Mẹ bỉm sữa kể chuyện thai kỳ bị dây rốn bám màng, sinh xong thót tim vì mãi không nghe tiếng con khóc

Thảo Nguyên - Ngày 30/04/2023 09:00 AM (GMT+7)

Mang bầu vào đúng thời điểm dịch Covid -19 nên cả thai kỳ mẹ bầu ở suốt trong nhà, hôm đi đẻ thì hoảng sợ khi con gặp chút sự cố.

Xuất hiện tại chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”, Ngô Quỳnh Trang - một beauty blogger Việt đã một lần kể hết hành trình mang bầu, sinh con và sau sinh của mình. Hiện cô nàng đang sống cùng chồng và con trai nhỏ tên Chum, 18 tháng tuổi.

Theo nàng beauty blogger Việt này kể lại, vào khoảng 27 tháng trước khi vợ chồng cô đang đi shopping ở một trung tâm thương mại thì bỗng nhiên cô thấy người nôn nao. Cộng thêm dấu hiệu chậm kinh nên cô nàng quay sang bảo với chồng hình như “dính bầu”.

Vợ chồng Trang bên con trai mới sinh.

Vợ chồng Trang bên con trai mới sinh. 

“Vợ chồng em yêu nhau đã 8 năm nhưng còn mải công việc nên chưa có ý định sinh con. Vì thế hôm ấy, chồng em đã mua luôn 8 que thử thai tại đây nhưng phải chờ đến sáng sớm hôm sau test cho chuẩn. Sáng hôm sau, em test thì vẫn 1 vạch. Hôm sau thử lại thì đã có 2 vạch rồi. Vợ chồng cứ nhìn nhau cười khành khạch vì không hiểu sao lại dính bầu”, Trang kể lại.

10 ngày sau khi biết tin có bầu, vợ chồng Trang đi khám thai. Bác sĩ bảo em bé được 5 tuần. Lúc ấy cả hai mới cầm phim siêu âm về để thông báo với ông bà 2 bên. Do mang thai vào tháng 1/2021 khi cả Sài Gòn chuẩn bị bước vào thời kỳ giãn cách do đỉnh điểm Covid tăng cao nên cả thai kỳ bà bầu này không dám ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi thai nhi ở tháng thứ 6, Trang mới đi khám thai thì phát hiện ra tình trạng dây rốn bám màng. Bác sĩ nói đây là hiện tượng hiếm chỉ gặp 1% bà bầu gặp phải. Do đó, mẹ bầu phải tích cực bổ sung dinh dưỡng và khám tái định kỳ.

“Theo bác sĩ giải thích dây rốn bám màng là khi dây rốn của thai nhi chèn bất thường vào rìa của bánh nhau dọc theo màng nhau - ối, khiến các mạch máu của thai nhi phải hoạt động mà không có sự bảo vệ của nhau thai cho đến khi chúng kết nối với nhau tại dây rốn. Hiện bác sĩ nói vẫn chưa có giải thích rõ ràng vì sao lại xảy ra tình trạng này nhưng mức độ ảnh hưởng của chúng chỉ có thể làm tổn thương thai nhi ở mức rất thấp dù tình trạng dây rốn bất thường này làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ sơ sinh khi ra đời cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt”, Trang chia sẻ.

Dù bị dây rốn bám màng nhưng Trang luôn cố gắng suy nghĩ tích cực nhất.

Dù bị dây rốn bám màng nhưng Trang luôn cố gắng suy nghĩ tích cực nhất.

Nghe lời bác sĩ, mẹ bầu đã rất thích cực ăn uống để tăng cân đều đặn mỗi tháng 2kg nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cho em bé trong bụng. Cũng từ khi bị dây rốn bám màng, cô không dám chia sẻ bất cứ chuyện gì liên quan đến thai kỳ và em bé lên facebook cá nhân, dừng mọi hoạt động xã hội.

Cả ngày của cô chỉ quanh quẩn ăn nằm rồi lên youtue xem các ca khi bị dây rốn bám màng, cố gắng giữ bản thân có suy nghĩ tích cực nhất cho em bé trong bụng nhanh được cải thiện.

