Theo dõi Tiếng Sét Trong Mưa, mọi người đều cho rằng cậu Ba Xuân (Bạch Công Khanh) trông dại khờ nhưng sự thật lại không như vậy.
Tiếng Sét Trong Mưa: Xuân tỏ ý muốn làm bạn với Phượng vì thấy cô giống bươm bướm (Nguồn video: Youtube THVL)
Bộ phim truyền hình Tiếng Sét Trong Mưa kể cho người xem một câu chuyện dài về những giấc mộng không thành, như giấc mộng về một tương lai hạnh phúc bên nhau của Khải Duy (Cao Minh Đạt) - Thị Bình (Nhật Kim Anh) cuối cùng đã vỡ tan trong sự tàn bạo của xã hội phong kiến. Và không chỉ có vậy.
Hơn 20 năm sau chuyện tình buồn giữa ông Khải Duy và bà Thị Bình, những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai của họ cũng dần trở thành người lớn. Nếu như Phượng (Oanh Kiều) lớn lên bên mẹ Thị Bình trong cảnh nghèo khó, phải nhường cơ hội đi học cho anh trai, thì Thanh Bình (Quốc Huy) sống cuộc đời của một thiếu gia “ngậm thìa vàng” bên người cha quyền uy trong căn nhà lớn nhưng thiếu vắng sự ấm áp và bình yên.
Dưới mái nhà ấy, sóng gió lại tiếp tục nổi lên với những mối quan hệ trái ngang, đầy mâu thuẫn – hậu quả đến từ mối tình bị chia cắt năm xưa giữa ông chủ và cô hầu gái.
Và cũng dưới mái nhà ấy, giữa vòng xoáy của ân – oán, đau khổ, hận thù và những mưu mô, toan tính, đôi khi người ta quên mất rằng vẫn có một người như cậu Ba Xuân, 16 tuổi, với tâm hồn trong sáng và những ước ao hồn nhiên, ngây ngô nhất.
Có lần Xuân thổ lộ với mẹ - bà Hạnh Nhi, bên cây hoa giấy trong vườn:
“Nhiều lúc con muốn mình giống như mấy con bướm vậy đó, hay là con chuồn chuồn, để được tự do bay lượn khắp nơi.”
Một giấc mộng ngây thơ, ngây thơ như chính con người cậu. Bao người khác có thể ao ước được là cậu ba Xuân, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu sang, quyền thế, không phải lo lắng cơm ăn áo mặc hàng ngày. Nhưng cậu ba lại chỉ muốn làm… thú vật.
Cậu Ba Xuân chính là như vậy đó. Không ngang tàng, mạnh mẽ và quyết liệt như ba, cũng không giỏi giang, lịch lãm và mực thước như anh trai, Xuân từ nhỏ sức khỏe đã yếu ớt, học hành chậm chạp, chỉ thích làm bạn với cây cỏ, động vật, hơn nữa lại còn thích… may vá, thêu thùa.
Trong mắt mợ Hạnh Nhi, anh là đứa con chỉ biết làm những chuyện vô bổ. Trong mắt cha anh, Xuân không phải là đứa con có tương lai hay có thể gánh vác gia đình. Không ai trong nhà buồn lắng nghe Xuân, nên anh khép mình lại giữa căn nhà rộng lớn, chỉ quanh quẩn với khu vườn nhỏ và những giấc mộng ngây ngô.
Chỉ khi sống trong những giấc mộng ấy và ở giữa khu vườn cùng những “người bạn” rùa, cá, bươm bướm, Xuân mới được là chính mình, không bị người thân coi thường, phán xét, không bị đòn roi và la mắng.
Xuân không ngốc nghếch cũng không vô dụng. Anh chỉ thu mình vào thế giới nội tâm và những ước ao khó thành sự thực, bởi một lý do: Xuân không phải là đứa con sinh ra bởi kết quả của tình yêu.
Suốt cả cuộc đời, cha Xuân – ông Khải Duy chỉ mãi vương vấn một bóng hình duy nhất, đó là bà Thị Bình. Ông giữ nguyên căn phòng với đầy đủ đồ đạc, quần áo, cài tóc của người vợ (tưởng chừng) đã khuất, giữ nguyên tình yêu với bà đến mức không thể mở cửa trái tim cho bất kì ai khác.
