Mẹ Hà Nội mang thai 37 tuần bị sản giật cực nặng, em bé “chết lâm sàng” được cứu sống ngoạn mục

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/01/2023 15:52 PM (GMT+7)

Các bác sĩ cho rằng, với trường hợp thai phụ bị sản giật nặng, em bé đã “chết lâm sàng” nhưng hiện cả hai mẹ con đều khỏe mạnh là một kỳ tích.

5 ngày sau ca mổ “thập tử nhất sinh”, sản phụ Hoàng Thị Thu Hằng (25 tuổi, ở Hà Nội) đã được chuyển từ khoa Hồi sức tích cực tới khoa Sản (Bệnh viện E) để tiếp tục điều trị, theo dõi. Điều đáng mừng hơn là con trai của Hằng hiện cũng đã thoát khỏi cơn nguy kịch và vẫn đang điều trị ở khoa Nhi bệnh viện này.

Năm trên giường bệnh, Hằng thâm sự rằng đến giờ cô vẫn chưa được gặp con, dù cả hai cùng trong một viện, cách nhau chỉ vài bước chân. Nghĩ lại những gì đã trải qua với mình, người mẹ trẻ vẫn chưa hết bàng hoàng, thậm chí không nghĩ rằng hai mẹ con bước qua được "cửa tử”.

Mặc dù đang mang bầu nhưng cứ đến hẹn lại lên, Hằng tới Viện Huyết học truyền máu định kỳ vì mắc căn bệnh về máu (Beta Thalassmia). Suốt quá trình mang thai, Hằng cũng rất lo lắng, thường xuyên đi khám thai để biết tình trạng sức khỏe của cả mẹ và con.

“Em đi khám chỗ này cảm thấy chưa yên tâm, lại đi khám chỗ khác. Có chỗ bảo em có tăng huyết áp và tư vấn nguy cơ bị tiền sản giật, nhưng đi khám chỗ khác họ lại nói huyết áp bình thường, chính vì thế em mới chủ quan”, Hằng tâm sự.

Bác sĩ Thanh thăm khám cho sản phụ sau 5 ngày cấp cứu vì bị sản giật nguy kịch. (Ảnh: Lê Phương)

Bác sĩ Thanh thăm khám cho sản phụ sau 5 ngày cấp cứu vì bị sản giật nguy kịch. (Ảnh: Lê Phương)

Thứ 7 tuần trước (ngày 6/1/2023), Hằng đến Viện Huyết học để truyền máu định kỳ, khi đó em bé trong bụng đã được 37 tuần. Dự định truyền nốt lần này rồi về chuẩn bị đi sinh con. Thế nhưng khi truyền máu xong, ra đến cổng viện Hằng bỗng chóng mặt, lơ mơ rồi ngất, ngã khụy xuống. “Khi mọi người đưa em vào bệnh viện E cấp cứu, em vẫn lơ mơ rồi sau đó không còn nhớ gì nữa”, Hằng nói.

Ths.BS Ngô Văn Thanh (Khoa Sản, Bệnh viện E) người trực tiếp cấp cứu, mổ cho sản phụ Hằng cho biết, khi vào viện bệnh nhân đang mang thai ở tuần 37, phù toàn thân, huyết áp tăng cao. Với những triệu chứng trên, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sản giật thể nặng, do thai phụ vẫn đang co giật nên các bác sĩ phải lấy ngay một xilanh đưa vào miệng bệnh nhân đề phòng cắn lưỡi.

“Khi đó nghe tim thai tại chỗ đã không còn, các bác sĩ phải cấp cứu ngay lập tức. Chỉ trong vòng 7 phút, huy động các bác sĩ khoa Sản, Huyết học, Cấp cứu hồi sức, khoa Nhi cùng có mặt để mổ cấp cứu ngay, không cần chờ kết quả xét nghiệm”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Tại phòng mổ, chỉ chưa đầy một phút một bé trai đã được lấy ra (nặng 2.4kg), nhưng lúc này da em bé đã nhợt nhạt, dùng mọi cách nhưng không có cử động gì. Theo bác sĩ Thanh, khi đó mọi đã nghĩ em bé mất rồi, nhưng khi bế em bé trên tay có cảm giác còn ấm nên một ê kíp xử lý cho mẹ, một ê kíp khác hồi sức cho cháu bé tại chỗ. Với những nỗ lực và hy vọng “còn nước, còn tát”, 5 phút sau ngón tay cháu bé cử động, có phản xạ sự sống và lập tức được đưa lên phòng hồi sức nhi.

Em bé được cứu sống là một kỳ tích. (Ảnh BSCC)

Em bé được cứu sống là một kỳ tích. (Ảnh BSCC)

“Khi đó tôi đang khâu cho mẹ, rồi thi thoảng lại ngoái sang nhìn xem cháu bé ra sao. Khi các đồng nghiệp nói cháu cử động tay, ọ ọe, có sự sống thì mọi căng thẳng mới được trút bỏ, mọi nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp. Từ khi mẹ cháu vào cấp cứu đến khi kết thúc chỉ trong vòng 15 phút”, bác sĩ Thanh kể lại.

Theo bác sĩ Thanh, việc cứu được cả mẹ và em bé trong trường hợp này là một kỳ tích, bởi tỷ lệ thai phụ bị sản giật cứu được con chỉ khoảng 30-35%, trong khi nguy cơ tử vong với mẹ cũng lên tới 25-30%. “Thai phụ bị tiền sản giật hàng năm các bệnh viện chuyên khoa sản và các khoa sản mổ nhiều, nhưng sản giật thì ít gặp. Cá nhân tôi từ năm 2015 đến nay mới gặp 2 ca sản giật như vậy”, bác sĩ Thanh cho hay.

Bác sĩ Thanh cảnh báo, thai phụ bị sản giật là cực nguy hiểm, dễ khiến bà mẹ cắn vào lưỡi, bị bít đường thở hoặc rau bong non dẫn tới thai lưu. Không chỉ có vậy, sản giật còn khiến người mẹ bị tổn thương tế bào thần kinh, dẫn tới vùng mắt tổn thương, các cơ quan khác gan cũng  bị tổn thương. Do vậy, bác sĩ Thanh khuyến cáo, việc quản lý thai kỳ khi mang thai là rất quan trọng để tránh bị tiền sản giật hoặc sản giật, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp hoặc có bệnh lý nền khi mang thai.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Sản phụ nguy kịch do tiền sản giật nặng: Mẹ bầu nào dễ gặp bệnh lý nguy hiểm này?
Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên...

Tiền sản giật 

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