Rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược là biến chứng sản khoa rất nặng nề nhưng nhờ được phát hiện sớm mà những sản phụ này đã sinh con thành công.
Sản phụ Phú Thọ bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược vẫn mẹ tròn con vuông ở tuần 38 thai kỳ
Sản phụ N.T.H (27 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ) mang thai lần 3 được gia đình đưa vào nhập viện sinh khi thai nhi được 38 tuần 3 ngày.
Trước đó, tại tháng thứ 7 của thai kỳ, chị H được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm, theo dõi rau cài răng lược. Chị H cũng được các bác sĩ tại bệnh viện tư vấn theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ.
Khi vào viện, sản phụ có tình trạng thiếu máu nhẹ, có tiểu máu vi thể (hay còn gọi là đái máu vi thể nghĩa là tiểu ra máu nhưng mắt thường không thể nhận thấy), bệnh chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu và nghi ngờ rau thai đâm xuyên bàng quang. Sau khi có các kết quả xét nghiệm kết hợp hội chẩn chuyên khoa kỹ lưỡng, sản phụ này được chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho sản phụ H.
Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp phẫu thuật lấy thai được nhận định khá phức tạp khi sản phụ H bị tình trạng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược mặt sau đoạn dưới tử cung đến sát thanh mạc, cài mặt trước đến thành bàng quang vô cùng nguy hiểm và không có khả năng bóc rau. Đặc biệt, sản phụ này còn có tiền sử mổ lấy thai 2 lần trước đó. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ dính, khó khăn cho lần phẫu thuật này.
Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3,5kg, sau sinh khóc ngay, phản xạ tốt. Sau khi em bé ra đời, các bác sĩ tiếp tục thực hiện cắt tử cung bán phần và truyền hồng cầu, huyết tương cho sản phụ.
Hiện sau 05 ngày được theo dõi tại bệnh viện, sức khỏe chị H đã ổn định và được xuất viện vào ngày 21/11/2022.
Sức khỏe chị H đã ổn định và được xuất viện.
Sản phụ Hà Nội rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược vẫn sinh con khỏe mạnh ở tuần 37
Ngày 13/9/2022, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cứu sống mẹ con sản phụ L.T.H (SN 1987, Hà Nội) bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược phức tạp.
Trước đó, sản phụ H. mang thai lần 3 ở tuổi khá cao nên gia đình rất cẩn trọng, khám thai định kỳ. Từ tuần thai 26, sản phụ đi khám sức khỏe định kỳ thì được phát hiện rau tiền đạo trung tâm, đặc biệt sau đó phát hiện thêm rau cài răng lược phức tạp. Vì vậy, chị sản phụ đã đến BV Phụ sản Hà Nội để theo dõi và được các bác sĩ tư vấn hướng chăm sóc phù hợp.
Khi thai được 37 tuần, các bác sĩ chỉ định mổ bắt con để bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Sau phẫu thuật, em bé nặng 2,5kg khỏe mạnh và sản phụ cũng có sức khỏe tốt.
Cứu sống sản phụ Quảng Ninh rau tiền đạo trung tâm kèm rau cài răng lược trên vết mổ đẻ cũ
Ngày 24/1/2022, sản phụ Đ.T.Q (36 tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) có tiền sử mổ lấy thai sinh đôi một lần, mang thai lần 2 ở tuần thứ 36 nhập viện trong tình trạng đau bụng cơn hạ vị, ra máu âm đạo.
Siêu âm cho thấy rau tiền đạo trung tâm bám mặt sau lan ra trước, rau cài răng lược vị trí sát vết mổ lấy thai cũ. Trước đó, sản phụ đã thăm khám thai sản định kỳ và phát hiện rau cài răng lược khi mang thai ở tháng thứ 3.
Bác sĩ theo dõi sức khỏe sản phụ sau phẫu thuật.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán thai 36 tuần, rau tiền đạo trung tâm kèm rau cài răng lược trên vết mổ đẻ cũ. Sản phụ được chỉ định mổ lấy thai, tránh biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và con.
Ngoài ra, sản phụ được cắt bỏ tử cung bán phần thấp, bảo tồn cổ tử cung, buồng trứng, khâu cầm máu. Sau phẫu thuật, sản phụ tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt.
Vì sao rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược lại nguy hiểm với thai phụ?
Theo các bác sĩ rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược là biến chứng sản khoa rất nặng nề, thường gặp trong các trường hợp thai phụ: sinh con nhiều lần, có nạo hút thai (nhất là nạo hút nhiều lần), có khối u chiếm vị trí làm tổ, nhất là có sẹo mổ lấy thai cũ.
Rau cài răng lược là hình thái lâm sàng nghiêm trọng nhất của rau tiền đạo. Theo đó, rau tiền đạo cài răng lược là tình trạng rau bám đoạn dưới tử cung, vị trí mà lớp cơ tử cung mỏng, mạch máu nuôi nghèo nàn nên các gai nhau dễ lan rộng và cắm sâu vào lớp cơ tử cung. Thậm chí, xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột.
Rau cài răng lược khó chẩn đoán trước sinh nên mọi xử trí rất bị động. Nhưng nếu được chẩn đoán sớm và có biện pháp xử trí sẽ hạn chế được nhiều rủi ro cho mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Rau tiền đạo cài răng lược có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ và trẻ sơ sinh, chiếm 7% trong các nguyên nhân tử vong trong và sau mổ liên quan đến tình trạng mất máu. Nhiều trường hợp phải truyền rất nhiều máu, nhiễm khuẩn hậu phẫu, thậm chí phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn mạng sống.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thai phụ được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, làm giảm tỷ lệ mất máu và diễn biến nặng của bệnh.