Đây là một trường hợp khá đặc biệt và lần đầu tiên bác sĩ sản phụ khoa gặp trong quá trình làm việc.
Theo bác sĩ sản phụ khoa, khâu vòng cổ tử cung được chỉ định cho các mẹ bầu: Chẩn đoán hở eo tử cung (cổ tử cung ngắn dưới 25mm, có tiền sử sảy thai hoặc sinh non do hở eo tử cung...); Có tiền sử khâu eo tử cung.
Nói chung khi cổ tử cung suy yếu không thể giữ được thai trong buồng tử cung, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định khâu cổ tử cung để giữ cho thai nhi được phát triển bình thường trong bụng mẹ.
Khi thai nhi được 37 - 38 tuần tuổi hoặc khi thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sẽ thực hiện cắt chỉ khâu vòng cổ tử cung cho thai phụ. Việc này nhằm tránh được trường hợp chuyển dạ sớm, cổ tử cung không mở ra được, có thể dẫn đến tình trạng rách vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con.
Sợi chỉ khâu eo cổ tử cung đã được lấy ra. (Ảnh: BSCC)
Mới đây bác sĩ CKI sản phụ khoa Đào Ngọc Cường (TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã thăm khám cho một mẹ bỉm sau sinh 3 tháng. Theo mẹ bỉm kể lại, sau sinh mỗi lần đi vệ sinh chị cứ thấy vướng víu. Bởi thế, cho tay sờ để kiểm tra xem sao, chị cảm giác có vật lạ.
Linh cảm chẳng lành nên mẹ bỉm đã đi tới phòng khám của bác sĩ thăm khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thấy chỉ khâu eo cổ tử cung dự phòng sinh non khi mang bầu của mẹ bỉm này vẫn còn nguyên và chưa được cắt sau sinh mổ.
Sau một hồi loay hoay không thể can thiệp rút sợi chỉ khâu cổ tử cung dự phòng sinh non trước đó cho sản phụ ra được, bác sĩ đã gửi bệnh nhân xuống Hà Nội. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ Hoàng Văn Khanh - Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội trực tiếp thăm khám và rút chỉ. Bác sĩ Khanh đã thực hiện gây mê và rút chỉ cho mẹ bỉm an toàn và nhanh chóng.
Bác sĩ Khanh chia sẻ, khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật khâu một đường vòng tròn quanh cổ tử cung để thu hẹp lỗ trong cổ tử cung, bảo vệ an toàn cho thai nhi trong bụng, tránh sảy thai và sinh non.
Thông thường, khâu vòng cổ tử cung được thực hiện khi mang thai từ 14-18 tuần, có thể từ 13 đến dưới 20 tuần. Thủ thuật này được chỉ định khâu vòng cổ tử cung sau khi được khám tiền sử sản khoa, chẩn đoán bằng hình ảnh.
Chia sẻ về trường hợp mẹ bỉm trên, bác sĩ Khanh cho rằng để quên chỉ khâu eo cổ tử cung dự phòng sinh non cho mẹ bỉm ở Vĩnh Yên như trên là do bác sĩ mổ đẻ quên.
Bác sĩ Hoàng Văn Khanh. (Ảnh: BSCC)
“Chính bởi thế khi buộc phải khâu eo tử cung dự phòng sinh nnon, mẹ bầu trước khi đi đẻ hay trong quá trình mổ lấy thai nhớ nhắc các bác sĩ cắt chỉ khâu nhé”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo, cắt chỉ khâu vòng cổ tử cung cần thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, để tránh các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến mẹ bầu.