Sau 9 ngày nằm viện điều trị, sức khoẻ 2 mẹ con phục hồi đáng kể. Trải qua lần đi đẻ nguy hiểm như vậy, tâm trạng của chị Anh rất hoang mang, lo lắng.
Vừa mới được ra viện về nhà ở cữ, sản phụ Phạm Thị Ngọc Ánh, 23 tuổi ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn không sao quên được ngày đi đẻ “bất đắc dĩ” và đầy nguy hiểm của mình.
Theo chị Ánh chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn từ năm 2018. Sau 5 năm đám cưới, họ đã có với nhau 1 con gái 3 tuổi. Đây là lần mang thai con thứ 2 của vợ chồng chị.
Ca phẫu thuật đã đón được một bé trai nặng 2500gram, khóc yếu, phản xạ yếu, suy hô hấp sơ sinh, được bác sĩ sơ sinh đón, hồi sức tích cực. (Ảnh: NVCC)
Khi mang bầu, chị Ánh bị nghén suốt 3 tháng đầu. Do nghén nặng nên chị không ăn uống được, cơ thể mệt mỏi, cả ngày chỉ nôn ọe và bị tụt cân. Hết ốm nghén, mẹ bầu bắt đầu ăn uống bình thường. Chị cũng bổ sung thêm sắt, canxi và kiêng những thứ có hại cho mẹ bầu.
Khi thai kỳ bước sang 38 tuần 1 ngày thì nhà chị Ánh bị mất điện. Do nắng nóng, nhà mất điện nên anh xã chị cùng mấy anh em làm cùng rủ nhau đi đánh cá. Trong quá trình đó thì có gặp nhiều ổ trứng cò làm tổ trên cây. Vì thế mọi người mới nhặt về luộc ăn.
“Em nhớ hôm đó là chiều 1/6. Khi cả nhà luộc lên, biết đồ lạ nên lúc đầu em không dám ăn. Mọi người ăn khen ngon bảo cứ ăn đi không sao thì em có ăn nửa quả (quả trứng to hơn quả trứng cút 1 chút)”, chị Ánh kể lại.
Sau khi vừa ăn được 1 tiếng đồng hồ, chị Ánh thấy người bắt đầu ngứa nhưng không nổi mẩn. Ban đầu mẹ bầu chỉ nghĩ chắc là do có bầu trời nắng nóng nên ngứa. Vì thế chị mới đi tắm cho mát xem có đỡ không.
Nhưng sau khi tắm xong, tình trạng ngứa ngáy không thấy đỡ mà càng ngày càng ngứa khắp người lên cả mặt.
“Mẹ em có hỏi ăn gì lạ không, lúc đấy em mới nhớ ra là có ăn trứng cò. Từ lúc ngứa tầm 30 phút, em bắt đầu thấy bụng mình gò cứng lên và đau bụng, sau đó thì em thấy người mệt và tức ngực khó thở. Lúc đấy em mới đi viện cấp cứu. Cũng may, từ nhà lên đến viện mất 10 phút”, chị Ánh nói.
Lên đến viện, chị Ánh được tiếp nhận cấp cứu luôn, các bác sĩ có sơ cứu tiêm thuốc dị ứng và gọi bác sĩ trên khoa sản xuống. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi đã kích hoạt báo động đỏ trong toàn viện, xử trí các biện pháp hồi sức tích cực, bóp bóng qua ống nội khí quản, truyền dịch cấp cứu cho mẹ bầu.
“Qua hội chẩn toàn viện, các bác sĩ kết luận em bị sốc phản vệ độ 2, suy thai cấp, được chuyển ngay đến phòng mổ chỉ định mổ cấp cứu lấy thai ngay để bảo toàn tính mạng cho hai mẹ con. Lúc đấy toàn thân em bắt đầu đầu tím tái, lơ mơ và nôn. Bác sĩ nói phần trăm cứu được 50/50 và cũng có trường hợp chỉ cứu được mẹ không cứu được con”, chị Ánh nhớ lại.
Theo sản phụ Ánh cho biết, rất may mắn là trong 6 phút, đội ngũ y bác sĩ đã mổ kịp thời lấy em bé ra ngoài dù lúc đưa ra bé khóc yếu, suy hô hấp sơ sinh phải đưa xuống phòng chăm sóc đặc biệt.
“Còn em sau khi xử lý vết mổ xong được đưa về phòng hồi sức tích cực lúc đấy cơ thể mặt mũi em tím đen và người không ngừng giật. Sau ca mổ được 2 tiếng thì em tỉnh.
Hai mẹ con em nằm khác khoa nhau, sau khi đẻ được 6 ngày lúc đấy em bé đã khoẻ hơn, ăn được sữa thì bác sĩ mới bắt đầu cho 2 mẹ con ghép nhau. Trong thời gian ghép mẹ, bé ăn uống bình thường nhưng bị vàng da nên phải chiếu đèn 2 ngày, sau khi chiếu đèn 2 ngày bác sĩ cho đi kiểm tra xét nghiệm lại, thấy mọi thứ bình thường thì cho 2 mẹ con ra viện”, mẹ bỉm sau sinh nhớ lại ngày đi đẻ kinh hoàng đầy nguy hiểm.
Sau 9 ngày nằm viện điều trị, sức khoẻ 2 mẹ con phục hồi đáng kể. (Ảnh minh họa)
Sau 9 ngày nằm viện điều trị, sức khoẻ 2 mẹ con chị Ánh phục hồi đáng kể. Trải qua lần đi đẻ nguy hiểm như vậy, tâm trạng của chị Ánh rất hoang mang, lo lắng. Cũng may cuối cùng 2 mẹ con sản phụ cũng an toàn, nếu không chị Ánh sẽ hối hận cả đời.
Trải qua những ngày đi đẻ bất đắc dĩ, nguy hiểm đến tính mạng, sản phụ mới sinh này cũng khuyên các mẹ bầu khác: “Trong quá trình mang thai 9 tháng 10 vất vả, khi ăn uống hàng ngày, mẹ bầu cần cố tránh ăn những đồ ăn thức uống lạ để tránh phải đối mặt với những rủi ro nguy hiểm như em vừa trải qua”, mẹ bỉm nói.