ sinh.
- Bánh kẹo, nước ngọt có gas: Những thực phẩm này khiến cho trẻ bị đầy hơi, chướng bụng và làm cho tình trạng táo bón nặng thêm.
Trẻ bị táo bón không những ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày mà còn có thể khiến trẻ bị biếng ăn, bị thiếu chất dinh dưỡng, không tăng cân và chậm phát triển. Mẹ nên chữa trị dứt điểm, tránh tình trạng trẻ bị đi ngoài ra máu sẽ rất nguy hiểm.