Nguy cơ tiền sản giật khi thai phụ bị máu nhiễm mỡ, làm gì để ngăn ngừa?

Ngày 22/11/2022 21:00 PM (GMT+7)

Máu nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay. Bệnh không chỉ gặp ở độ tuổi trung niên mà ngày càng có nguy cơ trẻ hóa, thậm chí phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Máu nhiễm mỡ hay tình trạng tăng cholesterol khi mang thai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng tiền sản giật. Một lối sống khoa học, lành mạnh cùng một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp phòng ngừa căn bệnh này.

1. Máu nhiễm mỡ khi mang thai có đáng lo?

Những thay đổi nội tiết tố mà phụ nữ trải qua trong suốt chu kỳ sinh sản của họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự khởi phát những bệnh lý tim mạch. Ví dụ, estrogen có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch khiến phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi nồng độ estrogen của họ giảm một cách tự nhiên trong thời kỳ mãn kinh. Ngược lại, khi mang thai, mức cholesterol bắt đầu tăng trong ba tháng giữa thai kỳ để hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, sau đó giảm xuống trong thời kỳ hậu sản.

Đối với nhiều phụ nữ mang thai, mức cholesterol tăng tạm thời này không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, những phụ nữ có lượng cholesterol cao trước khi mang thai sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch lâu dài cao hơn. Khi mang thai, cholesterol cao làm tăng nguy cơ tiền sản giật, một tình trạng nguy hiểm xảy ra trong ba tháng giữa thai kỳ hoặc ba tháng cuối thai kỳ và được đặc trưng bởi tăng huyết áp. 

Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ và bé. Mức độ cao của lipoprotein tỷ trọng thấp, hoặc cholesterol LDL và chất béo trung tính tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiền sản giật và tăng huyết áp khi mang thai.

Khi mang thai cholesterol cao làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Ảnh minh họa

Khi mang thai cholesterol cao làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Ảnh minh họa

Mỡ máu cao khi mang thai cũng là một trong những lý do dẫn đến nhiễm độc máu, rất nguy hiểm đối với thai phụ. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến động kinh, sản giật, thậm chí là tử vong.

Ngoài các biến chứng nêu trên thì máu nhiễm mỡ máu khi mang thai còn có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm gan… Bên cạnh đó, mẹ bầu mắc bệnh mỡ máu cao còn có khả năng di truyền cho con, khiến bé sinh ra gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn.

Để xác định thai phụ có bị máu nhiễm mỡ không, các bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên bốn tiêu chí cụ thể, đó là:

Nồng độ LDL (cholesterol xấu) lớn hơn 160mg/dL

HDL (cholesterol tốt) dưới 40mg/dL

Triglycerid lớn hơn 150mg/dL

Cholesterol toàn phần cao hơn 200mg/dL.

2. Nguyên nhân gây tình trạng máu nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai

2.1 Ít vận động

Khi mang thai, nhiều phụ nữ rất cẩn trọng và hạn chế vận động vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này hoàn toàn đúng và có căn cứ khoa học khi lao động nặng nhọc và vận động với cường độ mạnh khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc gây sảy thai.

Tuy nhiên, khi mang thai, thai phụ vẫn cần vận động bằng các bài tập yoga nhẹ nhàng, đi bộ hàng ngày… Điều này không chỉ giúp cho mẹ khỏe, con khỏe mà còn ngăn ngừa tình trạng máu nhiễm mỡ rất hiệu quả. Nếu lười vận động sẽ tạo điều kiện cho mỡ tích tụ trong máu và các bộ phận trong cơ thể do cơ thể không sử dụng năng lượng cho hoạt động.

2.2 Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ

Bên cạnh yếu tố vận động thì chế độ ăn uống trong thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ ở thai phụ. Khi mang thai, không chỉ có sự thay đổi về nội tiết mà cả quá trình tiêu hóa, trao đổi và hấp thu dưỡng chất cũng khác so với người bình thường. Nhiều người có chế độ ăn uống tẩm bổ với những thực phẩm có lượng protein cao hoặc nhiều chất béo sẽ khiến cho tình trạng bị mỡ máu tăng cao hơn ở phụ nữ mang thai.

2.3 Do tâm lý căng thẳng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao khi mang thai chính là do bị căng thẳng. Hầu hết trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi, stress do sự thay đổi của cơ thể cũng như lo lắng cho sự phát triển của đứa trẻ... Tình trạng này cũng khiến việc chuyển hóa chất béo trong cơ thể rối loạn, từ đó gây ra bệnh máu nhiễm mỡ. Vì vậy thai phụ nên sắp xếp chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tâm sự chia sẻ với mọi người để giảm áp lực.

Ngoài ra, tình trạng máu nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai còn có thể do yếu tố di truyền.

3. Cần làm gì để ngăn ngừa máu nhiễm mỡ khi mang thai?

Vận động nhẹ nhàng theo sự chỉ định của bác sĩ

Ít vận động khi mang thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai phụ bị máu nhiễm mỡ. Để ngăn ngừa tình trạng này, phụ nữ mang thai có thể thực hiện những biện pháp vận động như tập yoga, đi bộ… Tập luyện đều đặn, hợp lý sẽ giúp hạn chế cholesterol xấu, cải thiện tâm trạng và tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Vận động nhẹ nhàng giúp hạn chế tình trạng máu nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai.

Vận động nhẹ nhàng giúp hạn chế tình trạng máu nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai.

Có chế độ ăn hợp lý

Quan niệm tẩm bổ, ăn quá nhiều chất khi mang thai cũng nên hạn chế. Thay vào đó, trong thời gian mang bầu, thai phụ nên tăng cường bổ sung rau xanh, củ quả, trái cây tươi vào trong chế độ ăn. Vì đây là những thực phẩm có chứa lượng chất xơ cùng nhiều vitamin cần thiết, tốt cho sự phát triển của em bé. Ngoài ra còn có khả năng hạn chế hấp thụ cholesterol đường ruột, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Những loại rau được khuyên dùng như là đậu, hành tây, nấm hương…

Các loại hoa quả được khuyến khích sử dụng nhiều trong các bữa ăn phụ, đặc biệt là sản phụ bị máu nhiễm mỡ như bưởi, cam, táo, mận, ổi…

Việc bổ sung đủ đạm và chất béo là cần thiết, tuy nhiên nên tránh ăn nhiều vào bữa tối, đặc biệt là tránh hấp thụ quá nhiều vào bữa tối. Hạn chế các loại thịt đỏ như thịt trâu, thịt bò mà nên lựa chọn thịt nạc, thịt gia cầm đã bỏ da. Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ hay cá thu cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bà bầu. Trong cá chứa hàm lượng lớn acid béo omega 3, hỗ trợ hoạt động tim mạch, trí não mà không làm tăng nguy cơ tăng mỡ máu trong thai kỳ.

Giữ tâm trạng thoải mái

Tâm trạng thoải mái, vui vẻ là biện pháp tuyệt vời giúp mẹ bầu ngăn chặn bệnh mỡ nhiễm máu. Để giảm thiểu stress, lo lắng, mẹ có thể nghe nhạc thường xuyên, đọc sách mỗi ngày…

Hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ khi mang thai nếu thai phụ thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ.

Sản phụ Cần Thơ sinh 3 bị biến chứng tiền sản giật và ca mổ cấp cứu 40 phút ngàn cân treo sợi tóc
Sau 40 phút, ca phẫu thuật thành công, 3 em bé chào đời gồm 2 bé trai và 1 bé gái có cân nặng lần lượt là 1.640 gram, 1.660 gram và 1.620 gram.

Sinh non

ThS.BS Nguyễn Thúy Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiền sản giật