Sau khi sinh con, cơ thể người mẹ ra nhiều mồ hôi, chảy sữa nên tắm với những loại lá này vừa giúp sạch sẽ vừa mang lại hương thơm tự nhiên.
Mỗi khi nghe đến chuyện kiêng cữ sau sinh, chắc hẳn không ít mẹ lo sợ phải kiêng tắm gội cả tháng trời như các bà, các cụ thời xưa. Thực tế, ngày nay cuộc sống cải thiện, các mẹ sau sinh đều được ở trong phòng kín gió, có điều kiện chăm sóc đầy đủ hơn nên việc kiêng tắm gội sau sinh là không cần thiết. Thậm chí, bác sĩ còn khuyên mẹ sau sinh nên tắm rửa thường xuyên để tránh cơ thể có mùi hôi của sản dịch, sữa chảy ra. Không chỉ vậy, mẹ không làm vệ sinh sạch sẽ có thể bị nhiễm khuẩn và ảnh hưởng đến cả em bé.
Sau sinh, mẹ cần duy trì tắm gội sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, đúng là sau sinh cơ thể còn yếu nên mẹ cũng phải lưu ý tắm ở nơi kín gió với nước ấm. Không tắm quá lâu và tránh ngâm bồn vì có thể gây viêm nhiễm vùng kín. Để cơ thể thêm thơm tho, sạch sẽ và tinh thần thoải mái hơn, mẹ có thể tham khảo 6 loại lá nấu nước tắm được các bác sĩ Đông y khuyên dùng dưới đây.
1. Lá trầu không
Trầu không là loại cây dây leo, sống lâu năm được trồng rộng rãi, phổ biến ở khắp mọi nơi. Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.
Theo kinh nghiệm dân gian từ lâu đời nay, mẹ sau sinh nên tắm bằng lá trầu không để vừa làm sạch da, giúp giữ sạch vùng kín khỏi viêm nhiễm. Mẹ sau sinh thực hiện tắm sau sinh bằng nước lá trầu sẽ có làn da mịn màng và bảo vệ được vùng kín khỏi nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.
2. Lá bưởi
Lá bưởi có vị đắng, cay, tính ấm giúp trừ hàn, tán khí. Lá và vỏ bưởi có chứa nhiều tinh dầu thơm tự nhiên. Xông hơi bằng nước lá bưởi giúp lỗ chân lông giãn nở, đào thải bã nhờn đồng thời giúp tinh dầu trong hỗn hợp nước xông dễ dàng ngấm vào sâu trong da, làm da mịn màng trắng sáng hơn. Ngoài ra, mẹ có thể nấu lá bưởi cùng với sả, hương nhu, bồ kết để gội đầu cho tóc sạch, thơm và hạn chế rụng tóc sau sinh.
3. Lá kinh giới
Theo Đông y, kinh giới có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tiêu độc, trị ngoại cảm phong hàn, mẩn ngứa, ban sởi, xuất huyết, mụn nhọt. Trong lá kinh giới có chứa nhiều kháng sinh tự nhiên nên rất tốt cho da. Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ sau sinh có thể dùng nước lá kinh giới để làm sạch da, phòng mẩn ngứa.
4. Lá chè xanh
Lá chè xanh rất phổ biến và là loại thảo dược tuyệt vời cho sức khỏe. Uống nước trà xanh giúp phòng chống lão hóa, sát khuẩn, có lợi cho tim mạch, còn giúp tiêu hao mỡ thừa, giảm béo.
Không chỉ thế, lá chè xanh từ lâu đã được coi là một loại kháng sinh tự nhiên được các bà, các mẹ dùng vệ sinh vùng kín, tránh khỏi các viêm nhiễm phụ khoa. Bên cạnh đó, nếu dùng nước chè xanh để tắm sẽ giúp tẩy các tế bào chết trên da, làm cho da săn chắc và sáng mịn hơn.
5. Lá mã đề
Cây mã đề là cây thuốc không còn xa lạ với nhiều người, cây có tên khoa học là Plantago asiatica L, ngoài ra còn được dân gian gọi với nhiều tên gọi khác như cây xa tiền, mã tiền…
Theo y học cổ truyền thì cây mã đề có vị ngọt, có tính lạnh, đi thẳng vào các kinh, can, thận và bàng quang; có công dụng trị mẩn ngứa, kháng viêm, tăng sức đề kháng. Tắm lá mã đề sau sinh sẽ giúp vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ của mẹ nhanh lành hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tắm lá mã đề cho cả bé sơ sinh để trị hăm, mẩn ngứa.
6. Lá dâu tằm
Tắm bằng nước lá dâu tằm giúp mẹ giảm căng thẳng, làm da mịn màng hơn. Đồng thời lá dâu còn có tác dụng chống lão hóa, phòng mụn nhọt, giúp mẹ sớm lấy lại làn da tươi trẻ sau sinh. Có người cho rằng sờ vào cây hay lá dâu tắm có thể gây mất sữa nhưng thực tế đây chỉ là "lời đồn" không có cơ sở khoa học.
Về bản chất, khi dùng trực tiếp lá để xông tắm, mẹ có thể yên tâm về độ lành tính, an toàn, không gây hại cho làn da. Tuy vậy, để đề phòng sâu bệnh hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trên lá, khi dùng bất kỳ loại lá tắm sau sinh nào, mẹ cũng phải rửa sạch sẽ nhiều lần, ngâm muối để khử khuẩn.