Một nữ sinh viên trẻ ở Đài Loan liên tục bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong nửa năm. Bác sĩ dù đã chữa khỏi nhưng sau một thời gian, cô gái lại quay lại khám. Hóa ra nguyên nhân đến từ bạn trai.
Một nữ sinh viên đại học ở thành phố Cao Hùng bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong nửa năm. Cứ sau 2, 3 tuần cô lại tìm đến phòng khám của bác sĩ Li Jiawen – chuyên gia tiết niệu. Cô gái trẻ cho biết mỗi khi đi vệ sinh đều có cảm giác nóng rát, khó chịu.
Mặc dù bác sĩ Li Jiawen đã điều trị cho cô khỏi nhưng sau một thời gian, nữ bệnh nhân trẻ tuổi lại quay lại. Cô cho biết bản thân vẫn uống nước đủ, vệ sinh sạch sẽ nhưng cứ sau khi quan hệ với bạn trai thì gặp biểu hiện nóng rát khi đi tiểu.
Nữ sinh viên trẻ cứ sau khi quan hệ với bạn trai lại bị nóng rát khi đi vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Sau khi nghe nữ bệnh nhân chia sẻ, bác sĩ Li Jiawen đã yêu cầu cô đưa bạn trai tới. Kiểm tra phát hiện người bạn trai có bao quy đầu quá dài, không chú ý giữ sạch sẽ nên phía trên bao quy đầu có đống chất bẩn, đó là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu của bạn gái.
Người đàn ông nói rằng anh ta đã bị viêm da nhiều lần và đã nghĩ đến việc cắt bao quy đầu. Tuy nhiên, anh ta cảm thấy rất sợ hãi khi nghĩ đến việc đụng dao kéo vào cậu nhỏ nên chần chừ chưa đi khám. Điều này khiến bạn gái rất tức giận vì anh đã khiến cô liên tục điều trị bệnh mãi không khỏi.
Bác sĩ Li Jiawen sau đó cũng động viên và giải thích cho người bạn trai về thủ thuật cắt bao quy đầu hiện tại rất nhanh gọn và an toàn. Người bạn gái cũng khuyến khích anh thực hiện, cuối cùng chàng trai cũng đồng ý làm thủ thuật cắt bao quy đầu và chấm dứt “cơn ác mộng” cho bạn gái sau khi ân ái.
Bác sĩ Li Jiawen giải thích vì bao quy đầu của bạn trai quá dài, tích chất bẩn nên gây nhiễm khuẩn cho bạn gái.
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Thống kê cho thấy những phụ nữ đã lập gia đình có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu ít nhất một lần trong đời. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.
Các triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: buồn tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, có mủ hoặc máu trong nước tiểu. Người bệnh, đặc biệt là phụ nữ, sẽ cảm thấy đau vùng xương mu. Ngoài ra, tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng, các triệu chứng khác nhau sẽ xuất hiện:
- Nếu thận bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể bị sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng
- Nếu bàng quang bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ thấy đau tức (bụng dưới), thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu
- Nếu niệu đạo bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ đi tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn tới nhiễm trùng tiết niệu ở nữ giới. (Ảnh minh họa)
- Giới tính: niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ dễ bệnh hơn nam
- Hoạt động tình dục không an toàn
- Sử dụng các biện pháp tránh thai: phụ nữ sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn
- Đã mãn kinh: sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn
- Bất thường đường tiết niệu: trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao
- Bị tắc nghẽn đường tiểu: sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang
- Bị suy giảm miễn dịch: tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đặt ống thông tiểu: gặp ở những người không thể tự đi tiểu được và phải đặt ống thông để rút nước tiểu ra. Đó có thể là những bệnh nhân đang nằm viện, bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh không kiểm soát được chức năng tiểu tiện và bệnh nhân bị liệt.