Trước ngày dự sinh 10 ngày, Trang cũng không ngủ được và cả đêm nằm chơi game. 5 sáng thì cô nhận thấy có dấu hiệu bị vỡ ối nên vào viện sinh. Dù bệnh viện chỉ cách nhà 10 phút nhưng nước ối rỉ ra hết khiến cô rất ngượng. Đã vậy vào viện sinh thời điểm này, bệnh viện chỉ cho chồng vào theo. Khi anh đi làm các giấy tờ nhập viện thì cô được đẩy về phòng chờ sinh nằm cả tiếng đồng hồ.

Đi sinh đúng vào đợt dịch Covid-19 nên ở viện chỉ có 2 vợ chồng tự chăm nhau.

Đi sinh đúng vào đợt dịch Covid-19 nên ở viện chỉ có 2 vợ chồng tự chăm nhau.

“Từ lúc được lên phòng cho đến lúc sinh của em chỉ 2 tiếng. Bác sĩ vào phòng và ngôi thuận nên được sinh thường. Sinh xong họ không đưa em bé cho mẹ da kề ra, em cũng không nghe thấy tiếng khóc của con. Các bác sĩ phải tích cực tác động 1 lúc mới thấy tiếng em oe oe. Họ đặt vào ngực của mẹ 1 giây rồi lại bế con ra luôn. Bác sĩ nói họ sợ bé nuốt phải dịch xấu nên đưa bé vào khoa dưỡng nhi. Xong các bác sĩ và y tá đi ra khỏi phòng hết để lo cho bé, chỉ còn 2 vợ chồng em ngồi trong phòng khóc. Em còn không dám nhìn vào mắt chồng”, Trang nhớ lại giây phút lo sợ ngày đi sinh.

Sau sinh 2 tiếng được về phòng riêng nên bình tĩnh hơn. Cô bắt đầu nghĩ cách vắt sữa mẹ để gửi cho con được uống sữa non. Tuy nhiên, cô chỉ vắt được 1 chút vì sữa chưa về. Nhưng cứ vắt được ít nào, chồng cô lại mang đi cho các cô y tá nhờ cho con bú giúp. Vì thế từ bất lực với bản thân, mẹ bỉm dần dần vượt qua được áp lực sau sinh và thoải mái hơn khi vắt sữa non nuôi con.

Lúc con sơ sinh được về với bố mẹ, Trang cùng chồng vui lắm cứ ngồi ngóng đợi con về phòng. Ngay khi được gặp con là lúc con bị trớ sữa và đi vệ sinh nặng. Vì thế, vợ chồng trẻ lại xúm xít vụng về thay bỉm, thay khăn trớ sữa cho con. Những cảm giác vụng về làm bố mẹ lần đầu tiên ấy khiến cả 2 vợ chồng cô không bao giờ quên được.

Gia đình hạnh phúc của Trang.

Gia đình hạnh phúc của Trang.

3 ngày sau ra viện may mắn Trang được bố mẹ chồng đến đỡ đần. Tuy nhiên, tháng đầu tiên mọi người bất đồng quan điểm khủng khiếp: "Ông bà nội cứ muốn bế cháu 24/7 vì muốn giữ ấm, không muốn cháu giật mình. Còn con dâu muốn quấn kén cho con tự ngủ. Chỉ khi nhìn thấy cháu ngủ ngoan trong kén ông bà mới yên tâm".

Chia sẻ về hành trình bỉm sữa đầy ắp những kỷ niệm của chính mình, Trangp cảm ơn tới chồng – người đã giúp cô tự tin và thoải mái hơn khi nuôi con. Bên cạnh đó, cô cũng khuyên các mẹ bỉm sữa khác luôn vui khỏe thì con mới vui khỏe được.

Hiện vợ chồng Trang dự định khi con trai được 3 tuổi sẽ có thêm 1 em bé nữa.

Liêu Hà Trinh bầu 7 tháng tự tin khoe bụng không vết rạn, tập yoga còn được ông xã đồng hành
Để có thai kỳ khỏe mạnh và tốt cho vượt cạn, mới đây Liêu Hà Trinh còn tập thêm những bài tập yoga trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Nhân vật mang bầu

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chat với mẹ bỉm sữa