Vừa chào đời bé trai đã ngưng thở do mẹ chủ quan không đi khám thai đều đặn

Thảo Nguyên - Ngày 02/11/2022 21:00 PM (GMT+7)

Dù biết con bị thoát vị hoành bẩm sinh từ trong bụng mẹ khi ở tuần 27 song do không theo dõi thường xuyên nên bà mẹ này đã mất con ngay khi mới sinh ra.

Các bác sĩ viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa cho biết, một sản phụ mang thai tuần thứ 39 chuyển dạ và nhập viện trong tình trạng sức khỏe bình thường.

Qua thăm khám cho thai phụ, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị thoát vị hoành trái, tiên lượng dè dặt và giải thích cho người nhà các nguy cơ có thể gặp phải sau khi trẻ chào đời.

Sau sinh, bé trai nặng 3,1 kg không khóc, toàn thân tím tái, phải đặt nội khí quản và chuyển khoa Sơ sinh chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên, trước phẫu thuật, bé đã ngừng tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở), sau đó tử vong.

Được biết, mẹ bầu này cho biết đã biết con bị thoát vị hoành bẩm sinh từ tuần 27 nhưng không theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ. Bệnh nhân chỉ đi khám thai 2 lần duy nhất.

Dù biết con bị thoát vị hoành bẩm sinh từ tuần 27 nhưng bà mẹ này không theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ (Ảnh minh họa)

Dù biết con bị thoát vị hoành bẩm sinh từ tuần 27 nhưng bà mẹ này không theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ (Ảnh minh họa)

Thoát vị hoành bẩm sinh - Tỉ lệ sống thấp

Bác sĩ cho biết thoát vị hoành bẩm sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ, các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.

Nguyên nhân gây ra thoát vị hành hiện vẫn chưa rõ. Bệnh có thể gặp với dạng là dị tật duy nhất nhưng cũng có nhiều trường hợp còn có phối hợp với dị tật ở cơ quan khác như tim, não, thận...

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường bị tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường gặp với tỷ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỷ lệ tử vong 30 đến 50%. Trẻ có triệu chứng suy hô hấp ngay sau sinh, khó thở, tím tái, thường thấy ngay từ nhịp thở đầu tiên, bụng lõm, ngực phồng...

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường bị tổn thương phổi nặng nề (Ảnh minh họa)

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường bị tổn thương phổi nặng nề (Ảnh minh họa)

Để phát hiện và xử trí thoát vị hoành sớm, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai phải theo dõi thai kỳ, không được chủ quan. Bởi giai đoạn mang bầu, cơ thể người mẹ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Trong đó, khám thai đúng kế hoạch là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm những dị tật bẩm sinh của thai nhi để điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và duy trì việc này cho đến ngày sinh. Theo đó, các mốc khám thai thai phụ cần chú ý:

Lần khám 1: Thời điểm chậm kinh 7-10 ngày, thai phụ nên đi siêu âm kiểm tra xem thai vào buồng tử cung hay chưa, loại bỏ trường hợp chửa ngoài tử cung.

Lần khám 2: Thời điểm trên 6 tuần tuổi để siêu âm tim thai, sau mốc này, sau 2 tuần thai phụ nên kiểm tra tim thai 1 lần.

Lần khám 3: Thời điểm ở tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, thai phụ nên đi siêu âm đo độ mờ da gáy (biết được các dị tật bẩm sinh) và làm xét nghiệm Double test sàng lọc dị tật.

Lần khám 4: Thời điểm tuần thứ 14 – 16 để kiểm tra sự phát triển của thai, tư vấn các viên uống bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ và em bé.

Lần khám 5: Thời điểm ở tuần thứ 16-20 để siêu âm kiểm tra hình thái mặt, mũi, chân tay xem có bất thường hay không và làm xét nghiệm Tripletest.

Lần khám 6: Thời điểm ở tuần thứ 20 – 24 giúp kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối. Thời điểm này thai phụ cũng có thể tiêm vaccine uốn ván (mũi 1 từ tiêm ở thời điểm từ 22-26 tuần, mũi 2 cách mũi 1 một tháng)

Lần khám 7: Thời điểm ở tuần thứ 24 đến 27 tuần 6 ngày để siêu âm đánh giá trọng lượng thai và nước ối.

Lần khám 8: Thời điểm ở tuần thứ 28: Thai phụ cần làm nghiệm pháp dung nạp đường xem có mắc phải tình trạng tiểu đường thai kỳ hay không; đồng thời tiêm uốn ván mũi 2.

Lần khám 9: Thời điểm ở tuần thứ 32 siêu âm xem ngôi thai, nhau thai, chỉ số nước ối, sau đó 2 tuần kiểm tra lại 1 lần.

Mẹ bầu hôn mê suốt 6-7 tháng vẫn sinh con khỏe mạnh trước sự ngạc nhiên của bác sĩ
Mặc dù bị hôn mê 1 thời gian dài nhưng sản phụ này vẫn sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Điều kỳ diệu hơn là sản phụ sinh con bằng phương pháp đẻ thường.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu