Từ lúc thai mới 16 tuần tuổi, chị H. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và theo dõi bệnh Corhn giai đoạn nặng. Đến tuần thứ 27, bé gái sinh non chỉ vỏn vẹn 700 gram cũng là lúc các thầy thuốc chạy đua để chiến đấu và chiến thắng 'tử thần', cứu sống cả mẹ lẫn con.
Câu chuyện của hai mẹ con là cả một chặng đường gian nan với kết quả có hậu.
Mang thai trong lúc bệnh rất nặng
Bệnh nhân N.T.H, 27 tuổi, ở Đông Triều - Quảng Ninh mang thai con đầu lòng mà không biết trong mình mang bệnh nặng. Ban đầu, chị và gia đình chỉ nghĩ đơn giản là bị rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng cấp. Sau đó bệnh càng tiến triển nặng, mỗi ngày đi ngoài tiêu chảy trung bình gần chục lần, đã điều trị ở một số cơ sở y tế ở địa phương và Hà Nội đều không thấy đỡ.
Từ lúc thai 16 tuần tuổi, bệnh nhân đau dữ dội ở hố chậu và quanh rốn, sốt cao liên tục 40 độ, từ địa phương chuyển tuyến về Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được thăm khám với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và theo dõi bệnh Corhn giai đoạn nặng (Bệnh viêm loét đường tiêu hóa do hệ thống miễn dịch của cơ thể và một số nguyên nhân khác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống).
Từ 700 gram lúc sinh, bé đã tăng cân, đạt 2.200 gram lúc xuất viện. Ảnh: BVCC
Tại Trung tâm Tiêu hóa gan mật tụy, thai phụ đã được điều trị tích cực bằng các phương pháp tiên tiến để kiểm soát bệnh Corhn, đồng thời được các bác sĩ sản khoa - Bệnh viện Bạch Mai theo dõi thường xuyên cùng với nhiều cuộc hội chẩn liên khoa. Chế độ thuốc men và dinh dưỡng luôn được đề ra nghiêm ngặt để đảm bảo cho thai nhi phát triển và hạn chế tối đa bệnh của mẹ ảnh hưởng đến con.
Đến khi thai được 27 tuần, các bác sĩ hội chẩn liên khoa và quyết định cho phẫu thuật mổ lấy con với mục đích duy trì sức khỏe cho mẹ và cứu con.
Phối hợp chặt chẽ đa chuyên khoa để cứu cả hai mẹ con
Bé gái N.M.P chào đời ngày 19/2 với cân nặng 700 gram tại khoa Sản - Bệnh viện Bạch Mai, lúc bấy giờ sự sống của cháu bé vô cùng mong manh, đã phải đặt ống nội khí quản ngay tại phòng sinh, được chẩn đoán bé có bệnh màng trong, bệnh phổi mạn, thể trạng sinh non, yếu ớt.
Bé được đưa về Trung tâm Nhi khoa để theo dõi, điều trị và chăm sóc. Còn mẹ bé, sau khi phẫu thuật lấy con, đã được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực để cấp cứu và điều trị trong tình trạng các chỉ số sinh tồn đáng báo động. Sau 1 tuần điều trị tại ICU, mẹ cháu bé đã dần hồi phục.
Tại Trung tâm Nhi khoa, mặc dù tiên lượng về sự sống của trẻ rất khó khăn vì sinh non tháng, mẹ mắc bệnh nhiễm khuẩn huyết nặng ảnh hưởng lớn đến con trong thai kỳ, nhưng với sự quyết tâm từ lãnh đạo Trung tâm cho đến các y bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp đã tập trung điều trị, chăm sóc cho cháu bằng các phương pháp y học tiên tiến với trẻ sinh non và bằng tình yêu thương tận tụy bền bỉ.
Bác sĩ Phạm Thị Mai, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho cháu bé N.M.P chia sẻ, bé được bơm Surfactant, duy trì thở máy trong 4 tuần, điều trị kháng sinh, truyền máu nhiều lần, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch bơm sữa qua đường sonde kiên trì từng ml mỗi lần. Quá trình điều trị bệnh phổi mạn với trẻ sơ sinh rất khó khăn, các bác sĩ theo dõi sát sao từng giờ để có phác đồ điều trị tối ưu. Thêm nữa, bé mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non, đã được hội chẩn liên khoa với các bác sĩ khoa Mắt - Bệnh viện Bạch Mai và được điều trị võng mạc.
Hạnh phúc như chồi non được nâng niu
Sau hai tháng rưỡi được điều trị và chăm sóc hết sức tận tình tại Trung tâm Nhi Khoa - Bệnh viện Bạch Mai, cháu bé đã tăng cân, đạt 2.200 gram, tự bú bình, tự thở hoàn toàn và được ra viện trong niềm vui của các y bác sĩ và gia đình cháu bé.
Chia sẻ với chúng tôi, ông nội cháu là N.V.H và bố cháu bé là N.V.T vui mừng và xúc động nói: "Cháu được như thế này thật sự là một hồng phúc của đại gia đình, ban đầu khi biết mẹ cháu bệnh nặng thế thì chỉ dám nghĩ đến phương án cứu mẹ nó, nay cứu được cả mẹ cả con, gia đình vô cùng hạnh phúc và mang ơn các bác sĩ rất nhiều. Mừng hơn nữa là mẹ cháu sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị để duy trì sức khỏe".
Bé N.M.P được chăm sóc và điều trị đặc biệt tại Đơn vị Sơ sinh của Trung tâm Nhi khoa.
Như vậy, hành trình đầy nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã giúp gia đình người bệnh chạm tới ước mơ "Mẹ tròn con vuông", khát vọng được làm cha làm mẹ của vợ chồng chị N.T.H đã thành hiện thực sau nhiều khó khăn thử thách.
Về sự thành công đáng ghi nhận này trước hết cho thấy trình độ chuyên môn và y đức của những người thầy thuốc của các chuyên khoa sâu như Tiêu hóa, Nhi, Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Sản khoa, Mắt đã cùng phối hợp rất chặt chẽ, cùng đưa ra những quyết định và phương pháp điều trị tốt nhất để kiểm soát, hạn chế căn bệnh của mẹ và bảo vệ sự sống diệu kỳ cho trẻ.
Đó là niềm hạnh phúc được nhân đôi, hạnh phúc của đại gia đình được đón cháu nội đầu lòng, con dâu đã dần khỏe mạnh hơn, vợ chồng trẻ được lên chức bố mẹ và niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc trong các ekip trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân nói riêng và Bệnh viện Bạch Mai nói chung mỗi khi đón nhận tin vui từ các bệnh phòng.