Không phải trí thông minh, đây mới là 3 ưu điểm của trẻ sinh thường so với sinh mổ

Ngọc Linh - Ngày 13/07/2022 09:27 AM (GMT+7)

Nhiều mẹ tin rằng trẻ được sinh thường sẽ thông minh hơn trẻ sinh mổ nhưng thực tế điều này không có cơ sở khoa học.

Chắc hẳn tất cả các mẹ mang bầu đều mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh và thông minh. Nhiều người cho rằng những đứa trẻ được sinh thường sẽ thông minh hơn trẻ sinh mổ. Vậy sự thật ra sao? Trẻ sinh thường có ưu điểm gì so với trẻ sinh mổ?

Trẻ sinh thường thông minh hơn sinh mổ? 

Theo lập luận của nhiều người, trẻ sinh thường thì đầu và não sẽ bị nén lại một chút khi đi qua kênh sinh của mẹ. Điều này sẽ giúp não bé... có nhiều nếp nhăn hơn. 

Tuy nhiên trên thực tế, việc đầu bé bị biến dạng nhẹ khi sinh thường sẽ hồi phục dần sau sinh và không có ảnh hưởng đến trí thông minh của bé vì không làm tăng số lượng tế bào thần kinh hay cải thiện hiệu suất truyền thông tin trong não. Do đó, việc trẻ sinh thường thông minh hơn sinh mổ là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. 

Những yếu tố quyết định trí thông minh của bé bao gồm: di truyền, môi trường sống, quá trình giáo dục lâu dài của cha mẹ, thầy cô và xã hội. 

Nhiều mẹ tin rằng trẻ sinh thường thông minh hơn sinh mổ nhưng thực tế điều này không có cơ sở khoa học. (Ảnh minh họa)

Nhiều mẹ tin rằng trẻ sinh thường thông minh hơn sinh mổ nhưng thực tế điều này không có cơ sở khoa học. (Ảnh minh họa)

Những ưu điểm của trẻ sinh thường so với sinh mổ

Đường hô hấp tốt hơn 

Trên thực tế, trẻ sinh thường có một điểm lợi hơn trẻ sinh mổ chính là đường hô hấp tốt hơn. Khi đứa trẻ đi qua đường sinh sản lồng ngực của bé chịu sức ép nhất định cho nên các dịch trong phổi của trẻ có thể thoát được ra nhiều hơn so với sinh mổ. 

Theo TS.BS Nguyễn Huy Bạo, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Quá trình trẻ sinh bằng đường dưới là một thử thách đầu đời với trẻ. Do đường sinh sản của mẹ hẹp nên thai sẽ phải bình chỉnh để có thể thoát ra ngoài được. Đây thực sự là thử thách sức chịu đựng của đứa bé. Trong quá trình này trẻ sẽ đẩy được dịch nhày trong đường thở ra ngoài giúp cho trẻ nhỏ sẽ hoạt bát hơn một chút”. 

Sức đề kháng tốt hơn 

Trẻ sinh thường chui qua tầng sinh môn của người mẹ, tiếp xúc với những lợi khuẩn nên khả năng miễn dịch cao hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp. Đặc biệt, vì trẻ nhờ vào sức mạnh của mình để chui ra ngoài nên sức đề kháng của chúng cũng vượt trội hơn hẳn.

Trong khi đó, trẻ sinh mổ phải nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, chúng có nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cao hơn, dễ mắc bệnh hen suyễn.

Trẻ sinh thường được đánh giá là có sức đề kháng tốt hơn trong những ngày đầu đời. (Ảnh minh họa)

Trẻ sinh thường được đánh giá là có sức đề kháng tốt hơn trong những ngày đầu đời. (Ảnh minh họa)

Cảm giác an toàn

Trong quá trình sinh thường, trẻ có sự chuẩn bị từ trong bụng mẹ cho việc chào đời. Người mẹ cũng tích cực rặn để bé chào đời thuận lợi. Việc cố gắng chui ra ngoài bằng chính sức lực của mình sẽ khiến trẻ thích nghi nhanh khi chào đời.

Ngược lại, nếu là sinh mổ, người mẹ sẽ được gây tê, bác sĩ mổ lấy trẻ ra ngoài. Việc thay đổi đột ngột từ môi trường yên tĩnh trong bụng mẹ sang một nơi xa lạ, ồn ào là một quá trình đáng sợ, trẻ không thể thích nghi kịp.

Một số chuyên gia nói rằng, sự sợ hãi mà em bé nhận được khi sinh mổ có thể kéo dài trong một thời gian. Đôi khi có một số tiếng động nhẹ cũng có thể khiến trẻ giật mình, run rẩy theo bản năng trong giấc ngủ. Điều này cho thấy trẻ sinh mổ có cảm giác an toàn ít hơn so với trẻ sinh thường.

Những trường hợp mẹ bầu nên đẻ mổ? 

Tuy trẻ sinh thường có một vài điểm lợi ban đầu so với trẻ sinh mổ nhưng các bác sĩ không khuyến khích mẹ bầu sinh thường bằng mọi giá mà nên nghe theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo bé chào đời an toàn. Những trường hợp dưới đây mẹ thường sẽ buộc phải sinh mổ: 

Thai nhi quá lớn

Thai nhi quá mức cân nặng chuẩn sẽ rất khó để đi qua khung xương chậu của mẹ khi chào đời, đặc biệt với những em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp này, mẹ thường được chỉ định đẻ mổ.

Khung xương chậu của mẹ nhỏ

Một số mẹ bầu  với khung xương chậu quá nhỏ sẽ không đủ không gian để thai nhi chui qua đó nên sẽ được chỉ định đẻ mổ.

Khi khám thai những tuần cuối, bác sĩ đã có thể xác định thai phụ có phải đẻ mổ hay không. (Ảnh minh họa)

Khi khám thai những tuần cuối, bác sĩ đã có thể xác định thai phụ có phải đẻ mổ hay không. (Ảnh minh họa)

Thai nhi ngôi ngược

Thông thường vị trí của thai nhi những tuần cuối thai kỳ là đầu quay xuống dưới, mặt úp vào phía trong bụng mẹ, tuy nhiên nhiều bé đến tận ngày sinh vẫn không chịu quay đầu, thậm chí là ngôi thai ngang gây khó khăn cho quá trình sinh thường. Những trường hợp bất thường ngôi thai thường phải đẻ mổ.

Mẹ bị cao huyết áp

Mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ, mắc hội chứng phù nề… sẽ khiến thai nhi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy từ nhau thai… Những trường hợp này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và thường sẽ được đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

Cổ tử cung không thể mở

Trong nhiều trường hợp, mức độ co rút tử cung của mẹ yếu, cổ tử cung không thể giãn nở đủ để bé đi ra nên sẽ phải sinh mổ.

Có dấu hiệu sinh non

Mẹ có dấu hiệu sinh non hoặc có vấn đề gì trong thai kỳ cần được đưa thai nhi ra gấp khỏi cơ thể mẹ cũng phải chọn phương pháp đẻ mổ. Trẻ dưới 36 tuần tuổi sẽ khó có thể chịu được áp lực từ việc sinh nở tự nhiên.

Mẹ có vấn đề về nhau thai

Những mẹ bầu có vấn đề về nhau thai như nhau thai bị tách, nhau thai thấp cũng được đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Chồng 2 lần từ chối cho vợ sinh mổ, đến khi con mất đòi bệnh viện đền 7 tỉ
Bác sĩ đã hai lần đề nghị sinh mổ cho sản phụ nhưng người chồng từ chối giấy cam kết.

Tin tức mẹ bầu

Theo Ngọc Linh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con