Đối với mỗi bác sĩ sản khoa, việc trực đêm là chuyện thường tình và trước mỗi ca sinh, họ càng thấm thía câu “cửa sinh - cửa tử”.
Mới đây, bác sĩ Đào Hải (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết vừa phải trải qua một đêm trực “toát mồ hôi hột” khi đỡ đẻ cho sản phụ sinh con lần 2. Do ca sinh có những diễn biến bất ngờ sau khi em bé chào đời nên bác sĩ Đào Hải cũng phải thấm thía với câu nói “cửa sinh - cửa tử” khi các mẹ bầu vượt cạn.
Bác sĩ Hải cho biết, lần đầu chị sinh thường thuận lợi. Một lần sau đó mổ chửa ngoài tử cung, cắt 1 bên vòi trứng; 1 lần hút thai do ngoài ý muốn.
Để mang bầu lần 2 này, vợ chồng thai phụ cũng trải qua những tháng ngày tìm con khó khăn vất vả. Họ đã dùng đủ mọi biện pháp và cuối cùng quyết định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Bác sĩ Đào Hải và ê kíp vừa phải trải qua một đêm trực đỡ đẻ “toát mồ hôi hột” cho một sản phụ sinh con lần 2. (Ảnh: BSCC)
Do đã đến ngày dự sinh nhưng mẹ bầu thấy không có dấu hiệu chuyển dạ nên nhập viện để gây chuyển dạ sinh con. Cuộc vượt cạn tiến triển khá thuận lợi. Giây phút con chào đời cũng khá nhẹ nhàng. Cả sản phụ và ê kíp bác sĩ đều cảm thấy hân hoan nhẹ nhõm khi em bé ra đời thuận lợi, khỏe mạnh, hồng hào, khóc to...
Tuy nhiên sau đó thì biến cố bắt đầu ập đến nhanh chóng: “Mọi thứ trở nên căng thẳng xóa tan bầu không khí hân hoan trước đó trong phòng. Bởi sau khi bánh rau bong ra khỏi tử cung thì chảy máu lên tục từ tử cung ra âm đạo. Máu chảy từ 700ml, rồi 1000ml, 1200ml. Mọi thứ có vẻ không còn ổn như tiên lượng của cả kíp trực nữa. Lúc này chúng tôi mỗi người 1 việc, người chạy lấy thuốc, người lấy ven truyền dịch, người đo huyết áp, người lấy đồ kiểm soát tử cung... Tất cả đều căng thẳng khác hẳn với sự vui vẻ khi nãy đón em bé chào đời”, bác sĩ Hải kể lại.
Nhưng khi tất cả các loại thuốc, các biện pháp gần như là bác sĩ và cả ê kíp đã dùng cả mà máu của sản phụ vẫn chảy không ngừng. Máu chảy 1500ml, 2000ml, 2200ml… và huyết áp sản phụ tụt dần. Nhận biết rõ với tình trạng này sản phụ sẽ rất nhanh sốc mất máu và nặng hơn nữa là nguy cơ tử vong.
“Tình cảnh ấy của sản phụ đúng là chỉ ai trong nghề mới hiểu. Một thoáng bất lực xen lẫn lo lắng hiện ra, không biết phải làm sao bây giờ. Đây đúng là thời điểm sinh tử cận kề, áp lực đè nặng, bác sĩ sản khoa phải xử trí làm sao đây? Có còn kịp hồi sức trước khi sản phụ sốc mất máu không? Rồi biến chứng sau này thế nào?... Có 1 loạt suy nghĩ chạy qua trong đầu lúc đó nhưng dù thật sự lo lắng song chưa bao giờ mình cho phép bản thân cuống lên hay suy sụp trong những tình huống đó...”, bác sĩ Hải tâm sự.
Sản phụ đã được hội chẩn nhanh và hồi sức, sau đó được đẩy nhanh hết sức sang phòng mổ: “Trong lúc chờ gây mê ai nấy đều hồi hộp lặng im. Rồi tìm nguồn chảy máu, khâu vá đủ kiểu… Nhưng sản phụ bị rối loạn đông máu, chảy máu khắp nơi, càng khâu càng chảy, huyết động không ổn định, hồng cầu truyền không đủ, các chế phẩm huyết tương chưa có ngay để truyền... Cả ê kíp không dám đóng bụng vì sợ liệu còn tiếp tục chảy máu nữa, cần cắt tử cung luôn không. Nói chung lo lắng nối tiếp lo lắng... May mắn máu và huyết tương cũng về kịp, tình trạng sản phụ sau sinh dần được cải thiện”, bác sĩ sản khoa kể phút hồi hộp lo sợ cho bệnh nhân.
