Những tưởng sinh thường ngày hay đêm cũng đều "đau thấu trời xanh" như nhau. Sự thực lại khác xa hoàn toàn.
Với các mẹ sinh thường, sinh con ban ngày hay ban đêm vốn chẳng thể lên kế hoạch được vì không ai biết lúc nào em bé sẽ muốn đạp bụng mẹ chui ra. Các mẹ vì vậy cũng không quan trọng thời điểm, tưởng chừng sinh con ban ngày hay ban đêm cũng đều phải chịu đựng những cơn đau thấu trời xanh như nhau.
Tuy nhiên với một số mẹ đã từng có trải nghiệm sinh 2 con trở lên với 1 bé sinh ban ngày, 1 bé sinh ban đêm đều đưa ra sự so sánh: đẻ con ban đêm đau hơn ban ngày.
Liệu điều này có phải là sự thực? Dưới góc nhìn chuyên môn của các bác sĩ sản khoa, các mẹ bầu chắc chắn sẽ tìm được câu trả lời thú vị cho mình.
Hormon melatonin tiết ra vào ban đêm
Melatonin là một loại hormon giúp điều chỉnh nhịp sinh học, được sản xuất theo lượng ánh sáng mà cơ thể tiếp xúc. Vào ban đêm, con người tiết ra melatonin nhiều nhất (từ khoảng sau 11 giờ đêm đến sáng sớm). Hormon melatonin sẽ thúc đẩy quá trình co bóp của tử cung khiến những cơn co thắt trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với các bà bầu đã bước vào giai đoạn chuyển dạ, cơ thể họ sẽ tiết ra một lượng lớn melatonin và oxytocin, hai chất này sẽ làm tăng tần suất các cơn co thắt. Tần suất co bóp càng lớn sẽ khiến sản phụ càng cảm thấy đau đớn hơn. Đó là một trong những lí do khiến việc đẻ vào ban đêm sẽ đau hơn ban ngày.
Đồng hồ sinh học bị đảo lộn
Cơ thể con người đều có một đồng hồ sinh học giống nhau: ban ngày làm việc đầy năng lượng và ban đêm nghỉ ngơi bằng giấc ngủ sâu. Nhịp điệu đều đặn phân định thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách rõ ràng. Điều này đương nhiên cũng đúng với bà bầu.
Vì vậy, nếu thời gian vượt cạn diễn ra vào buổi ngày, sản phụ sẽ cảm thấy sung mãn hơn về cả thể lực và trí lực, việc sinh con sẽ suôn sẻ hơn.
Ngược lại, sinh con vào ban đêm, sau một ngày hoạt động vốn dĩ đã mệt mỏi, lại phải bước vào quá trình vượt cạn khi cơ thể cần nghỉ ngơi dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức. Ở trạng thái đảo ngược đồng hồ sinh học như vậy, mẹ bầu sẽ có khả năng chịu đau kém hơn và thấy rõ đẻ con ban đêm sẽ đau hơn ban ngày.
Sự lo lắng gia tăng vào ban đêm
Cấp độ đau tăng dần từ 1 đến 10 trong quá trình chuyển dạ dễ dàng hạ gục tâm lý của bất kỳ sản phụ nào. Đặc biệt là vào ban đêm, khi những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, căng thẳng và sợ hãi lên ngôi. Sự xuống sức về thể lực và khả năng suy nghĩ thấu đáo sẽ gián tiếp phóng đại nỗi sợ hãi trong lòng sản phụ, sự đau đớn sẽ cảm nhận rõ ràng hơn.
Thế nên nếu sinh con vào thời điểm này, sản phụ sẽ vô tình làm trầm trọng thêm cơn đau bởi suy nghĩ tiêu cực và tưởng chừng như mình không thể vượt qua được.
Sự yên tĩnh của môi trường xung quanh
Vào ban ngày, bệnh viện sẽ ồn ào hơn và sản phụ sẽ dễ dàng bị phân tán sự chú ý đến những cơn đau của mình hơn. Nhưng đến ban đêm, khi sự yên tĩnh bao phủ, sản phụ sẽ chỉ còn tập trung hơn nhiều vào bản thân, từng cơn co thắt diễn ra đều đặn và dồn dập. Lúc này, sản phụ sẽ cảm nhận như chỉ có một mình mình đang chống lại cả thế giới, đau đớn cũng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Như vậy dưới sự giải thích của các bác sĩ sản khoa, việc sinh con vào ban đêm sẽ đau hơn ban ngày. Nhưng chẳng ai kiểm soát được thời điểm chuyển dạ vì em bé có thể chui ra bất kỳ lúc nào. Vậy thì bà bầu liệu có thể tự điều chỉnh và giảm thiểu mức độ đau đớn trong quá trình vượt cạn? Dưới đây là lời khuyên của các bác sĩ:
Ăn đủ, ngủ sâu, sinh con với trạng thái sức khỏe tốt
Trong giai đoạn gần sinh, các mẹ bầu nên chú ý điều chỉnh thói quen làm việc và nghỉ ngơi để đảm bảo có thể chợp mắt vào buổi trưa, chuẩn bị cho quá trình sinh con tràn đầy năng lượng nhất.
Ngoài ra, việc sinh con không phải chỉ diễn ra trong 1-2 giờ là xong. Có thể sẽ mất khoảng 12 giờ kể từ khi bắt đầu cơn đau chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn, một số bà mẹ thậm chí còn chuyển dạ lâu hơn thế. Vì vậy, cần bổ sung nước và năng lượng để giữ cho mình trạng thái sức khỏe tốt nhất khi bước vào công cuộc vượt cạn.
Hít thở đúng cách giúp giảm đau
Phương pháp hít thở La Maze là phương pháp thường được các bà bầu sử dụng nhiều nhất trong quá trình sinh nở. Việc hít thở đúng cách giúp các mẹ bầu có thể dễ dàng thả lỏng cơ thể và trấn tĩnh lại. Khi được khuyến khích thì các mẹ có thể thay đổi cách thở để có sự thoải mái nhất trong lúc vượt cạn. Lúc đó sản phụ sẽ chỉ tập trung vào việc hít thở cho nên những cảm giác khác, nhũng cơn đau đẻ chỉ còn là thứ yếu. Không những thế những hoạt động hít thở còn giúp thai nhi xoay chuyển sang tư thế thích hợp giúp các mẹ sinh thường sinh dễ hơn và giúp cho quá trình chuyển dạ diễn ra một cách liên tục.
Chuyển hướng sự chú ý
Nếu muốn giảm thiểu các cơn đau trong quá trình chuyển dạ, sản phụ có thêm một cách là đánh lạc hướng chú ý khỏi những cơn đau này. Các bà mẹ có thể mang theo sách hoặc tạp chí liên quan đến việc sinh nở vào phòng sinh nhằm giúp giữ được sự bình tĩnh và tâm lý thoải mái nhất. Giữa thời gian các cơn đau đến, sản phụ có thể đọc, xem, nghe nhạc, thậm chí chơi trò chơi để tạm quên đi “thực tế”.