Mỗi loại nước đều có vai trò nhất định với cơ thể, nhưng chúng không thể thay thế cho nhau và cần sử dụng một cách khoa học, hợp lý thì mới tốt cho sức khỏe.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong quá trình thăm khám và tư vấn dinh dưỡng, ông được rất nhiều người hỏi: Có thể uống nước canh, nước hoa quả hay nước điện giải thay nước lọc được không? Theo lý giải của nhiều người, việc dùng nước trái cây, nước canh sẽ đạt được 2 mục tiêu đó là vừa uống đủ nước, vừa được cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, như vậy sẽ tốt hơn là uống nước lọc.
Theo quan điểm của bác sĩ Trương Hồng Sơn, mọi người tuyệt đối không nên dùng các loại nước khác thay thế nước lọc. Nước lọc dù không có mùi vị hấp dẫn như nước canh hay nước ép trái cây hoặc nước điện giải nhưng chúng có giá trị rất lớn với cơ thể như giúp thanh lọc, tốt cho tiêu hóa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất…
Nước ép trái cây dù tốt nhưng không thể thay thế được nước lọc. (Ảnh minh họa)
Nước canh hay nước quả cũng vậy, dù có tốt và cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể nhưng không dùng thay thế cho nước lọc. Bác sĩ Sơn phân tích, để làm được một cốc nước ép quả thì phải xay một lượng quả khá lớn, trong khi cơ thể chỉ cần ăn đủ như khuyến nghị của WHO, ăn quá nhiều cũng không hề tốt.
Ví dụ như để có được một cốc nước ép táo hoặc ổi thì cần phải xay nửa kg quả, như vậy là đã vượt mức khuyến nghị. Theo như khuyến nghị, người trưởng thành nên ăn khoảng 3 đơn vị quả, một ngày không nên ăn quá 250 gam. Trẻ em một ngày được ăn không quá 200 gam quả.
Hơn nữa, dưới góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Sơn khuyên mọi người nên ăn trực tiếp các loại quả sẽ tốt hơn là xay hay ép lấy nước uống. Ngoài ra, việc dùng nước ép quả thường sẽ không sử dụng được đa dạng các loại bằng ăn trực tiếp.
Nước canh chỉ có thể bổ sung trong bữa ăn, nếu uống quá nhiều nguy cơ thừa muối rất cao.
Nước canh cũng là loại nước cung cấp lượng vitamin nhất định, bởi trong quá trình nấu, các chất ở trong rau sẽ hòa tan ra nước khá nhiều. Tuy nhiên, việc uống nước canh chỉ thực hiện khi chúng ta ăn cơm, trong khi nhu cầu về nước thì cần suốt cả ngày. Hơn nữa, nước canh thường sẽ chứa hàm lượng muối nhất định, do vậy nếu uống nước canh thay nước lọc, đồng nghĩa với việc lượng muối nạp vào cơ thể khá nhiều.
Riêng với nước điện giải, bác sĩ Sơn cảnh báo không nên tùy tiện sử dụng, người bình thường không cần bổ sung loại nước này. Theo bác sĩ Sơn, chỉ khi cơ thể bị mất nước do chơi thể thao, vận động mạnh, tiêu chảy, nôn ói… thì mới cần bổ sung nước điện giải để giúp cân bằng lượng nước, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Không giống như nước thông thường, nước điện giải có nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể nhưng cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Người dùng có thể gặp một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi uống nước có độ kiềm cao hay cơ thể chưa từng sử dụng trước đó. Tính kiềm quá cao còn có thể ức chế các vi khuẩn có lợi và làm hỏng các axit tự nhiên trong dạ dày. Ngoài ra, độ kiềm trong cơ thể quá cao rất có thể gây ra các bệnh lý ở đường tiêu hóa và da.