Ngay cả khi đã lấy Hạnh Nhi, ông Duy cũng chỉ coi bà như vật tạm thế chỗ cho người ông thương nhất. Cuộc hôn nhân của Khải Duy và Hạnh Nhi cũng nhằm mục đích đạt được giao ước có được đồn điền, chứ không có bóng dáng của tình yêu. Vậy nên, Xuân – đứa con được sinh ra từ cuộc hôn nhân đó, ngay từ đầu đã không có được sự trông đợi và yêu thương của cha mình.
Người xem chỉ thấy Xuân luôn ẻo lả, tự ti và sợ sệt cha, sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nhưng biết đâu, Xuân sẽ khác đi, nếu suốt từng ấy năm tháng, cha anh dịu dàng hơn, yêu thương, nhẫn nại với anh hơn?
Vốn sinh ra không có được tư chất như anh trai, lại có sức khỏe yếu ớt, Xuân không hề được cha động viên, khuyến khích và chỉ bảo, thay vào đó chỉ là những lời la mắng và những trận đòn. Với Khải Duy, Xuân chỉ là đứa con của người phụ nữ ông không hề yêu, hơn nữa lại còn là một thằng con yếu đuối, không thừa hưởng được chút gì từ ông và đứa con trai cả.
Bị đánh giá thấp và lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương, lại thường xuyên phải chứng kiến cảnh mẹ sợ hãi khi bị cha quát mắng, Xuân ngày càng mặc cảm. Một cậu thanh niên đáng ra phải bừng bừng sức sống ở độ tuổi đôi mươi, lại không có động lực để vươn lên và cứ thui thủi như chiếc bóng trong chính nhà mình.
Dẫu vậy, Xuân chưa từng trở nên hằn học, tức tối, hay tính kế với cha và anh, cũng chưa từng vứt bỏ con người thật để được cha yêu quý. Anh vẫn gần gũi thiên nhiên, vẫn làm điều mình thích, kể cả đó có là thêu thùa, ăn rau chứ không ăn thịt cá, hay ngây người ra ngắm cánh bướm trên đóa hoa.
Có thể trong mắt nhiều người, Xuân là công tử bột khù khờ, èo uột, nhưng anh chính là người có trái tim thuần khiết, lương thiện và trong sáng nhất giữa bao toan tính, lòng dạ khó đoán xung quanh. Xuân là kiểu người mà sau khi chứng kiến rất nhiều bộ mặt và sự khốc liệt của cuộc đời vẫn giữ được tình yêu và lòng tin với nó. Thế giới thực và lòng người không hề đơn giản, nhưng Xuân không vì vậy mà từ bỏ thế giới nội tâm của mình.
Cho đến khi có người xuất hiện và bước vào nơi ấy… - Chính là Phượng.
Khi Xuân háo hức chỉ cho Phượng xem khu vườn nhỏ và những người bạn động vật, anh đã để Phượng đặt chân vào thế giới của mình – một nơi trước đó anh còn không thể chia sẻ với ai. Anh yêu Phượng bằng một tình yêu chân thành, có phần trẻ con, nhưng không kém phần sâu sắc so với cậu Hai Bình.
Xuân không hề bị bó buộc trong quan niệm giai cấp như mẹ hay bà nội của anh. Với anh, Phượng không phải là người hầu có thân phận thấp kém, cô chỉ đơn giản là một người con gái không bao giờ phán xét anh, phân biệt đối xử với anh, hay bắt anh phải sống giống như người khác.
Và từ khi cuộc đời Xuân có thêm Phượng, anh đã có nhiều thay đổi tích cực, chăm rèn luyện sức khỏe hơn, chủ động học hành hơn, cũng có mục tiêu với cuộc đời hơn. Mỗi ngày, anh lại vui vẻ mơ về một tương lai được cưới Phượng làm vợ và ở bên cô suốt đời.
Liệu những giấc mơ về tự do và tình yêu của cậu ba Xuân có thể nào thành sự thực giữa bao bi kịch, khi mà cha anh, mẹ anh và cả những thành viên khác trong nhà đều chới với trước hạnh phúc?
Ban nhạc Ngũ Nguyệt Thiên từng hát:
"Trong giấc mơ, nhảy múa trong toà lâu đài
Tỉnh dậy, lại thấy một thế giới tàn khốc.”
Có lẽ bóng đen từ vòng xoáy nghiệt ngã trong gia đình sẽ không buông tha cho bất cứ giấc mơ nào, kể cả là những giấc mộng ngây thơ của cậu Ba Xuân. Nhưng dư âm của những giấc mơ được tự do sống như cánh chuồn chuồn, tự do yêu đương không màng đến thân phận, giai cấp sẽ còn vang vọng mãi, dù cho chúng có thành hiện thực hay không.