Thai nhi 16 tuần tuổi là bước sang gần hết tháng thứ 4 của thai kỳ và lúc này thai có những sự phát triển vượt trội về cân nặng, kích thước và đặc biệt là đã có những chuyển động mẹ có thể cảm nhận được.
Thai nhi 16 tuần tuổi là được 3 tháng 3 tuần và lúc này là giai đoạn thai phát triển nhanh, có những tín hiệu chuyển động đầu tiên mà mẹ bầu có thể cảm nhận. Bên cạnh đó, lúc này cơ thể của mẹ bầu cũng có nhiều sự thay đổi khi kích thước của thai đã to hơn giai đoạn trước 3 tháng.
Sự phát triển của thai 16 tuần tuổi trong bụng mẹ
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thai nhi 16 tháng tuổi phát triển mạnh mẽ. Cụ thể là:
Hình ảnh thai 16 tuần đã có nhiều thay đổi, kích thước bằng 1 quả bơ
- Kích thước thay đổi: Thai đã có chiều dài 12cm tính từ đầu tới mông, nặng khoảng 100g. Trái tim của bé bơm khoảng 25l máu mỗi ngày và số lượng máu sẽ tiếp tục tăng.
- Mắt bé đã bắt đầu di chuyển: Khi 16 tuần tuổi, đôi mắt của bé đã di chuyển tới gần với mặt trước của đầu. Mắt của bé cũng đã có thể hoạt động từ bên này sang bên kia trong khi mí vẫn nhắm.
- Tay chân cử động nhẹ: chân và tay của bé cũng phát triển mạnh mẽ, thậm chí móng tay đã bắt đầu mọc. Đặc biệt, Ở tuần 16, tay chân và khớp của bé đã có thể vận động, phản xạ đã được hình thành, ở một số bé thậm chí đã có thể mút ngón tay cái (Theo FLO.Health).
- Tai của bé về đúng vị trí, có thể nghe thấy giọng nói của mẹ: Đôi tai của bé đã bắt đầu về đúng vị trí, có xương nhỏ ở tai nên bé có thể nhận ra giọng nói của mẹ. Đầu của bé tăng gần hết cỡ, cơ thể bé đã bắt đầu duỗi thẳng.
- Da bé trong mờ: Da của bé vẫn còn trong mờ, vị giác đang được phát triển. Cơ mặt của bé khỏe hơn, biểu cảm trên khuôn mặt bé cũng đã rõ và nhiều lúc bé như đang ngáp ở trong bụng mẹ.
Sự thay đổi cơ thể mẹ khi mang thai nhi 16 tuần tuổi
Khi thai 16 tuần cơ thể mẹ đã bắt đầu có nhiều những thay đổi, cụ thể đó là:
- Hết ốm nghén: Đây là biến đổi đầu tiên mà ở những mẹ bầu bị ốm nghén sẽ cảm nhận được rõ ràng nhất. Khi bước sang tháng thứ 4 thì hiện tượng nghén đã giảm dần và chấm dứt hẳn trong những tháng tiếp theo.
- Vị trí dạ con: Tử cung của mẹ bầu lúc này đã ở vào khoảng giữa xương mu và rốn, các dây chằng đỡ tử cung cũng đang giãn dần ra khi tử cung lớn dần. Thai 16 tuần chưa quá lớn nên cảm giác nặng nề chưa xuất hiện nhiều.
- Da dẻ thay đổi, hồng hào, có sức sống hơn. Lượng máu tăng lên trong các mạch máu và hormone thai kỳ khiến sản xuất nhiều dầu hơn, khiến da bà bầu ẩm ướt và hồng hào.
- Cân nặng bắt đầu tăng: Bước sang thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2 cân nặng của mẹ được khuyến cáo nên tăng từ 5 - 6kg (đối với những mẹ bầu thiếu cân nên tăng nhiều hơn mẹ bầu thừa cân). Mẹ bầu nên cung cấp thêm khoảng 300 calo/ ngày so với người bình thường (2000 - 2300 calo) để kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân gây nên nhiều ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.
- Cảm nhận được chuyển động đầu tiên của thai trong bụng: Một số bà mẹ từ tuần thứ 15 đã có thể cảm nhận được những cử động của bé ở trong bụng. Khi vào tuần thứ 16 mẹ sẽ cảm nhận được sự chuyển động nhẹ của bé, những chuyển động này có thể chỉ như tiếng bọt khí hay bắp rang ngô. Nếu mẹ không cảm nhận được thì đừng quá lo lắng vì có thể phải tới tuần thứ 20 hoặc hơn mới có thể thấy được “thai máy”.
