Sau khi sinh, thấy trời se se lạnh nên gia đình cho chị B. và em bé cùng nằm hơ than. Ban đầu bé sốt nhẹ và quấy khóc nhưng sau đó tình hình càng nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, quyền Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết tại khoa đang điều trị cho trường hợp trẻ sơ sinh hoại tử, nhiễm trùng máu vì nằm hơ than sau sinh cùng mẹ.
Em bé tên N.M.N, 13 ngày tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước, nhập viện ngày 5/12 trong tình trạng sốt cao, lừ đừ, bụng chướng, lưng sưng nề, đỏ. Bé được chẩn đoán bị bỏng độ 2, áp xe, nhiễm trùng máu.
Chị Nguyễn Thị B., mẹ của bé cho biết chị sinh ngày 27/11 vừa qua. Vì trời lạnh nên người nhà đốt than để dưới giường cho hai mẹ con sưởi ấm. Ngày đầu nằm than, bé khóc, sốt nhẹ nhưng bế lên lại nín nên người nhà nghĩ bé đòi mẹ bế.
Bé N. bị bỏng nặng, hoại tử da do nằm hơ than cùng mẹ.
Ngày thứ hai, bé sốt cao hơn và liên tục không giảm, bụng chướng, sờ vùng da lưng thấy cứng, khóc nhiều hơn. Đến ngày thứ ba, bé khóc dữ đội, bỏ bú. Gia đình không cho bé nằm than nữa và đưa vào bệnh viện địa phương khám, điều trị. Các bác sĩ nhận định bé có khả năng bị viêm ruột, sưng mô và chuyển lên TP HCM.
Theo bác sĩ Kim Anh, sau vài ngày điều trị kháng sinh, ngày 10/12 bé giảm sốt nhưng tổn thương ở lưng diễn tiến nặng hơn. Lưng của bé nổi bóng nước, vùng trung tâm bị hoại tử.
Các bác sĩ khoa Sơ Sinh hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại, tiến hành rạch dẫn lưu mủ, điều trị áp xe cho bé, đồng thời dùng kháng sinh. Dự kiến bé sẽ mất 20-30 ngày mới có thể lành thương và hồi phục.
Đây không phải lần đầu tiên có trường hợp trẻ sơ sinh phải cấp cứu vì nằm hơ than cùng mẹ sau sinh.
Vì sao "người xưa" thường nằm hơ than sau sinh
Theo quan niệm cũ, khi sinh con người mẹ bị mất khá nhiều máu. Thêm vào đó, khi mang thai, tim, mạch máu, cơ, phổi... của sản phụ phải tăng cường hoạt động để nuôi thai nhi nên đến khi sinh, mọi thứ đột ngột trở lại như cũ sẽ khiến cơ thể có sự dao động, yếu và thân nhiệt thấp hơn so với bình thường.
Vì vậy, phụ nữ sau sinh phải nằm hơ than để cơ thể ấm lại, máu huyết lưu thông, tuần hoàn máu tốt hơn. Cũng có quan niệm cho rằng nằm than sẽ giúp sản phụ và trẻ cứng cáp hơn. Lâu dài về sau, sản phụ không bị đau nhức mình mẩy, không bị lạnh run...
Nằm hơ than sau sinh giúp phụ nữ nhanh khỏe hơn là quan niệm được nhiều người tin tưởng. (Ảnh minh họa)
Tác hại của nằm than sau sinh
Trên thực tế, nhiều bác sĩ đã cảnh báo nằm than sau sinh là "lợi bất cập hại", có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và bé.
Đối với mẹ:
Khi đốt, than sẽ sản sinh ra khí CO2 vô cùng độc hại. Loại khí này được đã chứng minh là vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt là gây hại cho hệ hô hấp của cả mẹ và bé. Nguy hiểm hơn, phụ nữ sau sinh thường nằm trong phòng kín nhằm tránh gió tránh lạnh, đốt than trong phòng kín hoàn toàn có thể gây ra ngạt khí.
Nhiệt độ khi đốt than thường không ổn định cũng gây mệt mỏi, tác động không tốt đến thân nhiệt của sản phụ. Đặc biệt, sau khi sinh cơ thể sản phụ thường có thân nhiệt thấp hơn thông thường nên việc thay đổi nhiệt độ thất thường cùng sự khô rát do đốt than sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục cho mẹ.
Nằm than sau sinh ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Đối với bé:
Đối với em bé có hệ miễn dịch còn yếu và hệ thống hô hấp nhạy cảm thì khí than càng nguy hiểm hơn, có thể khiến cho bé ngạt thở hoặc có thể gây tử vong, nhẹ nhất cũng gây những ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi. Đặc biệt, đối với những bé sinh mổ, nằm than sẽ khiến chất đàm nhớt bên trong vốn chưa được tống ra trong quá trình chuyển dạ bị khô cứng lại, bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.
Da của em bé còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Ngoài ra, tro than bám vào người bé cộng với mồ hôi do môi trường quá nóng trong phòng nằm than làm cho bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.