Sáng mùa đông, sản phụ mới đẻ hú hồn thấy mẹ bê chậu than lên bắt hơ

Thảo Nguyên - Ngày 31/12/2023 09:00 AM (GMT+7)

Một số mẹ bỉm cho biết trước đây họ sinh xong cũng nằm hơ than vùng nách, bẹn, vùng kín và cảm giác xương cốt ấm áp, người khỏe hẳn ra.

Mới đây, trên hội nhóm của những mẹ bỉm sau sinh, một sản phụ ẩn danh đã chia sẻ câu chuyện đầy khó xử mà mình mới trải qua.

Theo mẹ bỉm này cho biết sinh xong, chị về ngoại ở cữ vì muốn được mẹ đẻ chăm sóc cho thoải mái, tiện lợi. Ai ngờ, mẹ đẻ của chị còn cổ hủ hơn cả mẹ chồng.

Được biết mới sáng ngủ dậy, sản phụ này đã thấy mẹ đẻ bê chậu than vào phòng cho con gái mới sinh hơ mặt và toàn thân.

“Điều này làm mình hú hồn luôn. Bởi trước đó mình đã làm công tác tư tưởng trước cho bà rồi. Nhưng vì thói quen truyền thống từ xưa đến nay nên các cụ vẫn không quên”, mẹ bỉm này nói.

Bà ngoại cứ một mực bảo hơ than giúp sản phụ sạch mùi bà đẻ và đỡ bị hậu sản, tốt cho sức khỏe của mẹ sau sinh.

Trước chậu than nóng hổi mà mẹ đẻ làm cho con gái mới sinh hơ, sản phụ này nhất định không chịu làm theo dù biết mẹ muốn tốt cho con gái và cháu ngoại: “Mình biết mẹ tốt cho mình nhưng thời của mẹ và thời của mình khác nhau hoàn toàn. Than khi ấy toàn than tự nhiên, không ô nhiễm và nhà lại thoáng. Còn thời của mình đủ thứ than không an toàn, phòng kín....”, người này chia sẻ.

Chậu than nóng hổi mà mẹ đẻ làm cho con gái mới sinh hơ, sản phụ này nhất định không chịu làm theo.

Chậu than nóng hổi mà mẹ đẻ làm cho con gái mới sinh hơ, sản phụ này nhất định không chịu làm theo.

Đăng kèm cùng câu chuyện mẹ đẻ bắt con gái mới sinh hơ than trên, sản phụ này còn tung ảnh chậu than nóng hổi bà ngoại đã chuẩn bị sẵn.

Câu chuyện sản phụ về ngoại ở cữ bị mẹ đẻ bắt nằm hơ than cho khỏe người sau sinh ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bỉm sữa. Rất nhiều mẹ bỉm cho rằng, đó là câu chuyện của không chỉ riêng sản phụ trên mà của hầu hết các mẹ bỉm gặp phải sau sinh.

Một số mẹ bỉm cho biết trước đây họ sinh xong cũng nằm hơ than chủ yếu vùng nách, bẹn, vùng kín và cảm giác xương cốt ấm áp, người khỏe hẳn ra. Nhất là trong mùa đông giá lạnh này, việc hơ than rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên nhiều mẹ bỉm khuyên can sản phụ trên không nên hơ than sau sinh. Vì ngày trước nhà tranh gió lùa mới hơ than cho ấm, giờ nhà nào cũng kín cổng cao tường và phòng có máy sưởi nên không cần hơ than nhiều khí độc hại nguy hại cho mẹ và bé.

Có nên hơ than cho mẹ và bé sau sinh?

Trước đây, sau sinh các sản phụ thường nằm “cách ly” trong một căn chòi lá hoặc một nhà tạm, không chắn được khí lạnh từ bên ngoài vào, nhất là ban đêm hoặc khi thời tiết lạnh. Điều kiện vệ sinh lúc này thời bấy giờ chưa cao nên hơ than cũng giúp giảm mùi tanh của máu và sản dịch.

Đối với bé, khi còn nằm trong bụng mẹ thì lúc nào cũng được giữ ấm nhờ thân nhiệt mẹ. Khi chào đời, bé sẽ bị lạnh do nhiệt độ bên ngoài thấp hơn.

Lúc bấy giờ, chưa có máy điều hòa nhiệt độ, chưa có lò sưởi và các thiết bị hiện đại nên việc đốt bếp than để hơ ấm cho mẹ và bé là cách đơn giản, dễ thực hiện để giúp làm ấm cho mẹ và bé.

Nhưng hiện nay, việc hơ than làm ấm cơ thể mẹ bé tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ:

- Than được đốt lên tạo ra khi CO và CO2 có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé. Đây là khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt có thể khiến cho bé ngạt thở hoặc thậm chí gây tử vong, nhẹ nhất cũng gây những ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi cho cả mẹ và bé.

- Nhiệt độ từ bếp than tỏa ra không đều, vị trí đặt bếp than thường bên dưới giường nằm của bà mẹ. Điều này có thể gây bỏng cho mẹ và bé. Đặc biệt, da của bé còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Đã từng có những trường hợp bà mẹ và bé bị bỏng phải nằm viện điều trị vì hơ than sau sinh.

- Gây hỏa hoạn: lửa than bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé.

- Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc tắt ngấm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn.

- Ngoài ra, tro than bám vào người của mẹ và bé, kèm với mồ hôi do môi trường quá nóng trong phòng nằm than làm cho cả mẹ và bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.  

Mẹ mới sinh không nên nằm hơ than sau sinh. (Ảnh minh họa)

Mẹ mới sinh không nên nằm hơ than sau sinh. (Ảnh minh họa)

Có cách nào làm ấm cơ thể nhưng tránh được những rủi ro không?

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, có khá nhiều cách giúp làm ấm mẹ và bé sau sinh khá an toàn, tiện lợi:

- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay, nằm trong phòng kín gió. Tuy nhiên, tùy vào khí hậu và thời tiết mà các mẹ cần sử dụng đồ ấm hay không.

- Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ chất.

- Xông hơ, massage cơ thể bằng rượu gừng, rượu nghệ, dầu hoặc các sản phẩm xông tắm bà bầu.

- Sử dụng các thiết bị sưởi, máy điều hòa.

- Các chị em sau sinh cần giữ vệ sinh cơ thể chứ không phải kiêng tắm gội như quan niệm trước đây. Nên tắm gội bằng nước ấm và lau khô ngay sau khi tắm gội.

- Việc vận động sớm sau sinh cũng giúp các cơ quan hoạt động và sinh nhiệt, từ đó cơ thể cũng ấm và máu huyết lưu thông thông tốt, cơ thể khỏe mạnh hơn.

Tóm lại, việc hơ than cho mẹ và bé sau sinh phù hợp với dân gian thời xưa, khi nền y tế và công nghệ còn lạc hậu. Tuy nhiên, việc hơ than sau sinh chứa đựng khá nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Ngày nay, với sự tiến bộ nhiều mặt của xã hội, các gia đình có khá nhiều biện pháp để giữ ấm an toàn và tiện lợi cho mẹ và bé.

Đốt than để xông cho con dâu mới sinh khiến nhà cháy rụi: Cảnh báo 5 nguy hiểm khi nằm hơ than sau sinh
Để chuẩn bị xông cho con dâu và cháu mới sinh, người phụ nữ này đã đặt nồi than dưới giường nên đã xảy ra vụ hỏa hoạn.

Tin tức mẹ bầu

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiêng sau sinh