Những ngày cận Tết Nguyên đán rất nhiều vụ tai nạn, ngộ độc đáng tiếc xảy ra, mới đây đã có bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tử vong vì uống rượu nhưng không ăn
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm mới tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân N.V.M. (29 tuổi, quê Hưng Yên) bị ngộ độc rượu nặng và đã tử vong.
Qua khai thác bệnh sử được biết, chiều ngày 2/1, M. đi nhậu cùng bạn, sau đó lái xe về nhà ngủ, tối cùng ngày dù được gia đình gọi dậy ăn tối nhưng bệnh nhân không muốn ăn.
Sáng ngày 3/1, khi kiểm tra phát hiện M. đã bất tỉnh, chân tay lạnh, duỗi cứng nên người thân nhanh chóng gọi cấp cứu đưa đi bệnh viện. Tại bệnh viện, đồng tử bệnh nhân đã giãn, hôn mê sâu, đường máu thấp… có chỉ định đặt nội khí quản.
Uống rượu, bia để lại rất nhiều hệ quả tới sức khỏe.
Sau khi chụp cắt lớp vi tính não thấy có tổn thương lan tỏa hai bên và chẩn đoán đột quỵ nên đã chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vào tối 4/1. Thời điểm đó, bệnh nhân đã phải thở máy, nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, tiêu cơ vân nặng, suy thận, tụt huyết áp. Dù được các bác sĩ tích cực điều trị, tuy nhiên bệnh nhân do quá nặng nên đã được gia đình xin về và tử vong sau đó.
TS Nguyên cho biết, tại trung tâm thường xuyên có những ca tử vong do ngộ độc rượu vì uống quá nhiều. Đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ, như dịp Tết Nguyên đán tới đây kỳ nghỉ kéo dài nên việc uống rượu diễn ra triền miên. Đau lòng nhất là có những trường hợp tử vong khi còn rất trẻ.
TS Nguyên cho biết, uống rượu không ăn gì dễ bị hạ đường huyết dẫn đến tử vong.
“Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tử vong sau khi uống rượu, kể cả đối với người khỏe manh, đó là do hạ đường huyết. Ethanol trong rượu gây hạ đường huyết, nếu cơ thể gầy yếu, đường huyết có thể xuống 0 sau khi uống rượu.
Đặc biệt, nhiều thanh niên cho rằng mình khỏe nên khi nhậu chỉ uống không ăn gì, khi về nhà tiếp tục li bì trong giấc ngủ và bỏ bữa. Qua bữa nhiều lần khiến cơ thể tụt đường huyết, tổn thương não rồi tử vong.
Nguyên nhân thứ 2 đó là uống quá nhiều rượu khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, ngừng thở, não thiếu oxy, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim”, TS Nguyên cho hay.
Để tránh tử vong đáng tiếc, TS Nguyên khuyến cáo người dân nên hạn chế bia rượu. Nếu buộc phải nhậu, ngay sau khi về nhà còn tỉnh táo, cố gắng ăn tinh bột như cơm, cháo loãng, sữa có đường, nước hoa quả…
Tàn phế vì chấn thương do pháo tự chế
Vào dịp cuối năm khi Tết Nguyên đán đến cận kề, các bệnh viện liên tiếp nhận các nạn nhân bị chấn thương nặng do pháo nổ, trong đó có pháo tự chế. Điển hình gần đây, bệnh viện Việt Đức nhận 3 ca bị chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Đó là bệnh nhân H.V.Đ. (41 tuổi, ở Hải Phòng) khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến ông Đ. bị chấn thương. Tại bệnh viện qua chụp phim X.quang cho thấy gãy xương các đốt ngón 4,5 tay phải. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 3,4,5, xử lý vết thương phần mềm gan tay, khâu vết thương bìu. Hiện tại, bệnh nhân Đ. đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung.
Một trường hợp khác là cháu N.Q.T. (15 tuổi, ở Hà Nội) cùng bạn chế tạo pháo, trong lúc phát nổ T. bị chấn thương còn bạn may mắn không sao. Ngay sau đó, T. được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và được chuyển lên BV Việt Đức vào 3h00 sáng ngày 8/1.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân gặp nạn do pháp tự chế.
Bác sỹ Đoàn Lê Vinh - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, BV Việt Đức cho biết, qua chụp phim X.quang cho thấy T. bị gãy phức tạp nhiều xương bàn tay trái. Ngoài ra, vùng hàm mặt sưng nề, giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải…
Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 1 đến 4, xử lý da lóc bàn tay và chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương để xử lý chất thương mắt. Từ các trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo tình trạng chế tạo pháo xảy ra nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường nên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có các biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em khi chế tạo, nổ pháo nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Chấn thương nặng vì bình ga phát nổ khi nấu ăn
Mới đây, BV Việt Đức tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng do bình gas phát nổ. Đó là trường hợp của nam bệnh nhân T.V.C. (18 tuổi, ở Thái Nguyên) đa chấn thương do nổ bình gas 12 kg khi đang nấu ăn.
Sau khi tiếp nhận, các bác sỹ đã tiến hành cắt lọc, bơm rửa nhiều lần; lấy dị vật bẩn, tổ chức da, cơ đụng dập; cố định khớp bàn thang 2 bên; đặt dẫn lưu, theo dõi đụng dập phổi do chấn thương áp lực. Ngoài ra, bệnh nhân này còn phải theo dõi về tổn thương phổi và nhiễm trùng.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân H.C.L. (21 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) vào viện ngày 3/1 trong tình trạng dập nát bàn tay trái, búp ngón xẹp băng thấm máu. Bệnh nhân L. cho biết, khi đang ăn lẩu cùng mọi người thì bất ngờ bình gas mini phát nổ. Các bác sỹ đã chỉ định mổ cấp cứu, cắt cụt cẳng tay trái, thay băng, truyền dịch, dùng kháng sinh.
Bệnh nhân bị nổ bị ga đang điều trị tại BV Việt Đức.
Bác sỹ Phan Bá Hải – Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao (BV Việt Đức) cho biết, hiện tại, sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn, bệnh nhân được hồi sức truyền máu, dùng kháng sinh, thay băng và xử lý vết thương. Dự kiến có thể ra viện sau 3-5 ngày phẫu thuật.
Theo các bác sỹ, bình gas phát nổ dễ gây thương tích. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong sử dụng gas, người dân nên tự bảo vệ an toàn của mình và gia đình bằng cách mua bình gas và phụ kiện bình gas (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh gas có uy tín, thường xuyên kiểm tra bình gas ở nhà.
Đối với bình gas mini, cẩn trọng sử dụng bình gas mini có nhãn mác, chỉ sử dụng một lần, sau đó được vứt bỏ vì tái sử dụng không an toàn. Nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp rất khó đánh lửa, phải tốn sức “mồi” nhiều lần mới được thì tốt nhất không nên sử dụng bởi những bếp gas như thế rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ.