Mũi "đẻ không đau" sẽ giúp mẹ giữ sức, bình tĩnh hơn khi sinh con.
Sinh con là niềm hạnh phúc nhưng đồng thời cũng là nỗi ám ảnh với không ít chị em phụ nữ vì cơn đau chuyển dạ quá "khủng khiếp". Có khoảng 70% sản phụ sẽ cảm thấy đau dữ dội hoặc đau không thể chịu đựng nổi khi chuyển dạ sinh con.
Và sự ra đời của phương pháp "đẻ không đau" có lẽ là cứu cánh cho hội chị em. Vậy nhưng nhiều người vẫn lăn tăn phương pháp này liệu có thật sự hiệu quả và có để lại biến chứng gì không?
"Đẻ không đau" là gì?
Đau trong quá trình chuyển dạ ở mỗi sản phụ sẽ được cảm nhận một cách rất khác nhau, tùy theo tình trạng sinh lý, văn hóa hay tâm lý của bà mẹ lúc sinh con. Cơn đau sẽ tăng dần trong quá trình chuyển dạ và đạt cường độ tối đa khi thai nhi di chuyển vào xương chậu của mẹ.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau hiệu quả nhất hiện nay mà sản phụ vẫn tỉnh táo khi sinh, áp dụng giảm đau trong chuyển dạ tự nhiên, còn gọi là đẻ không đau.
Cơn đau khi sinh nở khiến nhiều chị em bị ám ảnh.
Đa phần, phương pháp gây tê ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung của sản phụ mở từ 3 đến 8 cm, nhưng cũng có thể được thực hiện sớm hơn nếu sản phụ cảm thấy đau nhiều hoặc trong một số trường hợp bệnh lý của người mẹ. Một vài trường hợp “đẻ không đau” cũng được thực hiện khi cổ tử cung đã mở nhiều hơn 8cm, miễn là em bé vẫn chưa xuống quá sâu trong khung chậu của mẹ.
Lợi ích của "đẻ không đau"
- Giúp các bà mẹ giảm bớt nỗi sợ hãi khi sinh nở và mệt mỏi sau sinh.
- Giảm đáng kể lượng oxy không cần thiết cho sản phụ.
- Giảm đáng kể xác suất thai nhi bị ngạt và chết trong bụng mẹ.
- Gây tê ngoài màng cứng tạo điều kiện cho ca mổ cấp cứu.
Sau khi tiêm mẹ có hoàn toàn hết đau?
Trên thực tế, điều này được quyết định bởi chính "cơ địa", mức độ đáp ứng thuốc của mỗi người mẹ. Ví dụ, sau khi một số phụ nữ sử dụng phương pháp sinh không đau, cơn đau của họ có thể được kiểm soát dưới 3-4 điểm nhưng một số phụ nữ sẽ không cảm thấy đau đớn gì cả.
Tùy vào cơ địa của người mẹ, thuốc gây tê sẽ có tác dụng khác nhau.
"Đẻ không đau" có ảnh hưởng đến em bé không?
Câu trả lời là hầu như không vì số lượng thuốc đi qua nhau thai là rất ít. Người ta nói rằng trong những trường hợp cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Không chỉ vậy, sinh con không đau còn có thể làm giảm đáng kể xác suất thiếu oxy trong tử cung ở thai nhi, giúp cho quá trình chuyển dạ diễn ra suôn sẻ.
Ai không được "đẻ không đau"?
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau hiện tại rất phổ biến. Tuy nhiên những trường hợp dưới đây, mẹ sẽ không thể thực hiện phương pháp này:
- Mẹ bị sốt cao;
- Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ;
- Sản phụ có chức năng đông máu bất thường;
- Sản phụ bị giảm thể tích tuần hoàn hoặc hạ huyết áp.
"Đẻ không đau" hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ và em bé.
Tiêm thuốc đẻ không đau sẽ gây đau lưng?
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi gây tê ngoài màng cứng đó là sản phụ có thể cảm thấy một chút khó chịu tạm thời do giảm huyết áp, đôi khi có thể lạnh run, ngứa, tê chân, hai chân hơi nặng hoặc khó khăn khi nhấc chân lên. Sản phụ có thể cảm thấy khó khăn một chút khi tiểu và có thể phải đặt ống thông tiểu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ điều trị có thể giảm thiểu những nhược điểm này hoặc thậm chí loại bỏ chúng hoàn toàn.
Đau lưng chính là điều lo lắng nhất của sản phụ cũng như người thân khi họ tìm hiểu về phương pháp đẻ không đau bằng gây tê ngoài màng cứng. Về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp đẻ không đau khi sinh vẫn gặp chứng đau lưng. Đau lưng có thể do những nguyên nhân sau: biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh... Nếu đau do gây tê ngoài màng cứng tại vị trí tiêm, cơn đau sẽ tự hết trong 48 giờ.