Bố mẹ chồng giải thích vì ở nhà gọi con dâu bằng biệt danh nên không nhớ được tên thật nhưng nữ y tá vẫn từ chối trao cháu.
Câu chuyện xảy ra tại một bệnh viện phụ sản ở Quý Châu (Trung Quốc). Một sản phụ vừa mới vượt cạn xong, em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh, sau khi được vệ sinh sạch sẽ, y tá đã bồng em bé ra ngoài cho gia đình sản phụ nhận mặt.
Trước cửa phòng sinh, bố mẹ chồng sản phụ đang chờ sẵn, háo hức được gặp cháu trai. Tuy nhiên, một sự cố nho nhỏ xảy ra đó là khi y tá hỏi họ là người nhà của sản phụ nào, tên gì, thì lúc này, ông bà mới ngớ người ra vì… chẳng nhớ nổi tên thật của con dâu.
Thấy hai ông bà cứ cập rập, ấp úng, nữ y tá lo ngại những chuyện không hay như đưa nhầm, bắt cóc nên một mực không đưa đứa trẻ cho họ. Nữ y tá sau đó bế đứa trẻ vào phòng chăm sóc sơ sinh, chờ đến khi nào sản phụ vừa sinh được ra ngoài mới đưa con về nằm cùng cô.
Nữ y tá từ chối trao bé sơ sinh cho bố mẹ chồng sản phụ vì không nhớ tên con dâu.
Quyết định này khiến gia đình chồng sản phụ vô cùng bức xúc, họ cho biết hiện tại con trai mình đang trên đường đến, bình thường chỉ quen gọi sản phụ bằng biệt danh nên không biết tên thật. Việc từ chối không cho nhận cháu thế này thật sự không chấp nhận được, thậm chí còn đòi khiếu nại cô y tá lên cấp trên. Nữ y tá vẫn hết sức bình tĩnh trả lời rằng cô chưa thấy gia đình sản phụ nào lại không nói được tên con mình, khi nào xác minh được mọi chuyện thì mới có yên tâm giao đứa trẻ cho họ.
Câu chuyện nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ cộng đồng mạng. Người thì cho rằng nên thông cảm cho bố mẹ chồng vì đôi khi gọi biệt danh nhiều, quên tên con dâu cũng không phải điều gì đáng trách. Nhưng rất nhiều ý kiến phản bác, đồng ý với cách làm của nữ y tá vì vấn đề an toàn của đứa trẻ. Hiện nay, vấn đề trao nhầm, bắt cóc trẻ em,… vẫn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người nên hành động cẩn thận của nữ y tá là hoàn toàn dễ hiểu.
Một vài bình luận đáng chú ý:
- Bố mẹ chồng không nhớ được tên con dâu nữa thì cũng chịu rồi.
- Sản phụ mới sinh mà biết bố mẹ chồng còn không nhớ được tên mình chắc là tủi thân ghê gớm lắm, chẳng hiểu nổi luôn.
- Có lẽ bình thường bố mẹ chồng này cũng chẳng quan tâm gì đến con dâu nên mới thế, thương cho người mẹ mới sinh.
- Y tá làm đúng rồi, hỏi tên còn không biết mà giao con lỡ có bất trắc gì thì y tá phải chịu trách nhiệm hết à?
- Y tá rất có trách nhiệm đây, sợ đứa trẻ rơi vào tay người xấu nên thà chờ xác minh cho chắc ăn còn hơn.
Những lưu ý khi "đón tay" trẻ sơ sinh
"Đón tay" bé sơ sinh là một việc quan trọng. (Ảnh minh họa)
Khi "đón tay" em bé mới sinh, ngoài việc phải nhớ rõ họ tên sản phụ, tránh trường hợp như gia đình trên thì người thân còn phải lưu ý những vấn đề sau:
- Chọn người khỏe mạnh: Những người chủ quan, không chú ý đến sức khỏe, vệ sinh của bản thân không nên "đón tay" bé sơ sinh bởi vì chính họ có thể "nguồn" vi khuẩn di động. Nếu cho một người như vậy bế em bé, vi khuẩn trên cơ thể họ sẽ lây truyền làm ảnh hưởng sức khỏe của bé.
- Người bế nên có kinh nghiệm hoặc tập luyện trước: Bế trẻ là một kỹ năng không hề đơn giản và không phải ai cũng thành thạo. Trẻ sơ sinh lại rất mềm yếu và mỏng manh về mọi mặt, nhạy cảm với mọi kích thích bên ngoài. Nếu người bế em bé là người lóng ngóng, vụng về, không biết tư thế bế thì có thể khiến bé cảm thấy khó chịu. Chưa kể đến những tai nạn không mong muốn cũng có thể xảy ra, làm ảnh hưởng của em bé trong trường hợp nghiêm trọng.
- Người hút thuốc không nên "đón tay" bé: Những người có thói quen hút thuốc tốt hơn là không nên đón tay bé sơ sinh, vì mùi khói sẽ lưu lại trên quần áo, miệng, tóc và những nơi khác, ảnh hưởng không tốt đến bé. Theo các nghiên cứu khoa học, những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc lá nguy cơ bị đột tử ở tuổi nhũ nhi tăng. Lớn lên, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý cơn hen cấp tăng, hen phế quản cao rõ rệt. Bản thân thuốc lá còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ nhỏ.