Bị vỡ ối bất ngờ khi chỉ mới 28 tuần, mẹ bầu Đà Nẵng đã có cuộc vượt cạn đầy lo lắng, nhìn con đi sinh như vậy, mẹ chồng, mẹ đẻ chị đều khóc như mưa vì quá hoang mang, lo sợ.
Dù 2 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc tới hành trình sinh con của mình, mẹ bỉm Trần Bích Diệu, 23 tuổi ở Đà Nẵng vẫn nhớ như in những ngày tháng vất vả khi đi đẻ và sau sinh.
Theo chị Diệu cho biết, lúc phát hiện có bầu, vợ chồng chị rất hoang mang bởi thời điểm đó cả hai chưa làm đám cưới mà kinh tế cũng không ổn định do dịch bệnh Covid-19. Hơn nữa lúc đó chị Diệu mới 21 tuổi còn quá trẻ và ham chơi nên cũng sợ không lo được cho con. Đã vậy, chồng chị lại phải đi nghĩa vụ quân sự nữa nên bà mẹ trẻ càng lo lắng không thể nuôi con được.
Hai mẹ con chị Trần Bích Diệu. (Ảnh: NVCC)
Thế nhưng cuối cùng chị Diệu vẫn quyết định giữ con lại. Và sau 20 ngày phát hiện dính bầu, vợ chồng chị đã làm đám cưới. Dù chồng không có nhà nhưng chị may mắn được bố mẹ chồng yêu thương và chăm sóc suốt thai kỳ.
“Bố mẹ chồng em cũng dễ tính nên khi mang thai em chỉ ăn rồi nằm chứ không phải làm gì. Trộm vía thai kỳ của em khỏe lắm, đi khám thai định kì không phát hiện ra bất cứ bất thường gì. Cân nặng của em vẫn tăng đều mỗi tháng 1kg không ốm nghén gì”, chị Diệu nhớ lại.
Thấy bản thân mang bầu hoàn toàn bình thường nên chẳng bao giờ mẹ bỉm nghĩ có ngày sẽ phải đối mặt với thực tế sinh non ở tuần thứ 28. Bỗng 1 sáng ngủ dậy bị đau lưng và đau bụng dưới khủng khiếp, chị Diệu còn nghĩ con phát triển nhanh giai đoạn này nên mẹ có những dấu hiệu khó chịu nên cứ cố nằm.
Nhìn con yêu kháu khỉnh như hiện nay, ít ai biết con từng sinh non ở tuần thứ 28 và chỉ nặng 1kg. (Ảnh: NVCC)
“Để quên tình trạng đau lưng và đau bụng dưới, em cứ nằm cày phim. Cho đến 23h đêm hôm đó không chịu được nữa em mới gọi mẹ chồng chở vào viện. Vừa vào viện gần nhà kiểm tra thì bác sĩ đã chỉ định phải gọi cấp cứu chuyển lên bệnh viện chuyên khoa tuyến trên. Bác sĩ vừa dứt lời thì em vỡ ối luôn, cổ tử cung đã mở hết. Trên đường nằm xe chuyển viện, nữ y tá và bác sĩ đi theo luôn động viên em bình tĩnh, cố gắng khép chân giữ bé lại. Suốt cả quãng đường chuyển viện, em lo nơm nớp chỉ sợ sinh con giữa đường không ứng cứu kịp”, mẹ bỉm nhớ lại ngày đi đẻ tá hỏa của mình.
Nhớ lại phút đi đẻ cập rập ấy, mẹ chồng và mẹ đẻ của chị Diệu đều hoảng sợ và khóc như mưa. Họ chỉ sợ có chuyện gì không hay xảy đến với 2 mẹ con chị.
Em bé sinh non ở tuần 28 càng lớn càng kháu khỉnh. (Ảnh NVCC)
Khi tới viện, được đẩy vào phòng sinh là chị Diệu rặn 1 hơi em bé ra luôn. Do sinh non ở tuần thứ 28 nên con sinh ra được 1kg. Con cũng không tự thở được phải dùng máy thở và truyền các loại kháng sinh, truyền máu. Có những thời điểm con sơ sinh ngưng thở đến tím tái cả cơ thể, chị Diệu đau lòng cũng như muốn ngừng thở theo.
“Con mới sinh còn nhỏ xíu mà khắp người toàn dây truyền thuốc, dây xông ăn nhìn rất thương. May mắn sau 2 tháng 2 mẹ con ở viện thì sức khỏe con hồi phục và được về nhà”, chị Diệu nhớ lại.
Sau sinh nhờ có mẹ chồng bên cạnh (giãn cách xã hội nên mẹ chồng không đi làm được) chăm sóc nên khi cháu nội được hơn 5 tháng bà mới đi làm lại. Vì thế 2 mẹ con chị Diệu được chăm sóc chu đáo. Những tháng ngày ở cữ, mẹ bỉm chỉ việc ăn ngủ nghỉ cho lại sức, thậm chí con nhỏ cũng không phải chăm nhiều nên khá nhàn nhã.
Kể từ khi có con, dù phải chi tiêu tiết kiệm hơn để có thể để dành mọi thứ tốt nhất cho con nhưng đều là do mẹ bỉm này cam tâm tình nguyện: “Nhìn bé lớn lên khoẻ mạnh em vừa vui vừa hối hận vì từng có ý định bỏ con do sợ không lo được cho con. Còn con thì lại chiến đấu để giành giật sự sống từ khi lọt lòng. Từ khi có con, em cũng chi tiêu tiết kiệm hơn để dành mọi thứ tốt nhất cho con. Ngày xưa em hay tụ tập bạn bè, xúng xính váy áo son phấn lắm. Nhưng từ khi có con là dẹp hết, đến bạn thân còn bất ngờ vì sự thay đổi này của em”.