Một phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị sinh con tại nhà và được người nhà lấy tro bếp bôi vào rốn trẻ sơ sinh, khiến bệnh nhi bị uốn ván nhập viện.
Bác sĩ Trần Vĩnh Hoàng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, sau hơn 1 tháng nhập viện điều trị, con của chị Hồ Thị M. (sinh năm 1994, trú tại thôn Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) đã qua cơn nguy kịch và chuẩn bị làm thủ tục để ra viện.
Chị M. sinh con tại nhà, dùng dao lam cắt rốn rồi lấy tro bếp bôi vào rốn bé liên tục 3 ngày. Sau đó, trẻ cứng miệng, khó bú và co giật.
Bé được đưa vào cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa và chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng nguy kịch.
Con của chị M. dần ổn định sức khỏe.
Tại đây, bệnh nhi được thở máy, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch và truyền thuốc an thần liên tục qua bơm tiêm điện kéo dài gần 1 tháng. Hiện sức khỏe bé ổn định, không để lại biến chứng và di chứng.
Theo các chuyên gia, sinh con tại nhà rất nhiều nguy cơ khiến nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Khi sinh tại nhà, bánh nhau cũng xổ ra ngoài, tiếp xúc với môi trường có thể làm vi trùng sinh sôi, đưa ngược vào dây rốn gây nhiễm khuẩn cho bé, rất nguy hiểm.
Bản thân cơ địa bé sơ sinh, sinh non miễn dịch chưa đầy đủ nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi sinh tại bệnh viện, trong vòng 24 giờ đầu, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm ngừa vitamin K1 phòng ngừa xuất huyết não, màng não và viêm gan B...
Bên cạnh đó, thông thường sản phụ sinh thường được giữ lại cơ sở y tế để theo dõi ba ngày và năm ngày đối với sinh mổ. Sở dĩ mẹ và bé cần được theo dõi trong vòng vài ngày vì trẻ sơ sinh chuyển từ đời sống trong tử cung ra ngoài có thể gặp phải nhiều biến chứng sau cuộc sinh mà không lường trước được.
Chính vì vậy, thai phụ cần đi khám thai định kỳ , dự đoán được ngày sinh để được tư vấn đầy đủ nhằm chuẩn bị cho cuộc sinh mẹ tròn con vuông.