Sau 6 giờ chịu trận với cơn đau chuyển dạ, con trai của Vesna đã chào đời. Nhưng ngay sau đó, người phụ nữ này đột nhiên xuất hiện cơn đau dữ dội.
Sản phụ Vesna Vavladellis đã trải qua một ca lộn tử cung khi sinh đứa con đầu lòng vào năm 2016, được Yahoo Life đưa tin.
Theo Vesna cho biết, khi mang thai 40 tuần 5 ngày thì cô được các bác sĩ kích thích chuyển dạ để sinh nở. Quá trình chuyển dạ của người phụ nữ này thật sự rất căng thẳng. Bản thân cô nhiều khi cảm thấy mình không thể thở nổi.
Sau 6 giờ chịu trận với cơn đau chuyển dạ, con trai của Vesna đã chào đời. Nhưng ngay sau đó, người phụ nữ này đột nhiên xuất hiện cơn đau dữ dội.
Đây chính là thời điểm mà tử cung của cô bắt đầu lộn ngược khiến Vesna bị chảy rất nhiều máu. Vì không được gây tê màng cứng lúc sinh nên Vesna cảm nhận được cơn đau tột cùng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật khẩn cấp để đặt lại vị trí tử cung cho cô như ban đầu.
Sau biến chứng ám ảnh khi sinh con, quá trình phục hồi của Vesna cũng rất khó khăn. (Ảnh minh họa)
Vesna tâm sự: "Tôi được yêu cầu đưa một quả bóng bay vào tử cung để cầm máu và giữ tử cung của tôi trong đó".
Cô đã phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt suốt 36 giờ cho đến khi quả bóng được lấy ra và tử cung trở lại vị trí như ban đầu.
Được biết, sau biến chứng ám ảnh khi sinh nở trên, quá trình phục hồi của Vesna cũng rất khó khăn. Cô đã phải dùng thuốc giảm đau cực mạnh trong thời gian dài, sàn chậu cũng yếu hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, sau sinh Vesna cũng bị chấn thương tâm lý đến mức phải gặp mặt bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên may mắn cho cô là lần mang thai sau rất thành công, cô không bị lộn ngược tử cung.
Từ trường hợp của Vesna, các chuyên gia khuyên nếu sản phụ đã từng bị tử cung lộn ngược khi đẻ thường trước đó thì nên thăm khám, thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định tiếp tục mang thai lần 2 nhằm đảm bảo thai kỳ và vượt cạn an toàn.
Tử cung lộn ngược là gì và nguyên nhân gây nên tình trạng này
Tử cung lộn ngược hay đảo ngược tử cung là một biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp khi sinh con tự nhiên, trong đó tử cung hoàn toàn quay ra ngoài sau khi em bé chào đời. Khi xảy ra tử cung đảo ngược, đỉnh tử cung (đáy) đi qua khỏi cổ tử cung hoặc thậm chí nằm hoàn toàn bên ngoài âm đạo. Tỷ lệ gặp phải là khoảng 1 trên 3.000 ca sinh.
Thông thường sau khi sinh thường, các cơn co thắt tự nhiên khiến nhau thai tách ra khỏi thành tử cung. Điều này thường xảy ra trong vòng 5 - 10 phút sau khi bạn sinh con, đôi khi có thể mất nhiều thời gian hơn. Miễn là thai phụ không bị chảy máu, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể đợi một lúc để nhau thai tự tách ra.
Tử cung lộn ngược hay đảo ngược tử cung là một biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp khi sinh con tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Khi nữ hộ sinh kiểm tra xác định nhau đã bong, bạn có thể được yêu cầu rặn nhẹ, đồng thời bác sĩ sẽ kéo nhẹ dây rốn để giúp đẩy nhau thai ra khỏi tử cung và đi qua âm đạo để ra ngoài. Đôi khi, nhau thai không tách ra bình thường và nỗ lực kéo này sẽ khiến tử cung đảo ngược. Cũng có trường hợp đảo ngược tử cung tự xảy ra, hoặc do áp lực kéo quá lớn trong khi sổ nhau, tử cung nhão, nhau cài răng lược...
Tử cung lộn ngược có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm chảy máu ồ ạt và sốc, đe dọa tính mạng. Tình trạng này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời ngay lập tức.
Nguyên nhân chính xác khiến tử cung lộn ngược không được biết rõ. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro có thể gây ra tình trạng này là:
- Chuyển dạ kéo dài hơn 24 giờ.
- Dây rốn ngắn.
- Sinh non.
- Sử dụng thuốc giãn cơ khi chuyển dạ.
- Tử cung bất thường hoặc yếu.
- Đã từng bị đảo ngược tử cung trước đó.
- Nhau cài răng lược, trong đó nhau thai bám quá sâu vào thành tử cung.
- Nhau thai bám vào đỉnh tử cung.
- Ngoài ra, kéo dây rốn quá mạnh để loại bỏ nhau thai cũng có thể khiến tử cung đảo ngược. Dây rốn không bao giờ được kéo mạnh, đồng thời nhau thai cũng nên được lấy ra cẩn thận và nhẹ nhàng.