Các căn bệnh thường mắc phải trong những đợt nghỉ dài ngày thường liên quan đến việc ăn uống của người dân.
Theo quy định của nhà nước, đợt nghỉ Tết dương lịch năm 2019 sẽ kéo dài trong vòng 4 ngày từ 29/12/2018 đến hết ngày 1/1/2019. Với kỳ nghỉ kéo dài như vậy, nếu không có biện pháp phòng tránh người dân sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm luôn là mối lo trong mỗi đợt nghỉ lễ, tết hay trong mùa lễ hội. Bởi đây là khoảng thời gian người dân tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Vì thế, nếu không chú ý trong khâu chọn và chế biến thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc là rất cao.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo an toàn Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp nghỉ Tết và mùa Lễ hội Xuân 2019.
Để không xảy ra các vụ ngộ độc trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, không nên mua tích trữ thực phẩm Tết quá nhiều, hạn chế sử dụng - lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tích trữ đồ ăn thừa trong tủ lạnh sử dụng nhiều lần vô cùng nguy hiểm.
Ông Phong cũng cho rằng, trong những đợt nghỉ Tết nhiều người dân có thói quen tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Đây là cũng là một nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Theo lý giải của ông Phong, tủ lạnh không phải là bảo bối vì đây không phải tủ đá, chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định.
Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm và dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Viêm đường hô hấp
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong đợt nghỉ Tết Dương lịch 2019 tới đây, không khí lạnh sẽ tràn về khiến nhiệt độ miền Bắc giảm sâu. Với tình hình thời tiết như vậy, các bác sĩ cảnh báo sẽ gây nên nhiều hệ lụy với sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, viêm đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...) là bệnh thường gặp khi trời lạnh. Bệnh có các triệu chứng chủ yếu: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho...Đặc biệt những trẻ có biến chứng viêm phổi thì thường có biểu hiện ho và rút lõm lồng ngực.
Cần đặc biệt chú ý bảo vệ trẻ trong mỗi đợt nghỉ kéo dài.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp, PGS Dũng cho rằng, nên cho trẻ ăn uống đủ chất, ăn nhiều nhóm thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm giúp tăng khả năng đề kháng; giữ ấm cho trẻ; giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ; không nên cho trẻ đến chỗ đông người khi có dịch bệnh... Khi trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa đến các cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Bệnh liên cầu lợn
Liên cầu lợn là căn bệnh luôn được các bác sĩ cảnh báo trong các dịp lễ, tết, mùa lễ hội. Đây là căn bệnh xuất phát từ thói quen ăn tiết canh lợn hoặc ăn các loại thịt lợn chưa được chế biến chín như: nem chua, nem chạo, thịt tái...
Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, khi mắc bệnh liên cầu lợn nguy cơ tử vong rất cao. Trong trường hợp có cứu sống được thì cũng rất tốn kém và để lại nhiều di chứng với người bệnh.
Tiết canh là món ăn tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu lợn rất cao.
Để phòng căn bệnh nguy hiểm này, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...
Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu luôn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt bệnh có nguy cơ gia tăng trong mỗi đợt nghỉ lễ tết dài ngày. Ths. Bs Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các ca ngộ độc rượu nặng ngày Tết chủ yếu là do ngộ độc rượu Methanol.
Nguyên nhân là người dân mùa và sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xuất. Đây là những loại rượu được pha từ cồn công nghiệp khi sử dụng sẽ gây ngộ độc và vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe.
Tình trạng ngộ độc rượu luôn gia tăng trong dịp nghỉ Tết.
Theo BS Nguyên, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể có thể dẫn đến tử vong. Nhiều người tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để hạn chế sử dụng rượu, không còn cách nào khác người dân phải ý thức được tác hại của rượu bia, từ đó hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất. Đặc biệt không sử dụng những lại rượu không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài những vấn đề trên, một số căn bệnh có nguy cơ gia tăng trong dịp nghỉ tết đó là các bệnh về đường tiêu hóa (đầy bụng khó tiêu, táo bón), bệnh về gan do uống rượu nhiều...