- Đau lưng dưới: Vào tuần thứ 16 khi thai chưa thật sự to nhưng ở một số mẹ bầu cũng đã bắt đầu cảm thấy đau lưng dưới. Mẹ có thể tắm nước ấm hoặc tắm vòi sen để thư giãn, tập thể dục nhẹ nhàng để giảm đau lưng.
- Chóng mặt: Ở một số mẹ bầu cũng có hiện tượng bị chóng mặt. Chóng mặt là do tác dụng phụ của hormone gây ra sự thay đổi lưu thông máu trong thai kỳ. Mẹ cần thư giãn và tập thể dục nhẹ nhàng giảm hiện tượng này.
- Chảy máu cam: Ở một số bà mẹ cũng có thể bị chảy máu cam. Hiện tượng này khá bình thường nhưng nếu xảy ra quá nhiều và lượng máu lớn thì mẹ cần phải đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Ngực mẹ lớn hơn: Sau tam cá nguyệt đầu tiên thì ngực của mẹ đã có sự thay đổi, lớn dần lên.
- Táo bón: Khi tử cung bắt đầu bị chèn ép gây lên các áp lực cho các cơ quan khác. Ruột bị ảnh hưởng và sự lưu thông đường ruột trở nên tắc nghẽn hơn so với người bình thường. Mẹ có thể bị táo bón.
- Tóc và móng tay dày hơn: Các hormone thai kỳ có thể khiến tóc rụng ít hơn, móng tay cũng dày và dài hơn.
Cơ thể mẹ cũng bắt đầu có sự thay đổi khi bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2
Siêu âm khi thai nhi 16 tuần nên hay không?
Nhiều mẹ bầu băn khoăn không biết thai 16 tuần nặng bao nhiêu, là gái hay trai nên muốn đi siêu âm, xét nghiệm để kiểm tra. Trên thực tế khi thai 3 tháng đầu tiên mẹ đã có thể siêu âm để biết thai có phát triển tốt hay không. Ngoài siêu âm, các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định các vấn đề như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đều xuất các loại vacxin như ho gà để bảo vệ em bé khi mang thai và lúc sinh ra.
Vào tuần 16 của thai kỳ các bác sĩ cũng đã có thể xác định được giới tính của thai. Mẹ có thể nghe được nhịp tim của con rõ hơn và nguy cơ sảy thai giảm xuống dưới 1% sau khi siêu âm thai tuần 16 bình thường.
Những vấn đề mẹ bầu cần quan tâm khi thai 16 tuần tuổi
Theo Medical News Today vào giai đoạn thai nhi 16 tuần tuổi mẹ bầu cần chú ý tới những vấn đề sau:
1. Sức khỏe tổng quát
- Mẹ đã không thể nằm ngửa được nữa và cần nằm nghiêng để máu lưu thông tốt hơn và cũng để máu đến thai tốt hơn. Các vấn đề mỏi lưng cũng xuất hiện vì vậy mẹ có thể sử dụng các dụng cụ như gối ngủ… để giúp dễ chịu hơn.
- Khi mẹ cảm thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe, các cơn ốm nhẹ như sốt, ho hay mệt mỏi hãy nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng dùng các loại thuốc.
- Mẹ cũng bắt đầu ăn nhiều hơn và kiểm soát cân nặng chuẩn để đảm bảo cơ thể không bị thiếu cân hoặc thừa cân, tránh những ảnh hưởng sức khỏe.
2. Dinh dưỡng
- Thực hiện đầy đủ dinh dưỡng với đa dạng các thực phẩm. Thai 16 tuổi bắt đầu phát triển mạnh hơn, mẹ cần một lượng năng lượng nhiều hơn bình thường khoảng 300 calo mỗi ngày(không nên bổ sung nhiều hơn dễ bị dư thừa).
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để cơ thể không có lúc nào bị đói và cũng giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Ăn nhiều rau xanh, củ, quả, các loại hạt để giúp dễ tiêu hóa, tránh được tình trạng táo bón.
- Hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, các loại hải sản có dư lượng thủy ngân quá cao…
Mẹ cần bổ sung đa dạng các món ăn để có được dinh dưỡng đầy đủ
3. Một số vấn đề nguy hiểm cần đi gặp bác sĩ
Khi mẹ bầu phát hiện những dấu hiệu như rỉ ối, chảy máu âm đạo hay đau vùng chậu nghiêm trọng, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, hạ huyết áp… thì cần đi gặp bác sĩ ngay bởi đây là dấu hiệu thai đang gặp nguy hiểm.
Sự phát triển của thai nhi 16 tuần tuổi đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn tam cá nguyệt thứ 1. Các mẹ hãy theo dõi sức khỏe của mình và mọi nghi ngờ về sự bất thường của thai hãy gặp bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân và cách xử lý.