Con mất, gia đình quá nghèo, người mẹ phải gõ cửa nhiều nơi để xin quan tài. Sau đám tang, bà nợ 40 triệu đồng, phải vay mượn để trả. Mỗi tháng, bà mất hơn nửa tiền lương để trả tiền lãi.
Ngày 20/3/2015, Nguyễn Trường Đồ (SN 1996, tỉnh Đồng Tháp) run rẩy khi đứng trước vành móng ngựa. Ít ai ngờ, với khuôn mặt non nớt ấy, gã đã dùng dao tước đoạt mạng sống của một đồng nghiệp.
Đồ khai nhận là công nhân tại doanh nghiệp tư nhân nhựa Chợ Lớn. Trong quá trình làm việc, Đồ có mâu thuẫn với Trịnh Văn Hà. Khoảng 13 giờ ngày 27/8/2014, Đồ và Hà cãi nhau. Đồ có dùng tay đánh vào mặt Hà rồi bỏ đi.
Tối cùng ngày, trong lúc ngồi nhậu, Hà kể lại sự việc cho bạn là Lê Tuấn Em. Em nhờ một người quen đến phòng trọ chở Đồ đến để nói chuyện. Khi Đồ đến, Em đứng dậy đánh và được mọi người can ngăn. Trước khi bỏ về, Em dọa sẽ đánh và giết Đồ.
Đồ không một lần dám ngước lên trong suốt phiên tòa
Sáng hôm sau, cả hai vẫn đi làm bình thường. Nghĩ đến việc Em dọa giết mình nên Đồ về nhà, lấy một con dao dấu vào túi quần rồi trở lại nơi làm việc. Khoảng 18 giờ 15 cùng ngày, lợi dụng lúc Em đang làm, Đồ rút dao đâm bốn nhát rồi bỏ chạy. Đồng nghiệp phát hiện liền bắt giữ Đồ giao cho công an. Riêng Em đã qua đời trước khi đến bệnh viện.
Đồ thừa nhận, cái chết của Em là do mình gây ra. Gã tỏ ra hối hận và cho biết, từng có mong ước thời gian quay lại để thay đổi cách hành xử. Tuy nhiên, đó chỉ là điều mơ ước và không bao giờ trở thành hiện thực.
Khi được nói lời sau cùng, Đồ nghẹn đắng: “Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái nhưng bị cáo còn trẻ, vẫn hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời. Thông qua đây, bị cáo cũng xin gửi lời xin lỗi đến người thân của mình cũng như người thân của anh Em. Đặc biệt là mẹ của anh Em. Cháu rất xin lỗi, chỉ vì chút tức giận của cháu mà đã tước đi mạng sống con của bác”.
Hôm đó, người dự khán không thể rời mắt khỏi một người phụ nữ dáng thấp, ngồi ngay hàng ghế đầu khóc triền miên. Một vài người đến động viên nhưng những cơn nấc dài vẫn không thôi ngưng. Đó chính là mẹ của anh Em.
Bà nghẹn ngào cho biết, sinh được ba đứa con trai. Nhiều người khuyên bà nên sinh thêm để tránh điều húy “tam nam bất phú”. Tuy nhiên, ba đứa con, vợ chồng bà đã không thể nuôi nổi thì làm gì dám sinh thêm.
Gia đình bà nghèo, sống trong căn nhà nhỏ ở quận 8. Thế nhưng, cuộc sống gia đình khá hạnh phúc. Sau cả ngày vất vả, bữa cơm tối luôn là niềm vui lớn của tất cả các thành viên.
Khi đứa con út vừa tròn 4 tuổi, chồng bà bỗng bị tai biến và qua đời. Bà khóc suốt nhưng vẫn phải cố vượt qua nỗi đau để nuôi các con. Bà xin vào làm tại một công ty sản xuất bật lửa với mức lương chưa đến 5 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, bà vẫn mong muốn, nuôi cả ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Ngày giỗ đầu của chồng, bà đành cho đứa con trai nghỉ học. Đêm đó, nước mắt ướt đẫm gối. Bà tự hứa với lòng phải nuôi Em và con út học đến nơi đến chốn. Nhưng, cứ đến lúc con xin tiền học phí, bà lại thở dài, phải đi mượn tiền.
Mặc dù nhiều năm liền học sinh khá giỏi nhưng nhận thấy cuộc sống nghèo khó của gia đình, Em xin được nghỉ học. Em xin mẹ nghỉ để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Bà không đồng tình, khuyên con trai đừng vì nghèo mà nản chí.
Em không chịu nỗi cảnh mẹ rấm rức khóc trong đêm mỗi khi xin học phí nên tự ý nghỉ học đi làm thuê. Khi sự việc vỡ lở, cả hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. “Qủa thật, lúc đó, nếu Em không nghỉ học thì tôi cũng không thể chống cự được nữa”, bà thở dài.
Mới hơn 14 tuổi, Em đã theo mẹ đến công ty xin làm việc. Nhận lương, Em đưa hết cho mẹ. Ngoài thời gian đi làm, Em chỉ ở ru rú trong nhà vì sợ tốn tiền. “Nó là đứa con ngoan hiền. Nó chưa bao giờ khiến tôi phải lo lắng”, bà nói.
Trước khi vụ án xảy ra chừng một tháng, có người trong công ty gây sự với Em. Em không muốn lớn chuyện nên xin nghỉ. Sau đó không lâu thì đến công ty nhựa Chợ Lớn xin việc làm.
Một hôm, bà đang đứng nấu ăn trong bếp, con trai lớn hộc tốc chạy vào thông báo: “Thằng Em bị người ta đâm chết rồi”. Ngay lập tức, bà chạy đến bệnh viện, miệng luôn cầu xin con trai tai qua nạn khỏi. Và, khi đến nơi, bà ngất xỉu khi thấy con trai đã được đắp khăn lên mặt.
Mẹ bị hại không thôi ngưng khóc khi tham dự phiên tòa
Trong lúc đau đớn ấy, bà không có đủ tiền để mua một chiếc hòm mai táng cho con. Bà chôn nỗi đau vào trong, gõ cửa nhiều nơi để xin một chiếc hòm để khâm liệm. Rất may, có một người tốt đồng ý cho và Em được đưa vào giàn hỏa thiêu trong chiếc quan tài ấy. Sau đó, với hy vọng con trai sẽ được giải thoát sớm nên bà gửi tro cốt lên chùa.
Sau đám tang, bà nợ hơn 40 triệu đồng nên phải đi vay tiền nóng để trả. Mỗi tháng, bà mất nửa tháng lương để trả tiền lời. Bà cũng không thể trả lời câu hỏi: “Đến khi nào trả hết số nợ ấy”.
Điều bà buồn nhất là hơn nửa năm trôi qua nhưng gia đình Đồ không một lần đến xin lỗi, thắp cho Em một cây nhang. Khi đến phiên tòa, bà vẫn xin giảm án cho bị cáo. Bà giãi bày lý do: “Đồ còn nhỏ, còn cả tương lai phía trước. Tôi hy vọng, khi ra khỏi trại giam, Đồ sẽ trở thành một người tốt. Tôi coi như đây là một việc thiện để con trai an lòng ở thế giới bên kia”.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của Đồ là đặc biệt nghiêm trọng, cần có mức án nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, hối hận, thành khẩn, còn tuổi vị thành niên, gia đình bị hại bãi nại… nên tuyên phạt mức án 15 năm tù giam.