Sau khi nhập viện, sản phụ đồng ý cho bác sĩ khâu vết rách tầng sinh môn nhưng với điều kiện không dùng thuốc tê.
Thông tin từ bệnh viện Từ Dũ, ngày 10/2 vừa qua, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp sản phụ sinh con thuận tự nhiên tại nhà, được gia đình đưa đến cấp cứu nhưng kiên quyết không tiếp nhận điều trị.
Theo đó, sản phụ sống tại quận 5 (TP.HCM) đã tự sinh một bé gái tại nhà vào chiều ngày 10/2. 5 giờ sau khi sinh, gia đình gọi cấp cứu 115 nhờ cắt rốn cho bé. Tổ y bác sĩ cấp cứu đến nhà, truyền dịch cho sản phụ và chuyển hai mẹ con vào Bệnh viện Từ Dũ.
Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết sản phụ nhập viện trong đêm với tình trạng thiếu máu nặng, em bé chưa được cắt rốn. Nhân viên y tế phải thuyết phục nhiều lần sản phụ mới đồng ý khâu vết rách khá rộng ở tầng sinh môn với yêu cầu "không được chích thuốc tê". Sản phụ được truyền dịch và tiêm thuốc co hồi tử cung, khâu tầng sinh môn trong tình trạng không gây tê.
Sản phụ tự sinh con tại nhà được gia đình cho nhập viện nhưng không đồng ý các bác sĩ can thiệp điều trị. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên sau một mũi khâu, sản phụ không chịu được đau nên đã đồng ý cho gây tê tại chỗ. Xét nghiệm cho thấy sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng... Chị vẫn kiên quyết ký giấy cam kết "không sử dụng kháng sinh, không truyền máu, không truyền thuốc đề phòng đờ tử cung và chấp nhận tất cả các hậu quả".
Ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp thuyết phục gia đình cho phép các bác sĩ can thiệp y tế cho hai mẹ con. Chồng và mẹ sản phụ đồng ý cách xử lý của bệnh viện trong khi sản phụ vẫn tiếp tục từ chối. Tại phòng theo dõi hậu sản, sản phụ không đồng ý cho bác sĩ thăm khám và yêu cầu xuất viện cùng với con.
Trưa 11/2, các bác sĩ bệnh viện vẫn đang tiếp tục thuyết phục sản phụ đồng ý các can thiệp y khoa cần thiết.
Đây là lần sinh thứ ba của sản phụ. Hai lần sinh trước đây đều tiến hành tại Bệnh viện Từ Dũ. Lần sinh con thứ 3, chị quyết tự sinh tại nhà vì "rất nhiều người mẹ đã sinh thuận tự nhiên thành công". Chị tìm hiểu phương pháp này qua các trang mạng và tham gia "học về sinh thuận tự nhiên".
Cách đây không lâu, vào ngày 3/1/2020, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng xảy ra trường hợp tương tự. Sản phụ tên L.T.K.P (SN 1987, tạm trú ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Trước đó, chị P. đã có hai con và sinh thường. Lần thứ ba, bệnh nhân tự sinh con tại nhà vào lúc 6 giờ 45 ngày 30-12. Sau khi tự kẹp rốn, gia đình sản phụ đã gọi cấp cứu 115 đến cắt rốn rồi chuyển vào BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lúc 8 giờ 15 cùng ngày.
Trường hợp tương tự xảy ra tại bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng và sản phụ đã tự ý xuất viện.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính của chị P. là hậu sản giờ thứ hai, biến chứng rách tầng sinh môn, theo dõi sót tổ chức buồng tử cung. Riêng em bé thì da hồng, bú tốt, khóc to.
Đáng nói, dù bác sĩ đã khám và giải thích về các vấn đề y tế cần can thiệp như kiểm soát buồng tử cung, khâu tầng sinh môn, thuốc và vaccin cho mẹ và con. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý bất cứ chỉ định nào vì muốn sinh con theo phương pháp sinh "thuận tự nhiên".
Gia đình sau đó đã ký cam kết đề nghị bệnh viện không được can thiệp y tế bất cứ kỹ thuật nào gồm: Không đội mũ cho bé, không tiêm vaccin viêm gan, không tiêm phòng uốn ván, không khâu vết rách tầng sinh môn cho mẹ, không dùng thuốc cho mẹ... Cuối cùng, sản phụ này đã tự ý xuất viện.
Sinh con thuận tự nhiên - trào lưu cực kỳ nguy hiểm Vài năm gần đây, trào lưu "sinh con thuận tự nhiên" xuất hiện và lan truyền khá rộng rãi tại Việt Nam. Dù các bác sĩ, chuyên gia đã nhiều lần khuyến cáo những nguy cơ cho cả mẹ và con khi sinh con tại nhà không có hỗ trợ y tế, nhiều bà mẹ vẫn âm thầm thực hiện. Sinh con tại nhà không có sự giám sát và hỗ trợ của nhân viên y tế có thể làm tăng nguy cơ 5 tai biến sản khoa gồm băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn. Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới đưa ra khuyến cáo về mức độ an toàn chưa được kiểm chứng khi sinh con tự nhiên và cảnh báo những nguy cơ mẹ, bé phải đối mặt nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Bánh nhau chứa đầy máu, vì thế rất dễ nhiễm trùng. Một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn ngừng đập nên không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Nếu không cắt dây rốn cho bé ngay khi chào đời, để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy trong 3 đến 10 ngày, thậm chí 2 tuần theo cách "sinh tự nhiên", sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé. |