Từ 0 - 7 ngày tuổi là một trong những giai đoạn đầu đời quan trọng nhất của trẻ. Trẻ chuyển từ môi trường sống trong tử cung, được nuôi dưỡng trực tiếp bằng máu của mẹ qua dây rốn sang môi trường sống bên ngoài tử cung, phải tự ăn, tự chuyển hóa.
Do vậy, việc chăm sóc đúng và theo dõi những bất thường sau khi sinh ở trẻ là vô cùng quan trọng.
Cần phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh
Trong 7 ngày đầu đời nếu trẻ có một trong các biểu hiện sau thì cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế ngay:
- Màu da xanh tái hoặc vàng đậm tăng dần hoặc trẻ xuất hiện vàng da trước 48 giờ tuổi.
- Trẻ có 1 trong các dấu hiệu: Bú kém, bỏ bú hoặc nôn nhiều, chướng bụng, không đi tiểu hay không đi ngoài sau sinh 24 giờ.
- Trẻ khó thức dậy hoặc không ngủ, hay quấy khóc nhiều.
- Trẻ sốt ≥ 38,5°C hoặc hạ nhiệt độ < 36,5°C.
- Co giật.
- Mắt tấy đỏ, có mủ.
- Viêm tấy lan rộng quanh rốn hoặc rốn hôi, có mủ.
- Chảy máu bất cứ nơi nào trên cơ thể.
Thuốc nhỏ mũi nên dùng cho trẻ sơ sinh trong vòng một giờ sau khi sinh theo khuyến cáo của cán bộ y tế. Ảnh minh hoạ.
Cần chăm sóc đúng cho trẻ sơ sinh
Nhiệt độ trong cơ thể mẹ là 37°C, ra ngoài môi trường tự nhiên là 25°C - 27°C nên cơ thể trẻ phải tự chuyển hóa để thích nghi, trẻ sơ sinh nào không vượt qua được thời gian này và không thể thích nghi, có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, bố mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, để giúp trẻ vượt qua giai đoạn thử thách này.
Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt
Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là sữa non, thích hợp cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ và quan trọng là sữa non sẽ tăng cường miễn dịch, giúp trẻ bảo vệ cơ thể. Nếu không thể cho trẻ bú sữa mẹ, mới sử dụng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú 2 – 3 giờ/lần và khoảng 8 – 12 lần/ngày.
Nên cho trẻ bú hết một bầu sữa rồi mới chuyển qua bầu còn lại, việc này vừa giúp trẻ có thể bú được sữa cuối (lượng sữa giàu dinh dưỡng nhất) vừa kích thích giúp vú sản sinh ra lượng sữa mới. Nếu trẻ bú chưa hết mà đã no, các mẹ nên vắt sữa còn dư trữ lạnh. Sau vài ngày mẹ sẽ biết được nhu cầu bú của trẻ. Vào các cữ bú sau có thể vắt bỏ một ít sữa đầu để trẻ bú sữa có nhiều năng lượng hơn.
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, thậm chí ngủ quên ăn. Nên cứ cách 2 - 3 giờ, mẹ phải đánh thức trẻ dậy bú, nếu không trẻ đói sẽ bị hạ đường huyết. Khi đánh thức trẻ, mẹ cù chân nhẹ nhàng để trẻ thức giấc, không để trẻ vừa ngủ vừa bú và không nên bú nằm, vì sẽ khiến trẻ dễ bị sặc, rất nguy hiểm. Sau mỗi cữ bú, mẹ nên bế trẻ lên tựa vào vai mình, một tay đỡ mông trẻ, tay kia vỗ nhẹ lên lưng trẻ để trẻ ợ hơi bớt ra, để không bị khó chịu trong bụng. Trẻ sơ sinh cũng hay bị nấc, mẹ đừng quá hoảng hốt, vì đây là hiện tượng bình thường do các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện như người trưởng thành.
Trẻ sơ sinh tăng trưởng tốt phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ và bú sữa. Ảnh minh hoạ.
Đảm bảo giấc ngủ đủ cho trẻ
Trẻ sơ sinh tăng trưởng tốt phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ và bú sữa. Thông thường trẻ sơ sinh ngủ từ 14 -17 giờ/ngày, trẻ ngủ nhiều giấc ngắn (1 – 2 giờ) cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ một giấc ngủ an toàn. Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, tránh quá nóng hoặc quá lạnh, nên để trẻ ngủ nôi hoặc cũi riêng cạnh giường bố mẹ, không hút thuốc hoặc sưởi than trong phòng trẻ.
Không nên quấn chặt tã: Tã quấn chặt có thể làm khớp háng của trẻ phải duỗi thẳng và hướng ra trước, khiến chân trẻ bị lệch trục. Ngoài ra, quấn chặt tã còn khiến trẻ bị ngạt thở, nóng bức, khó chịu, đặc biệt không tốt khi trẻ đi ngủ.
Chăm sóc làn da của trẻ
Sau khi sinh ra, trẻ có lớp chất "gây" bao phủ bên ngoài da có vai trò giữ nhiệt, dinh dưỡng và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất "gây" trên da trẻ ngay sau sinh.
Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất "gây" này lại là môi trường rất thuận lợi gây nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy, sau khi ra đời từ 24 - 48 giờ, trẻ nên được tắm lần đầu tiên. Trẻ sơ sinh có thể tắm 2 - 3 lần/ tuần. Ngày không tắm, bố mẹ có thể lau rửa mặt, cổ, tay và bộ phận sinh dục của trẻ, thay quần áo cho trẻ. Quần áo, tã lót của trẻ nên chọn loại mềm, dễ thấm mồ hôi.
Trẻ có thể xuất hiện vàng da trong những ngày đầu sau sinh. Vàng da này có thể sinh lý hoặc bệnh lý. Vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh, vàng da đơn thuần, thường chỉ vàng da ở mặt, cổ, phần trên rốn, trẻ không sốt, ăn ngủ bình thường, thường hết vào ngày thứ 7 - 10 sau sinh.
Trẻ luôn cần được giữ ấm: Giai đoạn này trẻ chưa thích nghi được và cơ thể trẻ thiếu độ ấm, vì thế cần chú ý tới việc giữ ấm cho trẻ thường xuyên, không được để trẻ bị lạnh. Bố mẹ có thể sờ vào mu bàn tay hoặc bàn chân, sau gáy của trẻ để cảm nhận nhiệt độ trên da trẻ hoặc cặp nhiệt độ để biết nhiệt độ chính xác trên cơ thể trẻ. Không cần đội mũ liên tục, nhất là khi trời nắng nóng, chỉ nên đội mũ cho trẻ khi nhiệt độ thấp, khi cho trẻ ra ngoài trời hoặc đối với trẻ sinh non, nhẹ cân.
Chăm sóc đôi mắt trẻ hàng ngày
Trẻ sơ sinh thường bị ra gỉ mắt trong những ngày đầu sau khi sinh, trẻ dễ bị viêm kết mạc trong thời gian này, nhất là những trẻ có mẹ bị viêm phần phụ.
Cha mẹ nên rửa tay sạch trước khi vệ sinh mắt cho trẻ. Nên lau cả 2 mắt trẻ bằng gạc vô trùng hoặc khăn riêng ngâm trong nước muối sinh lý cho trẻ càng sớm càng tốt. Nên vệ sinh mắt cho trẻ 3 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ.
Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ nên được dùng trong vòng một giờ sau khi sinh theo khuyến cáo của cán bộ y tế. Chú ý không để đầu lọ thuốc hay đầu ống thuốc chạm vào mắt trẻ.