Nếu một ngày nhận được câu hỏi “con sinh ra từ đâu”, bạn sẽ nói thế nào? Lắng nghe câu trả lời của các em nhỏ để chuẩn bị sẵn phương án “phòng thân” ngay bây giờ.
Trẻ từ 3 tuổi bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ về khả năng ngôn ngữ, thời điểm này não bộ được hấp thụ và học hỏi từ môi trường xung quanh một cách nhanh chóng. Trẻ cũng thường xuyên đặt ra hàng vạn câu hỏi vì sao để thỏa mãn trí tò mò. Một trong những câu hỏi thường gặp nhất, nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng khó trả lời đó là “con sinh ra từ đâu”.
Em bé này khẳng định mình được bố… câu về.
… hay bơi từ sông lên.
Mới đây, trên một đoạn video hỏi – đáp xoay quanh nội dung này với những em nhỏ học mẫu giáo lớn. Chỉ sau ít giờ, video này đã thu hút gần 2 triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận hài hước. Theo đó, khi được hỏi “con sinh ra từ đâu”, các em nhỏ đã hồn nhiên trả lời 1001 đáp án khác nhau.
Cũng có thể là được mua trên mạng…
Hay mua trong siêu thị.
Hoặc do shipper chuyển đến.
Có em khẳng định “bố đi câu cá nên câu được”, “được chú shipper chuyển đến”, “nhảy ra từ bông hoa nhỏ”, “được mua trên mạng”, “mua từ siêu thị”… và chỉ có duy nhất 1 em nhỏ trả lời “được sinh ra từ bụng mẹ”.
Những bình luận dưới đoạn video.
Lắng nghe những câu trả lời hồn nhiên của trẻ nhỏ, bất cứ ai cũng phải bật cười. Thậm chí không ít bình luận còn tiết lộ, câu nói mà họ thường được nghe nhiều nhất từ bố mẹ mình đó là “nhặt con từ bãi rác về” hay nhặt được từ “bụi tre”, “bụi mía”…
Không thể phủ nhận, “con sinh ra từ đâu” là câu hỏi vốn cực kỳ dễ nhưng cũng thật khó để giải thích cho trẻ nhỏ có thể hiểu được vì sao chúng sinh ra đời. Vậy nên, nếu có ý định mang thai, bố và mẹ nên tham khảo, chuẩn bị sẵn câu hỏi để đối phó với tình huống này nhé!
Cần chuẩn bị những gì khi lên kế hoạch mang thai?
Trước khi mang thai, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị những việc cần thiết sau để đảm bảo thai kỳ thoải mái, khỏe mạnh cho cả mẹ và bé:
Uống vitamin: Bổ sung các loại vitamin thiết yếu, trong đó quan trọng nhất là axit folic làm giảm nguy cơ dị tật trong những tuần đầu của thai kỳ.
Tiêm phòng: Một số loại vắc xin được khuyên dùng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai là vắc xin phòng cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, ung thư cổ tử cung, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan B. Lưu ý, các loại vắc xin nên tiêm cách thời điểm mang thai tối thiểu 3 tháng đề phòng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngừng biện pháp tránh thai: Cơ quan sinh sản cần có một khoảng thời gian nhất định để hồi phục lại bình thường sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai. Vì vậy, trước thời điểm có kế hoạch mang thai vài tháng bạn nên ngừng tất cả các biện pháp như thuốc tránh thai hàng ngày, dụng cụ tử cung, que cấy dưới da, thay vào đó chỉ sử dụng bao cao su để tiếp tục tránh thai cho đến khi cơ quan sinh sản sẵn sàng để mang thai trở lại.
Khám sản: Bạn cần đi khám sản, làm xét nghiệm tổng quát để nắm được tình hình sức khỏe chung, kết hợp thăm khám bộ phận sinh dục để xác định có hay không bệnh lý phụ khoa và mức độ bệnh.
Xét nghiệm sàng lọc: Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp hai vợ chồng biết được có hay không những rủi ro tiềm ẩn về gen di truyền của cả hai trước khi có kế hoạch mang thai. Từ đó, bác sĩ sẽ cho lời khuyên và cách thức điều trị để có thể sinh con với tỷ lệ dị tật thấp nhất.
Kiêng chất kích thích: Một trong những việc làm cần thiết khi chuẩn bị mang thai là tránh xa các sản phẩm này.
Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do đó, để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần duy trì cân nặng vừa phải, có thể qua nhiều hình thức như tập thể dục hoặc ăn kiêng.
Tài chính: Để chuẩn bị mang thai các cặp vợ chồng nên chi phí về chăm sóc thai sản, hậu sản, chăm con nhỏ…
Và ngoài ra, đừng quên chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa của lũ trẻ khi chúng lớn lên nhé!