Trải qua những phút “cửa sinh - cửa tử” cùng sản phụ lúc vượt cạn, mặc dù tự nhận là người cực lì lợm nhưng xuyên cả đêm đó và ngày hôm sau, tâm trạng của những bác sĩ sản khoa đồng hành cùng sản phụ này vẫn luôn trĩu nặng.
May mắn qua ngày hôm, sản phụ đã tỉnh dần... Gặp và trò chuyện với sản phụ mới sinh, bác sĩ Đào Hải còn thấy vui hơn cả người nhà họ: “Mình còn đùa với 2 vợ chồng sản phụ rằng, lần này em truyền 5 lít máu, xem như thay máu, nhưng chớ có thay lòng nha”.
Tới thời điểm này, mẹ con sản phụ đã khỏe mạnh, bình an sau biến cố. (Ảnh: BSCC)
Thậm chí 1 đồng nghiệp trong kíp trực đêm đó khi gặp bác sĩ Hải còn bảo: “Chú máu lạnh thế, bệnh nhân nặng như thế mà mặt không biến sắc, vẫn đủ tỉnh mà xử trí suốt đêm". Nghe những lời này mình chỉ cười trừ và nghĩ bụng, nghề bác sĩ sản khoa, không tỉnh táo sao theo nghiệp này được”.
Bác sĩ Hải cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên anh gặp những ca biến chứng sau sinh như vậy. Bản thân anh đã từng gặp và xử trí nhiều ca nặng hơn thế từ sốc, tắc mạch ối, tắc mạch phổi... Mỗi ca sinh của sản phụ cho bác sĩ sản khoa như anh 1 suy nghĩ riêng nhưng tựu chung lại càng thấm thía câu “Cửa sinh - Cửa tử luôn cận kề”.
Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh là một trong những tai biến sản khoa thường gặp. Tình trạng băng huyết sau sinh được xác định khi lượng máu mất nhiều hơn 500 ml và với những thai phụ có sức khỏe yếu thì dưới ngưỡng 500ml đã có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng nhận biết:
• Người bệnh có biểu hiện sốc: mệt, tím tái, da xanh xao, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp có thể tụt thấp.
• Chảy máu ồ ạt từ tử cung qua âm đạo ra ngoài.
• Ra máu với các mức độ và hình thái khác nhau.
• Một số trường hợp máu chảy không qua âm đạo nhiều nhưng đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.
Băng huyết sau sinh được xếp vào một trong những nguyên nhân gây chết người mẹ nhiều nhất ở các vùng nông thôn và kém phát triển. Tình trạng băng huyết diễn ra có rất nhanh, gây nên tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho sản phụ.
Một số nguyên nhân chính gây xuất huyết ở phụ nữ sau sinh như:
1. Đờ tử cung
Chiếm 80% nguyên nhân gây ra băng huyết, đờ tử cung xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi em bé ra đời. Cơ tử cung không co đủ mạnh, máu vẫn tiếp tục chảy tự do dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều.
Các yếu tố khiến cơ tử cung không co hồi sau sinh bao gồm:
• Chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ nhanh
• Tử cung căng giãn quá mức hoặc quá to: đa thai, đa ối...
• Sản phụ bị nhiễm trùng ối, bị thiếu máu hoặc suy nhược.
• Sản phụ bị đẻ nhiều lần hoặc có các bệnh lý nền.
2. Bất thường của bánh nhau
Với thai phụ có nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo thường sẽ có khuynh hướng chảy máu nhiều sau sinh. Ngoài ra, diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra khiến máu chảy nhiều cũng có thể gây các dấu hiệu bị băng huyết.
3. Tổn thương đường sinh dục
Vỡ tử cung, rách phức tạp tầng sinh môn cũng có thể là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh. Đây là biến chứng do đẻ khó hoặc sinh có sự can thiệp của thủ thuật. Một số trường hợp khác như đẻ rơi, đẻ quá nhanh cũng gây tổn thương lớn đến đường sinh dục
4. Rối loạn đông máu
Hiện tượng rối loạn đông máu thường xảy ra trong các trường hợp như: Bệnh lí nền về rối loạn đông cầm máu, nhau bong non, thai lưu, nhiễm trùng… Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc phục hồi sức khỏe mà băng huyết khi sinh mổ/thường có thể gây ra những biến chứng nặng hay nhẹ khác nhau.
Vì vậy, các sản phụ nên được quản lí thai và sinh nở ở các cơ sở Y Tế chuyên khoa Phụ Sản uy tín để phát hiện sớm nguy cơ từ đó có phương pháp theo dõi và xử trí kịp thời.