Suốt 2 tháng ở cữ, mẹ bỉm Hạ Long này luôn được mẹ chồng chăm sóc chu đáo, bữa ăn nào cũng đề huề đồ ăn.
7 năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Hoa (Hạ Long, Quảng Ninh) sống chung với bố mẹ chồng và luôn được ông bà yêu thương như con gái.
Sau đám cưới, biết con dâu bị tử cung 2 sừng khó có thai tự nhiên, phải quyết định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), bố mẹ chồng thường xuyên hỏi han, thi thoảng còn cho thêm tiền thuốc thang. Lúc thì ông bà cho 5 triệu, lúc lại cho 10 triệu. Đặc biệt, dù rất khát cháu nhưng bố mẹ chồng chị Hoa chưa một lời thúc giục con dâu. Thậm chí bà còn bảo: “Con cái là lộc trời cho, trời chưa cho thì mình chưa có nên cứ bình tĩnh con ạ. Đâu rồi cũng vào đó thôi. Nhà mình không quan trọng con trai hay con gái nên con không phải áp lực gì cả”.
7 năm hiếm muộn, vợ chồng chị Hoa mới có con bế bồng. (Ảnh: NVCC)
Khi con dâu mang bầu sau nhiều năm hiếm muộn, bố mẹ chồng chị Hoa vui lắm. Con dâu nghén, muốn ăn gì là mẹ chồng mua cho thứ đó về ăn. Nhiều khi mua về, do nghén nên chị Hoa chỉ ăn được 1 ít nhưng bà cũng không trách móc gì.
“Thậm chí có những lần em đòi ăn cá khô rán, mẹ biết em sợ mùi sẽ không ăn được nên mua cả cá tươi về. Nhưng bà lại nghĩ con dâu có lẽ cũng sẽ không ăn được vì tanh nên mua thêm cả thịt. Có những hôm trên bàn ăn có 4-5 món ăn các loại. Hay nhiều hôm mẹ nấu xong hết rồi, nhưng em lại thèm ăn cơm rang, phở xào hay bánh mì là bà lại bảo chồng em đi mua ngay cho con dâu. Khi thấy em nôn nhiều quá, nhiều hôm bà cứ đứng cạnh rơm rớm nước mắt vì xót con cháu, con dâu không ăn được gì bà cũng lo”, mẹ bỉm nhớ lại.
Trong suốt quá trình chị Hoa mang thai, bà thường bảo con trai phải mua sữa bầu, đồ ăn vặt, vitamin cho bà bầu. Cả thai kì, mẹ chồng không cho con dâu làm bất cứ việc gì, không cho sờ vào nước vì sợ con dâu ốm. Nấu cơm rửa bát, dọn dẹp nhà cửa thì mọi người trong nhà nhận làm hết.
Ở cữ, mẹ chồng cho con dâu "ăn cả thế giới". (Ảnh: NVCC)
Khi con dâu ở cữ, mẹ chồng 61 tuổi này không bắt phải kiêng khem gì, bà bảo cứ ăn được là tốt. Chị Hoa thích ăn gì bà cho ăn hết. Hàng ngày bà mua đồ ăn đa dạng, không bao giờ lặp lại, sáng 1 món, trưa 1 món, chiều 1 món khác hẳn nhau.
“Ngày nào cũng vậy cứ 7h sáng là bà đã mang đồ ăn sáng cho em. Hôm thì cháo ngan, cháo tim, phở bò, hôm thì cho ăn cơm. Sau đó bà xuống nhà vắt 1 cốc nước cam hoặc sữa đậu nành, các loại nước ép cho con dâu uống. Sau đó bà sẽ vệ sinh cho em bé và bế cháu cho đến gần trưa mới xuống nhà chuẩn bị cơm nước. 11h30 bà lại mang cơm lên phòng cho em ăn. Trong khi em ăn cơm bà sẽ trông cháu sau đó mới xuống nhà ăn cơm cùng mọi người. Đến 2h chiều là bà cho ăn bữa phụ. Sau đó bà đi chợ và mua bữa ăn chiều. Trước khi đi ngủ ban đêm bà sẽ bảo chồng em pha sữa, mang hoa quả lên cho vợ”, chị Hoa có thể kể vanh vách một ngày chăm con dâu ở cữ của mẹ chồng mình.
Thậm chí đêm đến, mặc dù mẹ chồng không ngủ cùng phòng con dâu nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng cháu ọ ẹ thức giấc là bà lại sang ngay xem cháu làm sao, xem con dâu có cần bà giúp đỡ không. Nhiều hôm cháu gắt ngủ, mẹ chồng chị Hoa cứ ôm cháu cả đêm cho con dâu nghỉ ngơi.
Những mâm cơm cữ mẹ chồng U70 nấu cho con dâu. (Ảnh: NVCC)
Chăm con dâu và cháu ở cữ ngày đêm, mẹ chồng chị Hoa còn thường xuyên nhắc nhở con trai không được đi chơi, phải chăm vợ chăm con, không được để vợ stress khi ở cữ. Con trai đi chơi cứ đến 9h tối là bà gọi về không cần biết anh đang đi làm hay đi chơi.
Ngoài ra, sau sinh ông bà nội vẫn hỗ trợ cho vợ chồng con dâu tiền bỉm sữa cho cháu: “Biết vợ chồng em vẫn có để lo cho con nhưng bà vẫn hỗ trợ thêm. Bà bảo, cháu cứ dùng đến xe gì (xe tập đi, xe đẩy, xe chòi chân… ) là bà sẽ mua cho không cần biết hết bao tiền. Bà không có con gái nên có em về bà có thêm người để buôn. Có chuyện gì cũng chờ con dâu đi làm về để buôn chuyện”.
Chân dung mẹ chồng chăm con dâu ở cữ chu đáo, còn hỗ trợ tiền bỉm sữa cho cháu. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ có mẹ chồng tuyệt vời, chị Hoa còn có bố chồng hết sức tâm lý và yêu thương các con: “Bố chồng em là 1 người ít nói. Ông không dùng lời nói mà dùng hành động để yêu thương các con. Đến bây giờ ông vẫn có cửa hàng sửa chữa xe máy xe đạp để làm thêm. Ông bảo, lúc nào còn cố được sẽ cố làm, không để các con phải áp lực kinh tế”.
“Nói chung ở cữ nhà chồng mà em thấy thoải mái lắm. Bố mẹ chồng em thì tuyệt vời, luôn lo cho các con nhưng không can thiệp quá nhiều vào công việc và đời sống riêng tư của các con”, chị Hoa hãnh diện kể.